| Hotline: 0983.970.780

Con tàu nông thôn mới sẽ sớm cập bến: Bài 1 - Người nông dân trên luống cày

Thứ Tư 24/07/2019 , 08:56 (GMT+7)

Vừa qua tại TP Nam Định (Nam Định), Bộ NN- PTNT đã tổ chức Hội thảo “Lý luận và thực tiễn trong xây dựng nông thôn mới (NTM) ở Việt Nam”.

Nhiều vị Bộ trưởng các Bộ, ngành; chuyên gia, nhà khoa học, doanh nhân đã tham gia, trình bày các tham luận đề cập từ nhiều góc độ, những vấn đề lớn của nông nghiệp, nông thôn và nông dân Việt Nam. Báo NNVN xin giới thiệu một tham luận tâm huyết của ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Tập đoàn ThaiBinh Seed.

2d63fc654103939485
Xây dựng kênh mương nội đồng.

Trong buổi hội thảo hôm nay chúng ta đã được nghe ý kiến của các nhà khoa học, nhà quản lý về lý luận và thực tiễn trong xây dựng NTM ở Việt Nam. Các báo cáo đã minh chứng sự đúng đắn và sáng tạo của Nghị quyết 26, Hội nghị TƯ lần thứ 7, Khóa X của Ban chấp hành Trung ương Đảng. Có rất nhiều điều được tổng kết từ thực tiễn, cả kết quả đạt được và tồn tại. Tôi đánh giá cao các báo cáo đã trình bày, và cho đó là những tài liệu quý để nghiên cứu, học tập. Với góc nhìn của “một nông dân”, tôi xin chia sẻ một vài cảm nhận bước đầu.

Từ nhận thức, trong lịch sử phát triển của nhân loại, tất cả các quốc gia đều bắt đầu từ nông nghiệp, kể cả các nước phát triển nhất trên thế giới như Mỹ, Canada, Nga, Nhật, Pháp, Đức, Anh, hay các nước, vùng lãnh thổ thuộc nhóm NIC như Hàn Quốc, Hongkong, Singapore… Trong quá trình phát triển đó, đã có sự dịch chuyển từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ và bây giờ là kinh tế số, trí tuệ nhân tạo; sự dịch chuyển từ nông thôn ra thành thị.

Tháng 3 năm ngoái, tôi may mắn có một chuyến đi học về kinh nghiệm quản lý nông nghiệp ở Mỹ. Kết thúc khóa học, người ta đưa đi thăm một khu vực ngoại ô thành phố Chicago. Khi đến thăm một gia đình nông dân có 600ha đất mà chỉ có 4 lao động làm việc, mọi công việc đều cơ giới hóa và khép kín từ sản xuất đến vận chuyển sản phẩm ra cảng để xuất khẩu, tôi đã ngỡ ngàng.

Tôi hỏi: Làm cách nào mà các ông có nhiều đất thế? Trả lời: Nhà tôi đã 5 đời làm nông nghiệp ở đây. Khi chúng tôi di cư đến vùng này hàng trăm năm trước tất cả đều làm nông nghiệp. Thế rồi kinh tế phát triển, những người không thích làm nông nghiệp dần vào thành phố làm công nghiệp, dịch vụ để lại đất cho chúng tôi. Và bây giờ gia đình tôi đã là doanh nghiệp nông nghiệp sản xuất hàng hóa.

Năm 2011, tôi được đi nghiên cứu về HTX nông nghiệp tại Canada, cùng với Thứ trưởng Bộ NN-PTNT lúc đó là ông Nguyễn Đăng Khoa. Doanh thu của Liên minh HTX ở bang Quebec (Canada) là 7 tỷ USD mỗi năm, tương đương ngành dầu khí nước ta. Năm 2014, tôi đi nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao ở Nhật Bản thì thấy Liên minh HTX Nông nghiệp của họ là chỗ dựa vững chắc cho nông dân. Chủ nhiệm một HTX là thợ cắt tóc, nhưng sản phẩm của HTX thì được quảng cáo trên xe của hãng Toyota.

Qua những chuyến đi này, tôi nhận ra một điều là ở những nước phát triển, ngành nông nghiệp vẫn rất được chú trọng. Tuy nhiên đây là câu chuyện của những nước đã phát triển trước chúng ta nửa thế kỉ, thậm chí cả trăm năm. Nhưng dưới góc nhìn của tôi thì đây là những điều đang và sẽ diễn ra ở Việt Nam trong tương lai gần…

Gần đây nhất, ngày 30/3 tôi được mời dự Diễn đàn “Người Việt có tầm ảnh hưởng” ở Paris (Pháp) với vai trò là diễn giả, phát biểu về chủ đề “Niềm tự hào của nông dân Việt Nam”. Tôi đã nói về vai trò người nông dân quê hương tôi gần một thế kỉ qua. Từ chỗ là nô lệ của những nước thuộc địa vươn lên giành độc lập, bắt đầu bằng tấm ảnh nổi tiếng nói về nạn đói năm 1945 của nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Ninh chụp ở vị trí Thái Bình km3, người nông dân đã đi theo Đảng làm cách mạng giải phóng dân tộc.

Từ phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh năm 1930, đến giành độc lập năm 1945, rồi chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 và cuối cùng là đại thắng mùa xuân 1975 thống nhất đất nước. Hình tượng người nông dân khoác áo lính và người nông dân trên luống cày đã được nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại viết đầy cảm xúc: “…Tôi đã thấy nông dân suốt một đời làm lụng, nuôi cái ăn chung trên mảnh đất khô cằn/Tôi đã thấy trên chiến trường ngã xuống, những nông dân áo lính máu tươi ròng/Chết tưới đất, sống ngày cày xới đất …”.

Trong sự nghiệp xây dựng đất nước, từ khoán 100 năm 1981, rồi đến khoán 10 năm 1988, từ chỗ đói kém thiếu cơm ăn áo mặc, chỉ sau 20 năm được Đảng "cởi trói" bằng Nghị quyết 10 đã vươn lên thành cường quốc xuất khẩu gạo. Và chỉ sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 26, năm 2018 nông nghiệp Việt Nam đã xuất siêu 8 tỷ USD. Đây chính là sự sáng tạo và lao động cần cù của hàng chục triệu nông dân Việt Nam.

Nhiều vùng nông thôn có sự thay đổi lớn nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới.

Cũng tại diễn đàn này, vị Bộ trưởng Du lịch Pháp đã nói: “Việt Nam từ nước nghèo có tới 52% hộ nghèo, chỉ trong một thời gian ngắn đã vươn lên chỉ còn 5% hộ nghèo. Đây là kỳ tích, là bài học cho các nước đang phát triển. Như vậy, thành tựu lớn nhất của chúng ta 30 năm qua được thế giới thừa nhận chẳng phải là ngành nông nghiệp sao?

Gần đây có một giáo sư Nhật được mời tư vấn chính sách cho ta, đã đề nghị kế hoạch kinh tế đến năm 2035 của Việt Nam, là phát triển nông nghiệp hiện đại. Ngày 21/2/2018 nhằm đúng mùng 6 tết tại huyện Hải Hậu (Nam Định), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về đây khai xuân nói: “Việt Nam đi ra từ nông thôn, nông nghiệp. Tất cả chúng ta từ gốc rạ, cây lúa, dòng sông, cây đa, bến nước và các truyền thống của ông cha ta mà đi ra. Quê hương, mỗi người chúng ta đều có gốc tích là nông dân, làm cách mạng cũng vì dân, nên việc phấn đấu để người dân có cuộc sống ấm no hơn là mục tiêu, là lý tưởng, là nhiệm vụ nặng nề của mọi cán bộ, đảng viên...".

Thủ tướng nói tiếp: "Hơn thế nữa, nông nghiệp, nông thôn Việt Nam có đến 70% dân số đang sinh sống và trên 42% lao động ở nông thôn. Đời sống người dân còn nhiều khó khăn, nên chủ trương của Đảng, Nhà nước là xây dựng NTM để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, mà trước hết là nông dân. Sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ là phổ biến. Chính vì vậy tái cơ cấu kinh tế, đặc biệt là tái cơ cấu nông nghiệp cần đặt ra ở tầm quốc gia.

Cần khẳng định vai trò của DN nông nghiệp trong phát triển ngành nghề ở nông thôn. Nếu không có DN, không có HTX và bà con tổ chức sản xuất ở nông thôn thì khó có thể đưa nông thôn phát triển tốt. Các DN, HTX và cả ngành nông nghiệp phải thành một nền sản xuất hàng hóa, giải quyết lao động nông thôn theo hướng không phải chỉ có nông nghiệp… Chúng ta nên nghiên cứu thế mạnh của từng địa phương để phát triển việc tái cơ cấu lại để đưa ngành nghề, DN, HTX đi vào tổ chức lại là rất quan trọng.

Muốn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội đảm bảo thì hệ thống chính trị ở từng địa phương phải vững mạnh, cán bộ, đảng viên làm gương thì mới có thể làm nhân dân tin tưởng. Đảng viên đi trước làng nước theo sau. Đảng viên vận động quần chúng, đảng viên cùng làm với quần chúng để đưa phong trào cách mạng nông thôn tiến bước là hết sức quan trọng. Vấn đề nữa, là vai trò của KH-CN. KH-CN có vị trí rất quan trọng trong việc phát triển sản xuất nông nghiệp...”. (Còn tiếp)

Từ nhận thức như vậy, tôi nghĩ rằng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự nghiệp xây dựng NTM ở nước ta nhất định thành công. Bởi đó không chỉ là một cuộc cách mạng trong nông nghiệp mà nó còn là trách nhiệm, là sự tri ân của Đảng, của dân tộc, của những ai đã chịu ơn người nông dân Việt Nam. Nó rất biện chứng vì người khởi xướng và lãnh đạo sự nghiệp này là Đảng cách mạng với bản lĩnh chính trị kiên cường cùng sự sáng tạo của những người nông dân tin theo Đảng để đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho chính mình.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Sản phẩm OCOP và câu chuyện phát triển vùng nguyên liệu

Bắc Kạn Bên cạnh việc nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp ở tỉnh Bắc Kạn cũng chú trọng phát triển vùng nguyên liệu.