Trong khuôn khổ Dự án Khuyến nông Trung ương giai đoạn 2019-2021, năm 2021, Trung tâm Khuyến nông Ninh Thuận tiếp tục triển khai xây dựng mô hình trồng và thâm canh cây ăn trái (bưởi da xanh, táo, mãng cầu dai...) theo hướng VietGAP.
Cụ thể, Trung tâm Khuyến nông Ninh Thuận sẽ tiếp tục thực hiện xây dựng 14 ha mô hình thâm canh cây bưởi da xanh và táo, dự kiến có khoảng 70 hộ tham gia được hưởng lợi.
Cụ thể, gồm các mô hình thâm canh cây bưởi da xanh theo hướng VietGAP tại xã Nhị Hà, huyện Thuận Nam (Bình Thuận) và mô hình tham canh cây táo theo hướng VietGAP tại xã Mỹ Sơn (huyện Ninh Sơn). Tiếp tục chăm sóc năm thứ 2 đối với 31 ha mô hình năm 2020 (trồng mới 11ha; thâm canh 20ha); tiếp tục chăm sóc năm thứ 3 đối với 15 ha mô hình của năm 2019 (trồng mới 11 ha; thâm canh: 4 ha).
Các hộ dân tham gia mô hình phải đáp ứng các yêu cầu và tiêu chí như: Có đất sản xuất nằm trong vùng sản xuất đã lựa chọn, có quy mô phù hợp. Đối với mô hình trồng mới, hộ dân phải có từ 2.000 m2 trở lên. Đối với mô hình thâm canh, vườn cây táo đang trong thời kỳ kinh doanh có độ tuổi từ 3-4 năm trở lên.
Vườn bưởi đang trong thời kỳ kinh doanh có độ tuổi từ 5 năm trở lên, cây sinh trưởng và phát triển bình thường, không sâu bệnh, đang cho thu hoạch nhưng năng suất thấp, chất lượng kém; diện tích tối thiểu 2.000 m2/hộ.
Hộ dân cũng phải có lao động, có khả năng tiếp thu và thực hiện tốt các yêu cầu kỹ thuật của dự án về trồng cây bưởi da xanh, táo theo hướng VietGAP...
Mô hình thâm canh cây ăn quả sẽ góp phần nâng cao nhận thức của nông dân trong việc đầu tư đúng mức và chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây trồng cạn ngắn ngày, sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, ổn định lâu dài.
Các hộ tham gia mô hình được hướng dẫn sử dụng những loại thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục được khuyến cáo phòng trừ các loại sâu bệnh trên từng loại cây trồng; sử dụng phân bón hữu cơ sinh học, hữu cơ vi sinh, hạn chế sử dụng phân vô cơ.
Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”, giúp hạn chế sâu bệnh, hạn chế tồn chất độc hại trong đất và sản phẩm, an toàn cho môi trường. Từ đó, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp, tạo ra giá trị gia tăng so với hàng hóa cùng loại, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống người dân.