Chu kỳ 12 năm đến hẹn lại lên, người dân tại Trung Quốc, Đài Loan, Hong Kong và những vùng lãnh thổ thực hành truyền thống ăn Tết cổ truyền đang chuẩn bị đón năm con thỏ, trừ Việt Nam. Thay cho thỏ, năm 2023 của người Việt ta sẽ là năm con mèo, như bao năm con mèo trước đó. Thử tìm hiểu sự dị biệt thú vị này qua lăng kính lịch sử.
Nguồn gốc của 12 con giáp
Trước khi nói về 12 con giáp, cần nhắc qua một chút về hệ thống Can Chi (干支), là cách gọi ngắn gọn của khái niệm Thiên Can Địa Chi (天干地支) hoặc Thập Can Thập Nhị Chi (十干十二支), là một hệ thống đánh số thành chu kỳ bao gồm 10 Thiên Can và 12 Địa Chi để xác định thời gian (giờ, ngày, tháng, năm) được sử dụng rộng rãi tại các quốc gia thuộc vùng văn hóa Á Đông (viết tắt là Á Đông) như Trung Quốc, Đài Loan, Hong Kong, bán đảo Triều Tiên, và Việt Nam.
Cụ thể hơn, Thập (10) Thiên Can bao gồm: Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý.
Thập Nhị (12) Địa Chi bao gồm: Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tị, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi.
Trong đó, Thập Nhị Địa Chi là tên gọi 12 con vật trong hoàng đạo Trung Hoa dùng chỉ thời gian (giờ, ngày, tháng, năm), bốn mùa, và cả phương hướng.
Cho đến nay, hệ thống Can Chi được cho là xuất hiện từ thời nhà Thương, nhưng cụ thể và chi tiết hơn, chẳng hạn ai là nhà phát minh, vẫn chưa có câu trả lời cụ thể.
Có lẽ cũng không thừa, khi kể lại một chuyện cổ tích dân gian (vốn có rất nhiều dị bản) thường được người Trung Quốc kể cho trẻ con nghe về nguồn gốc của 12 con giáp như sau: Chuyện kể rằng, Ngọc Hoàng muốn chọn ra 12 con vật làm đại diện cho 12 địa chi, bèn tổ chức một cuộc chạy đua. Khi cuộc đua gặp vật cản là một con sông lớn, chuột (tí) bèn nhảy vào tai trâu (sửu), và khi trâu ta vừa vượt sông thì chuột nhảy ra từ tai và chiến thắng cuộc đua. Vì thế nên ta có chuột và trâu lần lượt đứng đầu danh sách 12 con giáp.
Như vậy, với hệ thống âm lịch, vốn dựa trên chu kỳ và sự chuyển động của mặt trăng, vốn được sử dụng song song với dương lịch (dựa trên chuyển động và chu kỳ mặt trời) của phương Tây, người Việt Nam cũng sử dụng chính hệ thống Thập Nhị Địa Chi của Trung Quốc làm công cụ xác định thời gian và các thời điểm quan trọng trong năm, nhất là Tết Âm lịch.
Và mỗi năm âm lịch lại đi kèm đại diện là một trong 12 con giáp, chẳng hạn con chuột đứng đầu (tí), rồi đến trâu (sửu), hổ (dần), mèo (mão), rồng (thìn), rắn (tị), ngựa (ngọ), dê (mùi), khỉ (thân), gà (dậu), chó (tuất), lợn (hợi). Trong danh sách này, ngoài rồng là con vật thần thoại duy nhất, thì có bốn con vật hoang dã và không thân thiện với người (rắn, chuột, hổ, và khỉ), và chỉ bảy con vật còn lại là gần gũi và được thuần hóa hơn cả.
Cứ mỗi chu kỳ 12 năm (một giáp), thứ tự các con vật lại quay về ban đầu. Như vậy, lần gần đây nhất con mèo đại diện cho một năm là 2011, đúng 12 năm về trước.
Tại sao mèo và tại sao thỏ?
Như vậy, danh sách 12 con giáp của Trung Quốc và Việt Nam hoàn toàn tương đồng ngoại trừ vị trí của con giáp thứ 4: Người Việt Nam dùng mèo, trong khi người Trung Quốc dùng thỏ.
Vậy tại sao lại có sự dị biệt này? Câu trả lời, ngạc nhiên thay, vẫn còn là chủ đề tranh luận trong giới học giả, bao gồm các nhà sử gia. Giả thuyết (tạm) được đa số đồng thuận như sau:
Con thỏ trong chữ Hán hiện đại là “兔” (đọc là “tù” theo hệ thống Pintin, âm Hán Việt là “thỏ”). Còn con mèo viết là “ 猫”, âm pinyin là “māo” và âm Hán Việt là “miêu”.
Tuy nhiên, chữ tượng hình của can chi thứ 4 (con thỏ) là “卯”, và cách đọc pinyin của chữ này là “mǎo”, tương đồng với “māo” trong cách đọc của con mèo (miêu).
Đây là điểm được giới học giả cho rằng, trong quá trình giao thoa văn hóa suốt dòng thời gian, người Việt đã nhầm lần trong âm đọc gốc của “thỏ” và “mèo”, dẫn đến nhầm lẫn giữa “卯” (thỏ) và “猫” (mèo), hai chữ tượng hình có cách đọc tương đồng.
Tuy nhiên, bản thân người viết thấy cách giải thích này chưa thỏa đáng lắm. Tại sao người Trung Hoa cổ đại lại dùng âm thanh chỉ mèo (“māo” / “māo”) để gán cho chữ tượng hình chỉ con thỏ, thay vì âm “tù” để chỉ chính con thỏ?
Hơn nữa, quá trình gọi là “giao thoa văn hóa” giữa hai nền văn minh Trung Quốc với Việt Nam từ thời cổ đại đến tận đầu thế kỷ 19, bao gồm kiến thức liên quan đến Can Chi và hoàng đạo, hẳn phải được phụ trách bởi những quan chức có kiến thức tốt về Hán văn, và được truyền bá bằng văn bản viết thay cho truyền miệng. Nên bất cứ sự dị biệt hay không đồng nhất nào, cụ thể là vị trí của can chi thứ 4, hẳn đã phải được phát hiện và sửa lại cho trùng.
Tóm lại, dẫu còn đòi hỏi nhiều tranh luận và bàn cãi cả bên trong lẫn ngoài giới học giả, có lẽ ai nấy đều có thể nhất trí rằng, dẫu thỏ hay mèo, đây đều là những con vật đáng yêu, đã được thuần hóa, và đã làm bạn của loài người được một thời gian rất dài, với những phẩm chất như khôn khéo, uyển chuyển, độc lập, và đáng yêu.