| Hotline: 0983.970.780

Cơ quan chức năng nói gì về việc gạo ST25 bị đăng ký tại Mỹ?

Thứ Sáu 23/04/2021 , 15:18 (GMT+7)

Trước thông tin có 4 doanh nghiệp tại Mỹ đang chờ đăng ký bảo hộ thương hiệu gạo ST25, các cơ quan chức năng và người trong cuộc nói gì?

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) cho biết, đơn vị đang phối hợp với các cơ quan liên quan làm rõ việc các doanh nghiệp tại Mỹ chờ đăng ký bảo hộ thương hiệu gạo ST25. Ảnh: Quốc Nhật.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) cho biết, đơn vị đang phối hợp với các cơ quan liên quan làm rõ việc các doanh nghiệp tại Mỹ chờ đăng ký bảo hộ thương hiệu gạo ST25. Ảnh: Quốc Nhật.

Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, Bộ NN-PTNT đang theo sát việc này và đã có trao đổi với kỹ sư Hồ Quang Cua.

Rất may mắn khi sản phẩm ST25 của kỹ sư Hồ Quang Cua đã được đăng ký bảo hộ về mặt giống. Đây là căn cứ pháp lý quan trọng để chúng ta bám vào nếu buộc phải có những tranh chấp trong bảo vệ thương hiệu sau này.

Cũng theo ông Toản, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản theo chỉ đạo của Bộ trưởng Lê Minh Hoan ngay khi nhận được thông tin gạo ST25 bị 4 doanh nghiệp chờ đăng ký thương hiệu tại Mỹ đã phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN) đẩy nhanh quá trình hoàn thiện hồ sơ đăng ký trong nước cho sản phẩm gạo ST25.

Cục cũng đã phối hợp với các cơ quan tham tán thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ nhờ làm rõ và tìm hiểu nguyên nhân. Tuy không phải cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề hương hiệu, nhưng Bộ NN-PTNT đang phối hợp chặt chẽ cùng Bộ KHCN, Bộ Công thương để xử lí trong trường hợp xảy ra tranh chấp và sẽ hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp trong việc bảo vệ thương hiệu nông sản Việt.

“Qua sự việc này tôi mong cộng đồng doanh nghiệp cần ý thức việc bảo vệ thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm của mình ngay từ quá trình bắt đầu. Nếu chúng ta muốn xây dựng một nền sản xuất hàng hóa lớn cần phải làm quen với việc bảo vệ thương hiệu, bởi đây là công đoạn vô cùng quan trọng với nền kinh tế mở như Việt Nam. Trong kinh tế thị trường, đặc biệt là các thị trường khốc liệt như Hoa kỳ hay bất cứ thị trường bậc cao nào, việc tranh giành thương hiệu, thậm chí làm giả thương hiệu là chuyện đương nhiên chúng ta phải quen. Nếu chúng ta không làm tốt, không làm bài bản, rõ ràng là luôn luôn có những đối thủ cạnh tranh người ta lợi dụng việc đó", ông Nguyễn Quốc Toản nhấn mạnh.

Cũng theo ông Toản, điểm yếu của Việt Nam, từ trước đến nay, nhiều thương hiệu, nhãn hiệu, sản phẩm chúng ta mới chỉ dừng ở việc đăng ký sở hữu trí tuệ trong nước thông qua cơ quan quản lý nhà nước là Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN), riêng việc đăng ký bảo hộ tại một thị trường khác ngoài Việt Nam chúng ta chưa thực sự quan tâm đúng mức. Đơn cử như gạo ST25, trong trường hợp muốn xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ chúng ta phải đăng ký với cơ quan thẩm quyền tại Hoa Kỳ bởi việc đăng ký bảo hộ tại Việt Nam không có tác dụng bảo hộ với thị trường Hoa Kỳ.

Theo ông Toản, hiện nay Việt Nam đã hội nhập rất sâu với nền kinh tế thế giới, nên các doanh nghiệp xuất khẩu cần phải có bộ phận tư vấn pháp lý chuyên nghiệp là các luật sư, chuyên gia pháp lý am hiểu luật pháp quốc tế, trong trường hợp này nên nâng cao vai trò của Hiệp hội ngành hàng trong việc tư vấn và bảo vệ thương hiệu cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các kênh tham tán, các đại sự quán của chúng ta ở nước ngoài cần phải thường xuyên nắm bắt và cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời cho các doanh nghiệp khi phát sinh những vấn đề cần phải giải quyết về mặt thương hiệu, pháp lý và thủ tục để tránh việc bị động trong việc hội nhập.

“Hiện Bộ Công thương và Bộ KHCN luôn có những đơn vị liên quan sẵn sàng làm nhiệm vụ tư vấn các thủ tục liên quan tới việc bảo hộ thương hiệu, nhãn hiệu, sở hữu trí tuệ nên chúng tôi rất mong muốn các doanh nghiệp ở địa phương thông qua Sở KHCN, ở Trung ương thông qua Cục Sở hữu trí tuệ cần hoàn thiện ngay các hồ sơ thủ tục liên quan tới bảo hộ thương hiệu để tránh những tranh chấp không đáng có về sau. Bởi bảo vệ thương hiệu đầu tiên chính là quyền lợi và trách nhiệm của cá nhân và doanh nghiệp", ông Nguyễn Quốc Toản.

Kỹ sư Hồ Quang Cua đang được các cơ quan Bộ NN-PTNT, Công thương, KHCN hỗ trợ tối đa trong việc tư vấn bảo vệ thương hiệu gạo ST25 tại thị trường Mỹ. Ảnh: TL.

Kỹ sư Hồ Quang Cua đang được các cơ quan Bộ NN-PTNT, Công thương, KHCN hỗ trợ tối đa trong việc tư vấn bảo vệ thương hiệu gạo ST25 tại thị trường Mỹ. Ảnh: TL.

Trước đó, theo thông tin chúng tôi có được, 4 doanh nghiệp tại Mỹ đang chờ được bảo hộ thương hiệu gạo ST25 - gạo ngon nhất thế giới của Việt Nam, theo Văn phòng Sáng chế và Thương hiệu Mỹ (USPTO).

Từ năm ngoái, các doanh nghiệp có trụ sở ở California, Mỹ đã đăng ký và đang trong giai đoạn chờ để được bảo hộ 5 nhãn hiệu gạo ST25 tại nước này. Trong đó, nhãn hiệu số 1 "The world's best rice gao thom ST25 dac san Soc Trang ngon nhat the gioi 100% tu nhien khong beo phi - khong tieu duong", đăng ký ngày 22/10. Nhãn hiệu thứ 2 và 3 chờ đăng ký trên trang USPTO đều tên ST25 do 2 đơn vị là I&T enterprise, Inc. Corporation và TTM International Inc. Corporation đăng ký lần lượt vào ngày 18/6 và 10/8.

Nhãn hiệu thứ 4 và 5 do Transworld Foods, Inc. Corporation đăng ký gồm "No.1 Vietnam ST25 rice the world's best rice" và "Vietnam's ST25 rice, dac san Soc Trang" đăng ký ngày 31/7 và 1/9. Trong đó, nhãn "No.1 Vietnam ST25 rice the world's best rice" được mô tả thiết kế là hình hai bông lúa cách điệu với chữ No.1 ở phía trên, bên phải có dòng chữ Vietnam’s ST25 the wold’s best rice.

Việc bảo hộ thương hiệu hàm nghĩa một doanh nghiệp đã đăng ký sở hữu nhãn hiệu đó, các doanh nghiệp khác không được đăng ký trùng lắp. Như vậy, nếu 4 doanh nghiệp tại Mỹ thành công, kỹ sử Hồ Quang Cua và một số doanh nghiệp Việt Nam khác đang bán gạo ST25, sẽ không được sử dụng các cụm từ như gạo ST25 ngon nhất thế giới tại thị trường Mỹ.

Theo chia sẻ của lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), kỹ sư Hồ Quang Cua vẫn còn có khả năng xử lý vấn đề này, bởi phía Mỹ vẫn trong thời gian xét duyệt, chưa cấp giấy phép thương hiệu cho 4 doanh nghiệp kia. Thường USPTO sẽ mất khoảng 6 tháng để xét duyệt, nếu quá thời gian này mà không có khiếu kiện, cơ quan này sẽ cấp bảo hộ thương hiệu.

Phía Bộ Công Thương hiện đã tư vấn cho kỹ sư Hồ Quang Cua để đăng ký thương hiệu ở Mỹ. Theo đó kỹ sư Hồ Quang Cua cần chứng minh mình là sở hữu của thương hiệu đó, ví dụ là người nghiên cứu, tạo ra giống gạo này, đưa đi thi và có giải gạo ngon nhất thế giới.

Do hiện các hồ sơ của doanh nghiệp đăng ký nhãn hiệu ST25 tại Mỹ đang trong quá trình được xem xét, nên theo lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại, thương hiệu gạo ST25 chưa bị mất tại Mỹ, nhưng nếu thời gian tới doanh nghiệp sở hữu thương hiệu gạo này không có động thái kịp thời, khiếu nại với cơ quan cấp đăng ký nhãn hiệu của Mỹ rất có thể thương hiệu gạo này sẽ bị mất. Trường hợp doanh nghiệp Mỹ được cấp chứng nhận thương hiệu ST25 tại thị trường này, doanh nghiệp Việt Nam sẽ không thể xuất khẩu gạo sang thị trường Mỹ dưới mác nhãn hiệu ST25.

Cần bảo vệ danh tiếng gạo ngon ST25

Trước thông tin tai thị trường Mỹ có 4 doanh nghiệp đăng ký thương hiệu gạo ST25, sản phẩm đạt giải gạo ngon nhất thế giới năm 2019 của Anh hùng Lao động, kỹ sư Hồ Quang Cua, trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, kỹ sư Hồ Quang Cua cho biết, việc gạo ST25 thu hút các doanh nghiệp thương mại trong ngành hàng gạo là dấu hiệu tiêu tốt. 

Theo ông Hồ Quang Cua, tuy không kinh doanh xuất khẩu, nhưng trước thông tin trên ông đang tìm hiểu và nhờ các cơ quan chuyên ngành tư vấn, tìm cách để bảo vệ bản quyền cho sản phẩm của mình.

Điều ông lo lắng và quan tâm nhất hiện thời là làm thế nào giữ vững danh tiếng chất lượng gạo ngon ST25 trong Top hàng đầu thế giới. Trong đó cần có sự bảo vệ bản quyền giống lúa khi đưa ra sản xuất. Bởi hiện nay nạn dùng giống lúa giả (lúa thịt) làm giống đã vô tình gây hại, làm giảm chất lượng và giá trị tên tuổi các giống lúa tốt cho phẩm chất gạo ngon của Việt Nam.

Theo nguồn tin đáng tin cậy, đến nay chưa có doanh nghiệp nào được cấp chứng nhận độc quyền gạo ST25 tại thị trường Mỹ, trong khi đó tại thị trường EU cũng chưa có hồ sơ đăng ký nào liên quan đến gạo ST25.

Hữu Đức

Xem thêm
Báo chí phải phản ánh hào khí và sức vươn lên của dân tộc

Kỷ nguyên mới đặt ra yêu cầu nhiệm vụ mới, cao hơn đối với báo chí cách mạng, đòi hỏi báo chí cũng phải phát triển tương xứng, vươn mình cùng dân tộc, xứng tầm nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại.

Lai Vung tỏa sáng Ngày hội tôn vinh nghề truyền thống

Đồng Tháp Ngày hội tôn vinh Nghề truyền thống không chỉ là sự kiện giao lưu văn hóa mà là nền tảng xây dựng huyện Lai Vung hiện đại, văn minh và mang bản sắc đậm đà.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đề xuất mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng là 500.000 đồng

Bộ LĐ-TB-XH đề xuất kể từ ngày 1/7, mức trợ cấp hưu trí xã hội là 500.000 đồng cho người từ đủ 75 tuổi trở lên không có lương hưu.