Ý nghĩa của phong tục tắm lá mùi già chiều 30 Tết Nguyên đán
Vào những ngày cuối năm, nhiều người Việt Nam - nhất là những người lớn tuổi, vẫn giữ thói quen tắm nước cây mùi già. Đặc biệt, tắm lá mùi già chiều 30 Tết Nguyên đán vừa là thói quen, vừa là phong tục truyền thống của nhiều gia đình Việt Nam. Vậy phong tục truyền thống này có ý nghĩa và lợi ích gì về mặt sức khỏe, tinh thần?
Theo sách “Xã hội Việt Nam từ thế kỷ XVII”, người Việt quan niệm, tất niên là kết thúc năm cũ để chuẩn bị đón năm mới. Tắm tất niên chính là “tống cựu nghinh tân”, chào đón cái mới với nhiều hy vọng về sự may mắn. Vì vậy, trong rất nhiều phong tục của người Việt mỗi dịp Tết Nguyên đán về thì tắm nước cây mùi già ngày tất niên (29 hoặc 30 tháng Chạp) là một trong những nét đẹp văn hóa vẫn được nhiều gia đình duy trì cho đến tận ngày nay. Có nơi gọi việc tắm nước lá mùi già vào ngày cuối năm là “Tục tẩy trần đêm tất niên”.
Theo quan niệm của người xưa, việc tắm lá mùi già chiều 30 Tết Nguyên đán để xua tan những chuyện không vui, những bụi trần vướng bận trong suốt một năm qua. Sau khi được tắm gội bằng nồi nước lá mùi với hương thơm đặc trưng trong ngày cuối cùng của năm cũ, mọi người cảm giác như những điều chưa toại nguyện, chưa tròn vẹn hay những nỗi buồn phiền còn vương vấn trong tâm tư dường như được trút bỏ đi hết, để từ đó sẵn sàng đón nhận niềm vui trong năm mới.
Nhiều người quan niệm rằng, với một nồi nước hoa mùi bốc hương thơm ngát, dường như mọi cái vận hạn đen đủi của năm cũ được gột bỏ và giữ lại một cảm giác thanh sạch, khoan khoái. Tắm lá mùi với hương vị đặc trưng của đồng đất quê hương còn nhắc nhở mọi người về cội nguồn, về gốc rễ của mình.
Không chỉ là một phong tục mang nhiều ý nghĩa, tắm lá mùi còn có lợi cho sức khỏe. Hương của lá cây mùi tạo cho ta cảm giác tinh khiết, nhẹ nhàng vô cùng dễ chịu. Nhiều lý giải cho rằng, bởi lá mùi có vị cay, tính ấm, có tác dụng lưu thông khí huyết, giải tỏa căng thẳng thần kinh phục hồi sức khỏe.
Cách chọn lá mùi già để đun nước tắm
Thông thường, để có một nồi nước thơm tắm cho cả nhà đảm bảo an toàn, cây mùi được chọn sẽ là cây mùi già, được nhổ cả rễ, rửa sạch, không để nát lá rồi cho vào nồi nước đun. Không cần cho quá nhiều rau mùi, nồi nước tắm vẫn có một mùi hương nhẹ nhàng, dễ chịu. Trước khi tắm nên thử trước trên da tay để chắc chắn da không bị kích ứng bởi nước tắm lá mùi và sẽ gây hại cho da.
Ngày nay cuộc sống bận rộn có thể khiến cho việc mua và đun nước tắm mùi già trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên, bạn có thể sử dụng tinh dầu mùi già và lá tắm thảo dược dạng túi lọc được sấy lạnh để thay thế. Hiện nay, ngoài việc mua trực tiếp lá mùi già về đun nước tắm, mỗi gia đình còn có thể dễ dàng chọn mua các lọ tinh dầu mùi già để xông nhà, tẩy uế không khí, tạo nên hương thơm thanh mát, dễ chịu.
Ngoài ra, rau mùi còn giúp ích nhiều cho những người bị suy nhược thần kinh, trầm cảm, đau nhức nửa đầu, căng thẳng. Rau mùi giúp giảm đau trong chứng phong thấp, thấp khớp, làm dịu cơn co rút cơ và cũng được dùng chữa trị cảm.
Bên cạnh đó, theo nhiều nghiên cứu, loại cây này còn có tính sát khuẩn tốt. Tinh dầu rau mùi chứa chất chống oxy hóa cao, có tác dụng giảm viêm trong trường hợp nhiễm siêu vi và vi trùng đường hô hấp, tiêu hóa, viêm đường tiểu. Bởi vậy, tắm nước đun từ hạt hoặc lá mùi có tác dụng làm cho da sạch, chống viêm nhiễm…
Những lưu ý khi tắm lá mùi già
Tắm nước lá mùi già chiều 30 Tết Nguyên đán là phong tục đẹp mà mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, nhưng có một số nhóm người sau tuyệt đối không được tắm lá mùi:
- Người mắc bệnh viêm da không tắm nước lá mùi khi da có vết thương hở, bong tróc, nhiễm trùng hay viêm da bởi chúng có thể khiến tình trạng nghiêm trọng hơn.
- Không tắm khi ăn no: Không nên tắm khi vừa ăn bởi hoạt động này có thể gây ra chứng đầy bụng hay các vấn đề về đường ruột khác.
- Không nên sử dụng nước lá mùi già để tắm cho trẻ sơ sinh.
- Những ai đang bị ốm: Không tắm lá mùi khi cơ thể đang không khỏe, cảm, sốt bởi điều này sẽ khiến bệnh trở nên trầm trọng hơn.
- Những người bị thủy đậu hay sởi: Tắm khi cơ thể đang mắc những bệnh này sẽ làm tăng thời gian ủ và phát bệnh gây nguy hại cho sức khỏe.