
Anh Lê Văn Hồng- Bí thư bản Dấu Cỏ bên tấm bia ghi khu vực phóng xạ ở bản Dấu Cỏ cũ. Ảnh: Dương Đình Tường.
Cặp vợ chồng sống trên khu vực phóng xạ
Ngay từ những năm 80 của thế kỷ trước đã có đoàn cán bộ địa chất Việt Nam và nước ngoài trong quần áo phòng hộ kín mít từ đầu đến chân về bản Dấu Cỏ (xã Đông Cửu, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) để khảo sát, thăm dò các điểm quặng.
Họ đã đào những hào sâu 15 đến 20m và những giếng rộng từ 1,5 đến 2m để lấy mẫu quặng và còn lấy cả ngô, đất, lúa và sắn ở khu vực đó về kiểm nghiệm. Sau đó đoàn cán bộ địa chất đã xác định ở xung quanh khu vực bản có mỏ phóng xạ urani rất độc hại và khuyến cáo các hộ dân sinh sống ở gần đó phải di chuyển khỏi vùng mỏ này. Nhưng việc hình thành khu tái định cư để di dân chỉ được thực hiện xong vào năm 2015 với 21 ngôi nhà để đón 21 hộ người Dao về ở cũng như bố trí ruộng, đất để họ sản xuất.
Cả bản Dấu Cỏ cũ- nơi mà Liên đoàn địa chất xạ hiếm dựng bia đá cảnh báo phóng xạ giờ chỉ còn một cặp vợ chồng sinh sống đó là Triệu Văn Quang- Bàn Thị Lan. Họ sống trong một túp lều mà trời nắng ở trong nhà cũng ngập nắng qua những lỗ thủng trên mái cọ còn trời mưa ở ngoài ướt nhiều thì trong ướt ít. Họ sống như không hề biết có chất phóng xạ ngay bên dưới lòng đất, mạch nước với 2 con bò, 3 con dê, 5 con gà. Do không có xe máy để đi lại nên họ cũng ít khi về nhà ở bản Dấu Cỏ mới (Hạ Thành-PV) nơi cách đó chỉ hơn 2 km.
Lúc tôi đến chị Lan đang nấu thứ cháo sắn bằng một nhúm gạo và một đống sắn cho đàn chó mới đẻ dưới ánh sáng nhấp nháy như con đom đóm của “điện ma” tức điện nước loại nhỏ. Chính anh Lê Văn Hồng-Bí thư bản Dấu Cỏ làm chòi nuôi vịt ở bản cũ, thỉnh thoảng sang chơi vẫn thấy vợ chồng chị ăn cơm độn với sắn như vậy.

Chị Bàn Thị Lan bên nồi canh măng và rau chuôi. Ảnh: Dương Đình Tường.
Anh Hồng cũng là thầy giáo dạy xóa mù chữ cho chị Lan năm nào. Tuy nhiên giờ chữ nghĩa trả lại cho thầy hết nên tôi trò chuyện với chị qua anh Hồng làm phiên dịch giữa tiếng Dao và tiếng Kinh. Bản có khoảng 10 người từ 30 tuổi đến 50 tuổi thuộc diện mù chữ hay tái mù chữ như chị thành ra mọi giao tiếp, làm ăn với thế giới bên ngoài khá khó khăn.
Bê nồi măng nấu với rau chuôi để ăn cùng với cơm trắng, chị cười và giải thích với tôi: “Chồng tôi không thích ăn độn nên từ Tết đến giờ tôi chỉ nấu có 3-4 lần thôi”. Những lúc nông nhàn anh thường đi làm thuê nhưng dạo này cũng ít việc. Không nợ ai, không vay ngân hàng, họ vừa bán 2 con dê được 4 triệu thì đong 2 lần gạo được 20 kg.
“Dân ở đây nghèo, khách quan bởi đất ruộng, đất rừng sản xuất ít, còn chủ quan là bởi không nắm bắt được khoa học kỹ thuật để vận dụng vào sản xuất nên làm lúa thì năng suất thấp, chăn nuôi cũng hay bị thất thoát. Như vừa rồi anh chị bị chết 1 con bò mẹ vì đẻ lưu. So với vợ chồng nghèo nhất bản là ông Bàn Văn Phú- Bàn Thị Sinh thì khó khăn của cặp vợ chồng này cũng giống như hạt thóc với hạt gạo”, anh Hồng lý giải.

Túp lều của vợ chồng chị Bàn Thị Lan-hộ duy nhất còn ở khu vực phóng xạ. Ảnh: Dương Đình Tường.
Trăn trở ở bản mới
Bản Dấu Cỏ mới giờ có 21 hộ thì có 16 hộ nghèo. Trung bình mỗi nhà có 1-2 sào lúa sản xuất mỗi vụ được 2-3 tạ thóc, và chưa nổi 1 ha rừng sản xuất mỗi chu kỳ 6-7 năm khai thác được vài ba chục triệu đồng nên có 4 hộ phải đong gạo mất 5-6 tháng/năm. Lúc nông nhàn, họ rời bản đi làm thuê nhưng công việc rất phập phù.
Ở khu tái định cư trong những ngôi nhà tường gạch vôi, mái fibro được xây cho nhưng lòng họ không được yên mỗi khi trời nổi giông bởi bản là nơi hội tụ của các luồng gió. Những lúc như vậy cả gia đình Bí thư bản phải chúi đầu dưới cái gầm chạn-nơi duy nhất trong nhà có tấm bê tông để tìm sự che chở. Bởi thế mà mới đây anh Hồng quyết tâm bỏ tấm lợp fibro, đổ cái mái bằng cho vợ con đỡ phải sợ mỗi khi vào mùa gió lớn. Nhưng những hộ khác trong bản, kinh tế còn khó khăn thì vẫn phải chấp nhận sống trong những ngôi nhà mái fibro mùa mưa thì sợ bay mất mái, mùa nắng thì nóng hầm hập như một cái lò.
Vợ chồng ông bà Bàn Văn Phú-Bàn Thị Sinh sống trong một ngôi nhà như thế cùng vợ chồng người con trai và ba đứa cháu. Bà lão 78 tuổi thường đi chăn bò với cái áo rách bởi chỉ có 2-3 bộ quần áo, cái rách đi chăn bò, cái lành đi chơi. Trước kia họ ăn ngày ba bữa nhưng nay chỉ còn bữa trưa và tối bởi mấy sào ruộng xấu chỉ cho thu 2-3 tạ lúa mỗi vụ nên phải dè sẻn.

Nhà bà Bàn Thị Sinh phải đong gạo 5-6 tháng/năm. Ảnh: Dương Đình Tường.
Lúc tôi đến là ngày đầu tiên cả nhà phải ăn cháo với măng và rau chuôi- một thứ rau ngăm ngăm đắng giống như rau bồ công anh. Hỏi tại sao, bà Sinh cười móm mém, giơ cái thùng nhựa đựng gạo ra. Ở trong đó còn vỏn vẹn cỡ vài kg. Hôm nay chợ phiên Đông Cửu mà bà cũng chẳng thể đi hay gửi mua được bất cứ thứ gì bởi hai đứa cháu đang làm thuê ở dưới Hà Nội chưa kịp gửi tiền về.
Mấy tháng trước chúng mua cái xe máy cũ trị giá mấy triệu đồng nhưng vẫn chưa trả xong nợ nên cả nhà toàn phải chi tiêu chắt bóp nhất có thể. Mùa chít thì họ đi lên rừng lấy chít về bán, mùa măng thì họ đi lên rừng lấy măng về bán. Mấy năm trước nứa trên rừng đồng loạt bị khuy, ra hoa và chết nên giờ chẳng có mấy măng mà cũng chỉ bán được 7.000-8.000đ/kg.
Ông Phú mới được mổ mắt từ thiện nên nhìn khá rõ nhưng lại nặng tai. Bà Sinh mắt kém đến mức đường cái cũng chỉ thấy mờ mờ, còn đường mòn thì không thấy nên chẳng thể thả bò trên núi được mà chỉ thả quanh trong bản. Có lần người ta phun thuốc trừ cỏ mà bà cũng không biết, tí nữa thì cả bò lẫn người bị ngộ độc. Từ đó bà chỉ thả bò ra sân bóng để tránh thứ hóa chất độc hại kia. Sân bóng cỏ ít, đất nhiều nên cặp bò mẹ con đều gầy trơ cả xương sườn.

Bà Bàn Thị Sinh dắt cặp bò về nhà. Ảnh: Dương Đình Tường.
Con bò mẹ và cái bể nước được bà mua từ số tiền bán đất 400m2 thổ cư ở bản Dấu Cỏ cũ, được vỏn vẹn có 30 triệu đồng. Bởi thế, khi về bản mới tái định cư này bà không được làm bìa đỏ nữa vì cán bộ bảo mỗi hộ chỉ có một bìa đỏ thổ cư, được chỗ này rồi thì thôi chỗ kia. Gia cảnh nhà bà lại càng gieo neo khi thằng con trai sinh ra đã đầu óc không bình thường, trước được hưởng trợ cấp 500.000đ/tháng nay mới tăng lên được 800.000đ/tháng, còn đứa con dâu cũng đầu óc chậm chạp nhưng lại không có chế độ gì. Cả hai vợ chồng cứ sống vô tư như cỏ cây ở trên rừng, trên đồi mà không hề biết buồn.
Đợt này bản Dấu Cỏ có 2 hộ đăng ký xóa nhà gỗ tạm đã xuống cấp sang nhà xây kiên cố theo tiêu chí "ba cứng": mái cứng, tường cứng, nền cứng và đã được chính quyền xét duyệt, chuẩn bị khởi công.