Ngày 3/5, Bệnh viện Thành phố Thủ Đức cho biết, mới đây, khoa Chấn thương Chỉnh hình của bệnh viện đã phẫu thuật thành công cắt dải xơ delta trên cánh tay phải cho N.T.T.T. (sinh năm 2000, địa chỉ thường trú tại xã Suối Cao, Xuân Lộc, Đồng Nai) có tiền căn tiêm vacxin vào vùng cơ delta khi mới 2 tuổi.
Trước đó, năm 4 tuổi, T. được người nhà phát hiện không thể khép vai. Đến năm 2009, bệnh nhân được chẩn đoán xơ hóa gân cơ delta - "chim xệ cánh" và phẫu thuật cắt dải xơ delta tại một bệnh viện đa khoa trên địa bàn. Sau đó, T. được hướng dẫn đeo nịt khép cánh tay phải và tập vật lý trị liệu kéo ròng rọc. Tuy nhiên, bệnh nhân không tập vật lí trị liệu thường xuyên theo khuyến cáo.
Sau đó, tình trạng hạn chế xoay, nâng vai ngày một khó khăn nên bệnh nhân nhập viện tại Khoa chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Thành phố Thủ Đức.
Các bác sĩ đã tiến hành các xét nghiệm, hội chẩn cùng các chuyên gia để đưa ra phương pháp điều trị tối ưu. Sáng 25/4, ekip phẫu thuật khoa Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Thành phố Thủ Đức đã thực hiện phẫu thuật cắt dải xơ delta trên cánh tay phải của bệnh nhân. Cuộc phẫu thuật diễn ra thành công và nhận được các phản hồi tích cực trên cơ thể người bệnh.
Hiện tại, N.T.T.T. đã có thể khép cánh tay và cử động khớp vai. Tuy nhiên, để khắc phục hoàn toàn bệnh lý này, bệnh nhân cần thêm thời gian theo dõi và tập vật lí trị liệu xuyên suốt, đúng hướng dẫn trong thời gian 4-5 tuần.
Theo các bác sĩ, cơ delta là một cơ có hình dạng giống như một tam giác bao bọc khớp vai, có chức năng giúp nâng cánh tay bên cơ thể. Bệnh teo cơ delta hay xơ hóa cơ delta, như tên gọi, là một sự rối loạn cơ, với đặc tính chính là những sợi đai của cơ trong cơ delta bị xơ hóa, và ảnh hưởng đến cơ chế của các xương trong khu vực vai. Hậu quả là phần xương bả vai nhô lên như có cánh, và vùng giữa hai vai bị xệ xuống, có khi xương sống bị vẹo. Xơ hóa cơ delta cũng có khi liên quan đến xơ hóa cơ vùng mông và cơ tứ đầu (tức cơ phần chân).
Xơ hóa cơ delta không phải là một bệnh mới. Ở Việt Nam, cách đây hơn 10 năm cũng đã xảy ra đợt bùng phát và báo động về nó.
Nguyên nhân số một của các trường hợp xơ hóa cơ delta được xác định là liên quan đến sự thay đổi trong cơ delta sau khi tiêm thuốc. Tình trạng sử dụng nhiều loại thuốc cũng được xem là "thủ phạm" làm cho cơ bị xơ hóa, kể cả những thuốc như Dramamine, Iron, Penicillin, Lincomycin, Pentazocine/Talwin, Hypodermoclyses, Streptomycin, Tetracycline, và thuốc chống sốt rét.
Các bác sĩ khuyến cáo, nếu có các dấu hiệu về bệnh, nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa uy tín để được chẩn đoán và đưa ra phương pháp điều trị tối ưu, tránh các biến chứng không mong muốn gặp phải khi để tình trạng bệnh diễn ra quá lâu.