| Hotline: 0983.970.780

'Sàn giao dịch' heo quy mô nhất miền Bắc

Thứ Ba 09/07/2024 , 17:25 (GMT+7)

Trung tâm bán heo Thanh Hóa của C.P. Việt Nam được xem là điểm trung chuyển heo quy mô, khang trang và an toàn bậc nhất miền Bắc hiện nay.

Tôi hỏi ông Đặng Văn Hiệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa rằng, địa phương rộng lớn, giao thông thuận lợi, chăn nuôi phát triển với quy mô lớn như vậy, đâu là cách mà các ông kiểm soát được dịch bệnh, nhất là dịch tả lợn Châu Phi đang hoành hành ở nhiều địa phương khác, có tỉnh nhiều xã trắng lợn?

Ông Hiệp bảo, có nhiều cách, cách của nhà nước, cách của cơ quan chuyên môn là một phần, quan trọng vẫn là cách mà các doanh nghiệp làm ăn chuyên nghiệp, bài bản đã và đang làm rất hiệu quả.

Nói rồi, ông Hiệp bảo, hay phóng viên đi thị sát cùng chúng tôi một chuyến, xem cách doanh nghiệp họ đang góp phần tích cực vào việc tăng sản lượng, đáp ứng nhu cầu lợn sạch cho thị trường và hơn hết là giúp "đánh xa, chặn đứng" được dịch bệnh như thế nào. Thế rồi chúng tôi lên đường!

Ông Đặng Văn Hiệp (đứng giữa) cùng cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh tại Trung tâm bán heo Thanh Hóa. Ảnh: Quốc Toản.

Ông Đặng Văn Hiệp (đứng giữa) cùng cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh tại Trung tâm bán heo Thanh Hóa. Ảnh: Quốc Toản.

Tuân thủ nghiêm ngặt phòng chống dịch

Quá trưa, cán bộ kiểm dịch động vật Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa chưa kịp ăn lót dạ, tức tốc lên đường, phối hợp với chốt trực, tiến hành kiểm dịch động vật tại Trung tâm bán heo Thanh Hóa (xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa) để kịp cuộc họp giao ban cuối giờ chiều.

Do Trung tâm nằm cách thành phố khoảng 50km và xa khu dân cư, bởi vậy, Chi cục đã bố trí từ 2 đến 3 cán bộ thường trực, thường xuyên có mặt để đáp ứng yêu cầu kiểm dịch động vật.

Ông Đặng Văn Hiệp chia sẻ: Cán bộ kỹ thuật của Chi cục và Trung tâm luôn xác định việc thực hiện kiểm tra, giám sát, phát hiện dịch bệnh theo quy định để kịp thời ngăn chặn, ứng phó là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và quan trọng hàng đầu trong công tác phòng chống dịch bệnh.

Bất cứ trong tình huống nào, hoàn cảnh nào anh em cũng luôn trong tâm thế chủ động, không chủ quan, đặc biệt là trong bối cảnh nhiều tỉnh thành phía Bắc đang căng mình chống chọi với bệnh dịch tả lợn Châu Phi.

Trung tâm bán heo Thanh Hóa được xem là mắt xích quan trọng đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường trong chuỗi hệ thống chăn nuôi, chế biến heo của Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam (Công ty C.P. Việt Nam) với quy mô và khang trang, hiện đại vào loại bậc nhất miền Bắc.

Khuôn viên Trung tâm rộng khoảng 2ha được thiết kế theo dạng khép kín, phân thành nhiều khu vực gồm: Khu vực tiêu độc khử trùng, 8 phòng ở cho công nhân, 4 trạm cân, 22 chuồng tập kết heo, khu vực tiêu hủy, khu xử lý nước thải, khu chờ của khách…

Phía bên trong khuôn viên còn bố trí mặt bằng rộng cả nghìn m2 làm nơi đỗ xe cho khách mua heo và nằm tách biệt với nơi đỗ phương tiện chở heo của Công ty C.P. Việt Nam để hạn chế thấp nhất khả năng phát sinh, lây lan dịch bệnh.

Các xe chở heo đều được vệ sinh sạch sẽ sau đó phun tiêu độc, khử trùng, đảm bảo hạn chế tối đa việc phát sinh mầm bệnh tại nơi trung chuyển. Ảnh: Quốc Toản.

Các xe chở heo đều được vệ sinh sạch sẽ sau đó phun tiêu độc, khử trùng, đảm bảo hạn chế tối đa việc phát sinh mầm bệnh tại nơi trung chuyển. Ảnh: Quốc Toản.

Ông Nguyễn Thọ Thực, Giám đốc Trung tâm bán heo Thanh Hóa mặt đen nhẻm dưới cái nắng 40 độ C. Mấy hôm nay, chả riêng gì ông mà toàn bộ mười mấy nhân viên dưới quyền đều hoạt động hết công suất vì phải kiểm tra cơ học hàng nghìn con heo và thực hiện công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng hàng trăm lượt phương tiện ra vào trong tuần.

Cũng theo ông Thực, Trung tâm hiện có 13 cán bộ trực và 10 lái xe, phụ xe, nếu số heo nhập về trong ngày vượt quá 500 con thì tất cả đều phải làm việc thông ca để đảm bảo cung cấp, vận chuyển heo đúng giờ, đúng chuyến cho khách hàng và kết thúc xong trước 0 giờ.

Sáng nay, Trung tâm bán heo Thanh Hóa đã tiếp nhận gần 1.000 con từ trại chăn nuôi của Công ty C.P. Việt Nam để nhập kho hàng.

Điều khiến chúng tôi thật sự ấn tượng là, dù tiếp nhận và vận chuyển heo với số lượng lớn, thế nhưng khuôn viên hầu như không phát mùi đặc trưng nhờ công tác vệ sinh, khử trùng, kiểm dịch tuân thủ đúng quy trình.

Nước thải từ quá trình vệ sinh và sát khuẩn được dẫn ngầm xuống bể chứa và tập kết tại các ao lắng và xử lý bằng chế phẩm sinh học, đảm bảo tiêu chuẩn, an toàn với môi trường.

Khu chuồng tập kết được xây cao hơn nền đất chừng nửa mét, bên trong là 22 ô chuồng nuôi nhốt, diện tích mỗi chuồng rộng chừng 30m2 và có sức chứa lên tới 2.000 con ở khu vực nuôi nhốt. Phía trên là hệ thống quạt thông gió và hệ thống phun sương làm mát.

Khu chuồng luôn thường trực một vài nhân viên vừa kiêm nhiệm vụ “lễ tân” làm nhiệm vụ đón tiếp các “thượng khách” từ trại heo tập kết về vừa thực hiện nhiệm vụ vệ sinh chuồng trại.

Ông Thực đọc vanh vách quy trình khử trùng, sát khuẩn cho toàn bộ phương tiện trong mỗi lần “khắc nhập, khắc xuất” tại Trung tâm. Đối với xe của khách hàng đến mua heo được cán bộ Trung tâm hướng dẫn di chuyển đến khu vực vệ sinh phương tiện cách trung tâm khoảng 500m về phía Tây.

Sau khi thực hiện xong công đoạn này, xe di chuyển về cổng Trung tâm để tiếp tục được phun tiêu độc, khử trùng và di chuyển vào vị trí đã được bố trí sẵn. Cánh tài xế được bố trí nghỉ ngơi, ăn uống tại khu vực riêng biệt, theo nguyên tắc “không phận sự miễn vào”.

Sau khi heo được cân và tập kết lên xe và được cán bộ kiểm dịch động vật của Chi cục thực hiện quy trình kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm dịch động vật, phương tiện tiếp tục được tiêu độc, khử trùng lần cuối tại lối cửa tả, sau đó mới được vận chuyển ra bên ngoài.

Thùng xe được đóng kín đáy, lót bạt để tránh chất thải rơi vãi trong quá trình vận chuyển. Tất cả các quy trình kiểm soát, phòng chống dịch bệnh đều có sự phối hợp nhịp nhàng, liên tục giữa cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa, cán bộ Trung tâm và khách hàng.

Đối với các phương tiện của Công ty C.P. Việt Nam khi vận chuyển heo từ chuồng nuôi của trang trại tới điểm tập kết heo tại Trung tâm cũng thực hiện các quy trình tương tự. Tuy nhiên, các xe vận chuyển này khi vào khu vực chuồng bắt heo phải bắt buộc có giấy chứng nhận sát trùng mới được thực hiện nhiệm vụ.

Khi di chuyển tới trạm trung chuyển, nhân viên trạm sẽ kiểm tra kẹp chì, đúng số lượng con, đúng phiếu, đúng cân mới cho làm thủ tục nhập kho. Trung tâm có đội xe chuyên biệt được quản lý chặt chẽ theo quy trình điều phối Công ty C.P. Việt Nam và chỉ sử dụng vận chuyển lợn của các trang trại thuộc hệ thống công ty về Trung tâm bán heo.

Ông Thực thể hiện khả năng ghi nhớ của mình bằng việc đọc vanh vách số heo nhập vào bán ra từng ngày mà không cần giấy tờ hay nhật ký ghi chép. “Thời điểm này, trung bình mỗi ngày có khoảng trên dưới 1.000 con heo nhập vào trạm trung chuyển. Đỉnh điểm có ngày Trung tâm nhập và bán ra 1.886 con heo, ngày trung bình cũng phải trên dưới 1.000 con.

Các khách hàng đến mua heo tại trạm trung chuyển sẽ đăng ký trước số lượng mua và thanh toán tiền trước thông qua mã QR code. Quy trình nhập, bán heo đảm bảo an toàn dịch bệnh từ khi xe vào trạm đến khi ra ngoài.

Tại trung tâm bố trí các trạm cân điện tử vận hành tự động để giám sát khối lượng xuất đi so với tổng tiền đã thanh toán. Tất cả số heo nhập về trung tâm được xuất bán trong ngày nhằm đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh và sức khỏe đàn heo”, cán bộ Thực chia sẻ.

Cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y sau khi kiểm tra lâm sàng sẽ cấp giấy kiểm dịch cho các xe vận chuyển heo đến lò mổ. Ảnh: Quốc Toản.

Cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y sau khi kiểm tra lâm sàng sẽ cấp giấy kiểm dịch cho các xe vận chuyển heo đến lò mổ. Ảnh: Quốc Toản.

"Đánh chặn" dịch từ xa

Công ty C.P. Việt Nam là doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam áp dụng hệ thống các Trạm trung chuyển heo thịt. Tại Thanh Hóa, trạm trung chuyển heo được bố trí xa khu dân cư, cách đường Quốc lộ 1A khoảng 21km, đường Cao tốc 12km về phía Đông và cách Quốc lộ 217 khoảng 2km về phía Nam.

Hiện nay, Công ty C.P. Việt Nam tại Thanh Hóa có khoảng hơn 100 trại heo, phân bố ở hơn 10 huyện, với quy mô 150 nghìn lợn thịt/năm.

Các trang trại heo của doanh nghiệp này khi xuất bán ra thị trường đều thông qua Trung tâm bán heo Thanh Hóa. Hằng tháng, Trung tâm cung cấp khoảng 11.000 đến 12.000 con lợn thịt cho nhu cầu tiêu thụ trong tỉnh và ngoài tỉnh.

Trạm trung chuyển heo có chức năng như một “sàn giao dịch” heo, cung cấp heo sạch, an toàn cho thị trường. Bên cạnh đó, việc xây dựng điểm trung chuyển heo sạch tại Thanh Hóa góp phần giúp Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa “bao vây” và “đánh chặn” dịch từ xa một cách phù hợp, hiệu quả trong bối cảnh số lượng biên chế cán bộ của Chi cục chăn nuôi và thú y Thanh Hóa hạn chế như hiện nay.

Bởi vậy, từ năm 2021 đến nay, tại Trung tâm bán heo Thanh Hóa chưa hề phát sinh ổ dịch nào nhờ tuân thủ chặt chẽ các quy định phòng chống dịch. Hoạt động của Trung tâm đã và đang tạo thêm "lớp" chống dịch an toàn cho hệ thống các trang trại của Công ty C.P. Việt Nam trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh.

Xe chở heo được vệ sinh trước khi nhập heo vào chuồng tại Trung tâm bán heo Thanh Hóa. Ảnh: Quốc Toản.

Xe chở heo được vệ sinh trước khi nhập heo vào chuồng tại Trung tâm bán heo Thanh Hóa. Ảnh: Quốc Toản.

Ông Đặng Văn Hiệp đánh giá cao mô hình Trung tâm bán heo Thanh Hóa xét về hiệu quả kinh tế, môi trường, đặc biệt là việc áp dụng các giải pháp căn cơ trong công tác chủ động kiểm soát dịch bệnh dịch tả lợn Châu Phi trong thời gian qua.

“Trước đây, các khách hàng đều đưa phương tiện đến tận trang trại chăn nuôi để mua bán bắt heo. Tuy nhiên, đây là nguy cơ hàng đầu về phát sinh và lây lan dịch bệnh. Bởi vậy, việc doanh nghiệp đầu tư, xây dựng Trạm trung chuyển sẽ tránh được khả năng lây nhiễm từ các nguồn bệnh khác nhau đặc biệt bệnh dịch tả lợn Châu Phi”, ông Hiệp nói.

Cũng theo ông Đặng Văn Hiệp, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đang khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi công nghệ cao đặc biệt là đối với các sản phẩm chăn nuôi chủ lực theo hướng bền vững, an toàn dịch bệnh, đáp ứng yêu cầu chất lượng, an toàn thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và định hướng xuất khẩu.

Do vậy, việc đầu tư cơ sở hạ tầng trong chăn nuôi công nghệ cao, đặc biệt là các “sàn giao dịch” (Trạm trung chuyển) gia súc, gia cầm trong đó có heo theo chuỗi sẽ giúp cơ quan quản lý chuyên ngành thú y chủ động kiểm soát, phòng ngừa các loại dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe đàn heo và góp phần giúp người chăn nuôi an tâm sản xuất, phát triển bền vững.

“Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa cam kết sẽ luôn duy trì và thường trực cán bộ kiểm dịch động vật, thực hiện nhiệm vụ tại các trung tâm đáp ứng kịp thời nhu cầu của các doanh nghiệp khi đầu tư xây dựng các Trung tâm trung chuyển gia súc, gia cầm đặc biệt là lợn theo chuỗi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa...", ông Hiệp chia sẻ.

Tại Trung tâm bán heo Thanh Hóa, luôn thường trực cán bộ trực chốt. Heo khi được nhập về điểm tập kết được lấy mẫu kiểm dịch ngẫu nhiên (3 tháng/lần) theo đúng quy định để giám sát dịch bệnh. Bên cạnh đó, hằng ngày, cán bộ Chi cục có nhiệm vụ kiểm tra lâm sàng, cấp giấy kiểm dịch cho các xe vận chuyển heo đến lò mổ. Việc hình thành các Trung tâm bán heo sẽ giúp tiết kiệm được nhân lực thú y, đồng thời việc phòng, chống dịch sẽ tập trung, đồng bộ hơn.

Xem thêm
Người dân Vĩnh Phúc viết đơn xin dừng chăn nuôi trong khu dân cư

Tính đến cuối năm 2024 đã có 332 hộ chăn nuôi ở tỉnh Vĩnh Phúc làm đơn đề nghị hỗ trợ dừng chăn nuôi ở khu vực không được phép chăn nuôi.

'Cánh đồng không dấu chân' lợi nhuận tăng từ 33 - 38%

BÌNH THUẬN Những cánh đồng sản xuất lúa không dấu chân được Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận triển khai không chỉ giảm chi phí vật từ đầu vào mà còn giúp nông dân tăng lợi nhuận.  

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.