| Hotline: 0983.970.780

Chuyện người phụ nữ đưa điện về xóm nghèo

Thứ Bảy 17/12/2022 , 05:10 (GMT+7)

Người dân góp tiền, cán bộ hai xóm làm tờ trình lên UBND xã, xin xây trạm biến áp để có điện. Khi hai xóm sáng điện thì cán bộ bị kỷ luật?

NPN 1JPG (1)

Bà Trần Thị Đa (bìa phải) và ông Nguyễn Hữu Phước kể chuyện “trạm biến áp”.

“Đỏ đèn dầu gói bánh chưng tết”

Trạm biến áp được xây dựng thuộc hai xóm Đào Nguyên và Gia Đề cũ, nay là xóm Trường Thọ, xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ(Nghệ An).

Nữ bí thư Chi bộ xóm bị kỉ luật nặng nhất là bà Trần Thị Đa.

Bà Trần Thị Đa (60 tuổi, bí thư Chi bộ xóm Trường Thọ) và ông Nguyễn Hữu Phước (72 tuổi, trưởng ban mặt trận xóm) cho biết, năm 1992 xã Nghĩa Dũng bắt đầu có điện. Do hai xóm Đào Nguyên và Gia Đề nằm cách xa hai trạm điện đầu xã và cuối xã từ 1-2 km nên điện áp rất yếu, không đủ thắp sáng. “Hai xóm có điện nhưng chỉ sáng lờ mờ như đom đóm”, ông Phước nói.

Còn bà Đa nhớ tình cảnh: “Người dân đi mua bóng 110V về dùng để mong “câu” được điện sáng nhưng lắp bóng xong, bật công tắc là bóng nổ đôm đốp khắp xóm. Ngày áp tết, bà con phải đỏ đèn dầu ngồi gói bánh chưng”.

Năm 1994, thay vì bức xúc, người dân góp tiền đề nghị lãnh đạo hai xóm “đi xin” xã xây trạm biến áp. Bà Đa bàn với cán bộ hai xóm làm tờ trình xin xã xây trạm biến áp để phục vụ đời sống dân sinh. Bà kể: “Tờ trình nêu hai nội dung chính, gồm 342 hộ dân hai xóm tự nguyện góp tiền để xây trạm biến áp; xin xã chấp thuận để thợ thi công. Kết cục, xã không nhất trí. Chúng tôi đành lên UBND huyện. Huyện có “hẹn” nhưng chờ mãi không thấy trả lời cho xây hay không”.

Biết khó hi vọng, tháng 7-1995 bà Đa và cán bộ hai xóm quyết định mời tốp kỹ sư điện ở TP. Vinh lên thi công với hợp đồng: “Tổng chi phí 158 triệu đồng. Khi trạm biến áp xây xong, hai xóm chịu trách nhiệm đấu nguồn điện”.

NPN 2 JPG

Trạm biến áp tại xóm Trường Thọ, xã Nghĩa Dũng

Xóm có điện, bà con vui đón tết, nhưng…

Cuối tháng 7/1995 trạm biến áp xây xong. Bà Đa và cán bộ xóm xuống Sở Điện lực Nghệ An (nay là Công ty điện lực Nghệ An) xin đấu nguồn điện. Sở hướng dẫn “sang xin UBND tỉnh, nếu tỉnh đồng ý, Sở sẽ đấu nguồn”. Từ đó, “nhiều lần chúng tôi xuống tỉnh, đi xin đấu nguồn, gian nan vô kể”, bà Đa nhớ lại.

Ông Phước góp chuyện: “Năm 1995, bà Đa là bí thư Chi bộ xóm Đào Nguyên, tôi là phó bí thư. Tôi cùng bà Đa và một số cán bộ xuống tỉnh đi xin đấu nguồn điện. Chúng tôi xin không được nên người dân thuê hai xe ca cùng đi xuống tỉnh. Vì đường xa 100 km nên ban ngày bà con nấu ăn ngoài cổng, đêm ngủ trong nền nhà tiếp dân và nơi gửi xe của khách. Lúc đầu, được phản ánh với lãnh đạo tỉnh trong một số phiên tiếp dân nhưng không có kết quả nên chúng tôi quyết định đến nhà riêng của lãnh đạo tỉnh, xin bằng được vì tết sắp đến rồi, chỉ cần động tác đấu nguồn là dân có điện đón tết”.

Đầu tiên, bà Đa tìm được nhà ông H.T.Th (Phó chủ tịch UBND tỉnh) nhưng ai cũng ngại vào. Bà Đa nghĩ cách, chọn ngày áp tết, chờ khi có đoàn khách đến chúc tết lãnh đạo thì cả tốp bám theo rồi “ập” vào nhà luôn. “Mẹo này dễ chấp nhận nên chúng tôi đã tiếp cận được Phó chủ tịch đến Chủ tịch tỉnh và cả Bí thư Tỉnh uỷ”, bà Đa nói. Sau khi ông Th. không nêu hướng giải quyết cụ thể, bà Đa và tốp cán bộ cùng người dân đến nhà ông H.X.H (Chủ tịch UBND tỉnh). Ông H. yêu cầu công an phường sở tại hướng dẫn “bà con đến hội trường của trụ sở công an phường”.

Tại đây, ông H. nói: “Bà con cứ yên tâm. Đừng bức xúc. Ánh sáng của dân là phải có. UBND tỉnh sẽ có trách nhiệm giải quyết”. Chờ sát tết rồi vẫn không thấy tỉnh giải quyết, bà Đa và tốp cán bộ xóm đến nhà ông N.B. (Bí thư Tỉnh uỷ). Ông B. cũng yêu cầu công an phường sở tại hướng dẫn “bà con sang hội trường của trụ sở công an phường”.

Tại đây, ông B. nói: “Tôi sẽ có ý kiến về việc này”. Nói xong, ông B. gọi điện thoại, yêu cầu huyện Tân Kỳ cử người xuống, đưa bà con về. Sự việc “nóng” đến mức, trước đó Ban giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cử cán bộ Phòng tham mưu tiếp cận vụ việc, tìm hiểu vì sao việc người dân xin đấu nguồn điện lại diễn ra trong thời gian dài?.

Bà Đa nói: “Phải đến khi anh Bùi Đức Trọng, cán bộ Phòng tham mưu làm báo cáo sự việc thì ông Trần Đình Bảng-Phó giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, kết luận “an toàn nhất là đấu nguồn, cấp điện cho dân”. Công an tỉnh Nghệ An gửi công văn sang UBND tỉnh. UBND tỉnh có công điện khẩn gửi UBND huyện Tân Kỳ và UBND xã Nghĩa Dũng, đề nghị “chỉ đạo, đấu nguồn, cấp điện cho người dân”.

Kể đến đây bà Đa, ông Phước vui hẳn lên: “Dạo đó, đúng ngày 28 tết, điện bừng sáng cả hai xóm Đào Nguyên và Gia Đề”. Nhưng ngay sau tết, bà Đa, ông Phước và bốn người khác gặp rắc rối. Ông Phước nhớ lại: “Tháng 2/1996, cán bộ tổ chức Huyện uỷ Tân Kỳ cùng Đảng uỷ xã Nghĩa Dũng có ba cuộc họp bất thường với Chi bộ hai xóm (riêng bà Đa, ông Phước là cấp uỷ nhưng không được mời họp).

Sau đó, anh Loan (cán bộ trực Đảng xã Nghĩa Dũng) đưa đến ông Phước tờ quyết định “khai trừ khỏi đảng”. Lí do khai trừ: “Không chấp hành chủ trương của Đảng, Nghị quyết của HĐND; cùng với dân tự ý xây trạm biến áp”. Ông Phước cho biết: “Tôi và bà Đa và bốn đảng viên khác bị khai trừ khỏi đảng, nhưng bảy tháng sau tôi và ông Trần Văn Lan nhận được quyết định khôi phục đảng viên.

Riêng bà Đa phải đến năm 2018 mới được kết nạp trở lại”. Nghe chuyện cũ, bà Đa nói: “Tôi không nhận được quyết định khai trừ như ông Phước nhưng tôi “hiểu và tự biết” chuyện này nên tự thôi công việc Bí thư Chi bộ xóm. Một số người dân động viên bằng cách “đi đòi lại Đảng” cho tôi nhưng nghĩ mình từng làm Bí thư đoàn xã, nay làm Bí thư Chi bộ xóm kiêm Phó chủ tịch Hội phụ nữ xã nên dân đề nghị đi xin xây trạm biến áp thì phải giúp dân.

Trong khó khăn, nếu bỏ dân thì tội dân. Chỉ lo dân bức xúc, làm sai pháp luật thì khổ dân. Giờ có điện là mừng rồi, mình vẫn còn nghĩa vụ cơ bản nữa là làm công dân tốt. Mình cần Đảng nên mình cống hiến. Đảng chưa hiểu mình thì mình phải chịu”. Hai năm sau bị “kỷ luật”, năm 1998 đại hội xóm Đào Nguyên bầu bà Đa làm xóm trưởng.

Đến năm 2019, hai xóm Đào Nguyên và Gia Đề nhập thành xóm Trường Thọ, bà Đa tiếp tục được bầu làm xóm trưởng, cho tới tháng 7/2022. (“Chức” xóm trưởng của bà Đa kéo dài gần 25 năm, từ 3/1998 đến 7/2022). Bà Đa giải thích lí do bà làm xóm trưởng đến tháng 7/2022 bởi trước đó, năm 2005, Chi hội phụ nữ xóm cử bà Đa đi học đối tượng Đảng nhưng không thấy kết nạp.

Năm 2018 bà Đa lại được cử đi học đối tượng lần nữa. Lần này bà Đa được kết nạp trở lại. “Năm 2020, tôi được bầu làm Phó bí thư Chi bộ. Tháng 7/2022, tôi xin nghỉ ở tuổi 60 nhưng đại hội đồng ý cho nghỉ chức xóm trưởng với điều kiện phải làm Bí thư Chi bộ xóm, cho đến nay”, bà Đa nói.

Xóm xoá nghèo bền vững.

“Ông Phạm Hồng Linh, nguyên Bí thư Đảng uỷ xã Nghĩa Dũng, cho biết: “Năm 1996 khi bà Đa bị khai trừ Đảng, tôi làm xóm trưởng xóm Tân Thuận, nên biết rõ chuyện này. Năm 2018, tôi làm Bí thư Đảng uỷ, là người kí tờ trình gửi Huyện uỷ Tân Kỳ về việc “Đề nghị kết nạp Đảng lần hai đối với bà Đa”. Bà Đa là người rất uy tín đối với dân. Sau khi bị kỷ luật, bà Đa vẫn nhiều lần được xã, huyện tặng giấy khen vì thành tích công tác”.

Ông Trần Văn Kiều, Phó chủ tịch UBND xã Nghĩa Dũng, đánh giá: “Trước khi có trạm biến áp, hai xóm Đào Nguyên, Gia đề thuộc diện xóm nghèo nhất trong 13 xóm của xã Nghĩa Dũng. Sau khi có trạm biến áp, đời sống hai xóm từng bước thoát nghèo. Năm 2019, hai xóm cũ nhập thành xóm mới Trường Thọ. Xã Nghĩa Dũng có 5 xóm. Từ đó đến nay, Trường Thọ đã xoá nghèo bền vững, trở thành đơn vị thứ 3/5 xóm của xã”. 

  • Tags:
Xem thêm
Ông Đỗ Thanh Bình làm Bí thư Thành ủy Cần Thơ

Cần Thơ Bộ Chính trị vừa điều động, phân công, chỉ định ông Đỗ Thanh Bình - Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang giữ chức Bí thư Thành ủy Cần Thơ, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Sự cố vỡ đê làm ngập một nửa diện tích cồn Hô

Trà Vinh Do triều cường cao làm vỡ 17m bờ bao cồn Hô, huyện Càng Long, khiến 12ha vườn cây ăn trái của 11 hộ dân bị ngập, tương đương một nửa diện tích của cồn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

‘Giữ lửa’ làng nghề làm hương truyền thống

Là thế hệ kế cận, tiếp nối nghề làm hương của gia đình, nghệ nhân trẻ Nguyễn Thu Phương luôn trăn trở với những hướng đi mới để phát triển nghề truyền thống.