| Hotline: 0983.970.780

Cởi trói nghiên cứu khoa học

Thứ Sáu 02/07/2021 , 06:45 (GMT+7)

Ngay sau Thư ngỏ gửi các nhà khoa học nông nghiệp, hôm nay (2/7), Bộ trưởng Lê Minh Hoan làm việc với Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam và các đơn vị thành viên.

Trong Thư ngỏ, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã gửi lời cảm ơn những nhà khoa học gắn bó với sứ mệnh tạo dựng và lan tỏa giá trị tri thức cho nền nông nghiệp nước nhà.

Trên cương vị người đứng đầu ngành NN-PTNT, từ các chuyến thăm vừa qua, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận thấy cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, các trang thiết bị… của các cơ sở nghiên cứu khoa học, đào tạo còn nhiều hạn chế, chưa thể phát huy hết khả năng của các nhà khoa học. Song, các báo cáo về kết quả nghiên cứu và những đề tài được ứng dụng vào thực tiễn khiến ông thật sự khâm phục và tự hào.

Nhiều sản phẩm nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp vừa có tính hàn lâm, chuyên sâu, vừa đáp ứng những đòi hỏi cấp thiết từ thực tiễn cuộc sống. Ảnh: Tùng Đinh

Nhiều sản phẩm nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp vừa có tính hàn lâm, chuyên sâu, vừa đáp ứng những đòi hỏi cấp thiết từ thực tiễn cuộc sống. Ảnh: Tùng Đinh

“Hãy chủ động “mở cổng”, trải lòng để kết nối với nhiều đối tác, nhiều người bạn sẵn sàng đồng hành với chúng ta”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan kêu gọi.

Mạnh dạn sắp xếp theo hướng tinh, gọn

(TS Trương Hồng, nguyên quyền Viện trưởng Viện KHKT Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên)

Tôi đã đọc tâm thư của Bộ trưởng Lê Minh Hoan. Đúng là suy nghĩ của một nhà lãnh đạo tâm huyết, song chắc chắn không dễ thay đổi khi còn vướng bởi hệ thống cơ chế, chính sách, và đặc biệt là có quyết tâm thay đổi đến cùng hay không.

Theo tôi, để các nhà khoa học chân chính sống được bằng nghề của mình, trước hết cần:

- Cải thiện chế độ tiền lương theo năng lực và mức đóng góp của bản thân nhà khoa học. Nhà khoa học chân chính, giỏi thì phải thực sự sống và sống đàng hoàng bằng nghề của mình, đó là tất yếu của quy luật cuộc sống.

- Xung quanh vấn đề ở trên, Nhà nước cần:

+ Mạnh dạn sắp xếp lại tổ chức nghiên cứu về nông nghiệp theo hướng tinh, gọn, hiệu quả (hiện tại thì quá nhiều, chỉ ở Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã có 19 tổ chức); từ đó chồng chéo về nhiệm vụ, lãng phí nguồn lực đầu tư. Giảm các tổ chức trung gian. Tôi đề nghị chỉ 7 Viện Nghiên cứu Nông nghiệp cho 7 vùng sinh thái.

TS Trương Hồng.

TS Trương Hồng.

+ Tinh giản biên chế để tăng lương (phải làm quyết liệt thông qua vị trí việc làm một cách thực sự, không hình thức); từ đó sẽ trả lương thông qua đề tài, dự án.

+ Tiếp tục thực hiện cơ chế tự chủ, tự trang trải một cách hiệu quả hơn theo lộ trình. Đây là hướng đi đúng để phát huy tính chủ động, sáng tạo, năng lực của các đơn vị nghiên cứu.

+ Mạnh dạn khoán kinh phí đề tài đến sản phẩm cuối cùng và áp dụng cơ chế bồi thường của chủ trì, đơn vị chủ trì nếu sản phẩm khoa học không đạt. Để làm được điều này cần có đơn vị tư vấn độc lập giám sát, kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện đề tài (cần thay đổi hình thức đánh giá nghiệm thu hiện nay còn đang nặng về thủ tục hành chính và đâu đó chỉ là hình thức...).

Trên đây là các ý kiến của bản thân đã từng là nhà khoa học. Hy vọng rằng trong thời gian tới sẽ có những thay đổi đột phá và nhà khoa học chân chính, giỏi thực sự thì thu nhập chính đáng, phải đảm bảo cuộc sống đàng hoàng, không phải chân ngoài, chân trong thì từ đó mới có những sản phẩm khoa học thực sự chất lượng được!

Đổi mới đào tạo và sử dụng nguồn lực khoa học công nghệ

GS.TS Trần Đức Viên (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) và PGS.TS Phạm Quang Hà (Hội Khoa học Đất Việt Nam) đã gửi đến Báo Nông nghiệp Việt Nam một số gợi ý về chính sách, giải pháp nâng cao chất lượng nguồn lực lao động cho ngành NN- PTNT.

1. Cần có lộ trình rõ ràng về nâng cao tay nghề cho lực lượng lao động nông nghiệp, lao động các ngành nghề ở vùng nông thôn. Làm rõ tiêu chí về tay nghề cao ứng với các sản phẩm cụ thể cần có trong chuỗi sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chủ lực.

2. Có chính sách tuyển chọn, đào tạo và sử dụng một đội ngũ sinh viên giỏi, tâm huyết để phục vụ cho NN-PTNT đáp ứng nhu cầu nông thôn thông minh, nông nghiệp hiện đại, hiệu quả bền vững của giai đoạn sau 2030, đến 2045 bao gồm phát triển nông nghiệp bền vững, ứng phó thông minh với biến đổi khí hậu và các thách thức phi truyền thống, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, thực hành nông nghiệp thân thiện với môi trường, vật nuôi bảo đảm sản xuất nông sản an toàn, tin cậy; xây dựng một xã hội nông thôn đáng sống, có thu nhập và mức độ hưởng thụ không kém khu vực đô thị.

3. Rà soát lại mục tiêu đào tạo, chương trình và chất lượng đầu ra của các trường nông nghiệp, tăng cường năng lực đào tạo theo hướng đào tạo được các kỹ sư nông nghiệp giỏi, thực sự gắn với nghề, có thể trở thành chuyên gia về cây, con, quy hoạch và phát triển nông nghiệp nông thôn, có thể tổ chức sản xuất và thực hành nông nghiệp tốt ở quy mô trang trại, thôn, bản, làng, xã.

Cần có chính sách cho người dân thực tế trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp được tích tụ ruộng đất để sản xuất phục vụ chuyên canh và kinh tế hàng hóa. Ảnh: Tùng Đinh.

Cần có chính sách cho người dân thực tế trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp được tích tụ ruộng đất để sản xuất phục vụ chuyên canh và kinh tế hàng hóa. Ảnh: Tùng Đinh.

4. Tổ chức lại hệ thống các viện công lập nghiên cứu trong lĩnh vực NN- PTNT theo hướng tập trung đầu mối quản lý, nhưng tăng tính độc lập chuyên môn sâu cho các đơn vị nghiên cứu cấp phòng, bộ môn, nhà khoa học. Giao trách nhiệm xây dựng đội ngũ chuyên gia giỏi, các nhà khoa học đầu ngành, liên ngành có chiến lược cụ thể và tạo ra được sản phẩm thực tiễn phục vụ trực tiếp trong xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, các vùng nông thôn mới, văn minh.

5. Có chính sách chuyển dịch một lực lượng khoa học công nghệ ưu tú bao gồm các kỹ sư và các nhà quản lý giỏi, tâm huyết phục vụ trực tiếp phát triển nông nghiệp và nông thôn.

6. Thúc đẩy mạnh nghiên cứu mô hình nông nghiệp trong tương lai có tính cạnh tranh cao của Việt Nam, mô hình trang trại, các cây trồng, vật nuôi lợi thế trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng và xu thế tiêu dùng toàn cầu.

7. Xây dựng tiêu chí giảm số lao động nông nghiệp hàng năm, tăng chất lượng lao động nông nghiệp trong quá trình xây dựng nông thôn mới văn minh hiện đại.

8. Có lộ trình rõ ràng về chính sách thu hút, hỗ trợ phát triển nông thôn để tăng năng suất lao động nông nghiệp về giá trị, xóa nhòa ranh giới về mức thu nhập giữa các thành phần kinh tế.

9. Thay đổi các tiêu chí thống kê về hoạt động sản xuất nông nghiệp theo hướng có chỉ số về giá trị gia tăng trên đơn vị đầu tư, đơn vị tài nguyên và đơn vị giờ lao động của công nhân lao động nông nghiệp

10. Thay đổi Luật Đất đai, hình thức thống kê đất, không dùng đồng thời khái niệm đất nông nghiệp và đất sử dụng cho nông nghiệp. Tách đất rừng ra khỏi đất nông nghiệp. Theo đó đất nông nghiệp của Việt Nam được hiểu là đất trồng trọt với diện tích ổn định khoảng 11 triệu ha.

11. Có chính sách cho người dân thực tế trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp được tích tụ ruộng đất để sản xuất phục vụ chuyên canh và kinh tế hàng hóa. Quy định mức tối thiểu và tối đa để hình thành trang trại nông nghiệp. Theo đó đủ điều kiện về diện tích đất để chủ trang trại có thể đầu tư cơ giới hóa, nông nghiệp chính xác, áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ mới.

12. Cần có quy hoạch, quy định nghiêm ngặt vùng sản xuất các cây trồng, vật nuôi chủ lực theo lợi thế vùng miền, tài nguyên đất đai và khí hậu, xây dựng hệ thống trang trại nông nghiệp với mức đầu tư ổn định theo chu kỳ 10 năm cho đối tượng lao động nông nghiệp lành nghề.

13. Có chính sách phù hợp tăng mức đầu tư cho trang trại nông nghiệp.

14. Có chính sách thực hiện bắt buộc bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm sức khỏe và hưu trí cho tất cả lực lượng lao động trong ngành nông nghiệp.

15. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp và quản lý hoạt động kinh tế xã hội vùng nông thôn, liên kết sản xuất theo mô hình hiệp hội hoặc các hợp tác xã nông nghiệp chuyên về cây, con, sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi giá trị, kinh tế tuần hoàn.

Khát vọng của nhà khoa học là vấn đề cần suy nghĩ

Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, GS.TS Nguyễn Văn Tuất, nguyên Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, việc phát huy nội lực, đam mê, khát vọng của nhà khoa học trong ngành nông nghiệp là vấn đề cần phải suy nghĩ trong giai đoạn hiện nay.

Ông cho rằng sự đam mê, khát vọng của các nhà khoa học đang là vấn đề đáng suy nghĩ hiện nay. Nhưng đương nhiên, chúng ta không thể kêu gọi sự đam mê, tận hiến khi họ phải sống khó khăn, chật vật. Những năm qua, nhiều đơn vị nghiên cứu trong ngành nông nghiệp cũng than phiền rất nhiều về điều này, thưa ông?

Những năm qua, các nhà khoa học cứ than đói khổ tôi thấy cũng không hẳn. Thực tế thì những nhà khoa học có trình độ, có tâm huyết thực sự, chịu khó, lăn lộn với công việc họ vẫn đang sống tốt với năng lực, với kết quả nghiên cứu, thành quả lao động khoa học của mình.

GS.TS Nguyễn Văn Tuất: Làm khoa học về nông nghiệp thì lại càng phải bền bỉ, càng phải đặt ra cho mình những kế hoạch, chiến lược cho bản thân.

GS.TS Nguyễn Văn Tuất: Làm khoa học về nông nghiệp thì lại càng phải bền bỉ, càng phải đặt ra cho mình những kế hoạch, chiến lược cho bản thân.

Các cán bộ nghiên cứu ở các viện họ cứ kêu đói khổ, nhưng rất nhiều người vẫn có nhà ở thành phố, có xe ô tô riêng để chạy đấy thôi! Vì thế nói cán bộ nghiên cứu nghèo thì cũng chả phải. Vấn đề là anh có chịu khó lăn lộn, có làm một cách nghiêm túc với công việc, có chịu tích lũy kinh nghiệm, có chịu tư duy, mày mò để sáng tạo, phát triển không mà thôi.

Làm khoa học hay làm gì thì cũng thế thôi, chả có ai bắt tay vào làm cái gì là được ngay, thắng ngay cả. Nhất là với làm khoa học về nông nghiệp thì lại càng phải bền bỉ, càng phải đặt ra cho mình những kế hoạch, chiến lược cho bản thân. Có những nghiên cứu, có khi phải 5 năm, 10 năm, hoặc lâu hơn nữa mới thành công, mới có sản phẩm, chứ không thể nào làm cái là ra sản phẩm, có kết quả tốt được ngay.

Cán bộ nghiên cứu trẻ ở các viện bây giờ không thể nói là khổ được. Họ làm đề tài thì phải có tiền, có kinh phí, có xe cộ đàng hoàng họ mới làm đấy chứ, có ai làm đề tài cho viện mà phải bỏ tiền túi hay làm mà không cần phải tiền đâu?

Vấn đề ở đây là họ có chịu phát huy điều kiện, nguồn lực mà nhà nước đã đầu tư để phát huy năng lực, để miệt mài nghiên cứu, để đầu tư chất xám và vươn lên về kiến thức hay không mà thôi.

Các nhà khoa học lớn, nhất là trong nông nghiệp đều phải gắn với thực tế, phải đi thực tế. Anh không sống với thực tế, không lăn ra để mày mò, để thí nghiệm, để điều chỉnh trong quá trình nghiên cứu thì không thể nào thành công cả.

Nhiều đơn vị nghiên cứu của ngành nông nghiệp lâu nay kêu khó rằng thiếu cán bộ có năng lực, bị “chảy máu chất xám” do cán bộ, nhất là cán bộ trẻ bỏ việc ra làm ngoài. Theo ông, việc họ bỏ các viện nghiên cứu để ra đi có phải do thu nhập thấp, đời sống khó khăn quá hay không?

Thực chất thì những năm qua, ở các viện nghiên cứu cũng đã và đang có những cuộc sàng lọc, hoặc tự sàng lọc. Có những cán bộ họ thấy không phù hợp với môi trường nghiên cứu, họ cũng tự mình chuyển sang nghề khác, hoặc chuyển ra làm ở các đơn vị, doanh nghiệp bên ngoài, kể cả các doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam.

Tôi cho rằng đây cũng là việc hết sức bình thường. Bởi cán bộ nghiên cứu bỏ các viện ra làm cho doanh nghiệp, thậm chí làm cho doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam đi chăng nữa họ cũng đang đóng góp trí tuệ, sức lao động, chất xám khoa học của mình cho nền kinh tế Việt Nam nói chung, cho ngành nông nghiệp của Việt Nam nói riêng mà thôi, chứ họ có chuyển hẳn ra nước ngoài đâu mà chúng ta sợ bị “chảy máu chất xám”?

Trong cơ chế thị trường, cứ để tự bản thân nó tác động tới hoạt động khoa học, và nhà khoa học cũng phải tự đào thải. Ai sống được ở các viện nghiên cứu thì trước hết buộc phải làm thực chất, có trách nhiệm, làm ra làm. Ai không trụ lại được cứ để họ tự tìm cho mình con đường khác.

Thiết nghĩ cơ quan quản lý trực tiếp các đơn vị nghiên cứu, bản thân các đơn vị nghiên cứu cũng phải có cơ chế giám sát, kiểm tra, thẩm định, đánh giá nghiệm thu đề tài nghiên cứu nhằm đảm bảo chất lượng thực sự của công trình nghiên cứu.

Bên cạnh đó, cũng cần cho phép cơ chế điều chỉnh linh hoạt các đề tài nghiên cứu ngay trong quá trình thực hiện, để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp, phát huy được hiệu quả tốt nhất, đừng cứng nhắc, bởi có điều chỉnh đề tài trong quá trình triển khai thì tiền của nhà nước cũng không mất đi đâu mà sợ.

Chú trọng hơn cho nghiên cứu cơ bản

Những năm qua, tôi cho rằng công tác nghiên cứu khoa học cũng đã có những cơ chế đổi mới, vừa tạo thuận lợi, linh hoạt và phát huy hiệu quả tốt hơn, ví dụ như cơ chế đấu thầu đề tài, tuyển chọn đề tài, tuyển chọn đề tài trực tiếp…

Tuy nhiên, tôi cho rằng cơ chế phân cấp quản lý đề tài từ trên xuống dưới vẫn cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh để làm sao đảm bảo việc lựa chọn đề tài, cơ chế đấu thầu đề tài nhằm lựa chọn được cơ quan, đơn vị, nhà khoa học có tâm huyết để triển khai đề tài nghiên cứu. Đây là vấn đề cần phải có những tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể.

Bên cạnh đó, cần có những cơ chế, đề xuất mới trong việc tạo điều kiện thuận lợi, ưu tiên nguồn lực hơn nữa cho mảng nghiên cứu cơ bản của ngành nông nghiệp. Thực chất, nghiên cứu cơ bản trong nông nghiệp không hoàn toàn mang tính hàn lâm, mà chỉ là nghiên cứu cơ bản làm nền tảng trực tiếp cho nghiên cứu ứng dụng. Vì vậy, giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng thực tế nên rà soát để nhóm gọn lại, trên cơ sở gắn kết chặt chẽ với nhau.

(GS.TS Nguyễn Văn Tuất)

Xem thêm
Tổng Bí thư Tô Lâm: Quân đội là điểm tựa vững chắc của nhân dân

Tổng Bí thư nhấn mạnh cần xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; vững mạnh về chính trị, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống.

Những loại thuốc bảo vệ thực vật bị cấm sử dụng tại Việt Nam từ 1/2025

Bộ NN-PTNN vừa ban hành Thông tư về Danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam từ tháng 1/2025. Sẽ có những loại thuốc nào bị cấm?

Các quận và phường ở Hải Phòng sẽ không còn Hội đồng nhân dân

HẢI PHÒNG Sau khi được Quốc hội thông qua, Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị Hải Phòng sẽ có hiệu lực từ 1/1/2025 với nhiều điểm mới phù hợp với xu hướng phát triển.