| Hotline: 0983.970.780

Chuyển giao kỹ thuật nuôi chim yến trong nhà

Thứ Tư 11/09/2013 , 10:12 (GMT+7)

Cty Yến sào Khánh Hòa đã hoàn thiện các kỹ thuật nuôi chim yến trong nhà đạt hiệu quả cao và đã chuyển giao cho người dân trong và ngoài tỉnh.

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu của các đề tài, dự án về chim yến ở tỉnh Khánh Hòa tích lũy được từ trước đến nay, đồng thời dựa trên nền tảng khoa học và kinh nghiệm lâu đời nghề yến sào nước ta cũng như thực tiễn nghề khai thác yến sào trong và ngoài tỉnh, Cty Yến sào Khánh Hòa đã triển khai áp dụng thành công vào nghề nuôi chim yến trong nhà để lấy tổ.

Đến nay, Cty Yến sào Khánh Hòa đã hoàn thiện các kỹ thuật nuôi chim yến trong nhà đạt hiệu quả cao và đã chuyển giao cho người dân trong và ngoài tỉnh.

Ở nước ta, yến sào chủ yếu được khai thác ở các hang đảo ngoài tự nhiên, trong đó tỉnh Khánh Hòa chiếm khoảng 60% sản lượng yến sào thiên nhiên của cả nước. Đặc biệt trong những năm gần đây, phân loài chim yến nhà xuất hiện ở Việt Nam, chúng sinh sống và làm tổ được trong các ngôi nhà tại các tỉnh từ Thanh Hóa đến Cà Mau, vùng Tây Nguyên như Bình Phước, Đắk Lắk.

Nghề nuôi chim yến trong nhà để lấy tổ ở nước ta hình thành từ năm 2004 và đã phát triển mạnh trong những năm gần đây. Theo thống kê chuyên ngành của Cty Yến sào Khánh Hòa, cả nước có khoảng 2.000 ngôi nhà yến và nhiều nhà yến đang xây dựng. Tuy nhiên, nghề nuôi yến trong nhà còn mang tính tự phát nên hiệu quả đem lại chưa tương xứng với tiềm năng phát triển.


Bên ngoài nhà yến

Bên cạnh đó, việc nghiên cứu các kỹ thuật nuôi và chăm sóc chim yến đảm bảo thành công và đạt hiệu quả cao trong điều kiện nuôi trong nhà ở nước ta chưa được quan tâm đúng mức, kể cả việc quy hoạch các vùng nuôi chim yến chưa được thực hiện.

Trong quá trình thực hiện các bước trong chiến lược phát triển, Cty Yến sào Khánh Hòa đã mạnh dạn nghiên cứu các đề tài khoa học làm tiền đề để phát triển nghề nuôi chim yến trong nhà ở Việt Nam: Năm 2004 thực hiện thành công “Phương pháp di đàn chim yến”; Năm 2006 thực hiện thành công dự án “Thử nghiệm nuôi chim yến trong nhà để lấy tổ” và “Phương pháp ấp nuôi nhân tạo chủ động nguồn giống cho các nhà yến”;

Năm 2010 thực hiện thành công đề tài “Bước đầu nghiên cứu ấp nuôi nhân tạo chim yến hàng làm cở sở khoa học cho việc phát triển đàn chim yến trong nhà ở Khánh Hòa”; Từ năm 2011 đến nay Cty thực hiện đề tài “Nghiên cứu kỹ thuật xây dựng nhà yến và hoàn thiện quy trình kỹ thuật nuôi chim yến trong nhà”.

Đến nay, qua các năm triển khai áp dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn nghề nuôi chim yến trong nhà ở nước ta, Cty Yến sào Khánh Hòa đã dần hoàn thiện và nâng cao hiệu quả các kỹ thuật quan trọng trong quy trình nuôi và chăm sóc chim yến trong nhà đảm bảo thành công bền vững. Đó là kỹ thuật xây dựng nhà yến và trang thiết bị nuôi yến, phương pháp ấp nuôi nhân tạo chim yến chủ động nguồn giống, phương pháp di đàn chim yến và dẫn dụ chim yến từ tự nhiên.

1. Kỹ thuật nhà yến và trang thiết bị nuôi yến trong nhà

Trước đây, người dân phát triển xây dựng nhà yến mang tính tự phát, tự làm, không nắm vững kỹ thuật nên rất nhiều nhà yến bị thất bại hoặc không phát huy được hiệu quả. Trước thực trạng đó, Cty Yến sào Khánh Hòa với tinh thần trách nhiệm đối với ngành nghề và cộng đồng, đã nổ lực trong công tác tư vấn và chuyển giao công nghệ kỹ thuật nuôi chim yến, các hộ nuôi yến đã đạt hiệu quả cao nhờ giải quyết tốt các vấn đề cho nhà yến như:

Chọn vị trí xây dựng và môi trường phù hợp; Xác định diện tích xây dựng đạt hiệu quả kinh tế; Thiết kế đảm bảo ổn định nhiệt độ, độ ẩm và các điều kiện kỹ thuật cốt lõi; Đảm bảo tính an toàn và độ bền; Chăm sóc, bảo trì bảo dưỡng định kỳ; Xử lý phòng chống địch hại cho chim yến...


Bên trong nhà yến

Bên cạnh đó, nhà yến hoàn thành đưa vào hoạt động được Cty Yến sào Khánh Hòa lắp đặt đầy đủ các trang thiết bị hỗ trợ chuyên dụng cho nhà yến do chính Cty nghiên cứu chế tạo như: hệ thống giá tổ bằng gỗ cho chim, hệ thống âm thanh dẫn dụ chim yến, hệ thống phun sương và các hợp chất dẫn dụ tạo mùi bầy đàn cho nhà yến. Các trang thiết bị này được lắp đặt theo quy trình và tạo môi trường thuận lợi tối ưu cho sự phát triển của chim yến.

2. Phương pháp ấp nuôi nhân tạo chủ động nguồn giống

Phương pháp ấp nuôi nhân tạo chủ động nguồn chim giống được Cty Yến sào Khánh Hòa nghiên cứu thực hiện từ năm 2006 đến nay đã áp dụng thành công ở các nhà yến trong và ngoài tỉnh. Phương pháp này dựa trên cơ sở nghiên cứu các đặc tính sinh học sinh sản của chim yến sinh sống ở các hang đảo và trong các ngôi nhà yến, từ đó xây dựng từng công đoạn của quy trình để đảm bảo hiệu quả thành công cao. Kể cả quy trình nuôi chim con cũng dựa trên cơ sở quan sát chim mẹ nuôi con ở đảo và trong nhà yến (bằng Camera hồng ngoại).

Do đó, phương pháp ấp nuôi nhân tạo chủ động nguồn chim giống nói trên đã hoàn thiện từ khâu ấp nở nhân tạo, kỹ thuật nuôi chim con qua từng giai đoạn phát triển… cho đến phương pháp tập bay trong nhà lồng cho chim con hòa nhập môi trường tự nhiên và môi trường bên trong ngôi nhà yến.

3. Phương pháp di đàn chim yến

Đây là phương pháp di đàn chim yến trưởng thành từ nhà yến có số lượng quần đàn chim ở ổn định sang nhà yến mới xây dựng để gia tăng quần đàn cho nhà yến mới. Phương pháp này Cty Yến sào Khánh Hòa đã thử nghiệm qua nhiều năm để phát triển các hang yến mới và đã thu được kết quả quan trọng trước khi áp dụng cho nghề nuôi yến trong nhà.

Hiện nay đã xác định được các điều kiện cần thiết để di đàn, các bước thực hiện di đàn và phương pháp hỗ trợ chim yến ở lại ngôi nhà yến, hình thành bí quyết di đàn chim yến.

4. Phương pháp dẫn dụ chim yến từ tự nhiên

Để phát triển đạt hiệu quả kinh tế, nhà yến phải luôn quan tâm đến sự phát triển quần đàn chim yến trong quá trình vận hành. Cho nên ngoài phương pháp gia tăng quần đàn bằng cách di đàn chim con nuôi nhân tạo, Cty Yến sào Khánh Hòa còn hoàn thiện được kỹ thuật dẫn dụ chim yến từ tự nhiên để phát triển quần đàn chim yến trong nhà.


Máy ấp trứng chim yến

Đây là phương án có hiệu quả nhanh, chi phí thấp, thời gian chim vào nhà ở nhanh và có thể phổ biến quy trình công nghệ cho người dân rất dễ dàng. Phương pháp này được thực hiện bằng nhiều kỹ thuật khác nhau như: xử lý dung dịch dẫn dụ, định kỳ thay tiếng âm thanh mới, tạo nguồn thức ăn bổ sung cho nhà yến để thu hút chim về nhà yến và ở lại làm tổ, gia tăng quần đàn chim.

Tuy nhiên đây là phương pháp chỉ được áp dụng cho từng cá thể nhà yến nhưng không chủ động nguồn giống cho sự phát triển quần thể chim yến chung trong cộng đồng. Chính vì vậy, Cty Yến sào Khánh Hòa là đơn vị tư vấn và thực hiện trực tiếp các kỹ thuật xây dựng nhà yến hoàn chỉnh, thực hiện phương pháp tổng hợp 3 phương pháp kỹ thuật ấp nuôi nhân tạo, chủ động nguồn giống chim con; bí quyết kỹ thuật di đàn và kỹ thuật dẫn dụ chim yến từ tự nhiên, đồng thời với thiết bị kỹ thuật xây dựng nhà yến tối cao, đảm bảo hiệu quả cao cho các nhà nuôi chim yến.

Với những kết quả nghiên cứu mang tính khoa học và thực tiễn, đặc biệt là việc đưa áp dụng hiệu quả các kết quả nghiên cứu các kỹ thuật tiến bộ trong quy trình nuôi chim yến trong nhà, Cty Yến sào Khánh Hòa đã xây dựng thành công hàng trăm ngôi nhà yến trên toàn quốc và ngày càng có uy tín cao trong hoạt động chuyển giao kỹ thuật nuôi chim yến trong nhà cho người dân cả nước và phát triển nguồn khách hàng ở các nước Asean.

(*): Tác giả hiện là Tổng Giám đốc Cty TNHH MTV Yến sào Khánh Hòa

Xem thêm
Màu đỏ may mắn của giống gà Mía số 1

Trong lịch sử mảng gà lông màu tại Việt Nam, chưa khi nào gam màu xám dài đến vậy, người chăn nuôi hy vọng, thất vọng rồi hy vọng và lại thất vọng...

Còn 400 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, Bình Định lên lộ trình nâng cấp

Ngành chức năng Bình Định yêu cầu các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ phải đảm bảo vệ sinh thú y để cung cấp nguồn thịt sạch cho thị trường ngày Tết.

Quảng Trị sẽ hoàn thành gieo cấy vụ đông xuân trước 20/1

Ông Hà Sỹ Đồng, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đề nghị ngành nông nghiệp và các địa phương chỉ đạo, hướng dẫn nông dân hoàn thành gieo cấy trước 20/1.

Triển vọng kinh tế xanh từ phế phụ phẩm ngành sắn

TÂY NINH Tây Ninh là thủ phủ cây sắn của cả nước, các phế phụ phẩm ngành sắn đang được địa phương này tận dụng triệt để, hướng tới kinh tế xanh và tuần hoàn, bền vững.