Chuyên gia tim mạch Nguyễn Hoài Nam có học hàm Phó Giáo sư và học vị Tiến sĩ. Gần 40 năm gắn bó với nghề y, chuyên gia tim mạch Nguyễn Hoài Nam không chỉ có những cuốn sách liên quan đến lĩnh vực chuyên môn như “Viết từ bệnh viện”, “Câu chuyện y khoa”, “Cập nhật điều trị bệnh Basedow”, “Điều trị ngoại khoa lồng ngực và tim mạch” hoặc “Phẫu thuật nội soi lồng ngực”, mà ông còn có nhiều cuốn sách văn chương như “Nửa đêm xuống phố”, “Những linh hồn sau cánh cửa”, “Chuyện tình cuối mùa đông”.
Ở tuổi 63, chuyên gia tim mạch Nguyễn Hoài Nam đang đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội Tĩnh mạch TP.HCM và cũng là hội viên Hội Nhà văn TP.HCM. Trong cuốn sách thứ 10 của mình có tên gọi “Bác sĩ phẫu thuật”, chuyên gia tim mạch tự gõ vào trái tim để chia sẻ về nghề nghiệp: “Nhân viên y tế luôn phải tiếp xúc với những vấn đề nhạy cảm nhất của con người, lúc con người bộc lộ sâu sắc sự yếu đuối và bất lực của mình. Bạn có cảm giác gì khi thấy một vị giám đốc oai phong, ngày ngày hét ra lửa, đang ngồi co ro như một đứa trẻ cần che chở, bộ mặt nhăn nhúm vì sợ hãi khi biết mình bị ung thư? Có bao giờ bạn phải ngửi mùi tanh nồng của máu hòa với mùi hôi hám của rượu và thức ăn lên men phát ra từ cái miệng đang ra sức chửi rủa, văng tục chưa? Bạn cảm thấy thế nào khi phải chăm sóc, băng bó cho một người đầy mùi xú uế vì đã bài tiết trong lúc hôn mê?
Bạn nghĩ gì khi phải chịu đựng một người cửa quyền vào cấp cứu trong lúc say đòi gặp ông này bà nọ, đòi đuổi việc bạn vì bạn không trả lời những câu hỏi vớ vẩn của ông ta? Bạn cảm thấy thế nào khi phải vục tay vào một vết thương sâu hoắm hoặc một cặp mắt bị nát bét vì trái nổ không còn một chút hy vọng nào? Bạn đã bao giờ thấy người ta xếp lại từng mảnh da bị cày xới bởi kính xe hơi vỡ trên mặt một người phụ nữ trẻ chưa? Bạn sẽ làm gì khi thấy một người phụ nữ nhập cư quỳ xuống khóc ngất trước phòng săn sóc đặc biệt, khi người ta cho bà biết đứa con thứ hai của bà vừa qua đời sau chị nó một ngày vì tai nạn giao thông?
Nếu bạn vượt qua được hầu hết những thử thách ấy mà không nhăn nhó, hoặc tốt hơn vẫn tươi cười, bạn sẽ được gọi là “từ mẫu”; còn nếu không thì coi chừng, bạn sẽ là người vô lương tâm”.
Tại buổi ra mắt “Bác sĩ phẫu thuật” sáng 14/9, nhiều nhà văn đã trân trong đam mê cầm bút của chuyên gia tim mạch Nguyễn Hoài Nam khi ông bày tỏ “sống có nghĩa là viết”. Ông viết lúc nghỉ ngơi giữa hai ca trực bệnh viện. Ông viết sau giờ giảng dạy ở Trường Đại học Y Dược TP.HCM. Ông viết để ghi lại buồn đời nghề y mà bản thân dự phần tích cực.
Tấm lòng một bác sĩ đúng nghĩa không chỉ loanh quanh với chuyên môn hẹp của mình mà còn biết nhìn xa ra ngoài xã hội. Ông biết suy tư về toàn ngành y của mình với trăn trở khi thấy nước ta đang chảy máu nguồn nhân lực trong ngành y. Tại sao nguồn nhân lực này lại ra đi khỏi các bệnh viện công nhiều đến như vậy? Tác giả đi đến kết luận, là vì thu nhập của các y bác sĩ bệnh viện công quá thấp. Tại ngân sách chi cho y tế quá nhỏ và èo uột, như ông băn khoăn “Tất cả các biện pháp mà chúng ta đề nghị lâu nay như tăng tiền lương, tăng tiền trực, tăng tiền mỗ, tiền khâu vết thương... là rất thỏa đáng, nhưng tiền đâu? Có thể giảm bớt tỷ lệ ngân sách một số ngành đã quá cao đưa cho ngành ngân sách vốn rất thấp nhưng quan trọng như y tế”
Nhà văn Trầm Hương chia sẻ về “Bác sĩ phẫu thuật” chân thành: “Cũng không ít độc giả tỏ vẻ hoài nghi khi đọc tác phẩm văn học của bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, rằng với trải nghiệm một bác sĩ, ông có thể là một nhà văn viết hay nhưng khi dấn sâu vào văn chương, liệu ông có còn là một bác sĩ giỏi? Dính vào văn chương dễ sa đà, lãng mạn, lửng lơ, chân không chạm đất thì làm sao mổ chính xác cho bệnh nhân được? Vì yêu mến ông và cũng vì nỗi lo sợ mất đi một bác sĩ giỏi khi ông làm văn chương, bỏ nghề y. Tôi thì nghĩ khác. Tôi tin vì là một bác sĩ giỏi ông mới viết văn, bởi ngòi bút là một chiếc dao vi phẫu khác để chữa căn bệnh tâm hồn. Đọc sách “Bác sĩ phẫu thuật”, tôi liên tưởng đến nhà văn Lỗ Tấn hơn thế kỷ trước không phải là để so sánh hai nhà văn mà nghĩ về sự đồng cảm, tương đồng bởi tâm bệnh thời nào cũng có, nên cần lắm lưỡi dao vi phẫu tâm hồn”.
Tương tự, nhà văn Bích Ngân đánh giá: “Bởi nhịp tim không đập cho riêng mình đã tạo nên một bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, một nhà văn Nguyễn Hoài Nam. Điều tôi mong muốn nơi bác sĩ - nhà văn Nguyễn Hoài Nam là ông làm sao có thể thu xếp công việc cách nào đó để có thể dành nhiều thời gian hơn cho trang viết đầy ắp nỗi niềm và thân phận con người. Làm sao dần dần công việc “chữa trị” cho thân xác ít đi, để công việc “chữa lành” tâm hồn nhiều hơn”.
Chuyên gia tim mạch Nguyễn Hoài Nam khẳng định, ông sẽ tiếp tục viết để mọi người hiểu ngành y một cách trọn vẹn, để mỗi sinh viên y khoa hiểu rằng họ cần chuẩn bị những gì để làm thầy thuốc đích thực. Trong “Bác sĩ phẫu thuật”, ông hé lộ: “Sau một đêm trực không còn là mình nữa. Nhìn vào gương thấy đầu tóc bù xù, mặt mày phờ phạc, làn da mịn màng được thay thế bằng làn da tai tái, sần sùi, quần áo đầy mồ hôi, có khi còn dính máu. Thèm một giấc ngủ say bữa cơm vội vàng. Dân y nằm đâu ngủ đó, tranh thủ được hai ba tiếng trong một đêm trực. Cơm bệnh nhân thế nào thì cơm bác sĩ trực thế ấy. Nếu không chuẩn bị tinh thần “ăn để sống” mà làm việc thì rất dễ quạu.
Dân y tương đối xuề xòa cũng nhờ ăn ngủ lăn lộn với đau khổ của bệnh nhân. Thử hỏi một người không có lương tâm có thể tồn tại bao lâu với nghề? Bác sĩ còn có thể làm thêm phòng mạch, còn điều dưỡng, hộ lý đa số chỉ sống bằng lương lậu. Lậu đây là một ít tiền dịch vụ, tháng lương phụ bệnh viện cho thêm tùy hỉ, không thắc mắc tiền ấy ở đâu ra, ít hay nhiều, có là quý rồi”.