Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, GS.TS Nguyễn Văn Tuất, nguyên Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, việc phát huy nội lực, đam mê, khát vọng của nhà khoa học trong ngành nông nghiệp là vấn đề cần phải suy nghĩ trong giai đoạn hiện nay.
PV: Ông cho rằng sự đam mê, khát vọng của các nhà khoa học đang là vấn đề đáng suy nghĩ hiện nay. Nhưng đương nhiên, chúng ta không thể kêu gọi sự đam mê, tận hiến khi họ phải sống khó khăn, chật vật. Những năm qua, nhiều đơn vị nghiên cứu trong ngành nông nghiệp cũng than phiền rất nhiều về điều này, thưa ông?
GS.TS Nguyễn Văn Tuất: Những năm qua, các nhà khoa học cứ than đói khổ tôi thấy cũng không hẳn. Thực tế thì những nhà khoa học có trình độ, có tâm huyết thực sự, chịu khó, lăn lộn với công việc họ vẫn đang sống tốt với năng lực, với kết quả nghiên cứu, thành quả lao động khoa học của mình.
Các cán bộ nghiên cứu ở các viện họ cứ kêu đói khổ, nhưng rất nhiều người vẫn có nhà ở thành phố, có xe ô tô riêng để chạy đấy thôi! Vì thế nói cán bộ nghiên cứu nghèo thì cũng chả phải. Vấn đề là anh có chịu khó lăn lộn, có làm một cách nghiêm túc với công việc, có chịu tích lũy kinh nghiệm, có chịu tư duy, mày mò để sáng tạo, phát triển không mà thôi.
Làm khoa học hay làm gì thì cũng thế thôi, chả có ai bắt tay vào làm cái gì là được ngay, thắng ngay cả. Nhất là với làm khoa học về nông nghiệp thì lại càng phải bền bỉ, càng phải đặt ra cho mình những kế hoạch, chiến lược cho bản thân. Có những nghiên cứu, có khi phải 5 năm, 10 năm, hoặc lâu hơn nữa mới thành công, mới có sản phẩm, chứ không thể nào làm cái là ra sản phẩm, có kết quả tốt được ngay.
Cán bộ nghiên cứu trẻ ở các viện bây giờ không thể nói là khổ được. Họ làm đề tài thì phải có tiền, có kinh phí, có xe cộ đàng hoàng họ mới làm đấy chứ, có ai làm đề tài cho viện mà phải bỏ tiền túi hay làm mà không cần phải tiền đâu?
Vấn đề ở đây là họ có chịu phát huy điều kiện, nguồn lực mà nhà nước đã đầu tư để phát huy năng lực, để miệt mài nghiên cứu, để đầu tư chất xám và vươn lên về kiến thức hay không mà thôi.
Các nhà khoa học lớn, nhất là trong nông nghiệp đều phải gắn với thực tế, phải đi thực tế. Anh không sống với thực tế, không lăn ra để mày mò, để thí nghiệm, để điều chỉnh trong quá trình nghiên cứu thì không thể nào thành công cả.
PV: Nhiều đơn vị nghiên cứu của ngành nông nghiệp lâu nay kêu khó rằng thiếu cán bộ có năng lực, bị “chảy máu chất xám” do cán bộ, nhất là cán bộ trẻ bỏ việc ra làm ngoài. Theo ông, việc họ bỏ các viện nghiên cứu để ra đi có phải do thu nhập thấp, đời sống khó khăn quá hay không?
GS.TS Nguyễn Văn Tuất: Thực chất thì những năm qua, ở các viện nghiên cứu cũng đã và đang có những cuộc sàng lọc, hoặc tự sàng lọc. Có những cán bộ họ thấy không phù hợp với môi trường nghiên cứu, họ cũng tự mình chuyển sang nghề khác, hoặc chuyển ra làm ở các đơn vị, doanh nghiệp bên ngoài, kể cả các doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam.
Tôi cho rằng đây cũng là việc hết sức bình thường. Bởi cán bộ nghiên cứu bỏ các viện ra làm cho doanh nghiệp, thậm chí làm cho doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam đi chăng nữa họ cũng đang đóng góp trí tuệ, sức lao động, chất xám khoa học của mình cho nền kinh tế Việt Nam nói chung, cho ngành nông nghiệp của Việt Nam nói riêng mà thôi, chứ họ có chuyển hẳn ra nước ngoài đâu mà chúng ta sợ bị “chảy máu chất xám”?
Trong cơ chế thị trường, cứ để tự bản thân nó tác động tới hoạt động khoa học, và nhà khoa học cũng phải tự đào thải. Ai sống được ở các viện nghiên cứu thì trước hết buộc phải làm thực chất, có trách nhiệm, làm ra làm. Ai không trụ lại được cứ để họ tự tìm cho mình con đường khác.
Thiết nghĩ cơ quan quản lý trực tiếp các đơn vị nghiên cứu, bản thân các đơn vị nghiên cứu cũng phải có cơ chế giám sát, kiểm tra, thẩm định, đánh giá nghiệm thu đề tài nghiên cứu nhằm đảm bảo chất lượng thực sự của công trình nghiên cứu.
Bên cạnh đó, cũng cần cho phép cơ chế điều chỉnh linh hoạt các đề tài nghiên cứu ngay trong quá trình thực hiện, để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp, phát huy được hiệu quả tốt nhất, đừng cứng nhắc, bởi có điều chỉnh đề tài trong quá trình triển khai thì tiền của nhà nước cũng không mất đi đâu mà sợ.
Chú trọng hơn cho nghiên cứu cơ bản
Những năm qua, công tác nghiên cứu khoa học cũng đã có những cơ chế đổi mới, vừa tạo thuận lợi, linh hoạt và phát huy hiệu quả tốt hơn, ví dụ như cơ chế đấu thầu đề tài, tuyển chọn đề tài, tuyển chọn đề tài trực tiếp…
Tuy nhiên, cơ chế phân cấp quản lý đề tài từ trên xuống dưới vẫn cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh để làm sao đảm bảo việc lựa chọn đề tài, cơ chế đấu thầu đề tài nhằm lựa chọn được cơ quan, đơn vị, nhà khoa học có tâm huyết để triển khai đề tài nghiên cứu. Đây là vấn đề cần phải có những tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể.
Bên cạnh đó, cần có những cơ chế, đề xuất mới trong việc tạo điều kiện thuận lợi, ưu tiên nguồn lực hơn nữa cho mảng nghiên cứu cơ bản của ngành nông nghiệp.
Thực chất, nghiên cứu cơ bản trong nông nghiệp không hoàn toàn mang tính hàn lâm, mà chỉ là nghiên cứu cơ bản làm nền tảng trực tiếp cho nghiên cứu ứng dụng. Vì vậy, giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng thực tế nên rà soát để nhóm gọn lại, trên cơ sở gắn kết chặt chẽ với nhau.
Trước kia, khi đất nước chúng ta chưa chuyển sang cơ chế thị trường, khoa học công nghệ thế giới chưa tràn vào như hiện nay, và trong bối cảnh nguồn lực kinh tế dành cho nghiên cứu khoa học lúc ấy còn rất khó khăn, chúng ta vẫn phải duy trì song song giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng.
Nhờ sự gắn kết giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng, các tiến bộ khoa học công nghệ đã được đưa ra phục vụ yêu cầu sản xuất nông nghiệp tại chỗ ở nước ta, giúp đất nước tự vượt qua được vô vàn khó khăn trong chiến tranh cũng như trong suốt thời kỳ bị cấm vận, nhất là đối với các vật tư đầu vào cho ngành nông nghiệp.
Việc chú trọng giành nguồn lực cho các nghiên cứu cơ bản, sẽ giúp chúng ta chủ động đáp ứng được các yêu cầu tại chỗ trong mọi tình huống, các sự cố của ngành.
Ví dụ khi một sâu bệnh hại mới bùng phát, nếu không có những nghiên cứu cơ bản, chúng ta sẽ không thể tự mình đưa ra được những phương án phòng trừ, dập dịch hiệu quả, mà sẽ phải đi thuê chuyên gia nước ngoài hết sức bị động, chưa nói tới việc thuê chuyên gia nước ngoài hiện nay không phải dễ và hết sức tốn kém…
(GS.TS Nguyễn Văn Tuất)