| Hotline: 0983.970.780

Chuyển đổi năng lượng quyết định thành công của chống biến đổi khí hậu

Thứ Tư 17/08/2022 , 14:23 (GMT+7)

Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An nhấn mạnh tầm quan trọng của năng lượng tái tạo trong việc thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Tại Hội thảo "Tác động của COP 26 đến chuyển dịch năng lượng theo hướng tăng trưởng xanh", Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An cho biết, nhu cầu năng lượng và điện của Việt Nam những năm tới sẽ tăng nhanh theo tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An phát biểu tại Hội thảo sáng 17/8.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đặng Hoàng An phát biểu tại Hội thảo sáng 17/8.

Theo Thứ trưởng, Việt Nam đã trải qua hơn 20 năm liên tục có tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm từ 5,9 - 7%, kể cả thời kỳ suy giảm kinh tế thế giới 2006 - 2010 và khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. S&P Global Rating vừa nâng xếp hạng mức tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+, triển vọng "Ổn định" và dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam sẽ ở mức 6,9%, cùng xu hướng dài hạn là 6,5 - 7% từ năm 2023. 

"Để đáp ứng đòi hỏi của phát triển kinh tế và mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam đã và đang xây dựng Chương trình chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ tới năm 2050. Những nguồn năng lượng hóa thạch truyền thống sẽ được chuyển dần sang các nguồn năng lượng xanh, sạch, giảm phát thải khí nhà kính, chống biến đổi khí hậu", Thứ trưởng An nói.

Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công thương cho biết, 3 năm gần đây Việt Nam phát triển mạnh năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời và điện gió, với hơn 16,5 GW công suất điện mặt trời được kết nối vào lưới điện quốc gia, gần 4 GW điện gió trên bờ và gần bờ. Nếu tính cả 20,6 GW thuỷ điện, nguồn điện từ năng lượng tái tạo ở Việt Nam hiện chiếm đến 52,2% công suất lắp đặt toàn quốc. 

Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công thương cũng đặt ra 4 mục tiêu cho quá trình chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam. Đó là: Không phát triển thêm các nhà máy điện than mới sau 2030; Tăng tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo; Tiếp cận sớm các công nghệ sử dụng những nguồn năng lượng sơ cấp mới như hydro xanh, amoniac xanh; Cải thiện hạ tầng truyền tải và phân phối hệ thống điện quốc gia để vận hành hợp lý nguồn năng lượng tái tạo ngày càng lớn.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh tới vấn đề quy hoạch nguồn năng lượng. 

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh tới vấn đề quy hoạch nguồn năng lượng. 

Trên cơ sở đảm bảo 2 mục tiêu là đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong trung và dài hạn và khả năng tiếp cận nguồn năng lượng mới với giá hợp lý cho người dân, lãnh đạo Bộ Công thương kêu gọi những chính sách thu hút đầu tư vào cơ sở hạ tầng năng lượng, nhằm tiến tới xây dựng cơ cấu năng lượng tối ưu và bền vững cho đất nước.

"Thành công của quá trình chuyển đổi năng lượng sẽ quyết định sự thành công của việc thực hiện các mục tiêu chống biến đổi khí hậu. Là một trong 5 quốc gia chịu tác động lớn nhất của biến đổi khí hậu, chuyển dịch năng lượng theo hướng phát triển xanh là vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp cho Việt Nam trên con đường xây dựng ngành năng lượng có tính tự chủ cao", ông An nhấn mạnh. 

Là cơ quan đầu mối trong triển khai Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, các mục tiêu phát triển bền vững, Bộ Kế hoạch và Đầu tư gợi mở thêm 5 vấn đề về định hướng phát triển, sử dụng năng lượng tái tạo trong tương lai.

Trong đó, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh tới lộ trình chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, bền vững để vừa đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, vừa đạt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời phù hợp với Quy hoạch tổng thể quốc gia và các quy hoạch trên các ngành, lĩnh vực.

"Quá trình chuyển dịch năng lượng cần giảm tối đa tác động tới các nhóm và đối tượng dễ bị tổn thương, trong đó đặc biệt lưu ý đến tác động của tăng giá điện đối với các hộ gia đình nghèo và việc chuyển đổi, mất việc làm của người lao động trong các ngành, lĩnh vực chẳng hạn từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo", bà Ngọc bày tỏ.

Năng lượng tái tạo ở Việt Nam chủ yếu là điện mặt trời, điện gió...

Năng lượng tái tạo ở Việt Nam chủ yếu là điện mặt trời, điện gió...

Bà Ngọc cũng cho rằng, quá trình chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, bền vững là trách nhiệm của các bên liên quan từ trung ương đến địa phương, các tổ chức xã hội và cộng đồng người dân. Bên cạnh hoàn thiện thể chế, chính sách để thúc đẩy sự tham gia của tư nhân, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư kêu gọi việc nâng cao nhận thức cho cộng đồng. Trong đó, tập trung vào vấn đề sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; hướng đến tiêu dùng xanh, lối sống xanh, sử dụng các sản phẩm/dịch vụ thân thiện với môi trường.

Đóng góp phát thải khí nhà kính của Việt Nam rất nhỏ, chỉ khoảng 0,8% so với tổng lượng phát thải của toàn cầu. Tuy nhiên, Việt Nam lại là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu, và hiện đứng thứ 13 trong số 180 quốc gia theo Chỉ số Rủi ro Khí hậu Toàn cầu Germanwatch giai đoạn 2000-2019.

Để chuyển dịch năng lượng một cách bền vững, Thứ trưởng Ngọc khuyến cáo sự trợ giúp từ các quốc gia phát triển, thông qua những hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật. Song song với đó, là công tác kiểm tra, giám sát để xây dựng lộ trình thay thế, đóng cửa các cơ sở sản xuất ô nhiễm, hạ tầng phát thải nhiều các bon.

Xem thêm
Thông tin đối ngoại về quyền con người trong tình hình mới

Hiện nay, truyền thông về quyền con người, thông tin đối ngoại đã được triển khai mạnh mẽ với sự quan tâm chỉ đạo, tham gia đóng góp của cả hệ thống chính trị.

Số hóa thị trường nông sản thông qua phần mềm AgriDataGo

AgriDatatGo là phần mềm giúp bà con nhanh chóng tiếp cận với thị trường mà sản phẩm hướng tới, cũng như cách thức để sản phẩm đáp ứng các yêu cầu của thị trường đó.

3 hộ dân Làng Nủ viết đơn xin... nhường nhà cho người khác

Thân nhân của 3 hộ dân thôn Làng Nủ viết đơn xin không nhận nhà tái định cư, nhường ngôi nhà khang trang cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn hơn.