Giống lúa Japonica mở ra nhiều cơ hội nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp cho những vùng đất "khát" trên cao nguyên đá Hà Giang. Ảnh: Minh Phúc. |
Năm 2018, tỉnh Hà Giang và Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã có “cái bắt tay lịch sử”, nhằm “thay máu” cơ cấu giống lúa lạc hậu của địa phương. Những kỹ sư Trung tâm Chuyển giao Công nghệ và Khuyến nông được giao nhiệm vụ tiền trạm để khảo sát thổ nhưỡng, khí hậu và tập quán canh tác của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Các nhà khoa học nhận thấy, trời phú ban cho các huyện miền núi Hà Giang khí hậu mát lạnh, chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm lớn. Đây là điều kiện tối quan trọng để sản xuất các giống lúa chất lượng cao, đặc biệt là gạo hạt tròn japonica.
Biên độ nhiệt độ dao động lớn giữa ngày và đêm tại Hà Giang, chính là yếu tố tạo nên hương vị thơm ngon đặc biệt của hạt gạo Japonica. Ảnh: Minh Phúc. |
Để chủ động sản xuất hạt giống lúa tại chỗ, Trung tâm Chuyển giao Công nghệ và Khuyến nông đã phối hợp với Trung tâm Khoa học Kỹ thuật giống cây trồng Đạo Đức (xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên) để xây dựng vùng sản xuất hạt giống lúa japonica Vaas 16 (còn có tên khác là DS3) cấp siêu nguyên chủng, nguyên chủng và xác nhận.
Sản xuất hạt giống lúa japonica siêu nguyên chủng tại Trung tâm Khoa học Kỹ thuật giống cây trồng Đạo Đức. Ảnh: Minh Phúc. |
Những hạt giống lúa đầu tiên “ra lò” trên vùng đất Vị Xuyên đã được mang đi trồng thử nghiệm tại nhiều tiểu vùng khí hậu tại Hà Giang. Rất mừng là lúa thích nghi rất tốt, giống như những dũng sĩ chinh phục vùng đất khó. Tại Vị Xuyên, hơn 230 hộ nông dân tình nguyện tham gia mô hình sản xuất thử nghiệm lúa có nguồn gốc từ Nhật Bản trong vụ xuân 2019. Kết quả, năng suất lúa đạt bình quân 65 tạ/ha khiến các địa phương lân cận trầm trồ thán phục.
Hạt lúa Japonica DS3 có dạng hình tròn đặc trưng như lúa nếp. Ảnh: Minh Phúc. |
Từ đó, giống lúa Japonica được các cơ quan truyền thông địa phương quan tâm đặc biệt. Tỉnh Hà Giang đã đề ra nhiều chính sách hỗ trợ để nhân rộng các mô hình, nhằm mục tiêu biến Hà Giang trở thành vùng sản xuất giống lúa chất lượng cao japonica quy mô hàng hóa.
Vụ mùa năm 2019, Trung tâm Chuyển giao Công nghệ và khuyến nông tiếp tục đưa giống lúa japonica DS3 lên bản Thăng, xã Tùng Vài để xây dựng mô hình.
Cán bộ kỹ thuật cầm tay, chỉ việc, tập huấn cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số kỹ thuật gieo mạ giống lúa japonica tại xã Tùng Vài. Ảnh: Minh Phúc. |
Vaas 16 là giống ngắn ngày và ổn định, có thời gian sinh trưởng vụ xuân 125 – 135 ngày, vụ mùa 105 – 110 ngày, chiều cao cây trung bình 100 – 105cm. Năng suất trung bình từ 6,0 – 6,5 tấn/ha.
Trung tâm đã hướng dẫn bà con quy trình làm mạ sân cải tiến cho các giống Japonica phục vụ máy cấy cải tiến Đại Nghĩa. Lượng giống ngâm ủ cho 1ha khoảng 35 – 40kg (được xử lý nấm bệnh bằng phương pháp ngâm nước nóng 54oC trong 10 – 15 phút, hoặc ngâm trong nước vôi loãng 1 – 2 ngày).
Để gieo mạ, cần lựa chọn nền đất cứng, bằng phẳng để làm khuôn (chứa giá thể gồm bùn và trấu theo tỷ lệ 5 bùn : 1 trấu). Gieo hạt giống đã nứt nanh với lượng 0,7 – 0,8 kg mầm/m2. Sau đó dùng vật nhẹ có đáy phẳng đập nhẹ để hạt giống chìm trong bùn, che phủ lưới đen.
Sau 10 ngày, cây mạ đạt chiều cao từ 12 – 15cm, số lá đạt 3 – 3,5 lá là co đủ điều kiện để cấy máy. Ảnh: Minh Phúc. |
Một luống mạ gieo từ hạt giống Vaas 16. Ảnh: Minh Phúc. |
Để thay đổi phương thức cấy thủ công, Trung tâm đã nghiên cứu, đưa vào mô hình loại máy cấy sử dụng động cơ điện của tác giả Trần Đại Nghĩa. Loại máy này cấy được 4 hàng, có thiết kế đơn giản, gọn nhẹ, dễ sử dụng, phù hợp với điều kiện địa hình và đồng đất của các tỉnh miền núi. Đặc biệt loại máy này rất dễ di chuyển từ ruộng này sang ruộng khác.
Ứng dụng máy cấy, giúp nông dân bản Thăng, xã Tùng Vài tiết kiệm được 5 triệu đồng chi phí công lao động so với phương thức cấy truyền thống. Ảnh: Minh Phúc. |
Mật độ cấy khoảng 50 khóm/m2, số dảnh cấy 2-3 dảnh.
Trung tâm Chuyển giao Công nghệ và Khuyến nông khuyến cáo, cần bón lót toàn bộ phân chuồng, phân lân và 30% phân đạm. Bón thúc đợt 1 khi lúa đã bén rễ hồi xanh khoảng 40% đạm và 50% kali. Bón thúc đợt 2 trước khi lúa trỗ 20 – 25 ngày 30% đạm và 50% kali. Ảnh: Minh Phúc. |
Giống lúa DS3 có khả năng chống chịu bệnh đạo ôn, khô vằn, bạc lá, sâu đục thân, rầy nâu và sâu cuốn lá. Bởi vậy, dù một số hộ tham gia mô hình chưa tuân thủ quy trình chăm sóc như khuyến cáo (bón thiếu phân), nhưng năng suất bình quân toàn mô hình sản xuất lúa Japonica tại xã Tùng Vài đạt khoảng 58,4tạ/ha.
Một số hộ thâm canh tốt trong mô hình sản xuất lúa Japonica tại xã Tùng Vài đạt năng suất 64 tạ/ha. Ảnh: Minh Phúc. |
Theo ước tính, mô hình sản xuát lúa Japonica DS3 chất lượng cao tại xã Tùng Vài, huyện Quản Bạ đem lại lợi nhuận tăng khoảng 20 triệu đồng/ha so với canh tác truyền thống (tăng trên 30%).
Cấy 5.000m2 lúa Japonica, vụ mùa năm nay lão nông này thắng lớn. Ảnh: Minh Phúc. |
Chị Triệu Thị Hà, nông dân bản Thăng, xã Tùng Vài vô cùng phấn khởi vì tỷ lệ hạt chắc trên những bông lúa Japonica cao vượt trội so với các giống lúa trồng đại trà tại địa phương. Ảnh: Minh Phúc. |
Nhiều nông dân ở xã Tùng Vài thở phào nhẹ nhõm, vì hạt lúa Japonica đã bén rễ thành công trên cao nguyên đá Hà Giang, mở ra những vụ mùa bội thu, giúp nâng cao giá trị trong sản xuất nông nghiệp. Sau thành công của mô hình, Sở NN-PTNT tỉnh Hà Giang và Phòng NN-PTNT huyện Quản Bạ kiến nghị tiếp tục hỗ trợ bà con trên địa bàn huyện Quản Bạ nhân rộng mô hình sản xuất lúa Japonica.
Các nhà khoa học cũng đang phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng thương hiệu "Gạo Japonica Tùng Vài". Ảnh: Minh Phúc. |