| Hotline: 0983.970.780

Những kho thóc nhân văn bên dòng Ayun

Thứ Hai 27/01/2025 , 06:00 (GMT+7)

Ở những xã phía đông dòng Ayun, có những câu chuyện đẹp như cổ tích. Những ngày cuối năm, tôi về đây, để được nghe người BahNar kể về những câu chuyện này.

Cả làng mở hội mừng lúa được đưa vào 'Kho thóc tình thương'. Ảnh: Đăng Lâm. 

Cả làng mở hội mừng lúa được đưa vào "Kho thóc tình thương". Ảnh: Đăng Lâm. 

Sáng kiến từ vị anh hùng trận mạc

Người ta biết đến ông, bởi ông là nguồn cảm hứng, là nhân vật chính trong bài hát “Ơi con suối La La” của nhạc sỹ Huy Thục, được phát trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam qua giọng hát trong veo như dòng suối ban mai của ca sỹ Tường Vy. Ông,  Anh hùng Lực lượng vũ trang Bùi Ngọc Đủ.

Thiếu tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang Bùi Ngọc Đủ sinh ngày 1/2/1942 tại xã Quảng Lộc, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Cũng như bao thanh niên khác, ông xung phong nhập ngũ năm 1961, sau đó đi B và được biên chế vào Tiểu đoàn 10, Trung đoàn 821, Sư đoàn 324.

Không thể kể hết những thành tích qua hàng trăm trận đánh mà ông cùng đồng đội tham gia trên chiến trường Tây Nguyên khói lửa này. Sau chiến thắng 30/4/1975, ông được phân công về công tác tại huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai, và định cư hẳn ở đây.

Thời ấy, cuộc sống của người BahNar nơi đây còn muôn vàn khó khăn, nạn đói giáp hạt xảy ra thường xuyên. Từ đó, ông nảy ra sáng kiến thành lập “Kho thóc cựu chiến binh”. Ông cùng một số cán bộ vận động hội viên cựu chiến binh tại địa phương thành lập kho thóc này. Cứ đến mùa thu hoạch, mỗi cựu chiến binh góp 20kg lúa vào kho thóc. Cả huyện lúc bấy giờ có 37 kho thóc, có thời điểm, những kho thóc lên đến gần 100 tấn. Chỉ mấy năm sau đó, với sáng kiến này, huyện Mang Yang đã xóa gần hết số hộ là cựu chiến binh có hoàn cảnh đói nghèo.

Khi đã cơ bản giải quyết nạn đói cho các cựu chiến binh, ông chuyển sang vận động xây dựng “Hũ gạo, kho thóc tình thương” ở hội phụ nữ. Từ 5 xã vùng đông sông Ayun mà đến nay, đã có 8 xã của huyện Mang Yang hưởng ứng phong trào nhân văn này. Đã qua 13 năm, phong trào “Hũ gạo, kho thóc tình thương” của chị em phụ nữ vẫn luôn phát triển. Hiện tại đã có 27 kho với gần 60 tấn, luôn sẵn sàng giúp những gia đình nghèo khó.

Chị Nguyễn Thị Bảy, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Mang Yang (Gia Lai), cho biết: “Đến mùa, tùy theo điều kiện mà mỗi gia đình phụ nữ đóng góp một gùi lúa, khoảng 15kg. Số lúa này được cất giữ trong kho ở các xã. Nhà nào khó khăn, đói giáp hạt thì đến mượn, đến vụ thu hoạch thì mang trả lại”.

Ngoài “Kho thóc tình thương”, phụ nữ các xã vùng đông sông Ayun gồm Lơ Pang, Kon Chiêng, Kon Thụp, Đăk Trôi, Đê Ar còn có sáng kiến là cứ đến bữa lấy gạo nấu cơm, mỗi nhà lại bớt một nắm gạo, bỏ vào cái hũ riêng. Sau mười ngày nửa tháng, các gia đình góp số gạo ấy lại, thành “Hũ gạo tình thương”. Hội phụ nữ xã nắm bắt thông tin, hễ gia đình nào gặp khó khăn thì đem gạo đến hỗ trợ.

Những kho thóc, hũ gạo cứ vơi rồi lại đầy, hàng trăm tấn thóc nghĩa tình như thế đã hỗ trợ nhiều gia đình vượt qua khó khăn, túng thiếu. 

Phụ nữ giúp nhau thoát nghèo

Không chỉ thành lập “Kho thóc, hũ gạo tình thương”, chi hội phụ nữ ở các thôn, làng còn mượn đất trống của làng để sản xuất, cùng đi làm thuê lấy tiền gây quỹ. Số thóc tồn dư ở các kho cuối mùa cũng được bán để lấy tiền nộp vào quỹ hội. Số tiền quỹ này dùng cho phụ nữ nghèo trong xã vay mượn làm ăn, phát triển kinh tế gia đình, không hề tính lãi.

Chị Đinh Thị Hoài, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Kon Chiêng, chia sẻ: "Xã có 8 làng, hầu hết là người BahNar. Có 1.152 hội viên thì đến 290 hội viên thuộc diện nghèo, khó khăn, nhưng chúng tôi luôn cố gắng để xây dựng 8 kho thóc. Mùa này còn thừa gần 14 tấn thóc. Ngoài ra, chị em còn tự gây quỹ hơn 150 triệu đồng để hội hoạt động và giúp đỡ kịp thời cho những gia đình hội viên khi cần vốn làm ăn”.

Những kho thóc nghĩa tình cứ vơi rồi lại đầy, giúp đỡ nhiều gia đình khó khăn mùa giáp hạt. Ảnh: Đăng Lâm. 

Những kho thóc nghĩa tình cứ vơi rồi lại đầy, giúp đỡ nhiều gia đình khó khăn mùa giáp hạt. Ảnh: Đăng Lâm. 

Chị Rrui ở xã Đăk Trôi kể: "Ngày đưa thóc vào kho vui lắm, làng cứ như có hội. Ai cũng mừng khi kho thóc dần đầy vì như thế sẽ có nhiều người được giúp đỡ. Hơn mười năm như vậy rồi, phong trào này đã giúp rất nhiều gia đình chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo”.  

Người BahNar sống khép kín, ít nói. Tuy nhiên tính cách của họ lại vô cùng phóng khoáng, ví như những ngọn gió sải cánh đi hoang giữa mênh mang thảo nguyên. Già Pot, già làng của làng Git, xã Kon Chiêng kể: “Từ ngàn đời nay, từ khi có người BahNar sống trên cao nguyên này, sự yêu thương đùm bọc nhau đã được hình thành. Có vậy mới chống lại được sự khắc nghiệt của thiên nhiên, chống lại được những rình rập hiểm nguy của núi rừng huyền bí”.

Cũng theo già Pot thì, làng Git cũng như nhiều làng khác ở xã Kon Chiêng này, nhiều nhà còn có hoàn cảnh khó khăn lắm. Lúa rẫy thì 6 tháng mới thu, may lắm được mùa mới đạt chừng 3 tấn/ha. Lúa nước hai vụ không nhiều, trong khi mỗi gia đình thì nhiều thứ phải trang trải như ốm đau, như con cái học hành... Kho thóc đã giúp cho nhiều gia đình những lúc khó khăn, kho thóc còn gắn kết tình nghĩa người làng với nhau...

Chị Khyôi, 30 tuổi, ở làng Ktu, xã Kon Chiêng nhiều năm trước luôn sống trong nước mắt. Ngày vui lập gia đình chưa được bao lâu thì chồng chị phải về cõi A-tâu trong một cơn bạo bệnh. Hằng đêm, nhìn con thơ mới hơn 3 tuổi, chị rấm rứt khóc, phần vì thương con, phần thương mình bạc mệnh. Cứ vậy, hai mẹ con dắt tay nhau cun cút bao năm nay. "Nhà khó khăn quá, mình đã mượn lúa từ kho thóc mấy lần, được mượn cả tiền nữa”, chị Khyôi kể.

Khi con đã lớn, nỗi buồn mất chồng đã nguôi ngoai, cuộc sống cũng đỡ khó khăn hơn nhờ sự giúp đỡ của chị em phụ nữ trong làng nên hơn một năm nay, chị Khyôi tái giá. Cuộc sống của chị đã vơi bớt nhọc nhằn, nước mắt cũng không còn chực trào ra mỗi đêm khi con đã ngủ, từ đó chị cũng đã tích cực tham gia đóng góp vào kho thóc của làng.

Còn tại xã Kon Thụp, phong trào gây quỹ, góp thóc vào kho được thực hiện cũng hết sức sôi nổi. Chị H'nhen, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã cho biết, lượng thóc còn tồn trong 5 kho ở 4 làng hiện hơn 14 tấn, tiền quỹ cũng còn 255 triệu đồng. “Đây là công sức, là tình cảm của 1.302 hội viên trong xã. Số thóc nhiều, kho không đủ nên chi hội phụ nữ các làng đem gửi vào những kho thóc của nhà dân. Thóc đem gửi, khi thu về không thiếu một cân. Khi các gia đình chị em khó khăn, cần hỗ trợ là mọi người họp bàn, thống nhất và có mặt kịp thời", chị H'nhen nói.

...

Các xã phía đông sông Ayun một thời với muôn vàn khó khăn, thiếu thốn, một thời cái đói, cái rét và bệnh tật luôn rình rập dưới chân nhà sàn của mỗi gia đình. Giờ, giao thông đã được kết nối, đường bê tông đến tận mỗi thôn làng, chạy ra đến tận những chân ruộng. Đời sống của người BahNar nơi đây đã khá hơn lên rất nhiều, tuy nhiên những kho thóc, những hũ gạo tình thương thì vẫn cứ vơi rồi lại đầy, như lời già Pot nói: “Đó không phải là hạt thóc bình thường, mà đó là hạt thóc linh thiêng, kết nối tình cảm mà Yàng (Trời) đã ban cho người BahNar. Do vậy, phải biết nâng niu, quý trọng từng hạt thóc ấy”.

Ông Trần Đình Hiệp, Bí thư Huyện ủy huyện Mang Yang, nói: "Phong trào góp thóc, góp gạo hỗ trợ nhau đã làm mạnh thêm tình nhân ái. Đối với cộng đồng người dân tộc thiểu số, điều này càng ý nghĩa. Ngoài tương thân tương ái, họ còn thể hiện sự đoàn kết, sẻ chia gian khó, hoạn nạn với nhau. Đây cũng là một trong những phong trào tiêu biểu của huyện Mang Yang”.

Xem thêm
Vụ diễn viên Vương Tinh mất tích: Tìm thấy trong tình trạng không ai ngờ

Diễn viên Vương Tinh - sao nam điện ảnh Hoa ngữ đã được tìm thấy sau nhiều ngày gia đình và cơ quan chức năng nỗ lực tìm kiếm. 

Manchester United thắng nhọc ở Europa League

Manchester United (MU) phải rất nhọc nhằn mới hạ được đội bóng Scotland Rangers ở vòng áp chót giai đoạn vòng phân hạng Europa League vào rạng sáng 24/1.

Dự kiến hơn 3.000 vận động viên tham gia giải Marathon ở Trà Vinh

Trà Vinh Giải chạy Aikya Trà Vinh Cross Country Marathon dự kiến diễn ra từ ngày 12 - 13/4 tại công viên Phạm Ngũ Lão, với sự tham gia của hơn 3.000 vận động viên.   

Người dân Cần Thơ mãn nhãn màn đua thuyền buồm trên sông Hậu

Ngày 29/12, lần đầu tiên TP Cần Thơ tổ chức giải đua thuyền buồm, một hoạt động mới lạ trong chuỗi hoạt động chào mừng Ngày hội Du lịch - Đêm hoa đăng Ninh Kiều.

Bình luận mới nhất