Trắng tay sau 1 vụ chế biến
Sinh ra tại thủ phủ cà phê Khe Sanh (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), đã có thời điểm, chị Trần Mai Hương là chủ một đại lý thu mua cà phê lớn. Chị còn sở hữu trên 30ha cà phê, ăn nên làm ra tại thôn Cợp, xã Hướng Phùng (huyện Hướng Hóa). Năm 2009, chị Hương gom góp tiền, thế chấp vay ngân hàng đầu tư mở xưởng chế biến cà phê thóc.
Nhưng người tính không bằng trời tính, công việc đang thuận buồm xuôi gió thì giá cà phê thóc tụt thê thảm khiến chị rơi vào cảnh tán gia bại sản.
“Năm 2014, lúc giá cà phê thóc đang ở mức 64 nghìn đồng/kg thì tụt dốc không phanh và chỉ còn 22 nghìn đồng/kg. Mua vào giá cao, chế biến xong bán với giá thấp, tôi hết khả năng thanh toán nợ. Toàn bộ tài sản thế chấp là xưởng chế biến, vườn cà phê của gia đình tôi đều bị ngân hàng kê biên, phát mại. Thời điểm đó, tôi nợ đến 14 tỷ đồng”, chị Mai Hương bùi ngùi nhớ lại.
Vỡ nợ, trắng tay, như người mất hồn, chị Hương cùng chồng dắt díu nhau sang Lào làm thuê tại vườn cao su. Thấy vợ chồng chị làm ăn chăm chỉ lại có kế hoạch, chủ vườn cao su tại Lào rất phân vân.
“Vượt hàng trăm km về đến xã Hướng Phùng, sau khi tìm hiểu câu chuyện, chủ vườn cao su khuyên vợ chồng tôi nên tìm cách lấy lại vườn cà phê để canh tác. Lúc này, dù ngân hàng đã phát mại nhưng vườn cà phê vẫn không có người mua. Gia đình tôi được cho ở lại vườn nhưng vẫn mắc một món nợ lớn”, chị Hương kể.
Năm 2017, ngân hàng tiếp tục phát mại hơn 30ha cà phê của gia đình chị Hương. Tiếc công, tiếc của, tiếc tâm huyết bao năm đã bỏ ra và tin mình có thể đứng dậy, vợ chồng chị Hương bàn với anh em thế chấp tài sản để mua lại vườn. Không chỉ nợ tiền bạc, vợ chồng chị Hương còn nợ cả ân nghĩa với người thân và vùng đất này. Một hành trình mới đầy cam go, thử thách với đôi vợ chồng vừa ở bên bờ vực thẳm bắt đầu. Đó cũng là khởi đầu cho con đường nông nghiệp tử tế của vợ chồng chị Hương.
“Lúc đó, tôi chỉ nghĩ đến việc sống cái đã. Có đất đai trong tay, tôi không lo chết đói. Nợ thì có thể trả dần nhưng nếu không mạnh dạn vay tiền để lấy lại vườn thì có lẽ lúc này một tấc đất cắm dùi cũng không có. Ý tưởng táo bạo đã lóe lên trong đầu tôi, chỉ có nông nghiệp tử tế, nông nghiệp hữu cơ mới tạo ra giá trị bền vững. Chỉ khi tự tạo ra cho mình một lối đi riêng, không giống với bất kỳ ai thì tôi mới có cơ hội tìm lại chính mình và trả hết nợ nần”, chị Hương vừa tự tay pha cà phê mời khách vừa nói.
Vừa chăm sóc vườn cà phê, chị Hương lên mạng mò mẫm tìm đường đi cho nông nghiệp tử tế. Chị tin, nếu tự trồng cà phê theo quy chuẩn và tự chế biến cà phê đặc sản mang thương hiệu của cá nhân mình, chắc chắn tương lai sẽ mở ra trước mắt. Lúc ấy, lối đi riêng chưa thành hình hài nhưng tư duy ấy giúp chị tìm lại chính mình, không lẫn với bất kỳ ai trong số hàng nghìn hộ trồng cà phê tại huyện Hướng Hóa.
Thương hiệu Madam Hương Coffee và giấc mơ dưới rừng gáo vàng
Thời điểm năm 2017, khi giá cà phê tiếp đà tụt dốc, nhiều hộ dân tại huyện Hướng Hóa đã chuyển sang trồng các loại cây trồng khác thì chị Hương vẫn chăm bẵm vườn cà phê. Người ta bắt đầu biết đến hương hiệu Madam Hương Coffee từ đó.
Đất được “giải độc” bằng cách sử dụng phân chuồng, phân bón vi sinh. Các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón vô cơ bị loại bỏ hoàn toàn. Sau những trận mưa, vườn cà phê của chị Hương đã xuất hiện những cây gáo vàng. Và sắp tới, chị sẽ trồng xen canh thêm các loại cây ăn quả, cây ngắn ngày họ đậu để tạo ra sự đa dạng sinh học.
“Cây gáo vàng cho thu hoạch sau 10 năm trồng, lá, quả cây gáo rụng xuống sẽ tạo ra thảm thực vật dày giúp tăng độ mùn, giữ ẩm cho đất. Độ che phủ của rừng gáo cũng cho phép hạt cà phê trải qua quá trình sinh trưởng dài, thể chất hạt sẽ tốt hơn, tạo ra hương vị thơm ngon, đậm đà. Tôi đã bắt đầu đến với cà phê đặc sản, cà phê hữu cơ như vậy”, chị Hương chia sẻ.
Hiếm có một vườn cà phê nào tại Hướng Hóa lại có không gian sinh thái đáng sống như vườn cà phê nhà chị Hương. Với định hướng phát triển vườn cà phê hữu cơ, chị Hương đã xây dựng mô hình canh tác thúc đẩy sự cộng sinh bền vững. Hệ sinh thái vườn cà phê bao gồm 4 tầng chính: Tầng cao nhất là cây gáo vàng; tầng thứ 2 là các loại cây ăn quả xen kẽ; tầng thứ 3 là cây cà phê Arabica và tầng cuối cùng là cỏ dại, dương xỉ cùng các loại cây dược liệu. Toàn bộ thảm thực vật tầng thấp đều được phát triển tự nhiên nhằm giữ ẩm và tạo độ mùn cho đất.
Một điều rất thú vị là dưới tán cây gáo vàng, cà phê rất ít sâu bệnh nên chủ vườn giảm được chi phí, nhân công. Chị Hương băn khoăn nhất lúc này là việc nâng cao năng suất cà phê dưới tán rừng không hề đơn giản. Thời gian thu hái đối với cà phê dưới tán rừng cũng dài hơn. Đầu tháng 12, khi hầu hết các vườn cà phê Arabica Catimor tại xã Hướng Phùng đã kết thúc niên vụ thu hái thì nhân công tại vườn cà phê của chị Hương vẫn miệt mài hái quả.
Nhưng theo chị Hương, thay vì làm mọi cách để có năng suất cao, chủ vườn sẽ thu được những quả cà phê chất lượng nhất, trồng và chăm bón, chế biến cà phê trong một môi trường trong lành. Vì thế, hiệu quả trồng cà phê đặc sản dưới tán rừng vượt trội, bền vững hơn rất nhiều so với trồng cà phê theo phương thức truyền thống.
Mùa vụ 2022 - 2023, chị Hương chính thức thử nghiệm và thành công với những mẻ cà phê Arabica đặc sản đầu tiên bằng phương pháp lên men yếm khí nguyên trái, cà phê chồn. Đến mùa vụ 2023 - 2024, Madam Hương Coffee đã ổn định khâu chế biến và đạt được những lô cà phê chất lượng nhất, sản phẩm cà phê chế biến được Viện Chất lượng cà phê (một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động quốc tế) công nhận là cà phê đặc sản với 84,75 điểm.
Tháng 9 năm 2024, sản phẩm cà phê Liberica của Madam Hương Coffee được Hiệp hội Cà phê Đông Nam Á vinh danh là sản phẩm TOP 1 tại Cuộc thi Cà phê nhân xanh Đông Nam Á 2024 tổ chức tại Thái Lan.
“Khởi thủy của cây cà phê Arabica vốn là loại cây bụi nhỏ, sinh trưởng tự nhiên dưới các cánh rừng già ở châu Phi. Việc trồng cây cà phê dưới tán rừng là đang đưa chúng về đúng với bản chất nguyên thuỷ của mình. Đó là phiên bản tốt nhất của chính nó, tạo ra nguồn nguyên liệu chất lượng nhất để chế biến thành những sản phẩm cà phê mang đặc trưng thương hiệu Madam Hương Coffee”, chị Trần Mai Hương chia sẻ.