Nhưng đâu phải chờ đến cuối Chạp đầu Xuân mới thấy bóng dáng của Tết ùa về, mà từ ngay trong bữa hội ngộ ngay trong Tết năm ngoái, người ta đã hẹn hò chuyện Tết năm sau. Ví như đứa bé mới biết bò chưa giáp chiếu, cô bác hẹn năm sau gặp lại lì xì. Biết đâu Tết sau gặp mà ngó lơ, nó chạy theo nắm áo, khoanh tay “lì xì, lì xì”.
Thời gian ngắn ngủi, quay qua quay lại là thấy hết một năm, Tết lại đáo về, tuổi lại dày thêm bằng những cọng bạc điểm trên mái tóc mới thoáng xanh. Đứng ở cái Tết này mà người ta đã ấp ủ bao dự định cho mùa Tết sau, nghe rạo rực hẳn lên mỗi lần nhắc đến.
Nhưng dự định về mùa tới Tết đâu chỉ thoáng hiện ra trong Tết này rồi thôi, nó còn theo người ta trên suốt chuyến xe đò lên phố. Hoặc thấp thoáng ở lại miền quê, trong mái nhà có ông già lụi hụi giữ từng cái bông thọ trang trí ngoài bàn Thông Thiên hôm Tết. Bông nào to và đẹp nhất, ông đem phơi khô, đãi hạt giữ lấy để năm sau trồng tiếp.
Lặp đi lặp lại suốt nhiều năm liền, nhưng lần nào mở cái túi đựng hạt bông khô ra, ông cũng thấy mình tươi lại, như ông cũng là một hạt giống sắp được gieo trồng để tái tạo nên mùa Tết mới. Những hạt bông từ mùa trước, được gieo lại vào mùa này, nhưng những cái bông không bao giờ cũ. Ông già lấy đó làm niềm vui, đứa cháu cứ thấy mùa mưa sắp hết là lại hỏi, “ông nội định khi nào gieo hạt cho bông?”. Ông già “ừ chắc nay mai”. Hai chữ “nay mai” kéo người ta đi tới, để rồi dẫu tóc đã bạc trắng mái đầu, những liếp bông năm nay phải mất đến hai ngày mới cuốc hết, nhưng ông già vẫn thấy mình tươi lại. Từ miếng đất cằn được xới tơi lên cho đến từng chồi bông ngày một xanh lên hứa hẹn.
Và cũng đâu chờ chi sắp tới Tết mới bắt đầu tính chuyện ươm giống (như trồng bông), bà nội có thói quen ngay từ những ngày cuối mùa mưa, bà bắt đầu thả mẻ cá lóc con vào cái vèo giăng nơi bến nước bờ kênh. Để rồi dẫu tất bật với công chuyện đồng áng sớm hơn, ngày nào bà cũng bắt một mớ ốc, mua một ít cá ươn bầm ra để chiều chiều, thả vào vèo cho bầy cá lóc. Nghe tiếng cá quợn, bà đoán coi nay tụi cá đã bằng trái chuối lá xiêm hay bằng cùm tay mình rồi. Chiều chiều, thấy cá ngớp nước lòng bỗng mừng thầm, nghe như không khí Tết năm nay đang được bầy cá cõng trên lưng. Tết lớn dần theo bầy cá bà chăm chút.
Không biết thói quen làm vèo cá ven con kênh trước nhà có tự bao giờ, nhưng đến ngày nay, cứ đi dọc vùng quê miệt U Minh những ngày đầu gió Chướng, sẽ thấy những vèo cá mọc dài, neo theo những cái cầu bến nước trước nhà. Người lạ nhìn cảnh ấy chắc cũng sẽ thắc mắc, rồi người ta không sợ trộm cướp hay sao? Có lẽ là không. Bởi xứ này nhà ai cũng có một vèo cá như vậy. Nhà kha khá thì mua cá con người ta đi xúc về bán, hoặc mua cá giống ở trại ươm. Người nghèo thì cứ đợi mùa cá đi dọc theo các mương đìa, thấy cá thổi bong bóng làm tổ thì để ý. Năm bảy hôm sau cá nở, chúng nhanh như thổi, bơi theo mẹ đỏ ao. Lúc đó có thể xúc đem về nuôi trong vèo.
Tết nhất chợ thường không nhóm, người ta chỉ cần ra vèo cá trước nhà bắt lên một vài con rồi nướng trui, nấu lẩu vậy là có ngay bữa ăn không cần phải cất công cầm cần câu hay quăng chài lưới cá. Bao đời, người của xứ này có thói quen trông vào cái vèo cá để ba ngày Tết ấm no, có lẽ vậy mà ít ai đi “ăn cắp” cá ở vèo trước sông. Bởi “tệ dữ lắm”, “tệ như dân không có Tết” thì mới rớ tới mà thôi.
Vậy nên giá trị vèo cá trước nhà đâu chỉ mang ý nghĩa chờ Tết mà nó còn mang ý nghĩa ủ mầm để người ta thấy Tết không bao giờ cũ. Tết cứ mới hoài hoài ngay từ trong sự chờ đợi chín muồi. Bà nội tôi năm nào cũng để tâm vào cái vèo cá lóc. Bà nói, nhiều khi trông cá mà vui, trông cá để mỗi khi lật lịch không giật mình về tuổi già của chính mình. Lật đật với bầy cá con mới thả hôm nào đỏ ao, nay quợn nước lủm chủm giữa đêm nghe mừng như thấy Tết đến ngay ngoài mé con kênh trước nhà.
Để rồi những mùa Tết đến ngắn ngủi chỉ mấy hôm, cháu con được ông nội đãi bằng mớ hoa tươi rói ngoài hiên nhà, bà nội đãi bằng món cá lóc nướng trui thơm lừng mùi phù sa sông nước. Hình như trong từng hạt hoa, con cá đều được nuôi dưỡng từ mùi mồ hôi của ông bà. Chúng lớn lên từng ngày, nuôi một cái Tết lúc nào cũng mang cảm giác đang lớn dần trong lòng của chủ. Vì thế mà nhiều, rất nhiều năm trôi qua, người ta vẫn thấy Tết mới hoài, mới mãi không bao giờ cũ.