Nghệ thuật tạo hình rối
Nghệ thuật múa rối nước vốn là loại hình nghệ thuật đặc sắc mang đậm bản sắc của người Việt. Để tạo ra được những vở diễn hay một yếu tố hết sức quan trọng là con rối phải có cử động uyển chuyển, linh hoạt và đặc biệt phải có “hồn”, phải đại diện cho một tầng lớp người tiêu biểu trong xã hội. Và người để làm nên những con rối đó phải là người sâu sắc, có hiểu biết và đam mê với loại hình nghệ thuật này.
Con rối gồm hai phần, phần thân – phần hồn là được nổi lên phía trên, có những cử động linh hoạt, phù hợp với nội dung kịch bản. Và phần đế được chìm dưới nước để giữ cho con rối được nổi, được thẳng bằng khi cử động.
Nguyên liệu phổ biến để làm nên những con rối này thường là gỗ sung. Giải thích cho lý do tại sao lại là gỗ sung mà không phải các loại gỗ khác ông Nguyễn Văn Phi (56 tuổi, nghệ nhân tạo hình làng múa rối nước Đào Thục, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội ) cho biết: “Thứ nhất là vì sung ở đây là sung mãnh, sung túc thể hiện cho mong muốn, nguyện vọng của nhân dân. Thứ 2 là vì gỗ sung nhẹ, phơi khô ít thấm nước nên phù hợp với loại hình nghệ thuật này”.
Phần sào gắn vào con rối phải được làm làm bằng tre. Bởi theo quan niệm của nhiều nghệ nhân ở đây, tre sẽ tạo cảm giác quen thuộc, dễ điều khiển. Ngoài ra, tre là loại cây có trong mình cả sự dẻo dai và cứng cáp khi đó sử dụng tre để làm sào sẽ gây được sự cộng hưởng, từ đó dễ dàng điều khiển con rối chứ không cứng nhắc như khi sử dụng sào bằng kim loại.
Hơn nữa, theo ông Phi – nghệ nhân tạo hình rối duy nhất của làng rối Đào Thục: “Có sự gắn bó vô hình giữa người và tre nên ông cha ta mới chọn tre chứ không phải các loại gỗ khác để làm sào. Vì vậy mà tạo hình rối cũng cần có sự hiểu biết sâu sắc về văn hoá. Ai mà bảo thay sào tre bằng sào kim loại là người không biết gì về nghệ thuật truyền thống, về văn hoá…”.
Bản thân những người tạo hình rối phải là những người giữ được cái chất liệu thô sơ, cái nhát đục thô sơ, phải tái hiện được cuộc sống của người Việt. Cũng theo ông Phi: “Rối là một vật thể sống, có hồn, nó khác với tượng. Tượng cần đẹp những rối có thể không cần mà rối phải thể hiện được văn hoá, cái hồn của người Việt”.
Không thể tạo hình rối bằng máy móc hay thiết bị hiện đại bởi máy móc sẽ cho ra những con rối giống hệt nhau. Còn nếu làm thủ công thì sẽ tái hiện được cái “hồn” cái cốt cách của nhân vật. Vì mỗi con rối đại diện cho một người, một lớp người nên theo ông Phi: “Nếu 10 con rối giống nhau cả 10 thì không còn nghệ thuật rối nước dân gian nữa…”.
Phải là người sâu sắc
Không chỉ là một nét sáng tạo, mà cách những người nghệ sĩ “thổi hồn” vào những con rối vô tri chính là sức hút riêng của múa rối nước nói chung và làng nghề Đào Thục nói riêng.
Ngoài nghệ nhân tạo hình thì những nghệ nhân múa rối cũng đóng vai trò hết sức quan trọng. Ông Phi cho biết: “Người ta học trên cạn rồi, nhưng xuống điều khiển con rối bằng gỗ ở dưới nước như thế nào cho ra cái hồn của người, cử động làm sao cho linh hoạt thì lại là cả một sự dày công tập luyện. Mình học nhưng mình không tự thực hiện, mà phải đứng đằng sau mành, điều khiển nhân vật bằng gỗ, thì nó là nghệ thuật cộng hưởng, là sự tinh tế của người nghệ nhân…”.
Khi có ca diễn vào mùa đông, các nghệ nhân múa rối phải ngâm mình dưới nước trong thời tiết 14-15 độ C, phải chịu cái lạnh để tinh hoa văn hoá dân tộc không bị mai một. Bởi vậy, những người nghệ nhân quyết định theo nghề múa rối nước phải là người có đam mê với nghề, phải hy sinh và phải là người sâu sắc.
Những hoạt động nhằm bảo tồn giá trị truyền thống ở phường múa rối nước Đào Thục không đặt nặng mục tiêu về kinh tế, vì vậy phải là những người thực sự đam mê và chấp nhận hy sinh thì mới có thể theo và trụ lại được với nghề.
Những người nghệ nhân đi làm ruộng nhưng có khi khách và được trưởng phường rối gọi về thì lại rửa tay, rửa chân lên biểu diễn. Người dân ở đây nói vui rằng: “Sáng làm nông dân, tối làm nghệ nhân có sai đâu”.
Những nghệ nhân múa rối nước hay những nghệ nhân tạo hình đều phải là những người sâu sắc, có sự hiểu biết về văn hoá về truyền thống dân tộc thì mới có thể thật sự hiểu và yêu nghề. Ngoài ra, theo ông Phi: “Sự sâu sắc của người nghệ nhân thì mới đưa được tâm của người làm vào con rối, từ đó thổi hồn cho con rối, biến nó trở thành những con người, con vật thật sự…”.
Do đặc điểm gắn liền với nền văn minh lúa nước mà những nghệ thuật múa rối nước có liên quan mật thiết đến người dân. Không chỉ trong những vở diễn, người nghệ nhân phải đóng vai là nhân dân để điều khiển con rối bằng cái tâm mà tại Đào Thục 90% nghệ nhân là nông dân.
Những “người thầy” giữ hồn rối
Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị tốt đẹp của nghề múa rối nước mà cha ông để lại, phường múa rối Đào Thục đã tổ chức lớp học dạy múa rối. Các lớp được mở vào tối thứ 7 và chủ nhật hàng tuần. Những “học sinh” của lớp thường có độ tuổi từ 13 đến 16 tuổi, phần lớn đều là con em của người dân trong làng. Và chính những nghệ nhân múa rối ở làng Đào Thục là những người thầy của bộ môn “giữ hồn rối nước” này.
Đặc biệt, các “giáo án” được biên soạn là kết tinh của những giá trị, tinh hoa được đúc kết từ cha ông. Anh Đinh Hoàng Vân, phó phường múa rối Đào Thục cho biết, do ảnh hưởng của chiến tranh, những tinh hoa của phường rối nước đã có thời gian bị mai một. Tuy nhiên, từ 1984 đến năm 2001 làng đã mở lớp dạy đầu tiên. Anh Vân là một trong những thế hệ đầu tiên học nghề từ lớp học ấy.
Vào các buổi học, từng nghệ nhân này luân phiên nhau đứng lớp. Bởi mỗi nghệ nhân lại có một thế mạnh ở mỗi quân khác nhau. “Các nghệ nhân trong phường đều có thể đứng lớp, thế hệ đi trước truyền cho thế hệ sau. Ai có kinh nghiệm ở quân nào thì truyền lại. Một người rất khó có thể truyền đạt tất cả những cái hay, cái đặc sắc cho các cháu. Vì nhiều khi người này diễn quân này rất hay, còn quân kia lại không được hay bằng”, anh Đinh Hoàng Vân, phó phường múa rối Đào Thục chia sẻ.
Do đặc thù của nghệ thuật múa rối nước được chia thành hai phần hoạt động chính: Ở trên cạn - buồng trò và ở dưới mặt nước - nơi luyện tập biểu diễn múa rối. Các em sẽ được phân chia thành từng nhóm, bắt đầu luyện tập theo sự dẫn dắt của “thầy cô” hướng dẫn.
Với những bài thực hành ở dưới nước, các nghệ nhân lành nghề yêu cầu các học viên phải cầm chắc thân con rối. Bởi con rối phải vững, không được nghiêng ngả, thì người điều khiển rối mới diễn để ra cái hồn, cái đặc sắc của nhân vật, câu chuyện mới được truyền tải hấp dẫn. Ngoài ra, các bài học trên cạn được tổ chức đồng thời với các hoạt động dưới sân khấu nước. Đây là những bài học về luyện thanh, luyện thoại và các điệu chèo quen thuộc.
Anh Vân khẳng định: “Nhạc chèo làm sao mà khi biểu diễn phải khớp được cả trên cạn và dưới nước với nhau. Nhiều khi dưới nước ảnh hưởng trên cạn, trên cạn phụ thuộc dưới nước. Hai bên phải cân đối với nhau thì mới có thể làm ra được cái chất của rối nước, có vậy buổi biểu diễn mới hay và thành công được”.