Một vài dòng họ lớn của người Chơ ro là: Chơ Lưn, Jgo n’he, Vôq Jiêng, Ta jâu, Vôq khlong, Vôq jguc, Smăh, Vôq Prâng, Vôq Dâr, Vôq Glao.
Tên gọi của các dòng họ này có nghĩa là tên của một loài vật nào đó, như dòng họ Chơ Lưn (cá sấu) hay tên của ngay vùng đất nơi họ sinh sống, như dòng họ Vôq nđu (đầu nguồn suối - họ ở khu vực đầu nguồn suối)...
Tuy nhiên, hiện nay, trong các văn bản, hầu hết những người Chơ ro ở huyện Định Quán đều mang dòng họ Điểu; người Chơ ro ở Long Khánh mang họ Thổ, họ Đào; người Chơ ro ở Xuân Lộc thường mang họ Văn, họ Thị; người Chơ ro ở Vĩnh Cửu thường lấy họ Nguyễn, họ Hồng.
Theo nghiên cứu của GS Mạc Đường, họ Điểu xuất hiện vào cuối thế kỷ XIX do quyết định của nhà Nguyễn và thực dân Pháp nhằm kiểm soát vùng các dân tộc thiểu số ở Đông Nam bộ. Một số nơi, người dân lấy họ của người Việt làm họ cho mình, như họ Nguyễn. Một số nơi khác, do chính quyền Nguỵ, trong giai đoạn dồn dân lập ấp chiến lược, đặt họ cho người dân tộc để làm căn cước, dễ quản lý, như họ Thổ... Ngày nay, trên các giấy tờ giao dịch, đi học và đi làm, người Chơ ro không dùng tên họ truyền thống nữa, tuy nhiên, bản thân họ vẫn biết mình thuộc dòng họ nào theo đúng truyền thống dân tộc Chơ ro.
Để giúp người Chơ Ro gìn giữ bản sắc dân tộc, tỉnh Đồng Nai đã cho xây dựng lại nhà dài truyền thống tại xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Mai. Nhà dài được xây dựng trên khuôn viên rộng hơn 4.000m2 với tổng kinh phí 3 tỷ đồng. Ngoài công trình chính là Nhà dài rộng khoảng 150m2 còn có các hạng mục như cổng, lối đi nội bộ, thảm cỏ, đèn chiếu sáng, bờ kè suối.
Theo tập quán của người Chơ Ro, Nhà dài là nơi thực hiện các nghi lễ thờ cúng và sinh hoạt văn hóa cộng đồng, giữ gìn truyền thống dân tộc. Nhà dài có xấp xỉ 100 cây cột gỗ, sàn nhà lót ván, phía trên lót thêm một lớp tre lồ ô. Dãy hàng rào bên ngoài làm bằng sắt, sơn giả gỗ rồi cột dây.
Nhà dài nằm cạnh con suối Samach, phù hợp tập quán sống gần nguồn nước của người Chơ Ro.Việc dựng một ngôi nhà sàn dài đòi hỏi không ít thời gian và nhân công, đặc biệt là khâu chuẩn bị nguyên vật liệu. Nguyên liệu để làm nhà là các loại gỗ rừng, tre, nứa, lồ ô, lá tranh, lá trung quân, dây mây...
Các loại gỗ rừng, để nguyên cây dùng làm cột nhà; các loại tre, nứa, lồ ô... dùng đan vách và sàn nhà; lá trung quân, lá cỏ tranh dùng để lợp mái; dây mây để buộc. Đặc biệt, về nguyên liệu, gỗ làm cột nhà phải thẳng, không có các loại dây leo bám trên thân cây. Theo quan niệm của người Chơ Ro, nếu chọn cây có dây leo bám xung quanh để làm cột nhà thì cuộc sống gia đình sau này sẽ không thoải mái, hay bị ràng buộc.
Trong quá trình phát triển, người Chơ Ro thường làm nhà vào mùa khô để ngôi nhà được chắc chắn, thuận lợi trong việc tiến hành làm nhà.
Trong vòng 4 tuần, với những dụng cụ đơn giản như chà gạc, dao côi, búa, những bàn tay khéo léo của những người thợ không chuyên nơi đây đã tạo dựng được một ngôi nhà sàn. Hướng của cửa nhà là hướng bắc hoặc hướng nam, để hàng ngày, mặt trời đi qua ngang nhà. Nhà ở thường vuông góc với hướng di chuyển của mặt trời.
Người Chơ Ro không làm cửa hướng tây hoặc hướng đông, vì như vậy, mặt trời sẽ đi dọc theo chiều dài căn nhà, các gia đình trong nhà sẽ nóng bức, đau ốm thường xuyên... Đặc biệt, phía cửa ra vào của mỗi ngôi nhà thường treo tổ ong vò vẽ khô (không còn ong).
Theo lý giải của người dân, khi con ma định vào nhà làm hại gia đình, nó sẽ nhìn thấy tổ ong đầu tiên. Con ma sẽ đếm các lỗ của tổ ong trước, tổ ong có nhiều lỗ nên con ma sẽ khó đếm và dẫn đến việc đếm nhầm, phải đếm đi đếm lại nhiều lần, đến khi trời đã sáng vẫn đếm chưa xong, không vào nhà quấy phá gia đình được.
Người Chơ Ro sống theo chế độ mẫu hệ. Do vậy, cái nhà của họ sẽ nối dài khi có thêm một người phụ nữ lập gia đình. Nhà của người Chơ Ro có rất nhiều cửa sổ. Mỗi cửa sổ chính là một thông tin kén chồng. Sau khi tìm hiểu nhau trên nương trên rẫy, các chàng trai Chơ Ro mang sào đến nhà cô gái. Thấy cửa sổ nào mở thì chàng trai chọc cây sào lên, nếu cô gái đồng ý sẽ kéo cây sào để ra hiệu cho ý trung nhân được khẽ khàng vào nhà mình. Hàng đêm, cửa sổ ở dãy nào đã khép lại, nghĩa là cô gái đã lấy được chồng.
Suốt chiều dọc của nhà dài có một thanh gỗ khá chắn chắn. Các chàng trai khi được chọn, phải bước trên thanh gỗ ấy để đến phòng cô gái, tránh lay động và phiền hà cho các bậc cha mẹ.
Người Chơ Ro có một nhân vật nổi tiếng là nhà thơ Trần Vĩnh. Ông tên thật là PrékiMalamak, sinh năm 1937, hiện sống tại xã Hắc Dịch, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Cất lên tiếng nói của dân tộc mình, nhà thơ Trần Vĩnh từng viết:
“Không để lại những lâu đài,
cung điện
Những thành quách nguy nga
Những đình chùa, miếu mạo
Những tháp cổ kiêu sa
Những lăng tẩm, mộ phần,
bia đá...
Ta là ai, Châu Ro?
Châu Ro, ta là ai?
Từ đâu đến?
Từ Cửu Long giang cổ quàng
phù sa đỏ?
Từ biển biếc xa mờ sóng vờn
lưng cát nhỏ?
Từ Lang-bian sương mù
thác khóc.
mòn mi đá...?
“Lục trong mông lung
hư không ta kiếm
Bới dưới tầng sâu cát bụi
ta tìm
Thấy gì đâu! Thấy gì đâu!
Ắng lặng!
Chỉ thấy dấu chân nghèo hằn
trên thớ đá khô!”.
Hiện nay, nhà thơ Trần Vĩnh đang chạy đua với tuổi già đã biên soạn từ điển tiếng Chơ Ro. Bởi lẽ, đã vài thập niên qua, người Chơ Ro không còn chữ viết. Nhiều bài dân ca nổi tiếng của người Chơ Ro như “Con sóc bông” chỉ được lưu truyền bằng cách người này dạy cho người kia hát.
Ông Nguyễn Văn Son ở ấp Lý Lịch, xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai cho biết: “Trước đây cha mẹ của ông họ Hồng, nhưng đã đổi sang họ Nguyễn. Con cháu của người Chơ Ro hiện tại chủ yếu đi làm thuê, làm mướn khắp nơi!”.
Khi được hỏi chuyện, hầu hết người Chơ Ro ở Đồng Nai đều mong muốn nhận được chính sách ưu đãi của Nhà nước như miễn giảm học phí, tài trợ đào tạo nghề để những thế hệ tiếp theo của họ được tạo điều kiện học hành, vươn lên trong xã hội, để tương lai không còn “chỉ thấy dấu chân nghèo hằn trên thớ đá khô”.