Linh hoạt với nhiều biện pháp tổng thể
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, cơn bão số 3 đã gây thiệt hại rất nghiêm trọng cả nền kinh tế nước ta, với số tiền ước tính khoảng 81.500 tỷ đồng. Trong đó, nông nghiệp bị ảnh hưởng chủ yếu, với 2 ngành thủy sản và chăn nuôi thiệt hại nặng nề nhất.
Theo thống kê chưa đầy đủ, thủy sản thiệt hại trên 6.000 tỷ đồng, còn chăn nuôi tổn thất khoảng 1.000 tỷ đồng. Mặc dù 9 tháng năm 2024, năng suất, chất lượng của của ngành nông nghiệp vẫn đạt và vượt chỉ tiêu. Thế nhưng, chắc chắn con số thống kê này sẽ ảnh hưởng vào tháng 10. Do đó, để đảm bảo kế hoạch đề ra, Bộ NN-PTNT và các địa phương cần phải tăng cường sản lượng ở những tỉnh không bị ảnh hưởng do cơn bão số 3 vừa qua.
“Ở các tỉnh miền núi phía Bắc thì sản xuất thủy sản chủ yếu mang tính tự cung tự cấp, còn xuất khẩu chủ yếu ở phía Nam. Khu vực phía Nam có diện tích nuôi trồng thủy sản là 1,3 triệu ha, trong đó tôm chiếm khoảng 704.000ha với sản lượng năm 2023 là 1,04 triệu tấn. Diện tích nuôi cá tra là 6.000ha. Xuất khẩu thủy sản 9 tháng năm 2024 đạt khoảng 7,2 tỷ USD và mục tiêu sẽ phấn đấu đạt 10,5 tỷ USD cho năm 2024”, lãnh đạo Bộ NN-PTNT thông tin.
Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản, cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, Cục đã rà soát thiệt hại của các đối tượng thủy sản bị thiệt hại trong đợt thiên tai vừa qua. Từ đó, sẽ có phương án phục hồi cụ thể và bù đắp sản lượng với những đối tượng khác.
Để đạt được mục tiêu này, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến kêu gọi sự chung tay của các địa phương. Khó khăn bủa vây, nhất là khu vực miền Bắc chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai nhưng “trong cái khó sẽ ló cái khôn”, giải pháp luôn nằm trong những thách thức.
“Nhiệm vụ trọng tâm đến cuối năm, nuôi trồng thủy sản cần phải tăng cường hơn nữa để phục hồi sau cơn bão và duy trì được đà tăng trưởng ngành thủy sản hằng năm là từ 3,5 - 4%, chiếm tỉ trọng trong ngành nông nghiệp khoảng 28%”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chỉ đạo.
Nước ta có nhiều diện tích để nuôi biển, hồ chứa, hệ thống sông rạch để phù hợp với đa dạng đối tượng thủy sản như tôm, cá, rong biển, hàu, nhuyễn thể… Các địa phương cần phải linh hoạt các biện pháp để phát huy được tiềm năng trong bối cảnh khó khăn chung.
Trước những thiệt hại của người dân nuôi trồng thuỷ sản khu vực phía Bắc, đại diện Cục Thủy sản cho rằng, có thể khôi phục sản xuất bằng cách chuyển qua trồng rong biển. Đây là đối tượng nuôi dễ mà ít phải đầu tư lại từ đầu. Rong biển không chỉ phù hợp với bối cảnh “lấy ngắn nuôi dài” trong tình hình hiện tại mà là hướng đi mới, có nhiều đầu ra trong chế biến thực phẩm, làm nguyên liệu sản xuất dược phẩm, mỹ phẩm.
Mới đây, bà con khu vực vùng nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại phía Bắc cũng đã được các đơn vị hỗ trợ 1 triệu cây rong giống để tái sản xuất. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, địa phương cũng nên tính sớm đầu ra cho sản phẩm rong biển sau thu hoạch.
Còn chưa đầy 3 tháng nữa sẽ hết năm 2024, do đó, người nuôi tôm thẻ chân trắng tại phía Bắc cần tập trung hết lực lượng để sản xuất. Các đối tượng khác và lĩnh vực nuôi biển thì sẽ có những bước phục hồi rõ ràng hơn nhưng không phải quá khó.
“Còn khu vực phía Nam, cần đẩy mạnh sản xuất tôm thẻ chân trắng, tôm càng xanh, tôm hùm, cá ba sa, nhuyễn thể và nuôi biển… để bù đắp sản lượng cho cả khu vực phía Bắc. Giá thủy sản đang 'ấm' dần lên với những triển vọng mới. Do đó, với quyết tâm cao của các đơn vị Bộ NN-PTNT và địa phương thì mục tiêu sẽ hoàn toàn khả thi”, lãnh đạo Bộ NN-PTNT hi vọng.
Tăng cường phòng, chống dịch bệnh trên thủy sản
Trong 9 tháng năm 2024, trên cả nước vẫn kiểm soát tốt các loại dịch bệnh trên thủy sản, giảm khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, tình hình vẫn còn phức tạp trên các đối tượng tôm, cá tra và thủy sản nước ngọt.
Cụ thể, diện tích nuôi trồng thủy sản bị dịch bệnh giảm còn 4.257ha (giảm 28,94% so với cùng kỳ năm 2023). Bên cạnh đó, diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại do tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, không xác định được nguyên nhân là 17.316ha và 3.936 ao, lồng, bè, vèo, chiếm trên 80% trong tổng thiệt hại của nuôi trồng thủy sản.
Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y cho biết, cùng với Cục Thủy sản, đơn vị đang tăng cường chỉ đạo, giám sát công tác phòng bệnh sớm, từ xa tại các địa phương bằng áp dụng các biện pháp kỹ thuật, khoa học công nghệ. Trong đó, nuôi trồng thủy sản thì vấn đề môi trường rất quan trọng, xử lý nước để tránh ô nhiễm.
“Để làm được việc này thì con giống phải xuất phát từ những cơ sở không có dịch bệnh được kiểm dịch kiểm soát, nếu không rất dễ bùng phát dịch bệnh. Kể cả các loại thức ăn sử dụng cho tôm, giống thủy sản giống hoặc trong nuôi trồng cũng có thể là phát sinh mầm bệnh. Kiểm dịch vận chuyển cũng rất cần thiết để đảm bảo rằng là các nguồn giống đấy sẽ được kiểm soát, không có dịch bệnh”, ông Long chia sẻ.
Chưa kể, việc phòng, chống dịch bệnh trên thủy sản hiện nay bằng vacxin là còn rất hạn chế, chỉ mới có vacxin trên cá tra và một số loài thủy sản nước ngọt. Trong khi đó thì bệnh dịch trên tôm, nhất là bệnh đốm trắng, bệnh hoại tử gan vị cấp và gần đây có bệnh EHP là kí sinh trùng trên tôm cũng đặt ra nhiều thách thức cho nuôi trồng thủy sản.
Nền nông nghiệp của chúng ta còn đang đứng trước bối cảnh mà tốc độ đô thị hóa và công nghiệp hóa rất nhanh, kéo theo đó là rác thải sinh hoạt, rác thải nguy hại cũng rất nhiều. Do vậy, những dòng sông có những lưu vực sông ảnh hưởng ô nhiễm rất nghiêm trọng và nuôi trồng thủy sản thì phải là nước đầu tiên. Có thể nói, đó là thách thức, cũng là "đề bài" mà ngành thủy sản cần phải giải quyết để phát triển bền vững.
“Người ta thường nói là nuôi nước trước, nuôi tôm sau. Như vậy, quản lý cần đi trước một bước. Trước bối cảnh đấy thì ngành thủy sản phải quan trắc, cảnh báo. Ngành thú y cần phòng chống dịch bệnh, an toàn sinh học… phải giải quyết bằng được những tồn tại, khó khăn để làm sao tăng tốc được nuôi trồng thủy sản”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.