Hồi sinh những "khu vườn chết"
Đến bây giờ, ông Ngô Quang Tuân (làng Mơn, xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) vẫn không tin khu vườn đa canh rộng 3ha của gia đình với những loại cây ăn trái như sầu riêng, nhãn, bơ… lại tươi xanh mơn mởn, tràn đầy sức sống đến như vậy.
Chỉ khoảng 2 năm trước, mảnh vườn này bị ngộ độc bởi các loại phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật nên đã trở nên xơ xác, tiêu điều. Lúc bấy giờ, ông Tuân đã nghĩ đến chuyện thanh lý vườn cây do càng đầu tư càng không mang lại hiệu quả. Và rồi điều kỳ diệu đã xảy ra, ông Tuân may mắn gặp được lão nông Nguyễn Văn Thiện (xã Ia Ka, huyện Chư Păh), người được xem là nguồn cảm hứng cho sản xuất nông nghiệp tuần hoàn theo hướng hữu cơ của cả vùng lúc bấy giờ.
Sau cái bắt tay hợp tác, ông Thiện chịu trách nhiệm hỗ trợ về quy trình chăm sóc, cải tạo lại vườn cây theo hướng hữu cơ, bền vững. Các chế phẩm từ vi sinh vật bản địa (IMO) như đạm cá, phụ phẩm có sẵn trong vườn cây được tận dụng triệt để, điều này giúp giảm chi phí, tăng năng suất, tạo ra nông sản chất lượng cao, an toàn cho người tiêu dùng và môi trường.
Không những vậy, vườn cây còn để cỏ mọc tự nhiên, sau đó cắt phần ngọn nhằm tạo độ mùn, nâng cao dinh dưỡng cho đất. Bên cạnh đó, vườn cây được đầu tư toàn bộ công nghệ tưới tiết kiệm, sử dụng điều khiển tự động nên đã kiểm soát nguồn nước và phân bón một cách hiệu quả.
“Ngày trước, mỗi lần bón phân, tưới nước phải mất 3 - 4 ngày, tốn kém rất nhiều chi phí. Còn hiện tại, chỉ cần ấn nút điều khiển, hệ thống tự động thực hiện trong nửa ngày là xong”, ông Tuân chia sẻ.
Cũng theo ông Tuân, sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, theo hướng hữu cơ tiết giảm được chi phí rất nhiều so với sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật như trước đây. Tất cả các phụ phẩm từ cây cỏ, lá cây được phân hủy trở thành phân hữu cơ phục vụ cho cây trồng rất hiệu quả.
“Sau 2 năm cải tạo, vườn cây đã tràn đầy sức sống trở lại, cành lá tươi xanh mơn mởn, trong khi năng suất vượt ngoài mong đợi. Vụ thu hoạch vừa qua, chỉ tính riêng 500 cây nhãn đã cho năng suất trên 20 tấn”, ông Tuân vui vẻ cho biết thêm.
Xuôi về huyện Kong Chro, chúng tôi may mắn được gặp nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023 - bà Phạm Thị Phương (thôn 9, xã Yang Trung). Không chỉ vươn lên làm giàu với mô hình kinh tế trang trại, bà Phương còn được xem là hình mẫu về sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, bảo vệ môi trường.
Trang trại của bà Phương có tổng diện tích hơn 10ha, trồng nhiều loại cây ăn quả như nhãn, ổi, na Thái… Để đảm bảo chất lượng quả và an toàn, vườn cây của gia đình được canh tác theo hướng hữu cơ, có hệ thống tưới tự động.
Nhằm hài hòa môi trường sinh thái, bà Phương để cỏ mọc tự nhiên trong vườn cây làm thảm thực vật giúp giữ ẩm cho đất trong mùa khô, chống rửa trôi dinh dưỡng trong mùa mưa. Đất canh tác vì vậy luôn tơi xốp, giúp cây thuận lợi hấp thụ dưỡng chất.
Bà Phương cho biết, để tiết giảm chi phí, gia đình đã tận dụng nguồn phân bón từ việc nuôi heo. Ngoài ra, gia đình đã tận dụng các phụ phẩm sẵn có trong vườn, kết hợp men Trichoderma để làm phân bón vi sinh cho vườn cây.
“Chính nhờ canh tác theo hướng bền vững, sử dụng công nghệ sinh học để tái chế các phụ phẩm phục vụ lại cho sản xuất đã giúp giảm chi phí 30 - 40% và bảo vệ môi trường hiệu quả”, bà Phương cho biết.
Nông nghiệp tuần hoàn trở thành xu hướng
Dù chưa có thống kê về diện tích sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, theo hướng hữu cơ, nhưng người dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai vẫn đang từng bước thay đổi theo hướng tích cực. Khoảng 5 năm trước đó, những vườn cây để cỏ mọc là rất hiếm. Tuy nhiên hiện nay, người dân đã để cỏ mọc um tùm và trồng xen canh nhiều loại cây, đó là dấu hiệu tích cực của nền nông nghiệp bền vững.
Ông Nguyễn Tấn Công, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang (xã Nam Yang, huyện Đăk Đoa) cho biết, những nước phát triển yêu cầu nông sản muốn nhập khẩu vào quốc gia của họ phải đảm bảo những tiêu chuẩn theo nên nông nghiệp xanh, tuần hoàn. Các chứng nhận về nông nghiệp hữu cơ, GlobalGAP… cũng xuất phát từ các tiêu chuẩn nông nghiệp xanh, tuần hoàn. Đó là xu hướng mà Việt Nam phải làm, không thể đi ngược với thế giới.
Bên cạnh đó, Việt Nam có đa dạng các loại nông sản nên muốn đưa sản phẩm ra nước ngoài cần phải thực hiện liên kết theo chuỗi gắn với truy xuất nguồn gốc.
Nông nghiệp tuần hoàn và liên kết người dân theo mô hình HTX sẽ có nhiều lợi thế cho nông sản của Việt Nam, đáp ứng được các tiêu chuẩn của các nhà nhập khẩu. Ngoài ra, thông qua nền nông nghiệp xanh, tuần hoàn, chúng ta kiểm soát được chất lượng, giảm chi phí đầu tư. Đặc biệt, sản xuất nông nghiệp theo hướng này sẽ thuận theo tự nhiên, ít sâu bệnh hại, đất đai màu mỡ, cây trồng phát triển tốt hơn.
“Đối với nông nghiệp tuần hoàn, người dân đang quay trở lại sử dụng nhiều hơn các chế phẩm nông nghiệp. Trong đó, vỏ cà phê đã được người dân sử dụng rất nhiều và khai thác tối đa chất dinh dưỡng từ loại phụ phẩn này”, ông Công cho biết.
Chia sẻ về nền nông nghiệp tuần hoàn, ông Đoàn ngọc Có, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Gia Lai cho biết, trên địa bàn tỉnh đã hình thành 18 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tập trung, chuyên canh. Theo đó, có khoảng hơn 255 nghìn ha cây trồng các loại sản xuất theo hướng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, 4C, Organic…
Thời gian qua, Gia Lai đang đẩy mạnh việc đưa các mô hình nông nghiệp tuần hoàn vào quá trình sản xuất nông nghiệp theo chu trình khép kín. Chất thải và phế phụ phẩm phục vụ lại cho quá trình sản xuất thông qua áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ sinh học.
“Thời gian tới, Gia Lai sẽ tăng tỷ trọng diện tích sản xuất theo hướng hữu cơ, tuần hoàn kết hợp ứng dụng công nghệ cao để nâng cao hiệu quả, chất lượng các loại cây trồng. Hình thành các khu vực thử nghiệm và nhân rộng mô hình nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, tuần hoàn, nông nghiệp thông minh...”, ông Có chia sẻ.
Ông Nguyễn Tấn Công, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang cho rằng diện tích đất không thể tăng lên, vì vậy cái chúng ta cần làm là phải khai thác hiệu quả, nâng cao thu nhập trên cùng một mảnh vườn. Muốn vậy, cần phải sản xuất đa canh, theo hướng tuần hoàn. Có những cây trồng không cho thu hoạch nhưng có tác dụng làm phân bón, trả lại dinh dưỡng cho đất. Như vậy sẽ đã giảm được chi phí đầu tư, đồng thời cải tạo đất rất hiệu quả.