| Hotline: 0983.970.780

Cơ cực miền tây Thanh Nghệ Tĩnh: [Bài 3] Không thể khư khư ôm rừng, rồi chịu đói

Thứ Tư 11/09/2019 , 09:05 (GMT+7)

Sau 3 năm thực hiện chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên, rừng trên cả nước được bảo vệ thấy rõ. Nhưng được cái này mất cái khác, nhìn nhận dưới góc độ khách quan nhiều địa phương đang bị vạ lây.

Nghệ An nằm trong số đó, hiện người dân vùng cao đều “khát” đất sản xuất .
 

Thiếu đất sản xuất

An ninh rừng Nghệ An những năm qua ít nhiều có sự chuyển biến, tuy nhiên đó chỉ là “bề nổi của tảng băng chìm”. Cốt lõi là cuộc sống của bà con vẫn đang trong bộn bề gian khó, nguyên nhân sâu xa bắt nguồn từ việc thiếu trầm trọng tư liệu sản xuất.

19-27-19_3
Người dân vùng cao tại huyện Con Cuông thiếu đất sản xuất trầm trọng.

Sống cạnh rừng nhưng không cậy nhờ được vốn quý, thực trạng đáng buồn trên đang diễn ra tại các địa phương sở hữu diện tích đất rừng và lâm nghiệp vượt trội như Con Cuông, Anh Sơn, Tương Dương, Kỳ Sơn, Quỳ Hợp hay Quỳ Châu. Quả thực với đôi ba đồng kinh phí nhận khoán èo uột hàng năm, người dân chưa thể tính đến chuyện ăn no ngủ kĩ.

Không nghề ngỗng, không kế sinh nhai cộng với vốn liếng hiểu biết hạn chế ắt sẽ dẫn đến đói nghèo. “Bần cùng sinh đạo tặc” túng quẫn người dân lại đua nhau xâm phạm vào tài nguyên rừng, việc tận dụng ít thân gỗ làm nhà, săn bắn đôi con thú nhằm cải thiện bữa ăn, thậm chí tự ý phát, đốt lấy đất trồng rừng là điều không hiếm gặp.

Nghiêm trọng hơn có những trường hợp vin vào hoàn cảnh để làm càn, điển hình là vụ án liên quan đến cánh thợ săn từ Tương Dương ngang nhiên vác theo súng săn tự chế, tiến vào địa phận Vườn Quốc gia (VQG) Pù Mát của huyện giáp ranh là Con Cuông xuống tay giết hại 2 cá thể Vọoc xám quý hiếm diễn ra cách đây không lâu. Hậu quả, 5 đối tượng liên quan “chia nhau” gần 14 năm tù.

Chính quyền địa phương các cấp thấu hiểu thực trạng đang diễn ra ngay tại địa bàn được phân công quản lý, họ hiểu hơn ai hết tâm tư, nguyện vọng của bà con nhưng đành lực bất tòng tâm khi việc “xé rào” vượt ngoài tầm với, vấn đề này thuộc về Trung ương, về Chính phủ.

Ông Lô Văn Thao, Phó Chủ tịch UBND huyện Con Cuông nói rõ quan điểm: “Huyện xác định công tác giữ rừng vẫn là ưu tiên số 1, tuy nhiên nhiệm vụ phát triển KT-XH, từng bước giúp cho đồng bào có một cuộc sống tốt hơn, khấm khá hơn cũng là nội dung không thể xem nhẹ. Để cùng lúc đáp ứng cả 2 điều này đòi hỏi có sự chia sẻ từ các cấp cao hơn.

Trước đây, chúng tôi vẫn tận dụng một số diện tích rừng nghèo kiệt để hoàn thiện phương án, trình các đơn vị chuyên ngành thẩm định tiến hành chuyển đổi, cải tạo phù hợp theo nhu cầu. Nhưng sau khi chủ trương đóng cửa rừng được ban hành, tất cả những diện tích rừng tự nhiên tuyệt nhiên không được đụng đến, mọi kế hoạch vì thế đành phải gác lại vô thời hạn. Vẫn biết quy định đặt ra phải tuân thủ, nhưng lâu dài nếu không có những điều chỉnh, sửa đổi mang tính căn cơ e rằng người dân sẽ vô cùng khốn đốn”.
 

Rừng càng giàu, dân càng đói

Thiếu tư liệu sản xuất trầm trọng là thực trạng chung ở hầu hết các huyện dọc miền Tây Nghệ An, “khát” hơn cả là Con Cuông.

Qua khảo sát, tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp của địa phương này đạt gần 163.000 ha, trong đó phần đất có rừng chiếm hơn 147.000 ha, diện tích này thuộc diện “bất khả xâm phạm”, một nhát cuốc bổ xuống đồng nghĩa với hành vi vi phạm rõ mồn một. Tính ra quỹ đất sản xuất của bà con chỉ còn vỏn vẹn trên dưới 15.000 ha, chưa kể phần nhiều có độ dốc cao, đất đai cằn cỗi, một số khác lại nằm rải rác khắp các khe sông, khe suối, tựu chung là không thuận lợi cho quá trình canh tác.

Ở một góc nhìn khác, với tỷ lệ che phủ rừng gần 85% huyện Con Cuông đứng đầu cả nước về tiêu chí này. Con số trên thật đáng báo động bởi qua nghiên cứu, cứ tăng thêm 1% độ che phủ đồng nghĩa với mất đi 16.000 ha đất có khả năng nuôi, trồng cây con sinh lợi. Nói không ngoa trữ lượng rừng càng đậm đặc dân bản địa càng thêm phần đói kém.

Chẳng phải ngẫu nhiên, chính những xã “điểm” về độ che phủ như Bình Chuẩn (90,7%), Châu Khê (97,2%), Lục Dạ (78%), Lạng Khê (81,8%) hay Môn Sơn (92,9%) đều thuộc “tốp đầu” về tỷ lệ nghèo.

Về Lục Dạ những ngày đầu hè trời nắng tựa đổ lửa, cái nóng như thiêu như đốt khiến người người chẳng buồn bắt chuyện, ấy thế khi bàn đến nội dung “đất đai sản xuất” ai nấy đều sốt sắng đến lạ. Chạm đúng nỗi lòng, bao nhiêu xúc cảm dồn nén cứ thế tuôn trào như suối cả, mỗi lời thốt ra chất chứa đầy tâm tư.

Qua khảo sát toàn xã Lục Dạ có trên 10.000 ha rừng nhưng diện tích bà con được phép tăng gia chỉ khoảng 400 ha. Ngoại trừ thôn (bản) Mét, toàn bộ 11 thôn còn lại đều có rừng, bởi thế tất cả đều loay hoay trong vòng xoáy của cơm áo gạo tiền.

“Bản Mọi chúng tôi có 154 hộ, trong đó số hộ nghèo 104, hộ cận nghèo là 40, chỉ 10 hộ khá hơn mặt bằng chung chút đỉnh. Trước đây trung bình mỗi khẩu có trên dưới 200 m2 đất các loại, gần đây dân số không ngừng gia tăng, trong khi nguồn tài nguyên sụt giảm mạnh do tác động của thiên tai nên chỉ còn khoảng phân nửa thôi, nói thực với điều kiện trên ở còn chẳng đủ lấy đâu ra mà canh tác.

Đất rừng được nhà nước giao khoán cho các hộ trực tiếp quản lý, bìa đỏ họ cầm sẵn trong tay nhưng không được phát dọn, không được trồng rừng. Số đông phải dựa vào nguồn trợ cấp của nhà nước, hộ khá nhất nhận được 7 triệu đồng/năm, ít nhất có 2 triệu đồng/năm, ngần ấy sao đủ trang trải”, phó bản Mọi, ông Lộc Văn Nghĩa băn khoăn.

19-27-19_4
Ông Lộc Văn Nghĩa, phó bản Mọi trao đổi với PV NNVN.

Tại bản Mọi, vợ chồng ông Lô Văn Hom (SN 1970) và bà Vi Thị Pôn (SN 1977) thuộc diện nghèo... bền vững, nghèo triền miên mãi không ngóc đầu lên nổi. Ông Hom là người Đan Lai, bà Pôn thuộc dân tộc Thái, 2 người đến với nhau chỉ với đôi bàn tay trắng, qua không biết bao nhiêu mùa trăng vẫn hoàn bốn bàn tay không. Điều kiện thiếu thốn buộc 3 người con của ông bà phải bỏ dở học hành, quanh đi quẩn lại rốt cuộc cũng không tránh khỏi vào lối mòn của lớp đi trước, đói nghèo cứ thế đeo đẳng mãi không thôi.

Mấy miệng ăn chẳng biết bấu víu vào đâu ngoài khoảnh ruộng chừng 3 sào thuộc dạng chó ăn đá gà ăn sỏi nằm quanh quẩn sát mép suối, vị trí xa tít mù khơi. Bỏ thì đói, làm chẳng đủ no, thóc thu về cuối vụ tằn tiện lắm chỉ đủ trang trải trong 4 tháng ngắn ngủi, tình thế khó buộc mỗi người phải nai lưng ra làm, ai mướn gì cũng gật đầu tắp lự, bởi xét cho cùng họ không có sự lựa chọn.

Nhiều bận cám cảnh với tình hình thực tại, ông Hom tìm đến rượu giải sầu, lúc tỉnh cơn say lại than ngắn thở dài.

19-27-19_2
Gia đình bà Pôn thuộc diện đặc biệt khó khăn tại bản Mọi, xã Lục Dạ.
Nhận xét về thực trạng trên, một cán bộ ngành nông nghiệp ái ngại: “Độ vênh quá lớn là nguồn cơn dẫn đến tình trạng chặt phá rừng tự nhiên để trồng các loại cây lâm nghiệp cho giá trị cao. Nói gì thì nói, người dân không thể khư khư ôm rừng để chết đói”.

Vấn đề này chưa dứt thì nỗi lo khác đã vội ập đến. Sau 10 năm có lẻ căn nhà dựng tạm của gia đình đã xuống cấp trông thấy, nằm xiêu vẹo chỉ chờ đổ sập đến nơi.

Hiện toàn bộ hệ thống cột kèo bị mối mọt đục khoét tanh bành, thi thoảng gặp gió mạnh lại rung lắc bần bật. Tứ bề thưng tranh vách nứa trống trơn, toác hoác, chốc chốc gió lại rít qua khe kêu kèn kẹt.

Để tránh hiểm họa có thể ập đến bất kỳ lúc nào nhất thiết phải gia cố ngay tức thì, nhưng khổ nỗi một chữ bẻ đôi không biết, tiếng Kinh thì không sõi, trong khi con cái bập bẹ chữ được chữ không, thành thử đến cái đơn kiến nghị “xin khai thác gỗ làm nhà” cũng phải cậy nhờ người khác viết hộ.

Nhận thức hạn chế nên trình bày không đến đầu đến đũa, vì thế dù rất muốn tạo điều kiện nhưng cơ quan chuyên ngành không biết phải vận dụng ra sao.

Nếu áp dụng chuyển đổi từ rừng tự nhiên sang trồng keo, trên diện tích 1 ha dân bản sẽ thu được chí ít khoảng 20m3/năm, tính theo giá bán hiện tại mỗi hộ bỏ túi tối thiểu 20 triệu đồng, bất luận trừ 50% chi phí vẫn lãi ròng 10 triệu đồng. Trong khi đó, những hộ được giao khoán bảo vệ rừng tự nhiên chỉ nhận được tối đa 300.000 – 350.000 đồng/ha từ nhà nước, tiền ít trách nhiệm cao nên bà con chẳng mấy mặn mà.

Xem thêm
Kỷ luật ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét kỷ luật ông Võ Văn Thưởng

Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét, xử lý kỷ luật ông Võ Văn Thưởng do đang điều trị bệnh.

Thủy lợi - nền tảng vững chắc cho sản xuất nông nghiệp hiệu quả

Đồng Tháp Các hệ thống thủy lợi nội đồng giúp kiểm soát nguồn nước hiệu quả hơn, nhờ đó nông dân có thể canh tác 3 vụ lúa/năm với năng suất tăng 15% so với trước đây.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Ghi ở 'thủ phủ' phế liệu Hà Nội [Bài 3]: Cân bằng là thách thức!

Mặc dù có thể giảm thiểu nhưng việc loại bỏ hoàn toàn ô nhiễm song song với phát triển kinh tế tại các làng nghề hiện vẫn là thách thức lớn.