| Hotline: 0983.970.780

Làng mai tiền tỷ của các cụ già, bán một lần, sống sung túc cả năm

Thứ Tư 01/02/2023 , 15:26 (GMT+7)

HẬU GIANG Tại HTX Mai vàng Phú Hưng, các cụ già đều sở hữu những vườn mai trị giá tiền tỷ, mỗi dịp Tết thu về hàng trăm triệu đồng, đủ sống sung túc cả năm.

Tại Hậu Giang, vùng quê nhỏ thuộc ấp Phú Hưng, xã Đông Phú, huyện Châu Thành, nghề trồng mai kiểng đã hình thành và phát triển hơn 40 năm qua. Hàng năm, mỗi dịp Tết đến xuân về, làng mai kiểng Phú Hưng cung cấp cho thị trường khoảng 15.000 chậu mai vàng, tiêu thụ khắp các tỉnh thành trên cả nước.

Dù năm nay đã ngoài 70 tuổi, cụ bà Đặng Ngọc Vân vẫn miệt mài chăm sóc vườn mai sau nhà. Hàng ngày, cụ Vân kéo ống nước tưới cho vườn mai 2 lần, tưới xong lại nhổ cỏ, đắp gốc để giữ hơi nước. Theo cụ Vân, nghề trồng kiểng ngoài đam mê, đòi hỏi sự cần cù khéo tay, song không dùng quá nhiều sức nên người già, phụ nữ vẫn có thể làm tốt.  

 Cụ Vân năm nay ngoài  (70 tuổi) vẫn

Cụ Vân năm nay đã ngoài 70 tuổi vẫn "mát tay" với nghề trồng mai Tết. Ảnh: Hồ Thảo.

“Mai là loại cây chỉ nở hoa đều và đẹp khi tước bỏ hết lá già. Khi đó, mầm hoa bung lớp vỏ trấu kích thích nụ xanh. Hoa sẽ nở rộ khoảng 1 tuần sau khi bung lớp trấu. Thời gian tuốt lá phù hợp nhất nằm trong khoảng thời gian từ ngày 10/12 âm lịch đến ngày 15/12 âm lịch. Bên cạnh tước lá, tôi còn bón phân bò, phân rơm và dùng lục bình (bèo tây) che phủ gốc mai nhằm hạn chế sự mất nước, những công việc này cần sự tỉ mỉ trong cách chia lượng phân bón hợp lý”, cụ Vân chia sẻ.

Dù thời tiết khá bất lợi nhưng nhờ kinh nghiệm hơn 40 năm trồng mai, dịp Tết vừa qua, cụ Vân đã xử lý vườn mai xanh tốt, cây trổ nụ đạt nên thương lái đến bỏ cọc với giá cao. 

“Hàng năm, dịp Tết tôi bán khoảng 200 chậu mai, thu về trên dưới 300 triệu đồng, đủ sống sung túc cho cả năm nên con cái cũng không phải nặng lo cho tôi. Làm nghề này thấy ham lắm, Tết là có tiền, lại không mất nhiều sức”, cụ Vân phấn khởi.

Còn theo ông Lê Văn Ky (70 tuổi), nơi này trước đây nông dân chủ yếu làm ruộng, không mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đến những năm 80 thế kỷ trước, ông Ky lặn lội sang tận Đồng Tháp, Bến Tre... học hỏi cách trồng mai vàng, rồi về tập tành làm thử trong sự bán tín bán nghi của hàng xóm. Khi thấy ông Ky trồng thành công, cả xóm mới làm theo.

Đến năm 2013, HTX Mai vàng Phú Hưng chính thức được thành lập với 75 thành viên, diện tích khoảng 17ha. Những thành viên trong HTX từ khó khăn đã vươn lên khá giàu, có của ăn của để, có tiền xây nhà đẹp, mua xe hơi. Nghề trồng mai đã tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương. Người già và phụ nữ trong xóm cũng có thể tự trồng mai, đến Tết thì có thương lái tới mua tại nhà.

Ông Ky hơn 40 năm gắn bó và tâm quyết với nghề trồng mai vàng tại xã Đông Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Hồ Thảo.

Ông Ky hơn 40 năm gắn bó và tâm quyết với nghề trồng mai vàng tại xã Đông Phú. Ảnh: Hồ Thảo.

Nói về bí quyết xử lý mai ra bông đúng dịp Tết, ông Ky chia sẻ: Trước thời điểm tước lá mai khoảng 1 tháng, người trồng chỉ nên tưới nước khoảng 4 ngày/lần (tưới vào sáng sớm hoặc sau 17 giờ). Sau khi tước lá, cần tăng số lần tưới nước lên 2 ngày/lần. Đến khoảng ngày 22 tháng Chạp, người trồng bắt đầu tưới nước 2 lần/ngày. Trong đó, có 1 lần tưới nước ấm khoảng 40 độ C vào buổi chiều tối cho đến khi hoa mai bắt đầu nở rộ thì ngừng dùng nước ấm.

Ông Ky cũng lưu ý, sau Tết, gia chủ cần cắt tỉa bớt các cành dài, tước bỏ nụ và hoa. Nên cắt bỏ 1/3 cành mai đi, sau đó tiếp tục theo dõi. Nếu thấy cây đâm chồi và phát triển mạnh, người trồng không cần bón thêm phân cho cây. Nếu phát hiện sâu bệnh, nông dân nên mua các loại thuốc phun xịt kịp thời.

Hơn 40 gầy dựng, đến nay, ông Ky đã sở hữu vườn mai rộng 1ha với giá trị hàng tỷ đồng. Hàng năm vào dịp Tết, thương lái từ các tỉnh lân cận như Cần Thơ, Vĩnh Long, Cà Mau, Đồng Tháp, TP.HCM… tấp nập về mua mai kiểng. Không chỉ thành công xây dựng kinh tế gia đình, ông Ky cũng chính là người tâm huyết, và có những đề xuất cho HTX phát triển.

"Với vai trò là Chủ tịch HĐQT HTX Mai vàng Phú Hưng, thời gian qua, tôi đã khuyến khích thành viên trong HTX tìm hiểu, học hỏi, đưa các sản phẩm lên mạng xã hội để quảng bá hình ảnh để nhiều nơi biết đến và đã thu hút đông đảo khách hàng đến mua. Bên cạnh đó, tôi cũng đề xuất Phòng NN-PTNT huyện Châu Thành tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng mai cho bà con trong HTX. Nhiều bà con tham gia lớp tập huấn đã áp dụng và làm ăn hiệu quả, nên ở đây đa số là hộ khá giàu đi lên từ cây mai”, ông Ky thông tin.

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Cảnh giác với dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm dịp Tết

Thái Nguyên tăng cường phòng chống dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm các tháng cuối năm 2024, đầu năm 2025, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.