| Hotline: 0983.970.780

Chuyện những người thợ cạo đi xây dựng kinh tế mới

Thứ Năm 06/02/2025 , 10:27 (GMT+7)

Cao su là cây công nghiệp chủ lực. Trở thành công nhân khai thác cao su, cuộc sống của người lao động đã đổi thay và được chăm lo nhiều mặt.

Dấu chân người đi mở đất

Khắp các dải đất biên giới Bình Phước là màu xanh được kiến tạo bởi bàn tay của những người thợ cạo. Họ đến từ khắp mọi miền Tổ quốc, có không ít người làm công nhân cao su từ những năm thập niên 80 của thế kỷ trước và cứ thế cha truyền con nối, lực lượng công nhân cao su ngày càng lớn mạnh. Điểm chung của họ là luôn gắn bó và thủy chung với nghề, bởi dù công việc có phần vất vả, thu nhập lúc thăng lúc trầm, nhưng nhìn chung vẫn ổn định hơn so với nhiều ngành nghề khác. Không ít hộ gia đình chịu khó tích cóp đã vươn lên khá giả.

Cao su vào mùa thay lá cũng là lúc báo hiệu mùa xuân đến. 

Cao su vào mùa thay lá cũng là lúc báo hiệu mùa xuân đến. 

Được sự giới thiệu của ban lãnh đạo Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh, chúng tôi đến thăm gia đình anh Phạm Cường (SN 1970), Tổ trưởng tổ 4, Nông trường 5, Cao su Lộc Ninh. Tiếp chúng tôi trong căn nhà mái Thái rộng hàng trăm mét vuông, là tài sản nhiều người mơ ước, không giấu được niềm phấn khởi, anh Phạm Cường chia sẻ: Anh vốn quê gốc ở thôn Hậu Kiên, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Năm 1980, anh theo chân gia đình rời quê hương để đi làm kinh tế mới. Nhiều người chọn các đồn điền cao su để lập thân, lập nghiệp, và xã biên giới Hưng Phước, huyện Lộc Ninh, tỉnh Sông Bé (nay là huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước) là địa điểm dừng chân của cả gia đình anh.

"Nói chung là trước đây, khi nghe Nhà nước có chương trình đi kinh tế mới, bản thân gia đình cũng không biết mảnh đất ở Sông Bé như thế nào. Thế là lúc đó, gia đình mình theo mọi người vào đây. Khi vào đây, mẹ mình được tuyển dụng làm công nhân cao su. Ban đầu, cuộc sống rất vất vả, đường sá chưa có, mọi thứ đều khó khăn. Nhưng có lẽ gia đình mình có duyên với nghề cao su. Lúc đầu cũng có ý định đi nơi khác, nhưng tự nhiên có những điều níu kéo lại. Sau đó, cuộc sống dần thay đổi theo hướng ngày một tốt lên", anh Cường chia sẻ.

Anh Cường trong ngôi nhà mái thái khang trang của gia đình mình. Ảnh: Trần Trung.

Anh Cường trong ngôi nhà mái thái khang trang của gia đình mình. Ảnh: Trần Trung.

Theo anh Cường, không chỉ gia đình anh mà dòng mủ trắng cao su đã giúp nuôi sống nhiều đời công nhân. Anh hiện là thế hệ thứ hai của gia đình công nhân tại Nông trường 5. Anh Cường nói rằng, đời công nhân cũng lắm thăng trầm theo giá mủ. Lúc mủ có giá thì đời sống công nhân cũng ổn định. Lúc giá mủ thấp thì ảnh hưởng theo. Nhưng trong anh chưa bao giờ có suy nghĩ bỏ nghề. Nhờ phương châm "khéo ăn thì no, khéo co thì ấm", sau nhiều năm tích cóp, từ hai bàn tay trắng đến nay anh đã có một cơ ngơi khang trang, con cái học hành đầy đủ, gia đình ấm êm, hạnh phúc.

Là người từ miền Trung vào Nam, chị Nguyễn Thị Lan, vợ anh Cường, cũng bắt đầu với nghề cạo mủ cao su từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước. Chị Lan nhớ lại: "Tôi quê Bình Trị Thiên, chưa từng thấy cây cao su. Vào đất này, những ngày đầu tôi theo người quen học nghề. Lúc đó, tôi cứ loay hoay với dao cạo, nghe mùi mủ mà muốn ngộp thở. Tập cũng quen dần, sau thời gian tập sự, tôi xin vào làm việc tại Nông trường 5".

Anh Cường và chị Lan trang hoàng nhà cửa đón Tết 2025. Ảnh: Trần Trung.

Anh Cường và chị Lan trang hoàng nhà cửa đón Tết 2025. Ảnh: Trần Trung.

Chị Lan cho biết thêm, vì cuộc sống, chị luôn chịu khó làm việc. Sau giờ cạo mủ, chị đi làm cỏ thuê, mượn đất nông trường để trồng đậu hay lúa. Dần dà, cuộc sống cũng ổn định hơn. "Tôi không nghĩ ngày vào đây chỉ có hai bàn tay trắng, phải ở nhờ nhà người quen. Vậy mà, sau những ngày dài kiên trì, gia đình tôi đã mua được đất cất nhà, trồng cao su cũng chính nhờ khoảng thời gian làm công nhân nông trường", chị Lan phấn khởi nói.

Mùa xuân của những người thợ cạo

Anh Đại trang hoàng nhà cửa đón Xuân Ất Tỵ 2025. Ảnh: Trần Trung.

Anh Đại trang hoàng nhà cửa đón Xuân Ất Tỵ 2025. Ảnh: Trần Trung.

Đây là mùa xuân thứ 12 của anh Nguyễn Chí Đại (SN 1995), quê Trà Vinh, gắn bó với Nông trường 5, Cao su Lộc Ninh. Anh Đại cho biết, năm 2002, anh theo chân gia đình lên Bù Đốp lập nghiệp. Thuở đầu, do chưa đủ tuổi lao động, anh theo chân anh chị lên lô cao su phụ giúp và bén duyên với nghề từ đó.

Tết năm nay, niềm vui của gia đình anh Đại được nhân đôi khi cả nhà đón tết trong ngôi nhà mới khang trang, ấm cúng. Đây là thành quả sau 12 năm phấn đấu. Tiếp chúng tôi trong căn nhà còn thơm mùi sơn mới, trên tường treo khá nhiều bằng khen, giấy khen về thành tích khai thác mủ giỏi, lao động sáng tạo trong nghề… anh Đại cho biết thêm, năm 2024 là năm thắng lợi của ngành cao su, nhờ đó lương thưởng của anh cũng khá cao.

Anh Đại phấn khởi khoe thành tích năm 2024 vừa qua. Ảnh: Trần Trung.

Anh Đại phấn khởi khoe thành tích năm 2024 vừa qua. Ảnh: Trần Trung.

"Trong năm 2024, bình quân mỗi tháng tôi khai thác khoảng gần 2 tấn mủ, mức lương được hưởng 12 triệu đồng/tháng. Nhờ thành tích tốt, tiền thưởng Tết được gần 15 triệu đồng. Năm nay tiền lương và thưởng nhiều hơn nên ăn tết lớn hơn. Hy vọng sang năm, giá cả thị trường ổn định, công ty kinh doanh có lãi, đảm bảo chăm lo tốt hơn cho người lao động", anh Đại chia sẻ.

Niềm vui của anh Đại cũng giống như niềm vui của hàng ngàn công nhân, người lao động của Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh. Năm 2024 vừa qua, công ty vượt doanh thu và lợi nhuận nhờ giá mủ cao su tăng, từ đó, lương thưởng cho cán bộ, công nhân viên cao hơn so với mọi năm.

Đại diện lãnh đạo Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh thăm hỏi động viên công nhân, người lao động dịp Tết 2025. Ảnh: Trần Trung.

Đại diện lãnh đạo Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh thăm hỏi động viên công nhân, người lao động dịp Tết 2025. Ảnh: Trần Trung.

Theo đại diện lãnh đạo Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh, công ty đang quản lý hơn 8.470 ha. Năm 2024, công ty khai thác trên 13.000 tấn mủ, đạt 102,7% kế hoạch. Tổng doanh thu 1.010,57 tỷ đồng, đạt 145,88% kế hoạch. Tổng lợi nhuận trước thuế 162,5 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận từ cao su khai thác đạt 114,524 tỷ đồng.

"Trong Tết Ất Tỵ 2025, ban lãnh đạo nông trường đã thống nhất quan điểm không để người lao động nào không có Tết. Vì vậy, nông trường và Công đoàn đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa giúp anh chị em công nhân đón Tết vui tươi, trọn vẹn", ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Nông trường 5, chia sẻ.

Một mùa xuân nữa lại về, công việc của người công nhân gắn bó với dòng nhựa trắng vẫn ngày ngày tiếp nối. Mong ước của họ là ngành cao su phát triển bền vững để đời sống người lao động năm sau tốt hơn năm trước, để mỗi độ tết đến xuân về, niềm vui luôn được nhân đôi.

Xem thêm
Malaysia là thị trường xuất khẩu cao su lớn thứ 4 của Việt Nam năm 2024

Xuất khẩu cao su của Việt Nam sang thị trường Malaysia năm 2024 tăng mạnh 433,5% về lượng và tăng 515,7% về giá trị so với năm 2023.

Dịch vụ rửa xe kiếm tiền triệu ngày cận Tết

Nhu cầu rửa xe để đón Tết tăng đột biến, nhiều người phải xếp hàng đợi hàng giờ mới đến lượt, dịch vụ rửa xe kiếm tiền triệu ngày cận Tết.

Doanh nghiệp may tuyển 500 công nhân ngày đầu năm

Bình Phước Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ, Công ty TNHH New Apparel Far Eastern Việt Nam (KCN Bắc Đồng Phú, huyện Đồng Phú, Bình Phước) có nhu cầu tuyển 500 lao động.

Đầu tư 19.000 tỷ xây cầu Tứ Liên kết nối trục Hồ Tây - Cổ Loa

Cầu Tứ Liên được đầu tư hơn 19.000 tỷ đồng, dự kiến khởi công vào cuối tháng 5/2025, góp phần kết nối đô thị và thúc đẩy phát triển trục Hồ Tây - Cổ Loa.

Bình luận mới nhất