| Hotline: 0983.970.780

Cơ hội nào khi xuất khẩu thủy sản sang Mỹ dưới thời Donald Trump

Thứ Ba 12/11/2024 , 11:01 (GMT+7)

Mỹ là thị trường lớn nhất của thủy sản Việt Nam. Xuất khẩu thủy sản sang Mỹ sẽ có cả cơ hội lẫn thách thức khi ông Donald Trump trở lại làm tổng thống.

Chế biến tôm xuất khẩu tại nhà máy của Công ty Thông Thuận. Ảnh: Sơn Trang.

Chế biến tôm xuất khẩu tại nhà máy của Công ty Thông Thuận. Ảnh: Sơn Trang.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản sang Mỹ trong năm nay đang tăng trưởng tốt. Ước tính trong 10 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ đã đạt 1,5 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2023. Dự kiến trong cả năm nay, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ sẽ đạt 1,85 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2023.

Từ nhiều năm nay, Mỹ luôn là thị trường lớn nhất của thủy sản Việt Nam, với kim ngạch mỗi năm đạt từ 1,5 đến 2,1 tỷ USD. Năm 2023, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ đạt gần 1,6 tỷ USD, chiếm 17% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản.

Do Mỹ là thị trường lớn nhất của thủy sản Việt Nam, nên sau khi ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ, một câu hỏi đang được đặt ra với ngành thủy sản là xuất khẩu thủy sản sang Mỹ sẽ bị tác động như thế nào dưới thời của vị tổng thống này.

Theo bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông VASEP, các chính sách thương mại đặc thù của Mỹ dưới thời ông Donald Trump có thể tạo ra cả cơ hội lẫn thách thức cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong thời gian tới.

Về cơ hội, trong bối cảnh Mỹ - Trung đang đối đầu thương mại, có thể xảy ra những thay đổi lớn trong chuỗi cung ứng và nhập khẩu của Mỹ, trong đó có nhập khẩu thủy sản. Theo đó, Mỹ có thể giảm nhập khẩu các sản phẩm thủy sản từ Trung Quốc và tìm kiếm các nguồn cung thay thế, trong đó có Việt Nam.

Tôm và cá tra hiện đang là những sản phẩm thủy sản chủ lực của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ. Việc Mỹ tăng thuế quan đối với thủy sản nhập khẩu từ Trung Quốc có thể mở ra cơ hội lớn cho 2 sản phẩm này của Việt Nam, qua đó, giúp cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào thị trường Mỹ tiếp tục tăng trưởng. Trong khi đó, Trung Quốc cũng sẽ giảm nhập khẩu thủy sản từ Mỹ và có thể chuyển sang nhập khẩu sản phẩm thủy sản thay thế từ Việt Nam và các nước khác.

Khi chiến tranh thương mại gia tăng, chuỗi cung ứng thủy sản toàn cầu có thể bị xáo trộn, tạo cơ hội cho Việt Nam trở thành một nguồn cung thủy sản thay thế đáng tin cậy cho các quốc gia muốn tránh thuế quan cao từ Mỹ. Vì vậy, Việt Nam có thể được lựa chọn làm nhà cung cấp thay thế trong chuỗi cung ứng thủy sản toàn cầu.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tạo ra một số cơ hội cho thủy sản Việt Nam, nhưng đồng thời, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với các biện pháp phòng vệ thương mại của Mỹ, bao gồm thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp và các yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng sản phẩm.

Bà Lê Hằng lưu ý, dù kết quả thuế chống bán phá giá đối với tôm, cá tra và thuế chống trợ cấp với tôm Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ có xu hướng thuận lợi hơn trong năm 2024, các doanh nghiệp thủy sản vẫn cần thận trọng và có chiến lược khi xuất khẩu sang thị trường này.

Chính phủ Mỹ dưới thời Donald Trump đã tăng cường các biện pháp bảo vệ liên quan đến an toàn thực phẩm và tiêu chuẩn chất lượng. Điều này có thể gây khó khăn cho các nhà xuất khẩu thủy sản Việt Nam khi phải tuân thủ các tiêu chuẩn ngặt nghèo hơn về vệ sinh an toàn thực phẩm, dẫn đến tăng chi phí sản xuất và kiểm tra.

Bên cạnh đó, chính sách bảo hộ và hàng rào thuế quan của Mỹ cũng có thể khiến cạnh tranh gia tăng giữa Việt Nam và các quốc gia xuất khẩu thủy sản hàng đầu vào Mỹ như Ấn Độ, Ecuador, hay Indonesia.

Trước những cơ hội và thách thức trên, bà Lê Hằng khuyến nghị, trong bối cảnh thay đổi chính sách thương mại quốc tế, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam cần chủ động và linh hoạt trong việc thích ứng với các yếu tố biến động của thị trường Mỹ.

Trước hết, sản phẩm thủy sản xuất khẩu luôn phải tuân thủ đầy đủ các quy định của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), bao gồm các tiêu chuẩn về vệ sinh, an toàn thực phẩm và phòng chống dịch bệnh.

Người tiêu dùng Mỹ ngày càng quan tâm đến các vấn đề liên quan đến bền vững, bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội. Do đó, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam nên đảm bảo các tiêu chuẩn về sản xuất bền vững và kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt từ khâu nuôi trồng đến chế biến để đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của thị trường Mỹ.

Các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam cần cung cấp thông tin minh bạch về quá trình sản xuất, nguồn gốc nguyên liệu và các tiêu chuẩn chất lượng, qua đó xây dựng lòng tin với người tiêu dùng và đối tác ở Mỹ, đồng thời đáp ứng nhu cầu của các nhà phân phối, siêu thị và các hệ thống bán lẻ lớn tại thị trường này.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam cần nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng thời có các kế hoạch ứng phó nhanh chóng với các thay đổi về thuế quan và biện pháp phòng vệ thương mại của Mỹ.

Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Đấu giá sâm Ngọc Linh để xóa nhà tạm cho đồng bào Xơ Đăng

Hai củ sâm Ngọc Linh được đấu giá 238 triệu đồng. Toàn bộ số tiền này được dùng để xóa nhà tạm cho đồng bào dân tộc Xơ Đăng ở huyện Nam Trà My.

Bộ GTVT yêu cầu đẩy nhanh 8 dự án trạm dừng nghỉ cao tốc Bắc- Nam

Mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh ra công yêu cầu đẩy nhanh 8 dự án trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc - Nam.