| Hotline: 0983.970.780

Cơ sở nào tồn tại quan niệm trọng nam khinh nữ?

Thứ Bảy 15/04/2017 , 13:45 (GMT+7)

Cho đến giờ phút này Quỳnh không thể ngờ được cô vẫn phải đối diện với một quan niệm xưa như Trái Đất: Thói trọng nam khinh nữ...

Và người cô càng không thể ngờ được lại là Duy, chồng cô, kỹ sư xây dựng, nghĩa là một trong những người thuộc giới được tiếp thu những kiến thức tiến bộ nhất trong xã hội, cũng có lối suy nghĩ thiển cận như vậy.

Hình minh họa

Chuyện Quỳnh và Duy đến với nhau thật xứng đôi vừa lứa. Cả hai đều có học vị, Quỳnh là giáo viên dạy toán cấp ba. Họ có thu nhập ổn định và mỗi người đều có khả năng tự lực tài chính, chẳng ai phải lệ thuộc ai. Hơn nữa gia cảnh hai bên đều vào hạng trung lưu. Về phương diện tài chính, hai vợ chồng đều không phải lo lắng kinh tế cho cha mẹ hai bên.

Điều từ bấy lâu nay Quỳnh vẫn lấy làm mãn nguyện vì cô đã lấy được một người chồng có bằng cấp cao, cô không bị mặc cảm đôi đũa lệch như một số cô bạn của cô đã gặp phải, khi họ lấy những người chồng có bằng cấp kém vợ quá xa, nhưng do những hoàn cảnh đặc biệt đẩy đưa nên họ không còn cách nào khác. Vì thế trong những lần bạn bè vui chuyện hỏi thăm nhau, nếu có ai lỡ lời hỏi han về chuyện chồng của họ, họ đã gặp phải không ít lúng túng, ngại ngần khi buộc phải trả lời.

Thói thường người ta hay đứng núi này trông núi nọ. Trong con mắt của người bàng quan, một gia đình êm ấm, kinh tế dư dật, đời sống an nhàn như gia đình của Quỳnh, mọi người dễ nghĩ đó là một thế giới màu hồng đáng mơ ước. Nhưng không phải như thế. Chuyện đời tư của Quỳnh chỉ có mình cô biết.

Vợ chồng lấy nhau đã mấy năm, sở dĩ họ vẫn chưa có con, không phải vì một trong hai người có tật hiếm muộn khiếm khuyết. Đúng hơn đó là vấn đề sức khỏe của Quỳnh, bẩm sinh cô đã mắc bệnh tim. Bác sĩ khuyến cáo cô không nên lập gia đình, hoặc nếu lỡ có lấy chồng thì cũng đừng sinh con. Khổ nỗi khi hai người yêu nhau, Duy bất chấp mọi thứ để tiến đến với Quỳnh.

Trên thực tế, anh đã không muốn nghĩ đến vấn đề sức khỏe của Quỳnh, mỗi khi nghe cô nhắc đến chuyện bệnh tim, Duy trấn an người yêu và gạt qua những ý nghĩ u ám nổi lên trong đầu. Rõ ràng bề ngoài Quỳnh khỏe mạnh, sung sức đến như thế mà. Nói gì thì nói, Duy vẫn không thể tin được vì bệnh tim mà người vợ tương lai của anh sẽ không sinh nở được.

Cho đến khi cưới nhau xong được một thời gian, trước những hối thúc của những người thân thuộc, nhất là từ phía bà mẹ Duy, bà rất mong cậu con trai độc đinh của bà sinh cho bà một cháu trai thừa kế cho gia tộc. Nghe chồng nhiều lần nhắc nhở lẫn trách móc xa xôi, nói rằng cô là người ích kỷ, nhút nhát, hoặc khi sinh nở nếu có chuyện gì anh sẽ chịu trách nhiệm.

Nghĩa là Quỳnh đã nghe đến rát cả tai. Cuối cùng cô quyết định sẽ sinh cho chồng một đứa con. Cô nghĩ, nếu có bất trắc, thì đó là lỗi tại cô, cũng chỉ vì cô đã quyết định nông nổi khi đi lấy chồng, bây giờ cô đã ở vào thế không thể rút lui được nữa rồi, và nói cho cùng có mấy người chồng biết thông cảm cho vợ?

Quỳnh đã được bác sĩ chỉ định sinh mổ vì tình trạng sức khỏe của cô. Nhưng sau đó, bác sĩ đã khuyến cáo đây là đứa con đầu tiên và cũng là đứa duy nhất. Quỳnh đã âm thầm cám ơn Trời cho cô được mẹ tròn con vuông. Thế là đã hạnh phúc vô vàn đối với cô. Trong lúc cô không mơ tưởng nổi một ngày nào đó mình sẽ có chồng, và có con, bây giờ trong vô vàn khó khăn, điều mong ước tưởng chừng viển vông của cô đã trở thành sự thực.

Chỉ có một điều duy nhất khiến Quỳnh lo nghĩ vì con của cô là con gái. Như vậy cô e rằng bố của nó sẽ không được vui lắm. Nhưng Quỳnh vẫn nghĩ rằng Duy đang rất mong có con. Vì vậy nên dù con trai hay con gái anh ấy sẽ rất vui. Được làm bố sau bao nhiêu năm trời chờ đợi sẽ là một hạnh phúc rất lớn lao đối với Duy. Trái với suy diễn của Quỳnh, sau khi được tin báo qua điện thoại của cô, cả buổi chiều hôm ấy Duy không hề xuất hiện ở nhà bảo sanh. Mãi đến trưa ngày hôm sau, khi Quỳnh đang thiu thiu ngủ giấc ngắn thì Duy đến.

Điều Quỳnh lo sợ nhất đã xảy ra: Duy nhất định không nhìn đến mà cũng không ẵm bế đứa con chung của hai người. Lý do đơn giản vì nó không phải là con trai. Quỳnh nói với chồng đó không phải là lỗi của riêng cô, rằng chẳng lẽ trong anh không còn chút lòng trắc ẩn, thương xót con nào hay sao? Mặc cho vợ hết lời phân trần lẫn khổ tâm, Duy không đáp, anh lặng lẽ bước ra khỏi phòng. Quỳnh gọi giật anh lại, bằng giọng quyết liệt, cô nói rằng cô và anh sẽ ly hôn, đường ai nấy đi kể từ đây.

Đến chừng đó Duy mới tỏ ra ngỡ ngàng trước quyết định dứt khoát của vợ. Anh nói gia đình đang êm ấm, chẳng có lý do gì để hai đứa chia tay.

Về phía Quỳnh, trong thâm tâm cô đã thừa biết Duy muốn gì. Cô hiểu rằng rồi đây anh và mẹ của anh sẽ lại buộc cô sinh con một lần nữa, hoặc có thể là hai hay ba lần nữa, cho đến khi người đàn ông này bói được một thằng con trai mới chịu thôi. Điều đó có thể đe dọa đến tính mạng của bản thân cô. Quỳnh nói với Duy, một khi anh đã không thương con thì anh cũng không biết thương yêu vợ, người vợ chỉ còn là một thứ công cụ để đem lại cho anh đứa con trai như anh mong muốn, trong trường hợp như vậy, Quỳnh đề nghị Duy hãy đi kiếm một người vợ khác.

Hai người chia tay kể từ đó. Cô không lập gia đình và trở thành bà mẹ đơn thân. Về sau, Quỳnh được tin Duy lấy vợ, người vợ này sinh cho anh một đứa con gái. Mười mấy năm sau, cô hay tin Duy đã có tới bốn mặt con, và vẫn chỉ toàn là con gái mà thôi.

(Kiến thức gia đình số 14)

Xem thêm
Phá vỡ khuôn mẫu quá khứ để tự do sống và yêu

Phá vỡ khuôn mẫu không có nghĩa là nổi loạn, mà là thoát khỏi những sự ràng buộc mang tính ám ảnh quá khứ để có thể mưu cầu hạnh phúc đích thực.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?