| Hotline: 0983.970.780

Cơ hội và thách thức khi thành lập sàn giao dịch cà phê

Thứ Hai 04/11/2024 , 14:12 (GMT+7)

Gia Lai Thành lập sàn giao dịch cà phê tại Gia Lai là ý tưởng đầy tiềm năng. Tuy nhiên, đi kèm đó là những rủi ro cần được cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đầu tư.

Cà phê Gia Lai mang lại giá trị cao trên thị trường Quốc tế. Ảnh: Tuấn Anh.

Cà phê Gia Lai mang lại giá trị cao trên thị trường Quốc tế. Ảnh: Tuấn Anh.

Ngày 4/11, Sở Công thương tỉnh Gia Lai tổ chức hội thảo phòng ngừa rủi ro giá cà phê và các phương thức giao dịch mua bán cà phê trên sàn giao dịch hàng hóa.

Cà phê được ‘bảo chứng’ thông qua sàn giao dịch

Việt Nam hiện là nước sản xuất cà phê lớn thứ hai trên thế giới, sau Brazil và đóng góp quan trọng vào nguồn cung cà phê toàn cầu. Vùng Tây Nguyên, trong đó có tỉnh Gia Lai là một trong những địa phương trọng điểm về sản xuất cà phê của cả nước về diện tích, sản lượng và giá trị vượt trội.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu năm nay xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 1 triệu tấn với kim ngạch thu về gần 2,4 tỷ USD, giảm 3,1% về số lượng nhưng tăng 2,3% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là kim ngạch xuất khẩu cao nhất ghi nhận được của ngành cà phê trong 6 tháng đầu năm kể từ trước đến nay.

Bà Đào Thị Thu Nguyệt, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh gia Lai cho biết, theo kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh giai đoạn 2021-2025, Gia Lai không mở rộng diện tích, duy trì ổn định khoảng 98.000 - 100.000ha cà phê.

Trong những năm gần đây, bên cạnh việc đẩy mạnh sản xuất cà phê sạch để nâng cao chất lượng, giá trị cho sản phẩm cà phê nhân xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh đã chú trọng đầu tư xây dựng mạng lưới sản xuất, chế biến cà phê bền vững và một phần sản phẩm cà phê đặc sản, nhằm thâm nhập vào các thị trường tiềm năng.

Tuy nhiên, thị trường cà phê cũng có tính biến động cao, giá cà phê thường xuyên thay đổi. Điều này đã gây ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng cà phê.

Chính vì vậy, việc nhận thức của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến, xuất khẩu cà phê về tầm quan trọng của giao dịch hàng hóa trong quản trị rủi ro giá cà phê là rất cần thiết, từ đó nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Cà phê chế biến sâu ngày các được thị trường thế giới đón nhận. Ảnh: Tuấn Anh.

Cà phê chế biến sâu ngày các được thị trường thế giới đón nhận. Ảnh: Tuấn Anh.

Ông Trần Văn Bình, Giám đốc Công ty cổ phần Giao dịch hàng hóa Sài Gòn Invest cho biết, Gia Lai nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung có diện tích trồng cà phê lớn, đất đai màu mỡ, khí hậu phù hợp. Việc thành lập sàn giao dịch cà phê sẽ giúp khai thác tối đa lợi thế, góp phần thúc đẩy kinh tế nông nghiệp. Bên cạnh đó, sàn giao dịch có thể trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn, giới thiệu về văn hóa cà phê và quá trình sản xuất cà phê của địa phương.

“Việc mở sàn giao dịch cà phê tại Gia Lai là một cơ hội lớn để phát triển ngành cà phê, nâng cao đời sống người dân và đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thông qua đó, kết nối với các vùng trồng cà phê của các tỉnh như Đăk Lăk, Đăk Nông, Kon Tum…”, ông Bình chia sẻ.

Còn nhiều rủi ro

Theo các chuyên gia, việc thành lập sàn giao dịch cà phê tại Việt Nam là một ý tưởng đầy tiềm năng, tuy nhiên đi kèm đó là một số rủi ro mà các doanh nghiệp, người dân cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đầu tư. Cụ thể, khung pháp lý về thị trường hàng hóa chưa rõ ràng, gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động. Về thị trường, nếu không thu hút được đủ lượng khách hàng tham gia giao dịch, sàn giao dịch có thể gặp phải tình trạng thanh khoản thấp, gây khó khăn cho việc thực hiện các giao dịch.

Đặc biệt, việc xây dựng và vận hành một sàn giao dịch cà phê đòi hỏi một khoản đầu tư ban đầu lớn bao gồm chi phí xây dựng hệ thống, marketing, nhân sự... Nếu không quản lý rủi ro hiệu quả, sàn giao dịch có thể đối mặt với nguy cơ thua lỗ cao.

Đánh giá về những khả thi của việc thành lập sản giao dịch hàng hóa, ông Nguyễn Huỳnh Phú Lâm, Giám đốc Công ty Cổ phần Cà phê Classic Gia Lai cho biết, cần phải xem lợi ích mạng lại cho người dân, doanh nghiệp cũng như giúp cho địa phương mại lại nguồn thu từ việc thành lập sàn giao dịch hàng hóa.

Cà phê Gia Lai đang bắt đầu cho thu hoạch, kỳ vọng mang lại giá trị kinh tế lớn cho người dân. Ảnh: Tuấn Anh.

Cà phê Gia Lai đang bắt đầu cho thu hoạch, kỳ vọng mang lại giá trị kinh tế lớn cho người dân. Ảnh: Tuấn Anh.

“Trước đó, bài học từ sàn giao dịch cà phê ở Đăk Lăk đã không mang lại thành công như kỳ vọng. Chình vì vậy, doanh nghiệp mong muốn được nhìn thẳng vào vấn đề các sàn giao dịch đã thất bại. Để từ đó, chúng ta có những mổ sẻ nhằm tìm ra mô hình sàn giao dịch tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp khi tham gia vào””, ông Lâm chia sẻ.

Cũng theo ông Lâm, bởi là sàn giao dịch hàng hóa, nên cần thu hút nhiều người dân, HTX, doanh nghiệp tham gia giao dịch. Ttrong đó, sàn giao dịch phải cho thấy được người mua, người bán được lợi cái gì khi tham gia vào.

Ông Trần Văn Bình, Giám đốc Công ty Cổ phần Giao dịch hàng hóa Sài Gòn Invest cho biết, để đạt được những hiệu quả, sàn giao dịch cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đầu tư xây dựng các kho chứa, hệ thống vận chuyển, các phòng thí nghiệm kiểm nghiệm chất lượng. Cần đào tạo đội ngũ nhân viên có chuyên môn cao về giao dịch, quản lý, marketing.

Tuy nhiên, để thành công, cần có sự đầu tư và nỗ lực của cả chính quyền, doanh nghiệp và người dân.

“Việc thành lập và vận hành một sàn giao dịch cà phê tại Việt Nam không chỉ đòi hỏi nguồn vốn lớn, kinh nghiệm quản lý mà còn cần sự hỗ trợ từ phía nhà nước. Chính phủ Việt Nam đã và đang có những chính sách nhằm khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động này, góp phần phát triển thị trường cà phê trong nước và nâng cao giá trị cho nông sản quốc gia”, ông Bình chia sẻ.

Ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết, muốn đưa được sản phẩm cà phê lên sàn giao dịch hàng hóa thì tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa phải được đưa lên hàng đầu, qua đó gia tăng giá trị cho ngành nông sản Việt Nam.

Tuy nhiên, để tổ chức hoạt động, vận hành được sàn giao dịch hàng hóa thì không chỉ ngành nông nghiệp mà còn có sự chung tay liên kết lại với nhau từ các lĩnh vực như logistics, tài chính, kho bãi… cũng như giúp tạo ra công ăn việc làm, đóng góp chúng vào sự phát triển kinh tế của địa phương.

Xem thêm
Nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh của nông sản Việt

Thứ trưởng Trần Thanh Nam gợi ý nhiều hướng phát triển cho Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, trong đó nhấn mạnh chất lượng và thị trường.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Tập đoàn Mavin 20 năm 'Kiến tạo - Nâng tầm - Bứt phá'

HÀ NỘI Đây là dịp đặc biệt và ý nghĩa để nhìn lại hành trình phát triển vinh quang của Mavin trong 2 thập kỷ qua, khơi dậy niềm tự hào, động lực hướng tới tương lai.