Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu 2 triệu tấn cao su, giảm 6,2% so với năm 2023. Tuy nhiên, do giá duy trì ở mức cao nên kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này vẫn tăng mạnh 18,2% và đạt mức kỷ lục hơn 3,4 tỷ USD.
Giá cao su xuất khẩu bình quân năm 2024 đạt 1.701 USD/tấn, mức cao nhất ghi nhận được trong hơn 10 năm qua, tăng 26% (tương ứng tăng 351 USD/tấn) so với năm 2023. Đà tăng giá này được thúc đẩy bởi sự thiếu hụt nguồn cung toàn cầu, thời tiết bất lợi tại các nước sản xuất chính.
Hoạt động xuất khẩu cao su của Việt Nam trong năm 2024 đã ghi nhận những kết quả rất tích cực, mặc dù nhu cầu tiêu thụ tại thị trường chủ lực Trung Quốc giảm mạnh.
Năm 2024, xuất khẩu cao su của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đạt 1,45 triệu tấn, trị giá 2,44 tỷ USD, giảm 15,1% về lượng, nhưng tăng 7,6% về giá trị so với năm 2023, chiếm 72,1% trong tổng khối lượng cao su xuất khẩu của nước ta. Ngược lại, xuất khẩu cao su sang thị trường đứng thứ hai là Ấn Độ tăng 8,7% về lượng và 35,2% về giá trị so với năm 2023.
Các doanh nghiệp cũng mở rộng xuất khẩu sang nhiều thị trường khác như: Đức, Hoa Kỳ, Đài Loan, Nga, Indonesia… Đặc biệt, lượng cao su xuất khẩu sang thị trường Malaysia tăng gấp 5,3 lần so với năm 2023, đạt 38.442 tấn.
Năm 2024 cũng chứng kiến lượng cao su xuất khẩu sang thị trường EU tăng tới 29%, trong bối cảnh các nhà nhập khẩu châu Âu tăng cường nhập khẩu trước khi Quy định chống phá rừng (EUDR) dự kiến sẽ có hiệu lực vào cuối năm 2024. Tuy nhiên, sau đó Quy định này đã được tạm hoãn thực hiện trong vòng 1 năm.
Về triển vọng năm 2025, xuất khẩu cao su của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng do nhu cầu của Trung Quốc có dấu hiệu phục hồi trở lại. Trong khi đó, nguồn cung toàn cầu dự kiến vẫn thắt chặt.
Dữ liệu từ Hiệp hội các quốc gia sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC) cho thấy, sản lượng cao su tại các quốc gia sản xuất chính trong khu vực Đông Nam Á có xu hướng giảm trong những năm gần đây.
Cụ thể, sản lượng cao su tự nhiên của Thái Lan trong giai đoạn 2019 - 2024 đã giảm từ 4,85 triệu tấn xuống còn 4,7 triệu tấn. Tương tự, sản lượng ở Indonesia đã giảm từ 3,3 triệu tấn xuống còn 2,5 triệu tấn và sản lượng ở Malaysia từ 640.000 xuống còn 340.000 tấn trong cùng giai đoạn. Sự suy giảm sản lượng này có thể sẽ khiến tình trạng thiếu hụt nguồn cung toàn cầu trở nên trầm trọng, đẩy giá lên cao hơn trong những năm tới.