| Hotline: 0983.970.780

Con đường ra biển của người Quảng Ngãi

Thứ Ba 10/12/2024 , 11:32 (GMT+7)

300 năm trước, 15 dòng họ người Việt từ đất liền vượt sóng ra cù lao Ré lập làng khai vạn nhưng trong sâu thẳm tâm hồn họ, đất liền vẫn nôn nao nỗi nhớ.

Phong cảnh Sa Huỳnh hôm nay.

Phong cảnh Sa Huỳnh hôm nay.

Vùng duyên hải miền Trung, trong đó có Quảng Ngãi, tồn tại trong một không gian địa lý khá tương đồng, đó là những dải đồng bằng phù sa sông và đồng bằng đất bạc màu chân đồi thấp khá chật hẹp nằm giữa vùng núi đồi chập chùng ở phía tây và đầm phá ven biển phía mặt trời mọc.

Xa quê cũ ở vùng đồng bằng sông Hồng, Thanh Nghệ Tĩnh người Việt đi dần vào Nam, quen làm ruộng trồng dâu hơn thả lưới, buông mành; ưa bến sông bình lặng hơn tiếng sóng biển đầu ghềnh. Với họ, biển bắt đầu nơi mỏm đá ven bờ ra dần đến lộng, từ cù lao giang đến khơi xa.

Hạ sào, neo thuyền ở vùng ven bờ biển lạ, mặc dù vẫn còn do dự, ngại ngùng trước biển lúc ban đầu, nhưng áp lực của cuộc mưu sinh đã khiến người làng chài vùng Nam Trung bộ, bằng kinh nghiệm dự đoán thời tiết, kỹ thuật đóng thuyền, lái thuyền, khả năng nắm bắt địa hình lòng biển đã dần dần vươn mạnh ra khơi.

Cuộc hành trình đến với biển của người Quảng Ngãi thật lắm gian nan. Chỉ với những con thuyền nan quen xuôi ngược cửa sông mà dám ra khơi đương đầu với sóng biển đã là việc khó, nhưng khó hơn là những vướng bận lòng người.

Ba trăm năm trước, 15 dòng họ người Việt từ An Vĩnh, An Hải trong đất liền vượt sóng ra cù lao Ré mưu sinh, lập làng, khai vạn. Vậy mà trong sâu thẳm tâm hồn người Lý Sơn đất liền vẫn là nơi nôn nao nỗi nhớ. Đảo đã thành quê mà đất liền vẫn là nguồn cội. Vì thế người Lý Sơn gọi biển là “sông”.

Sóng biển ngày đêm đổ ào nơi đầu ngõ nhưng vẫn thấp thoáng bóng dòng sông, gọi nhau từ phía đôi bờ: Chiều chiều ra đứng bờ sông/ Nhìn qua hòn Bé mà không thấy người...

Cầu Cổ Lũy bắc qua hạ lưu sông Trà Khúc.

Cầu Cổ Lũy bắc qua hạ lưu sông Trà Khúc.

Biển cả thì mênh mông mà con người thì bé nhỏ, trùng khơi thì bão tố vô chừng mà cánh buồm thì chơi vơi sóng cả. Từ đầm An Khê ra đến hòn Khỉ, hòn Me; từ mũi Ba Làng An ra cù lao Ré; từ cù lao Ré thẳng tiến Hoàng Sa, con đường ra biển của người Quảng Ngãi chập chùng gian lao nhưng cũng là nơi tỏ mặt anh tài.

Nếu chẳng phải là những người dạn dày kinh nghiệm, gan dạ, quả cảm thì làm sao có thể vươn tầm mắt nhìn thấy rạn san hô của dải Trường Sa dập dềnh trên sóng biển; nếu không có dũng khí hiên ngang, quyết lòng, vững chí thì chẳng thể ra tận Hoàng Sa “mây nước bốn bề” mà dựng mốc chủ quyền, trồng cây chắn sóng.

Hoàng Sa, Trường Sa và các đội tàu đưa ngư dân Quảng Ngãi đi làm nhiệm vụ ở đảo xa theo “lệnh vua” đã để lại trong ca dao dân ca biết bao nhiêu câu ca, lời hát: Chiều chiều ra ngóng biển khơi/ Ngóng ai như ngóng đợi người Hoàng Sa/ Chiều chiều ra ngóng biển xa/ Ngóng ai đi lính Hoàng Sa chưa về.

Sử cũ chép rằng, dưới thời các chúa Nguyễn và tiếp sau đó là các vua nhà Nguyễn, nhà nước phong kiến Việt Nam đã cho thành lập các hải đội Hoàng Sa, Bắc Hải làm nhiệm vụ tuần phòng trên biển, giong thuyền đến các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa để thu lượm hải vật, sản vật, đo đạc hải trình, cắm mốc và dựng bia minh định chủ quyền của đất nước ta đối với các quần đảo này.

Tài liệu, bản đồ, các trang ghi chép của những nhà truyền giáo, nhà buôn, các sỹ quan hải quân và các nhà thám hiểm phương Tây cũng góp phần chứng minh sự hiện diện khá thường xuyên của các lực lượng dân sự và quân sự người Việt tuần phòng trên biển hoặc cập thuyền đồn trú trên quần đảo Paracels (Hoàng Sa).

Đến khoảng đầu thế kỷ XIX, giao thông đường bộ đã khá phát triển, mà xương sống là con đường thiên lý, chạy từ kinh thành Huế đến 31 tỉnh thành trong cả nước với hệ thống trạm, dịch, quán tổ chức chu đáo. Tuy nhiên, việc đi lại theo tuyến đường bộ Nam - Bắc còn gặp nhiều khó khăn, do phải qua nhiều đèo dốc, sông suối, thường xuyên bị sạt lở, hư hại về mùa mưa.

Nạn cướp bóc, nhũng nhiễu của một số nhóm thổ phỉ dọc đường thiên lý cũng làm cho những người buôn bán trở nên e dè. Tình hình giao thương trên bộ như vậy đã khiến các thuỷ lộ dọc ven biển miền Trung, với hệ thống bến cảng vốn đã được cư dân Chăm sử dụng, trở nên rất quan trọng trong việc giao lưu hàng hóa với các vùng, miền trong nước.

Gió mùa và kinh nghiệm đi biển già dặn của ngư dân Quảng Ngãi cũng là những yếu tố góp phần tạo cho giao thương đường biển phát triển. Đường, quế, mật ong, dầu phụng, mủ cây chai mắm (cây xác mắm), đá vôi, cau khô, muối Sa Huỳnh (Đức Phổ), muối Xuân An (Sơn Tịnh) là những món hàng theo ghe bầu từ Quảng Ngãi bán đi nhiều nơi trong cả nước.

Lúa, gạo, vải vóc, sợi gai... là những sản phẩm từ nơi khác đem về Quảng Ngãi. Tháng Chạp lên đường theo gió mùa đông bắc đi vào Nam, ngược xuôi theo ngọn gió, đến tháng tám về quê, kéo ghe lên bờ tu bổ. Đường gần thì vào Tam Quan (tỉnh Bình Định) mua dây dừa, cói, các loại gỗ, vải, gai để về bán cho ngư dân Quảng Ngãi, Quảng Nam đóng thuyền, may buồm, đan lưới. Xa hơn thì vào Bình Thuận mua cá mòi, mắm về bán ở quê hay ở Nam Định, Nghệ An, xa hơn nữa là xuôi tận Nam bộ mua dừa, lúa gạo ra bán ở tại Quảng Ngãi và các tỉnh phía Bắc.

Xã An Vĩnh (huyện đảo Lý Sơn) một số tộc họ sống nhờ nghề chở hàng thuê bằng ghe bầu,như họ Võ, họ Đặng, họ Phạm... Ở Cổ Lũy, Trường Định, Mỹ Khê (xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) xưa có một số người sắm ghe bầu để đi buôn đường biển, người địa phương quen gọi là buôn các lái. Buôn các lái phát triển hơn buôn núi, buôn nông sản rất nhiều, cả về số lượng người buôn lẫn khối lượng hàng hóa.

Hang Câu (Lý Sơn).

Hang Câu (Lý Sơn).

Nghề buôn biển bằng ghe bầu tồn tại trong một thời gian lâu dài, cùng với đó là việc hình thành các xưởng đóng sửa ghe bầu ở cửa Đại, Sa Cần, Sa Kỳ, Mỹ Á, Phổ An, Lý Sơn. Đến khoảng giữa thế kỷ XX, khi quốc lộ số1 được củng cố và nâng cấp, vận tải bằng xe cơ giới ngày càng tỏ rõ ưu thế về tải trọng cũng như tính linh hoạt trong việc giao chuyển hàng hoá, nghề buôn ghe bầu chấm dứt vai trò trong lịch sử giao thương đường thuỷ ở Quảng Ngãi cũng như khắp miền Trung và cả nước.

Mặc dù vậy, trong ký ức của nhiều bạn ghe, “các lái”, hình ảnh những chiếc ghe bầu giong buồm ra Bắc, vào Nam vẫn là biểu tượng một thời dọc ngang biển cả, vừa trì chí mưu sinh vừa thoả mộng hải hồ. Khoảng giữa thế kỷ XX, khi quốc lộ 1 được củng cố và nâng cấp, vận tải bằng xe cơ giới ngày càng tỏ rõ ưu thế về tải trọng cũng như tính linh hoạt trong việc giao chuyển hàng hoá, nghề buôn ghe bầu chấm dứt vai trò trong lịch sử giao thương đường thuỷ ở Quảng Ngãi cũng như khắp miền Trung và cả nước.

Vè Các Lái (còn có tên hò thuỷ trình) là một sản phẩm văn hoá dân gian độc đáo của những người đi ghe bầu. Bài vè là một hải đồ cất trong trí nhớ người đi biển, miêu tả đầy đủ các địa danh, sông lạch núi non, ngầm đá cửa sông, phố xá, thời tiết khí hậu từng vùng, lưu ý những nơi hiểm nguy thường gây tai nạn cho thuyền bè qua lại. Đặc biệt, vè Các Lái thể hiện sinh động tình yêu quê hương đất nước và tâm tình của người dân miền biển: thật thà, chất phác nhưng vững chí, bền gan.

Những chuyến ghe bầu vào Nam, ra Bắc còn mang theo bao nhiêu là duyên nợ, ân tình. Làm sao kể hết những mối lương duyên, cặp đôi nam nữ nên vợ nên chồng, nối sợi dây họ hàng, huyết thống từ Quảng Ngãi, từ Nam Trung bộ vào tận Gia Định, Đồng Nai, Rạch Giá.

Xem thêm
Vụ diễn viên Vương Tinh mất tích: Tìm thấy trong tình trạng không ai ngờ

Diễn viên Vương Tinh - sao nam điện ảnh Hoa ngữ đã được tìm thấy sau nhiều ngày gia đình và cơ quan chức năng nỗ lực tìm kiếm. 

Man.City tìm lại cảm giác chiến thắng

Man 'xanh' bắt đầu lấy lại phong độ và quyết không bỏ cuộc khi giành thêm chiến thắng tại vòng 20 giải Ngoại hạng Anh 2024/2025.

Việt Nam sớm chuẩn bị cho giải boxing nữ thế giới 2025

Các tay đấm nữ Việt Nam dự kiến góp mặt ở Giải boxing nữ vô địch thế giới 2025 tại Serbia vào tháng 3 tới.

Người dân Cần Thơ mãn nhãn màn đua thuyền buồm trên sông Hậu

Ngày 29/12, lần đầu tiên TP Cần Thơ tổ chức giải đua thuyền buồm, một hoạt động mới lạ trong chuỗi hoạt động chào mừng Ngày hội Du lịch - Đêm hoa đăng Ninh Kiều.

Bình luận mới nhất