| Hotline: 0983.970.780

Chuyện tình khó quên của đôi thi sĩ ẩn cư rừng thông

Thứ Bảy 07/10/2023 , 09:01 (GMT+7)

Chuyện tình khó quên của đôi thi sĩ Trịnh Hoài Giang - Dư Thị Hoàn đã tròn 55 năm ơn nghĩa phu thê, từ phố cảng Hải Phòng đến rừng thông Đà Lạt.

Vợ chồng Trịnh Hoài Giang - Dư Thị Hoàn đã sánh đôi 55 năm.

Vợ chồng Trịnh Hoài Giang - Dư Thị Hoàn đã sánh đôi 55 năm.

“Chuyện tình khó quên” trên Nông nghiệp Radio tối nay 7/10 giới thiệu đến giới mộ điệu cuộc sống mới của vợ chồng thi sĩ Trịnh Hoài Giang - Dư Thị Hoàn từng lừng lẫy ở đất cảng một thời. “Chuyện tình khó quên” của họ bây giờ có tiếng suối chảy thay cho tiếng sóng vỗ.

Vợ chồng thi sĩ Trịnh Hoài Giang - Dư Thị Hoàn dắt nhau rời Hải Phòng để vào ẩn cư tại xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng. Tính từ đám cưới được tổ chức năm 1968, thì họ đã gắn bó 55 năm. “Chuyện tình khó quên” của họ không chìm khuất giữa rừng thông, mà tiếp tục được rừng thông nuôi dưỡng.

Nhà thơ Trịnh Hoài Giang tên thật là Trịnh Văn Trọng, sinh năm 1938, là tác giả của các tập thơ “Gió đất”, “Độc thoại”. Còn nhà thơ Dư Thị Hoàn tên thật Vương Oanh Nhi, sinh năm 1947, là tác giả của các tập thơ “Lối nhỏ”, “Bài mẫu giáo sáng thế”... Trải qua không ít thăng trầm, họ tìm thấy sự bình yên hạnh phúc với cuộc sống ở bản người Lạch.

Nhà thơ Trịnh Hoài Giang thổ lộ, dạo trước ở Hải Phòng cứ bệnh tật triền miên, nhưng từ ngày vào đây thì sức khỏe của ông được cải thiện rất tích cực. Xem như, ông thêm một lần được hòa mình với môi trường yên tĩnh, để bớt những dằn vặt của sự thay đổi mà ông từng thảng thốt: “Bây giờ ruộng đã bê - tông/ Cây đa đã cụt, dòng sông đã què/ Mái đình đã phẳng đường xe/ Còn đâu cánh võng mà nghe chuông chùa”.

Tất nhiên, chốn heo hút ở cao nguyên Lâm Viên hiện nay vẫn chưa có chuông chùa, nhưng những lời kinh đêm đêm của nữ sĩ Dư Thị Hoàn cũng đủ vỗ về nhà thơ Trịnh Hoài Giang những niềm riêng xa khuất mà ông từng viết: “Nỗi khổ lớn như biển/ Tan đi dưới mạn thuyền/ Chỉ còn bài thơ ấy/ Gõ sáng vào bóng đêm”.

Để có hai hồn thơ phiêu lãng trong rừng thông hôm nay, mối duyên giữa Dư Thị Hoàn và Trịnh Hoài Giang nhen nhóm hơn sáu thập niên trước. Sau khi tốt nghiệp khoa Văn - Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1961, nhà thơ Trịnh Hoài Giang về dạy học ở Trường Kiều Trung - Hải Phòng. Ông đã dạy tiếng Việt cho người Hoa suốt 13 năm. Học trò của ông đã lang bạt khắp bốn phương, song vẫn còn một cô học trò bên cạnh ông chính là nữ sĩ Dư Thị Hoàn.

Những bài giảng Kiều của thầy giáo có phong cách nhà thơ đã khiến cô học trò Vương Oanh Nhi say mê và thán phục. Và tình yêu văn chương đã gắn kết tình yêu đôi lứa, như cách nhà thơ Trịnh Hoài Giang nhắn nhủ: “Em là con thuyền con/ Cứ bồng bềnh như thế/ Cánh buồm ơi cánh buồm/ Có phải nỗi cô đơn/ Hay là niềm hy vọng”.  

Tập thơ 'Lối nhỏ' của Dư Thị Hoàn.

Tập thơ "Lối nhỏ" của Dư Thị Hoàn.

Dù sau này trở thành nữ sĩ Dư Thị Hoàn lừng lẫy không kém chồng, ký ức cô học trò Vương Oanh Nhi vẫn vẹn nguyên một miền hồi ức tươi đẹp, như bà hồi tưởng “Từ một cô gái không biết một câu tiếng Việt nào, tôi đã yêu văn chương Việt qua những tiết học của ông ấy”.

Chấp nhận làm vợ của một nhà thơ, người phụ nữ gốc Hoa - Vương Oanh Nhi cũng phải vượt qua không ít giông bão. Bà làm thợ may, rồi làm thợ tiện suốt những năm bom đạn kẻ thù rình rập ném xuống miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Hai đứa con lần lượt ra đời, cũng một tay bà chăm lo để chồng yên tâm chuyển về công tác ở Hội Văn nghệ Hải Phòng.

Cái lãng mạn mà nữ sĩ Dư Thị Hoàn từng nuôi nấng, được phản ánh trong thơ, thật cam go: “Có lối nhỏ chia đôi thảm cỏ/ Em thả bước chán chường/ Có lối nhỏ gập ghềnh sỏi đá/ Gót chân em nện xuống dữ dằn/ Có lối nhỏ vương cây xấu hổ/ Em sợ nó khép cành/ Biết làm sao bây giờ/ Chính lối này đưa em tới anh”.

Nhọc nhằn cơm áo, có lúc đẩy người đàn bà yếu đuối Dư Thị Hoàn ra chợ Sắt chen lấn cùng dân buôn tứ chiếng: “Tôi gánh cả si mê ra chợ/ dựng hy vọng quán lều/ đem nồng nàn ra đong/ đưa mặn mà ra đếm…/ Từ gà gáy đến xế chiều/ lòng vắng chẳng buồn trông/ tôi lại đem nồng nàn ra đong/ lôi mặn mà ra đếm/ bày chút e dè lên bàn cân/ bớt bớt thêm thêm…/ chiếc kim cân dùng dằng mệt mỏi/ có biết đâu/ người bán là tôi/ người mua cũng là tôi/ chợ chiều gió nổi”.

Thế nhưng, nghiệt ngã mưu sinh không làm bà đau đớn bằng những biến động thời cuộc. Chia lìa và ly tán, khiến bà gào thét tuyệt vọng: “Sao mẹ không nói cho rõ/ Mẹ con mình rồi mỗi người một ngả/ Để con được lao vào lòng mẹ/ Khóc cho hết hơi/ Khóc cho trời sập/ Khóc cho cột điện đổ/ Khóc cho tà vẹt trôi/ Khóc cho còi tàu căm bặt/ Khóc cho tay lái rời vô lăng/ Khóc cho đoàn tàu không dám lăn bánh”.

Và nữ sĩ Dư Thị Hoàn thảng thốt gọi “Tổ quốc” với tất cả giằng xé của người phụ nữ chịu đựng sự nghiệt ngã về quan niệm rạch ròi nơi cội rễ và nơi sinh thành trong một khoảnh khắc lịch sử trớ trêu đầu thập niên 80 của thế kỷ 20: “Đất đai đóng khung vì người/ Tình yêu chật hẹp vì người/ Những lúc người thành cái chiêu bài, của hạng buôn máu tươi và thuốc nổ/ Đường viền của người thắt quặn trái tim tôi”.

Có dạo, không vượt qua được những áp lực căng thẳng, nữ sĩ Dư Thị Hoàn phải điều trị tâm lý. Giữa chới với không biết bám víu vào đâu để tồn tại, cũng may, bà đã có thi ca nâng đỡ. Những kiến thức từng được học ở chính người chồng, đã giúp bà làm thơ để tự an ủi mình, tự cứu vớt mình theo cách riêng: “Tôi sẽ khỏi bệnh/ Lại dịu dàng hát bên chiếc khung thêu ngày ấy/ Không cần bác sĩ/ Không cần những viên thuốc đắt tiền/ Chỉ cần đôi bàn tay nào run rẩy mang đến/ Một nhành hoa dại thôi”.

Đôi uyên ương và ngôi nhà gỗ giữa rừng thông trên cao nguyên Langbiang.

Đôi uyên ương và ngôi nhà gỗ giữa rừng thông trên cao nguyên Langbiang.

Sóng gió rồi cũng qua, cháu con cũng khôn lớn, Trịnh Hoài Giang và Dư Thị Hoàn vẫn còn bên nhau giữa núi rừng sương giăng Langbiang, trong tình thi ca và nghĩa tào khang. Thuở nào, nhà thơ Trịnh Hoài Giang viết cho người vợ lam lũ: “Em trở giấc trong giường/ Rồi hồn nhiên như trẻ/ Thương nhau thành tấm bé/ Thương nhau thành thuốc thang”. Còn bây giờ, ông nhìn bà cuốc đất trồng rau bằng nụ cười đã lắng hết nhọc nhằn, thỉnh thoảng lại nhắc một câu ân cần: “Cẩn thận đấy, mùa này nhiều rắn rết lắm”.

“Chuyện tình khó quên” của Trịnh Hoài Giang và Dư Thị Hoàn với chủ đề “Hai hồn thơ cùng nghe suối chảy giữa rừng thông” được Nông nghiệp Radio chia sẻ với công chúng lúc 20h ngày 7/10.

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

Nhận định Man United vs Burnley: Thắng để hy vọng

Trận đấu giữa Man United vs Burnley trong khuôn khổ vòng 35 Premier League sẽ diễn ra vào lúc 21h00 ngày 27/4/2024 trên sân vận động Old Trafford.

Thua tối thiểu U23 Iraq vì VAR, U23 Việt Nam chính thức dừng bước

Tình huống thổi phạt đền ở phút 69 là bước ngoặt khiến U23 Việt Nam để thua trước U23 Iraq ở tứ kết U23 châu Á.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm