| Hotline: 0983.970.780

Những làng đào lặng lẽ ở đất Cảng

Thứ Sáu 17/01/2025 , 08:26 (GMT+7)

Các làng trồng đào Tết 2025 tại Hải Phòng mất mùa do bão số 3, hàng khan hiếm nhưng thời tiết thuận lợi, dự kiến hoa đẹp hơn so với mọi năm.

Gần như không có cảnh người mua, người bán tấp nập như mọi năm tại thủ phủ đào quận An Dương dù Tết đã cận kề. Ảnh: Đinh Mười.

Gần như không có cảnh người mua, người bán tấp nập như mọi năm tại thủ phủ đào quận An Dương dù Tết đã cận kề. Ảnh: Đinh Mười.

Dù Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 đã cận kề, nhưng cảnh mua bán đào, quất cảnh tại phường An Hải (xã Đặng Cương), quận An Dương không tấp nập như mọi năm. Hơn nửa giờ quan sát, chỉ ghi nhận một lượt khách xem hoa chóng vánh.

Thôn Hòa Nhất, nơi có diện tích trồng đào lớn nhất, cũng là nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất sau bão số 3. Đa phần các vườn đào đều có cây chết, số còn lại chất lượng kém, buộc người dân phải chấp nhận hy sinh lợi nhuận trước mắt, ưu tiên bảo tồn gốc đào.

Tương tự, tại thôn Tự Lập, cánh đồng Ụ Pháo - cũng được xem là trung tâm hoa cây cảnh Hải Phòng - cảnh tượng cũng chẳng khá hơn. Sự vắng vẻ bao trùm, khác xa không khí sôi động của những mùa Tết trước.

Anh Nguyễn Xuân Chiến, người dân thôn Tự Lập với gần 20 năm gắn bó nghề trồng đào, chia sẻ đây là mùa Tết ảm đạm nhất anh từng trải qua. Trước bão số 3, hai vườn đào của anh có gần 200 gốc, được chăm sóc kỹ lưỡng, hầu như năm nào cũng có lãi. Tuy nhiên, sau trận lụt do siêu bão gây ra, chỉ còn hơn 50 gốc đủ sức cho hoa Tết Ất Tỵ 2025, và chất lượng hoa dự kiến sẽ đẹp hơn mọi năm do thời tiết thuận lợi.

Anh Chiến là một trong số ít trường hợp có đào còn sống sót, có thể kinh doanh dịp Tết 2025. Ảnh: Đinh Mười.

Anh Chiến là một trong số ít trường hợp có đào còn sống sót, có thể kinh doanh dịp Tết 2025. Ảnh: Đinh Mười.

Thực tế, gia đình anh Chiến vẫn còn may mắn hơn nhiều hộ dân khác khi vẫn còn đào để bán. Có những gia đình mất trắng, cả vốn lẫn công sức đổ sông đổ biển sau cơn bão. Anh Chiến lý giải, số đào còn lại là do anh mua gốc từ Lào, có tuổi đời cao, sức chống chịu tốt, lại được bơm tiêu kịp thời sau bão. Ngược lại, những gốc đào mua từ Mộc Châu, còn non, đều bị chết.

Dù thiệt hại nặng nề, anh Chiến vẫn lạc quan khi chất lượng hoa năm nay khá tốt, thậm chí đẹp hơn nhiều năm trước nhờ thời tiết thuận lợi, có rét. Khác với những năm trước thường nóng bức vào thời điểm này, năm nay se lạnh, lộc non và nụ hoa đều rất đẹp.

“Giá chỉ nhích thêm chút ít, không thể tăng cao hơn, vì khách quen mình không nỡ làm khó họ. Mục tiêu là cùng có lời, người bán có công, người mua vừa túi tiền. Mỗi gốc đào thuê năm nay chỉ cao hơn năm ngoái khoảng 500.000 đồng”, anh Chiến chia sẻ thêm.

Thời tiết hiện tại thuận lợi cho người trồng đào cảnh buôn bán dịp Tết. Ảnh: Đinh Mười.

Thời tiết hiện tại thuận lợi cho người trồng đào cảnh buôn bán dịp Tết. Ảnh: Đinh Mười.

Ông Nguyễn Văn Chung, cũng ở thôn Tự Lập, sở hữu 200 gốc đào cổ thụ, nhưng sau bão chỉ còn 60 gốc đủ sức ra hoa. Ông phải nhập thêm 140 gốc từ Mộc Châu để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Khác với mọi năm, nếu đào cổ thụ trong vườn được cho thuê từ 3-5 triệu đồng/gốc thì đào mua từ Mộc Châu về đợt này được giá gấp đôi vì chi phí vận chuyển. Dù chất lượng tốt, giá cao vẫn khiến nhiều khách hàng e ngại.

Thông thường, thời điểm này các vườn đào đã tấp nập người mua, đặt cọc. Năm nay, cảnh tượng đìu hiu khiến nhiều người chán nản, bỏ chơi đào Tết hoặc chuyển sang loại cây khác. “Đào trồng tại vườn chỉ 3 triệu/gốc, nhưng đào Mộc Châu phải gấp đôi vì chi phí cao. Khách hàng rất kỹ tính, nhưng mình vẫn phải nhập để có gốc cho vụ sau. Giá cao nên bán chậm lắm”, ông Chung nói.

Những gốc đào được ông Chung đưa về từ Mộc Châu, Sơn La vẫn còn nguyên rong rêu. Ảnh: Đinh Mười.

Những gốc đào được ông Chung đưa về từ Mộc Châu, Sơn La vẫn còn nguyên rong rêu. Ảnh: Đinh Mười.

Tương tự, thị trường quất cảnh cũng lao đao. Ghi nhận tại phường Đồng Thái, quận An Dương, vùng trồng rất nhiều quất cảnh, hình ảnh một vụ tết thất bát do thiên tai cũng đang hiện hữu. Trên cánh đồng rộng hàng chục ha ở thôn Minh Kha, ông Trần Văn Định đang khẩn trương buộc những cành quất lưa thưa quả để chuẩn bị sẵn sàng phục vụ khách dịp Tết, vớt vát chút ít vốn liếng.

Gia đình ông Định có hơn 1 nghìn cây đào dăm thì sau bão chỉ còn vỏn vẹn 1 cây, còn vườn quất 160 cây năm nay dự kiến chỉ đạt năng suất khoảng 50% nhưng lượng quả ít và xấu hơn mọi năm.

“Năm nay thiên tai như vậy nên cây cối bị ảnh hưởng nặng nề, cây quất quả mất khoảng 40%, còn lại không được như theo ý của mình. Lúc bão quả mới bằng đầu ngón tay, đang lớn nên vừa bị mất dầu, vừa bị sẹo lại không to được. Chúng tôi đã khắc phục đến hết tầm, tùy từng cây để khắc phục nhưng chỉ được 60% như mọi năm nên giá cả cũng thấp”, ông Định buồn bã.

Người dân vặt bỏ quả quất để cứu cây, phục vụ năm sau. Ảnh: Đinh Mười.

Người dân vặt bỏ quả quất để cứu cây, phục vụ năm sau. Ảnh: Đinh Mười.

Cạnh vườn nhà ông Định, anh Nguyễn Văn Thoại không buộc quất mà mang những chiếc xô lớn để hái những quả quất đang vào độ chín đem bán rẻ cho các quán ăn. Theo anh Thoại, hơn 3 sào trồng quất năm nay của gia đình gần như bỏ vì ảnh hưởng bão số 3. Do giá quất giống tăng cao, gấp đôi so với mọi năm nên anh buộc phải hái quả đi để giữ cây cho vụ sang năm.

Theo Phòng Nông nghiệp quận An Dương, trên địa bàn hiện có khoảng 580ha diện tích trồng hoa, cây cảnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau bão số 3. Trong đó, 365ha trồng đào, 80ha trồng quất, 135ha trồng các loại hoa cây cảnh khác bị nghiêng, gãy đổ, bật gốc.

Riêng tại vùng thuộc xã Đặng Cương cũ (nay là phường An Hải) ước tính khoảng 70-75% diện tích mất trắng, đến nay đã bị chết, chỉ còn khoảng 15-20% diện tích cây có thể cứu được gốc và chưa đến 10%, có thể bán ra thị trường dịp Tết Nguyên đán 2025.

Xem thêm
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Warsaw, bắt đầu thăm Ba Lan

Rạng sáng 15/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và đoàn đại biểu Việt Nam đã tới thủ đô Warsaw, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan.

CPO Thủy lợi góp phần xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Các công trình, dự án thủy lợi do Ban CPO quản lý, thực hiện đã phát huy hiệu quả phục vụ sản xuất, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

‘Giữ lửa’ làng nghề làm hương truyền thống

Là thế hệ kế cận, tiếp nối nghề làm hương của gia đình, nghệ nhân trẻ Nguyễn Thu Phương luôn trăn trở với những hướng đi mới để phát triển nghề truyền thống.