| Hotline: 0983.970.780

Cơ hội để mai vàng Bình Định vươn xa

Thứ Ba 30/01/2024 , 06:30 (GMT+7)

Được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ chỉ dẫn địa lý là cơ hội để mai vàng của miền đất võ Bình Định khẳng định vị thế trên thị trường, ‘tung cánh bay xa’…

Niềm vui ngày giáp Tết

Ngày 25/1/2024, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) ban hành Quyết định số 19/QĐ-SHTT cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00136 cho sản phẩm mai vàng Bình Định. Đây là niềm vui lớn trước thềm năm mới Giáp Thìn 2024 của người trồng mai cảnh ở miền đất võ. Bởi, khi đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý là sản phẩm mai vàng Bình Định có cơ hội bay xa, tăng thêm giá trị và nhất là khẳng định vị thế trên thị trường.

Theo bà Võ Cao Thị Mộng Hoài, Phó Giám đốc Sở KH-CN Bình Định, Luật Sở hữu trí tuệ cho phép bảo hộ các tài sản trí tuệ dưới nhiều hình thức, như: Nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể, kiểu dáng công nghiệp hoặc các sáng chế, giải pháp… Trong đăng ký bảo hộ về sở hữu công nghiệp, bảo hộ chỉ dẫn địa lý là hình thức có chất lượng cao nhất và yêu cầu khắt khe nhất.

Bà Võ Cao Thị Mộng Hoài, Phó Giám đốc Sở KH-CN Bình Định, với Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý do Cục Sở hữu trí tuệ cấp. Ảnh: V.Đ.T.

Bà Võ Cao Thị Mộng Hoài, Phó Giám đốc Sở KH-CN Bình Định, với Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý do Cục Sở hữu trí tuệ cấp. Ảnh: V.Đ.T.

Do đó, cũng theo bà Hoài, hiện nay trên địa bàn Bình Định đã có khoảng hơn 60 sản phẩm được cấp nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và rất nhiều nhãn hiệu hàng hóa thông thường khác, nhưng mai vàng là sản phẩm đầu tiên được bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Điều này cho thấy để được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý, mai vàng Bình Định đã phải trải qua sự thẩm định vô cùng khắt khe.

Theo chia sẻ của bà Hoài, để được bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm mai vàng, trước tiên, ngành chức năng Bình Định phải chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ của mai vàng là giống bản địa, thứ đến sự chăm chút, đầu tư trí tuệ của các nhà vườn vào từng cây mai.

Mỗi cây mai vàng ở Bình Định là 1 tác phẩm nghệ thuật. Ảnh: V.Đ.T.

Mỗi cây mai vàng ở Bình Định là 1 tác phẩm nghệ thuật. Ảnh: V.Đ.T.

“Hiện ở Việt Nam có rất nhiều giống mai, ví như mai ở miền Nam, Hoàng Mai Huế hay mai vàng Yên Tử. Mai vàng Bình Định phải chứng minh là sản phẩm trí tuệ được kết tinh từ lao động sáng tạo của người dân địa phương. Từ giống mai 5 cánh hoang dã trên rừng, người chơi mai cảnh ở Bình Định lai tạo thành giống mai giảo và giống cúc mai hiện nay. Để được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, ngành chức năng đã phải “mướt mồ hôi” khẳng định mai vàng Bình Định hội tụ những yếu tố đặc thù trong suốt 25 tháng liền”, bà Võ Cao Thị Mộng Hoài chia sẻ.

Từ tháng 11/2021, UBND tỉnh Bình Định đã ủy quyền cho Sở KH-CN tỉnh này đứng ra lập dự án đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm mai vàng. Bà Võ Cao Thị Mộng Hoài, Phó Giám đốc Sở KH-CN Bình Định làm chủ nhiệm dự án, thời hạn triển khai là 30 tháng. Đến ngày 25/1/2024 là đã trải qua 25 tháng ròng rã nhóm nghiên cứu phối hợp với chính quyền và ngành chức năng thị xã An Nhơn, nơi được mệnh danh là “thủ phủ mai vàng miền Trung”, phân tích sâu về các điều kiện về thổ nhưỡng, giống, phương pháp canh tác, chăm sóc mai của người dân địa phương, nhằm để chứng minh sự khác biệt của mai vàng Bình Định so với mai trồng ở các địa phương khác.

Khách tham quan đang thưởng ngoạn cây mai cảnh có dáng thế độc đáo tại Triển lãm mai vàng nghệ thuật Tết Giáp Thìn 2024 do thị xã An Nhơn (Bình Định) vừa tổ chức. Ảnh: V.Đ.T.

Khách tham quan đang thưởng ngoạn cây mai cảnh có dáng thế độc đáo tại Triển lãm mai vàng nghệ thuật Tết Giáp Thìn 2024 do thị xã An Nhơn (Bình Định) vừa tổ chức. Ảnh: V.Đ.T.

“Chúng tôi đã phân tích rất sâu về điều kiện thổ nhưỡng, phương pháp canh tác, yếu tố truyền thống từ giống mai bản địa kết tinh ra sản phẩm mai vàng Bình Định mang nét đặc thù của địa phương. Ngày 25/1/2024 vừa qua, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00136 cho sản phẩm mai vàng Bình Định, ngày 3/2/2024 tới đây UBND tỉnh Bình Định sẽ tổ chức lễ đón nhận”, bà Hoài cho hay.

Sản phẩm của trí tuệ

Đặc trưng nổi trội của mai vàng Bình Định là phương pháp canh tác của người trồng mai cảnh ở tỉnh này hoàn toàn khác biệt so với mai cảnh trồng ở nhiều địa phương khác. Ví như mai ở miền Nam, hoặc gần nhất là mai cảnh của tỉnh láng giềng Phú Yên chủ yếu trồng để chơi hoa; cành, nhánh cây mai để phát triển tự nhiên chứ không được uốn, tạo dáng như mai cảnh trồng ở Bình Định.

Mai cảnh ở Bình Định được chủ nhà vườn chăm chút từ khi xuống giống. Cây mai được các nghệ nhân “thổi hồn” vào bộ đế (gốc mai) đến dáng, thế (cành, nhánh). Để có được những cây mai ưng ý, giờ làm việc của những hộ trồng mai ở Bình Định là từ 3-4 giờ sáng đến 6-7 giờ tối gồm các công đoạn tưới, nhọc công nhất là công đoạn tạo dáng.

Mỗi cây mai cảnh ở Bình Định là 1 tác phẩm nghệ thuật, được người trồng đầu tư không chỉ công sức mà cả trí tuệ vào đó. Ngoài chịu thương chịu khó, người trồng mai cảnh ở miền đất võ Bình Định còn phải có óc thẩm mỹ mới tạo ra được những tác phẩm nghệ thuật chinh phục người tiêu dùng.

Ông Mai Xuân Tiến, Phó Chủ tịch UBND thị xã An Nhơn: 'Thị xã An Nhơn định hướng sẽ trở thành 'thành phố mai vàng' trong tương lai. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Mai Xuân Tiến, Phó Chủ tịch UBND thị xã An Nhơn: “Thị xã An Nhơn định hướng sẽ trở thành “thành phố mai vàng” trong tương lai. Ảnh: V.Đ.T.

Đặc biệt, mai vàng Bình Định do sống trong điều kiện khí hậu, thời tiết khắc nghiệt nên có sức sống rất mãnh liệt. Ngay cả da của cây mai Bình Định cũng khác với cây mai ở các vùng khác, sần sùi chứ không trơn láng như mai trồng ở miền Nam. Ngoài nét độc đáo của gốc mai; các chi, nhánh của cây mai cũng được tạo dáng, thế “tứ diện”; là các cành mai quây tròn, xòe đều, kín theo chiều kim đồng hồ. Còn mai của các địa phương khác cành nhánh cứ để phát triển tự nhiên, um tùm chứ không có dáng, thế như mai Bình Định. Kỹ thuật điêu luyện của các nghệ nhân trồng mai cảnh ở Bình Định đã tạo ra sự khác biệt của cây mai, sự khác biệt này đã làm nên giá trị của từng tác phẩm mai vàng Bình Định.

Theo nghệ nhân Phan Văn Sáu, Phó Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh xã Nhơn An (thị xã An Nhơn, Bình Định), làng Háo Đức thuộc xã Nhơn An là nơi sản sinh ra cây mai vàng Bình Định. Vào năm 1980, cụ Đặng Văn Lang, một người dân trong xã ươm trồng cây mai vàng trong sân nhà để thưởng ngoạn. Cụ Lang chính là người khởi nguồn, hình thành nên làng nghề trồng mai cảnh Nhơn An; sau đó lan rộng ra các xã Nhơn Phong, Nhơn Hạnh, Nhơn Hậu, Nhơn Khánh, Nhơn Mỹ và 5 phường Bình Định, Nhơn Hưng, Nhơn Thành, Đập Đá và Nhơn Hòa (thị xã An Nhơn) với hàng ngàn hộ dân tham gia, trồng hơn 2 triệu chậu mai các loại trên diện tích 145ha.

Ông Bùi Văn Cư, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thị xã An Nhơn (Bình Định) bên cây mai vàng rực rỡ, sản phẩm của địa phương. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Bùi Văn Cư, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thị xã An Nhơn (Bình Định) bên cây mai vàng rực rỡ, sản phẩm của địa phương. Ảnh: V.Đ.T.

Từ giống mai 5 cánh khai thác ở các vùng núi, sau đó được các nghệ nhân Bình Định lai tạo ra mai giảo và cúc mai hiện nay. Sau quá trình cải tiến, hiện nay hình thức hoa mai của Bình Định đã có thay đổi, nhưng nguồn gốc, xuất xứ vẫn là giống mai bản địa. Đặc biệt, các nghệ nhân ở xã Nhơn An còn chọn những giống mai tốt làm cây đầu dòng để nhân giống và gìn giữ nguồn gen.

Bà Võ Cao Thị Mộng Hoài lấy ví dụ từ trà Shan Tuyết ở miền núi phía Bắc để nêu viễn cảnh tươi sáng của mai vàng Bình Định sau khi được bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Rằng, sau khi trà Shan Tuyết được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, giá trị tăng lên gấp mấy chục lần so với trước đó. Bởi lúc này trên thị trường không còn nhập nhằng giữa sản phẩm trà Shan Tuyết không có nguồn gốc và sản phẩm trà Shan Tuyết chính hiệu.

Mai vàng Bình Định được các nghệ nhân chăm chút từ bộ đế (gốc) đến cành, nhánh. Ảnh: V.Đ.T.

Mai vàng Bình Định được các nghệ nhân chăm chút từ bộ đế (gốc) đến cành, nhánh. Ảnh: V.Đ.T.

“Phạm vi chỉ dẫn địa lý của mai vàng Bình Định là toàn tỉnh. Trong thời gian tới đây, ngoài các địa phương trồng nhiều mai cảnh như thị xã An Nhơn, huyện Tuy Phước và huyện Phù Cát; những huyện, thị còn lại nếu đảm bảo tuân thủ đúng quy trình chăm sóc từ ươm giống đến tạo dáng cho bộ đế và dáng, thế đến khi cây mai được 5 năm tuổi, thì cũng sẽ được mang dấu hiệu chỉ dẫn địa lý khi đưa sản phẩm ra thị trường”, bà Võ Cao Thị Mộng Hoài, Phó Giám đốc Sở KH-CN Bình Định, chia sẻ.

“Mai vàng Bình Định được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ chỉ dẫn địa lý là cơ sở để thị xã An Nhơn, nơi được mệnh danh là “thủ phủ mai vàng miền Trung” phát triển thương hiệu, tiếp sức cho định hướng của thị xã An Nhơn là sẽ trở thành “thành phố mai vàng” trong tương lai”, ông Mai Xuân Tiến, Phó Chủ tịch UBND thị xã An Nhơn.

Xem thêm
Cần sớm ban hành tiêu chuẩn cho các mặt hàng rau quả chủ lực

Hiệp hội Rau quả kiến nghị Bộ NN-PTNT có thêm những chương trình, chính sách để hỗ trợ ngành hàng nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm và xuất khẩu bền vững.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Startup Việt thắng giải WorldCup về công nghệ nông nghiệp

Enfarm, doanh nghiệp ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật (IoT) nhằm đo và tư vấn cho nông dân về dinh dưỡng cây trồng, đã xuất sắc đạt danh hiệu Market.

Đề nghị mở rộng tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên lên 6 làn xe

Mới đây, Bộ GTVT đã có văn bản trả lời cử tri Thái Nguyên về việc đề nghị mở rộng, nâng cấp đoạn cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên lên 6 làn xe.