"Bà điên" ở gần nghĩa địa
Cũng đúng, bởi chẳng mấy ai dám liều như người phụ nữ ấy. Mấy năm qua, chị Nguyễn Thị Mai Hương cứ lầm lũi một mình trong khu đồi vắng, cạnh nghĩa địa tại xã Quang Trung (huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa). Người dân địa phương ban đầu không hiểu chị đang làm gì trên ngọn đồi xơ xác toàn cỏ dại và cây mọc hoang nên cứ bán tín bán nghi.
Chị bảo, sống đơn độc không hẳn là khổ hay xa lánh cuộc sống mà đó là sự trở về với bản ngã để được sống thật với chính mình. “Tôi không muốn biến mình trở thành một cỗ máy vô tri. Tại sao cuộc sống của mình lại để cho người khác phán xét? Sao không thử làm một điều gì đó cho bản thân?”, chị Hương tự truy vấn khi đối diện với bước ngoặt cuộc đời.
Những năm tháng ấy, cuộc sống của người phụ nữ đơn điệu đến mức có lúc chị quên mất sự tồn tại của mình. Đứng trước sự lựa chọn giữa đam mê và sự ổn định tài chính với công việc hiện có, chị chọn buông bỏ để trở về với thiên nhiên.
Ròng rã 2 năm trời (2018 - 2019), chị rong ruổi vào tận Tây Nguyên để học hỏi mô hình vườn rừng theo hướng lấy tự nhiên nuôi tự nhiên, nhưng lại thất vọng trước những gì đã chứng kiến. “Tôi bị sốc khi thấy cảnh những quả đồi bị cạo trọc hay việc nông dân dùng tay trần để khuấy bình thuốc sâu phun tưới cho cây trồng. Họ lạm dụng thuốc trừ sâu trong sản xuất nông nghiệp đến mức khó tưởng tượng. Khi ấy, tìm một mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ để học hỏi kinh nghiệm khó như lên trời”, chị Hương kể.
Người phụ nữ ấy có vẻ hiểu khá sâu sắc quan niệm nhân - quả trong Phật giáo. Chị Hương nghiệm thấy quy luật đó hoàn toàn đúng trong bối cảnh không ít nông dân canh tác theo hướng hủy hoại tự nhiên và chính họ đang phải trả giá vì hành vi của mình.
Chị Hương muốn trồng lại rừng, dựa vào rừng để làm kinh tế mà không ảnh hưởng đến tự nhiên. Mô hình canh tác vườn rừng kết hợp với chế biến, nâng cao giá trị nông sản địa phương (SenKa Hill) cũng ra đời từ ý tưởng đó.
Năm 2020, chị Hương bắt tay vào làm mô hình vườn rừng tại xã Quang Trung (huyện Ngọc Lặc) với đồng vốn và kiến thức ít ỏi. Năm 2022, chị tiếp tục đầu tư, mở rộng, phát triển mô hình gắn với chế biến và xây dựng thương hiệu nông sản tại làng Lương Ngô, xã Thạch Lập, huyện Ngọc Lặc.
Chị cho biết, khó khăn nhất khi làm mô hình vườn rừng là tìm kiếm nguồn nước phục vụ sản xuất. “Đội thợ khoan giếng mất nửa ngày vừa dò tìm vừa khoan thử nghiệm nhưng cuối cùng phải bỏ cuộc. Để có nước sinh hoạt, tôi phải nối đường ống dài từ đồi vào khu dân cư. Còn nước phục vụ sản xuất thì chấp nhận phụ thuộc vào… ông trời”, chị Hương kể.
Khởi nghiệp với đồng vốn ít ỏi nên mọi công việc tại khu rừng đều qua tay chị. Buổi sáng người phụ nữ ấy leo đồi, trồng cỏ, làm đất, tối lại dạy học tiếng Anh online để có thêm thu nhập, duy trì cuộc sống. Trên khu đất rộng khoảng 1ha tại xã Thạch Lập, chị trồng xen hàng chục loại cây đa tầng tán như đậu, lạc, dong, sắn dây, khoai mì, chuối... với phương châm lấy tự nhiên nuôi tự nhiên và đa dạng nguồn thu.
Trả ơn rừng
Ban đầu, quanh khu đồi chị Hương trồng hàng nghìn gốc cỏ, chuối, sắn... để tạo lớp đệm tự nhiên, ngăn tác nhân có hại cho cây trồng, vừa giúp giữ ẩm cho đất và sử dụng chúng làm sinh khối để tạo nguồn phân xanh tự nhiên theo hướng sản xuất tuần hoàn. Ròng rã hơn 1 năm, người phụ nữ ấy chỉ ăn và thực hiện một công việc duy nhất là trồng và cắt cỏ để cải tạo đất, giải bài toán “khát nước” của cây trồng.
Cải tạo xong đất, chị Hương trồng xen canh cây lâu năm, cây lương thực, dược liệu, rau màu ngắn ngày, tạo thành hệ sinh thái rừng đa tầng tán thu nhỏ. Mỗi loài cây đều có vai trò riêng, cộng sinh cùng nhau trên khu đồi ấy.
“Sau mỗi vụ, tôi vừa thu được sắn (khoái mì), sắn dây, khoai, đậu, dong, lạc... Bên cạnh đó, hệ thống các tầng tán giúp tạo ra chất xơ, bã mùn thực vật làm phân bón… Trong vườn, tôi để cỏ mọc tự nhiên, đến thời kỳ cỏ ra hoa thì cắt thân và phủ lên bề mặt để giữ ẩm cho đất và tạo phân hữu cơ tự nhiên ”, chị Hương chia sẻ.
Tuy nhiên, cách làm nông nghiệp của chị Hương không tránh khỏi rủi ro, đặc biệt là năng suất, sản lượng cây trồng giảm. Có vụ chị Hương chỉ thu được mấy chục kg lạc, dong, sắn dây trên cả khu đất rộng mênh mông. Thấy vậy, người dân khuyên chị sử dụng phân hóa học để cải tạo đất, dùng thuốc diệt cỏ để bảo vệ cây trồng cho đỡ vất vả nhưng chị nhất quyết không nghe.
“Một vụ thu hoạch phải đợi ít nhất 3 tháng nhưng khi thu hoạch thất thu hoặc năng suất thấp. Chi phí giống, nhân công, phân bón cũng ra đi theo mà thu nhập bù lại chẳng được bao nhiêu. Nhiều người hỏi tôi tại sao lại bảo thủ, cực đoan trong cách làm như vậy?
Đúng, tôi thừa nhận trong vài năm qua, doanh thu của vườn không cao và đôi khi chỉ đủ “giật gấu vá vai” qua ngày. Đến vụ thu hoạch, nếu có hàng thì bán, không có thì dừng. Muốn tăng sản lượng nhanh thì chỉ có cách giảm tiêu chuẩn, nhập hàng đại trà. Miếng cơm, manh áo đang “treo” trước mặt, nhưng tôi không chọn cách làm này. Với tôi, giá trị sản phẩm không nằm ở lợi ích vật chất mà hơn hết đó là sự chân thành, tôn trọng tự nhiên và tôn trọng những gì mình đã, đang cố gắng, nỗ lực từng ngày”, chi Hương chia sẻ.
Người phụ nữ ấy có lúc rơi vào trạng thái hoang mang, chông chênh với cách làm khác người. Nhiều khi chị muốn mở rộng hợp tác nhưng khó thuyết phục người khác bởi họ cho rằng cách làm này không hiệu quả. Ngay cả việc thuyết phục nông dân không sử dụng thuốc trừ cỏ cũng là một thử thách lớn.
“Tất nhiên, nếu chỉ nhìn từ góc độ phát triển kinh tế ngắn hạn, vườn rừng không phải là lựa chọn tối ưu. Nhưng bất cứ điều gì cũng có hai mặt của nó. Đối với tôi, những giá trị về môi trường và cuộc sống lâu dài mới là điều quan trọng. Tuy chậm nhưng mình được an nhiên, yên tâm sống trong môi trường an lành và tạo thêm sinh kế cho một số bà con”, chị Hương cho biết.
Bên cạnh đó, theo chị Hương, mô hình vườn rừng đa tầng tán cũng hạn chế sự phát triển và lây lan của một số loài sâu bệnh. Nhiều loại cây tiết ra các hợp chất từ các bộ phận như rễ, thân, lá, hoa, quả có tác dụng kìm chế hoặc xua đuổi sâu bệnh. Một số loài cây có tác dụng dẫn dụ các loài thiên địch và các côn trùng thụ phấn cho cây.
“Thoạt nhìn người ta sẽ nghĩ nếu trồng cây đa tầng tán sẽ tạo ra sự cạnh tranh dinh dưỡng giữa các loại cây trồng, tuy nhiên, thực tế thì mỗi loài cây có nhu cầu về hàm lượng các chất dinh dưỡng khác nhau. Do vậy khi trồng xen các loại cây sẽ giúp bảo vệ đất, phục hồi các chất hữu cơ trong đất, bổ sung dinh dưỡng cho nhau, tạo sự cân bằng dinh dưỡng trong đất. Trồng nhiều loại cây sẽ giúp hạn chế rủi ro ngay cả khi cây trồng chính bị thiệt hại hoặc không mang lại năng suất như mong đợi”, chị Hương chia sẻ.
Để giải quyết bài toán hiệu quả trong sản xuất, thay vì xuất ra thị trường sản phẩm thô, chị Hương tập trung vào chế biến, đa dạng hóa sản phẩm nông sản, hình thành các sản phẩm mang thương hiệu SenKa Hill.
“Thay vì chỉ có bột sắn dây nguyên cục vị truyền thống, tôi nghiên cứu nghiền mịn bột và trộn thêm đường, hương vị tạo thành sản phẩm có vị độc đáo và mới lạ, đáp ứng thị hiếu, nhu cầu khách hàng. Bên cạnh đó, tôi tận dụng cây dược liệu, thảo mộc trong vườn rừng để làm gia vị. Hoặc thay vì bán lạc nhân thu hoạch, tôi chế biến thành bơ lạc, bán được giá cao hơn…”, chị Hương chia sẻ.