Thu nhập cao hơn nhiều lần lúa
Trong giai đoạn 2016 - 2020, Bình Định đã thực hiện chuyển đổi được gần 7.400 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng cạn. Công cuộc chuyển đổi đã mang lại lợi ích lớn cho nông dân, nhất là khi cây trồng cạn mang lại hiệu quả kinh tế tăng từ 4 - 23 triệu đồng/ha so với cây lúa.
Điển hình tại xã Cát Hải, vùng đất ven biển của huyện Phù Cát trước đây do không có hệ thống thủy lợi nên mỗi năm nông dân ở đây chỉ làm được 1 vụ lúa đông xuân, năng suất chỉ 45 tạ/ha. Sau khi người dân phát hiện trên vùng đất Cát Hải có mạch nước ngầm tốt, liền đóng cả ngàn giếng đóng để lấy nước trồng hành và đậu phộng (lạc).
Theo ông Lương Văn Khoa, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Phù Cát, hiện người dân Cát Hải sản xuất cây màu quanh năm, mỗi năm làm đến 3 vụ với công thức: Đậu phộng vụ hè - đậu phộng vụ thu và hành vụ mùa. “Đất đẻ ra tiền quanh năm, nhờ đó mỗi ha đất canh tác cây màu ở Cát Hải bình quân mỗi năm cho nông dân thu nhập từ 200 - 300 triệu đồng. Trước đây, khi còn làm lúa, có nằm mơ nông dân cũng không dám nghĩ đến khoản thu nhập này”, ông Khoa chia sẻ.
Mô hình chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả ở huyện Hoài Ân sang cây bắp (ngô) cũng là điển hình về hiệu quả của chuyển đổi đất lúa. Giai đoạn 2015 - 2020, huyện Hoài Ân đặt mục tiêu mỗi năm phải chuyển 1.200 ha đất trồng lúa sang trồng các loại cây trồng cạn có giá trịnh kinh tế cao nhằm giảm thiểu tiêu tốn nước tưới để đối phó với hạn hán trong bối cảnh ảnh hưởng biến đổi khí hậu.
Xã Ân Phong là địa phương đi đầu trong công cuộc chuyển đổi ở huyện Hoài Ân. Từ năm 2016 đến nay, xã Ân Phong đã chuyển được 1.053 ha diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây màu, trong đó có 733 ha được chuyển sang trồng ngô, hơn 125 ha chuyển sang trồng rau màu các loại và 195 ha trồng cỏ nuôi bò.
“Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã góp phần tiết kiệm nguồn nước tưới trong điều kiện thời tiết liên tục xảy ra hạn hán, hạn chế được rủi ro trong sản xuất, giảm chi phí đầu tư, tăng giá trị nông sản trên đơn vị diện tích đất canh tác, đồng nghĩa nông dân tăng thu nhập, riêng cây ngô cho lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với cây lúa”, ông Võ Duy Tín, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Hoài Ân khẳng định.
“Đòn bẩy” của công tác chuyển đổi
Theo ông Kiều Văn Cang, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Định, ngoài mang lại hiệu quả kinh tế cao, việc chuyển đổi còn phá được thế độc canh cây lúa, luân canh cây trồng, đặc biệt là tiết kiệm được nước tưới, thích ứng với biến đổi khí hậu. Bởi, tất cả các loại cây trồng cạn đều ít có nhu cầu nước tưới hơn cây lúa, trong khi những năm gần đây, do ảnh hưởng biến đổi khí hậu nên trên địa bàn thường xuyên xảy ra hạn hán.
Ngoài ra, chuyển đổi cơ cấu cây trồng còn giúp cải tạo đất, hạn chế sâu bệnh, đặc biệt là làm thay đổi mạnh mẽ nhận thức của nông dân trong hoạch định đầu tư sản xuất.
“Dự báo, trong thời gian tới biến đổi khí hậu sẽ còn diễn biến phức tạp, Bình Định là địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp, hạn hán sẽ xảy ra thường xuyên hơn. Do đó, trong giai đoạn 2021 - 2025, Bình Định sẽ đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn”, ông Cang cho hay.
Để tạo động lực cho công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ trong giai đoạn 2021 - 2025, mới đây, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành chính sách hỗ trợ cho nông dân. Chính sách này sẽ là “đòn bẩy” để nông dân tiếp tục thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ theo hướng tập trung nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất; thực hiện cơ cấu lại ngành trồng trọt theo hướng bền vững, nâng cao giá trị kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích; nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng; góp phần nâng cao thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn và đảm bảo an ninh lương thực.
Theo ông Kiều Văn Cang, hiện nay Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Định đang lập kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng và chuyển đổi cơ cấu mùa vụ từ sản xuất 3 vụ sang còn 2 vụ lúa/năm trong giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời, hướng dẫn nông dân những loại cây trồng được hỗ trợ; điều kiện hỗ trợ giá giống cây trồng cạn thực hiện chuyển đổi trên đất lúa; điều kiện hỗ trợ khi nông dân thực hiện chuyển đổi từ sản xuất 3 vụ sang còn 2 vụ lúa/năm.
“Tổng kinh phí dự kiến thực hiện chính sách hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ giai đoạn 2021 - 2025 của Bình Định là 44,4 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa là hơn 37,4 tỷ đồng; hỗ trợ thực hiện chuyển đổi từ sản xuất 3 vụ sang còn 2 vụ lúa/năm hơn 6,9 tỷ đồng”, ông Kiều Văn Cang cho hay.