| Hotline: 0983.970.780

Chuyển giao gói kỹ thuật sản xuất lúa Japonica

Thứ Hai 16/09/2019 , 08:14 (GMT+7)

Nhờ ứng dụng gói kỹ thuật thâm canh giống lúa Japonica, năng suất lúa tại nhiều vùng đất “khát” ở Hà Giang không thua kém gì vùng đồng bằng sông Hồng.

“Thay máu” cơ cấu giống

Men theo con đường nhỏ quanh co như rắn lượn đến xã Tùng Vài (huyện Quản Bạ), chốc chốc chúng tôi lại thấy tốp người còng lưng gặt lúa. Một vụ mùa kém viên mãn trên cao nguyên đá, khi rất nhiều thửa ruộng bị giảm năng suất vì nhiễm sâu bệnh.

22-34-10_jponic-01
Thửa ruộng gieo cấy lúa japonica vàng rực trên cao nguyên đá Hà Giang.

Ông Phạm Ngọc Pha – Trưởng phòng NN-PTNT huyện Quản Bạ bảo rằng, bà con trong huyện thường sử dụng lúa lai của Trung Quốc và một số giống lúa thuần địa phương. Việc sử dụng giống lúa có nguồn gốc không rõ ràng, luôn tiềm ẩn nguy cơ rủi ro. Đặc biệt nhiều hộ gia đình mua phải giống nhiễm bệnh, khi trồng, chăm sóc gặp nhiều khó khăn, thậm chí là mất mùa.

Đất trồng lúa trên cao nguyên đá vốn nghèo dinh dưỡng, diện tích hạn hẹp. Nếu cứ duy trì phương thức canh tác lạc hậu như hiện nay thì khó lòng đảm bảo an ninh lương thực. Những năm qua, tỉnh Hà Giang phối hợp với Trung tâm Chuyển giao Công nghệ và Khuyến nông (CETDAE) thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, nhằm chuyển giao gói kỹ thuật sản xuất giống lúa Japonica (VAAS16, ĐS1…) vào sản xuất, nhằm nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Để chủ động sản xuất giống Japonica chất lượng cao tại địa phương, CETDAE đã hợp tác với Trung tâm Khoa học kỹ thuật Giống cây trồng Đạo Đức (huyện Vị Xuyên, Hà Giang) sản xuất giống lúa VAAS16, ĐS1 cấp siêu nguyên chủng, nguyên chủng và xác nhận. Nguồn giống lúa Japonica này được sử dụng để phát triển xây dựng các mô hình trình diễn, nhân rộng sản xuất lúa japonica cho tỉnh và các vùng lân cận

Mô hình sản xuất hạt giống lúa Japonica (VAAS16, ĐS1…) đã được trồng trong vụ Xuân năm 2019 tại xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên được chăm sóc theo quy trình kỹ thuật, cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt, đẻ nhánh tập trung, chịu rét, khả năng chống đổ tốt, bông lúa to, hạt mẩy, được kiểm định kiểm nghiệm, chất lượng hạt giống đảm bảo theo tiêu chuẩn của ngành.

Trung tâm Khoa học kỹ thuật Giống cây trồng Đạo Đức cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm lúa gạo Japonica tại các địa phương triển khai mô hình. Do đó, rất cần địa phương tạo điều kiện xây dựng vùng nguyên liệu, bước đầu hỗ trợ về giống, các thiết bị máy cấy, phân bón, đặc biệt là đảm bảo hệ thống thủy lợi… xây dựng cánh đồng một giống, cùng quy trình kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm.

Đến vụ mùa năm nay, giống Japonica tiếp tục được đưa lên xã Tùng Vài để xây dựng mô hình với diện tích 20ha. Trung tâm cử cán bộ kỹ thuật túc trực tại bản Thăng để “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn bà con cách ngâm, ủ thóc giống, gieo mạ, cấy, kỹ thuật chăm sóc.
 

Đổi thay trên những cánh đồng

Ông Nguyễn Tiến Trường, Bí thư Đảng ủy xã Tùng Vài chia sẻ: “Mới đầu, chúng tôi vận động bà con tham gia mô hình rất vất vả. Bởi chưa ai trồng giống lúa Nhật bao giờ. Rất may, dự án đã hỗ trợ bà con lúa giống, 50% phân bón và bảo lãnh năng suất nếu xảy ra thiệt hại, mất mùa”.

Điểm khác biệt của mô hình sản xuất lúa Japonica ở xã Tùng Vài, đó là cán bộ kỹ thuật của CETDAE hướng dẫn bà con cách xử lý diệt mầm mệnh trong hạt giống (bằng cách ngâm hạt hóc với nước nóng 54 độ C khoảng 10 – 15 phút, nước vôi trong hoặc nước pha Lufain). Hạt mầm thóc giống sau khi ngâm ủ sẽ được gieo mạ bằng khuôn trên nền đất phẳng (sử dụng giá thể công thức 5 bùn – 1 trấu) để dễ ràng cắt thành từng mảng vận hành máy cấy.

Kỹ sư Nguyễn Đức Nhật Anh, người trực tiếp chỉ đạo mô hình sản xuất lúa Japoninca tại bản Thăng, chia sẻ: Do đặc thù đồng ruộng ở vùng cao nguyên đá Hà Giang rất nhỏ và không bằng phẳng, nên chúng tôi đã lựa chọn loại máy cấy động cơ điện (cấy 4 hàng) của tác giả Trần Đại Nghĩa, đã được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học - Công nghệ cấp Bằng độc quyền sáng chế vào tháng 1/2019. Loại máy cấy này có thiết kế đơn giản, gọn nhẹ, dễ sử dụng, dễ di chuyển từ ruộng này sang ruộng khác.

22-34-10_jponic-02
Giống lúa japonica năng suất đạt bình quân 58,4 tạ/ha trong vụ mùa 2019 tại xã Tùng Vài, huyện Quản Bạ.

Ông Chanh Văn Bình tham gia mô hình sản xuất lúa Japonica theo hướng hàng hóa tại bản Thăng (xã Tùng Vài) cho biết: Trước đây, để cấy 1.700m2 lúa gia đình tôi phải nhờ 15 người làm cật lực trong 1 buổi sáng. Nhưng nếu sử dụng máy cấy của dự án hỗ trợ thì chỉ mất 4 công lao động (gồm 2 người vận hành máy cấy, 2 người dặm mạ tại các góc ruộng). Như vậy, chi phí sản xuất giảm đi rất nhiều.

Do tập quán canh tác lúa theo kiểu “tự cung tự cấp”, do đó, người dân bản Thăng không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng, trừ sâu bệnh. Tuy nhiên, giống lúa VAAS16 sinh trưởng, phát triển tốt, không nhiễm các loại sâu bệnh như khô vằn, đạo ôn, sâu đục thân. Năng suất lúa bình quân đạt 58,4 tạ/ha, cá biệt có hộ chăm sóc tốt đạt 64 tạ/ha (gần tương đương so với năng suất lúa vụ mùa tại các tỉnh ĐBSH có điều kiện canh tác thuận lợi).

Theo ước tính của Trung tâm, với năng suất như trên, mô hình này giúp nông dân tăng lợi nhuận khoảng 14,5 triệu đồng/ha so với canh tác truyền thống (tăng trên 30%). Bên cạnh đó, mô hình giúp giảm công lao động phổ thông ở các khâu làm mạ (10 công), cấy (20 công) tương đương 5.triệu đồng/ha.

Ông Nguyễn Xuân Dũng, Phó Giám đốc CETDAE cho biết: Trung tâm đang phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Giang phát triển giống lúa Japonica ở tỉnh Hà Giang thành vùng sản xuất hàng hoá tập trung. Vụ mùa 2019 Quản Bạ đã xây dựng thành công mô hình sản xuất lúa Japonica. Thời gian tới sẽ giúp huyện thiết kế bao bì, nhãn mác, tổ chức sản xuất theo chuỗi, đăng ký xây dựng thương hiệu gạo Japonica, “Gạo núi Quản Bạ”...

Xem thêm
Giảm số dự án đầu tư công trung hạn 2026-2030 xuống dưới 3.000

Đây là nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu tại Hội nghị tổng kết ngành kế hoạch - đầu tư, nhằm giúp nền kinh tế bứt phá hơn nữa.

Ông Lại Thế Nguyên nêu vấn đề 'căn cốt' để phát triển nông nghiệp Thanh Hóa

Năm 2024, dù gặp nhiều khó khăn trong sản xuất do thiên tai liên tiếp xảy ra, nhưng ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa vẫn gặt hái được nhiều thành quả đáng ghi nhận.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.