| Hotline: 0983.970.780

Con trâu, một thời một thuở

Thứ Bảy 13/02/2021 , 09:10 (GMT+7)

Mỗi năm mỗi tuổi, hình như mỗi tuổi con người lại có những khát khao riêng.

Mấy chục năm qua đi nếu như bây giờ có ai hỏi: Tuổi thơ tôi mong muốn điều gì? Không ngần ngại tôi sẽ trả lời: Tôi muốn được như mọi đứa trẻ trong làng. Ấy là được hòa nhập với đám trẻ mục đồng, với tôi đó là một thế giới kỳ thú đầy hấp dẫn!

Một hôm tôi đã cất lời: Mẹ ơi, sao nhà mình không nuôi trâu? Mẹ tôi bảo: Nếu nuôi trâu thì lấy chỗ nào làm chuồng! Đúng là thế thật. Khu nhà tôi đang được thừa kế rất độc đáo. Đã có tuổi gần hai thế kỷ nhưng vẫn nguyên vẹn như thủa ban đầu tổ tiên tôi khởi dựng. Đến nay nhà tôi là một trong những ngôi nhà truyền thống đẹp của “Làng cổ Đường Lâm” thị xã Sơn Tây, Hà Nội.

Trên diện tích hơn một sào Bắc bộ (gần 400m2) bốn đơn nguyên nhà quây lấy một cái sân lát gạch Bát Tràng rộng 100 m2. Đây là lối kiến trúc mà dân gian gọi là nhà “bát vần”. Bốn đơn nguyên nhà riêng biệt nhưng được kết nối liên hoàn bởi những “nhà góc”, nhờ có nhà này nên có thể đi từ nhà nọ sang nhà kia mà “mưa nắng không đến đầu”!

Mỗi một ngôi nhà có chức năng riêng. Nhà to nhất ngoảnh hướng nam là nhà thờ. Cái đối diện với nhà thờ là nhà khách, còn lại là hai nhà ngang… Trong sinh hoạt gia đình, tất cả buồng của những ngôi nhà này dành cho đời sống vợ chồng và nuôi con nhỏ.

Cái khát vọng “tam đại song tuyền” (ba cặp vợ chồng: ông bà, cha mẹ, con cái còn nguyên đôi), “tứ đại đồng cư” (bốn thế hệ cùng ở với nhau) chẳng đã là mong mỏi của các cộng đồng cư dân nông nghiệp bao đời nay…

Thấy tôi buồn, mẹ ngậm ngùi kể: Mẹ về làm dâu trong nhà tôi vẫn còn nguyên hai cặp trâu cày, toàn trâu mộng (trâu to khỏe). Bếp núc, trâu cỏ ở riêng một khu bên cạnh. Đất này sau “cải cách” (1955) được chia cho một hộ trong làng.

Làng tôi là làng làm ruộng, các cụ tôi nhiều ruộng nhất làng. Chẳng biết có phải vì lý do này nên nuôi trâu cày kéo là việc đời nào cũng coi là hệ trọng. Cho đến tận bây giờ làng tôi vẫn lưu truyền chuyện cụ tôi “tạu trâu”!

Làng tôi nằm bên hữu ngạn sông Hồng, bao đời nay dân làng quan niệm: “trâu ngang” (bên kia sông”) không nuôi được, có tạu về vài năm sau con nào cũng ốm mòn rồi chết vì bị “độc nước”… Làng tôi chỉ nuôi trâu ngược với quan niệm “liền thủy thổ”!

Thế là một tháng sáu phiên “các lái” đưa trâu các nơi về nhưng chủ yếu là trâu Phương Lâm (Hòa Bình). Chợ trâu bò xưa ở bến xe thị xã Sơn Tây bây giờ. Cụ tôi bảo: Mỗi phiên có đến vài trăm trâu bò, song bần cùng mới phải qua tay các “lái” (lái trâu), mua đã đắt và không “sành” có khi bị lừa!

Năm ấy cụ tôi ngược Phương Lâm, mấy ngày sau mới về đến làng. Về làng cụ dắt theo một con trâu. Dưới gốc đa làng bao nhiêu thợ cày đổ ra xem, ai cũng khen con trâu đẹp. Hình dáng con trâu đẹp thật, “mình trắm, da trê, lông móc câu, tai lá mít, đít lồng bàn, mồm gàu, không bị chẩm, cổ cò”… hứa hẹn là một con trâu soi (làm giỏi). Thế rồi ai đó phát hiện ra con trâu này không có khoáy, nếu có khoáy chẳng “đậu” (cân đối) thì “lệch” còn có “đất” để bàn… Ai đó độc mồm bảo: Đây là một con trâu thịt!

Sau này cụ tôi bảo: Vừa nhìn thấy nó đã mê mẩn, mấy ngày trời xem bao nhiêu trâu nhưng không thuận con nào. “Cầm bằng như cầm lệch” (một mất một còn) cụ tôi quyết định xuống giá một vạn ba tiền Đông Dương. Hình như người bán cũng nhận ra nhược điểm cơ bản của loài trâu mà con này không có nên đồng ý bán. Nếu là trâu cày con này có trả đến bốn, năm vạn chưa chắc đã mua được.

Cụ bà tôi lo rên lên vì tiếc tiền, vì canh bạc sống cụ tôi đang cầm nhưng vẫn phải ngậm miệng theo ý cụ ông. Tính cụ tôi khái lắm, đã quyết là làm… Dắt trâu vào mùa mưa, bùn đất lấm đến tận gối trâu. Theo thông lệ, cụ tôi dắt trâu xuống ao làng tắm rửa, mong gạt bỏ những xui xẻo. Trong lúc kỳ cọ cho trâu, cụ tôi phát hiện ra con trâu có tướng lạ. Thì ra con trâu này “trốn khoáy” nhưng bốn khoáy tròn xoe xóe lại đóng dưới hai móng con mỗi chân.

Chẳng hé với ai một lời cứ thế cụ tôi cày lở mấy quả đồi. Cao thì lúa lốc (lúa nương), trũng thấp thì lúa sọc, lúa sòi (chịu phèn). Bằng phẳng thì lạc, vừng. Đặc biệt là mía, mía xanh cả mấy triền đồi. Chẳng biết có phải vì thế mà đất này sau thành tên Kẻ Mía!

Tháng mười một âm lịch, khi trên ngọn mía phất phơ đôi ba cái cờ (hoa mía) là lúc mía được nước làm mật. Sáng sáng, sương sa dày đặc, giáp mặt không nhìn rõ nhau thì trong lều đã thậm thịnh bước chân trâu kéo mật. Nghe tiếng mía bị nghiền mà thấy nát cả vai trâu. Nếu không phải trâu khỏe thì sau vụ mật thế nào cũng ốm lửng, ốm lơ mất vài tháng trời…

Riêng trâu nhà tôi vẫn béo tròn vì nó rất thích nước cái đường (nước mía khi chưa nấu thành mật), nó uống một thôi mấy nồi đình. Nhà tôi sau vụ mía có vài tạ đường ta vàng như hoa mơ, trong nhà đủ chi dụng cả năm.

Cư trú trên một quả đồi thấp, trên là vườn, dưới là ao, ngoài lũy là ruộng. Nông nhàn, đàn bà chăn tằm kẹo sợi. Đàn ông đánh chim, đánh cá và thuần dưỡng gia súc gia cầm. Tất cả mọi thứ hầu như nhà đều làm được. Cụ tôi nhiều lần tự hào về nền kinh tế “tự cấp, tự túc”, bảo: Nhà mình bao đời nay chỉ phải mua muối với dầu Tây của nhà nước!

Nhà tôi làm ruộng rất nề nếp, chẳng thế mà cái dõi trâu để tiếng đến tận bây giờ. Đó là ba gian nhà toàn bộ là gỗ song xanh, mặt gỗ lì, ghim gỗ dẻo dai.

Khỏe đến như trâu mà sáng sáng chỉ còn biết đánh sừng cồng cộc, gọi tiếng vỗ sàm choang choác đánh then để mở ngáng bước ra. Các cột đều được đứng trên một cái cối đá đại lập úp.

Thân cột đục họng có thắt (mộng đuôi én) để tra văng. Bên ngoài là tường đất đồi đóng ô (tường trình). Mưa nắng dãi dầu, trên mặt tường nhô ra toàn sỏi đầu ruồi đen sì và lởm chởm như những mũ đinh Tây. Tường dày cả thước ta (một thước ta ăn 40 phân Tây).

Bọn đạo chích nhìn thấy không bao giờ dám nghĩ đến việc khoét ngạch trộm trâu. Mái dõi lợp lá gồi (lá cọ) “vảy sộp”, một đời lá là ba mươi năm, nửa đời người. Một đời trâu hay là hai mươi năm, nếu thợ cày đến sáu mươi tuổi được nghỉ thì đời người có khi chỉ chứng kiến một hai lần thay trâu.

Con trâu của cụ tôi nết làm hay có tiếng một vùng, bỗng vào một năm đầu thế kỷ XX, các quan ta sức giấy về làng lấy trâu khỏe mạnh cho các đốc-tơ Tây làm đậu (gây vacxin phòng đậu mùa)… Sau đợt đó, trâu được trả về dúm dó như một cái túi da. Nó trở bệnh không chịu ăn uống gì.

Cụ tôi nấu cháo loãng, cho vào ống tre rồi đổ vào mồm trâu mà không chạy. Trâu chết, cụ tôi ốm theo cả tháng trời. Người ngoài cho là cụ tôi tiếc của. Riêng trong nhà thì bảo cụ tôi thương con trâu… Khỏe lên, cụ tôi phăm phăm sách cái rựa xuống chuồng trâu, thẳng cánh chém một nhát vào cái ngáng.

Bền đến như gỗ song xanh mà mấy đời sau vết chém không liền miệng. Sau mỗi trận mưa rào, nước mưa ngấm vào gỗ, hòa với nhựa song xanh rỏ ra đò lòm như máu thật. Cụ tôi thề độc, từ nay trở đi không bao giờ nuôi trâu hay nữa!

Đời người làm ruộng làm sao thiếu được trâu cày. Đến đời ông nội tôi lại có một con trâu để dân làng bàn tán. Bố tôi kể lại: Lần này ông tôi không ngược Phương Lâm mà lên núi Tản (núi Ba Vì). Chuyến này ông tôi dẫn theo một người cháu họ.

Trời chiều, rừng thưa hoang vắng, hai ông cháu luồn đường “chuột chạy” cứ theo vết chân trâu mà đi. Đó đây lốc cốc tiếng mõ trâu như báo hiệu phía trước có dấu vết con người. Cuối cùng cũng đến được một bản vầu.

Hai ông cháu thức dậy muộn sau một bữa rượu men lá và thức nhắm cũng được bày trên đĩa lá. Mặt trời nhuộm vàng những nương lúa chín muộn của người Mán ở lưng chừng núi. Chủ nhà đánh trâu từ gầm sàn ra, mõ đeo ở cổ, lông lá đầy mình, đúng là trâu rừng! Sau một hồi xem xét, ông tôi lắc đầu.

Chủ nhà bảo: Mày không thích à? Ông tôi chỉ vào một chú nghé hoa đang bị cột vào sàn bếp. Chủ nhà bảo: Con này là trâu thịt, trông nó đẹp thế nhưng các lái chê nó không có khoáy. Sau một hồi xoa xuýt, tìm xem có tì vết gì không.

Ông tôi dứt khoát xòe những tờ bạc mới tinh. Nắm chạc, hai ông cháu xuôi… Ra chỗ vắng người ông tôi bảo: Các “lái” chỉ có “miếng nước bọt”, có hiểu biết gì về trâu đâu. Phải có một đam mê, một tình thương, người ta mới tìm thấy ở trâu những dị biệt khác thường.

Cháu ạ, trời lại cho nhà mình một con trâu như ngày xưa. Có con trâu hay, người thợ cầm cày như cầm bút, vạch lên mặt ruộng những đường kẻ thành những luống cày. Có con trâu như thế này làm ruộng mới vượng được!

Dắt về là một con nghé hoa, đích thân ông tôi “vực” (dạy làm) mất hai vụ chiêm. Đây là giai đoạn quan trọng trong đời một con trâu cày. Vào tay người nóng nảy, thiếu hiểu biết, nhiều khi để lại tật ách suốt một đời trâu mà không thể khắc phục! Vậy mà cày được vài năm đến lúc con trâu “tư răng” ông tôi phải dứt ruột đánh tiếng bán.

Số là sau “Tổng khởi nghĩa” (1945) bố tôi thoát ly ra kháng chiến, mấy chú ở nhà đang ở tuổi học hành những năm cuối. Thời buổi tao loạn nhiễu nhương nên ruộng đất bỏ hoang nhiều lắm.

Ngay trong gia đình tôi ruộng cấy cũng chỉ đủ ăn vụ nọ đến vụ kia. Sức lực con trâu mười phần nay chỉ làm có một. Ông tôi bảo: Trâu cày, ngựa cưỡi… Nếu cứ như thế này vài năm nữa có khi tàn mất một đời trâu hay.

Bao nhiêu người đến xem trâu, người nói ngược, kẻ bảo ngang… chẳng đậu ai, ông tôi chỉ lặng lẽ cười. Mãi đến cuối năm mới có một người khách dưới xuôi đến nhà.

Sau mồi thuốc lào cháy nõ, khách từ từ nhả những cuộn khói đặc quánh lên trời như trút hết mệt nhọc suốt một thôi đường dài. Nghiêng điếu, khách lẩy nhẹ bã thuốc ra lòng tay rồi khéo léo trút vào miệng cái ống phóng. Cái ống phóng những ngày giáp Tết cũng được đánh vàng bóng nước đồng thau. Giọng khách oang oang:

- Quê tôi vùng chiêm trũng, ruộng chỉ làm dầm chứ không làm ải. Nghe người ta mách nhà ta có con trâu hay mới đánh bạo vào liều, chẳng biết…

- Vâng, con trâu cày hay lắm. Mời ông ra chuồng xem.

Khách ngây người khi nhìn thấy dõi, thấy trâu. Ông tôi vỗ vai khách bảo:

- Con trâu có đẹp không?

- Hay, con trâu hay lắm! Cụ bán chứ?

- Tôi sang tay cho ai biết người biết của…

- Cụ đòi bao nhiêu – giọng khách phân vân.

- Tùy ông, ông đặt thào (thế nào) nên thế. Con “của” như thày (thế này)…

Dứt khoát, khách móc túi lấy ra một bọc tiền.

- Tôi có thế này xin gửi cụ tất. Vét túi là bốn vạn hai tiền Cụ (tiền Cụ Hồ phát hành trong kháng chiến) không thiếu một xu. Tôi không dám mặc cả.

Ông tôi nhìn khách bằng ánh mắt buồn buồn. Rút ra mấy tờ từ tập tiền, ông tôi đưa cho khách bảo:

- Đây là “tiền thừng, tiền chạc ra giọng” cho ông lấy may, ông cầm làm lộ phí đi đường, thầy trò ông xuôi cho sớm. Năm hết Tết đấn nơi rồi…

- Vâng, cụ thành tâm, con thành ý xin cụ!

Ông tôi bảo khách:

- Con trâu là đầu cơ nghiệp, ông khách biết người biết của, tôi xin ông dè dặt nó mà làm cho bền. Nhờ nó mà mấy năm nay nhà tôi no ấm đấy!

- Vâng, thừa lộc cụ…

Người khách vòng hai cánh tay thợ cày vụng về xá xá trước khi dắt trâu ra cổng. Ông tôi lặng nhìn cho đến khi người và trâu khuất nơi chân trời chạng vạng…

Sau “cải cách ruộng đất” rồi đến thời kỳ hợp tác xã (HTX) trâu bò thành của chung. Chủ nuôi có khi không phải thợ cày mà là bà gái góa, HTX điều cho con trâu nuôi lấy công điểm và lấy phân bán cho HTX.

Gặp những con trâu khỏe, người thợ cày không theo kịp sẽ bị đày đọa cho đến thân tàn ma dại, cho nhanh lên đĩa trong mỗi kỳ tổng kết. Trước cảnh ấy ông tôi lại rơi nước mắt, ông bảo: Ngày xưa tạu được con trâu có khi mất cả gia tài của người làm ruộng!

Nhà tôi không có chỗ làm chuồng nên không nuôi trâu. Song, có lẽ được thừa hưởng của những thế hệ trước nên tôi có một tình cảm đặc biệt với trâu. Nhơm nhớm lớn, cầm vững cái đốc cày tôi đã là một thợ thành thục trên đồng ruộng mỗi kỳ nghỉ hè.

Trâu nào tôi cũng cày được, trâu nghịch, trâu hèn, trâu tật ách vào tay tôi đều là trâu ngoan. Tôi được tiếng ít tuổi nhưng cày khéo nhất HTX. Tôi không nói với ai, nhưng bí quyết của việc này là tôi coi trâu là… bạn của thợ cày!

Sau “đổi mới” đến nay làng tôi không còn một con trâu nào, máy móc đảm nhiệm việc của trâu. Rồi một hôm, cậu học trò trong xóm đang học THPT hỏi: Bác ơi, có phải bò cái không có sừng phải không ạ. Tôi hài hước: Đấy là ngựa, bò thì con nào cũng có sừng!

Nói xong mà buồn, quê tôi đấy… Năm 2005, Bộ VH – TT ký quyết định công nhận làng tôi - “Làng Việt cổ Đường Lâm” với tham vọng, bảo tồn làng thành một “bảo tàng sống” của các cộng đồng cư dân nông nghiệp cổ. Vậy mà không còn hình bóng một con trâu! Vắng bóng trâu cày đồng nghĩa với việc nhiều thứ mất đi. Phải chăng đó cũng là một khiếm khuyết lớn!...

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

Real Madrid tiến sát ngôi vô địch sau trận siêu kinh điển

Dù bị Barcelona 2 lần dẫn trước nhưng Real Madrid vẫn lội ngược dòng thành công để thắng 3-2 và tiến sát ngôi vô địch La Liga.

Nhận định U23 Việt Nam vs U23 Iraq: Vượt lên chính mình

Trận đấu giữa U23 Việt Nam vs U23 Iraq trong khuôn khổ vòng tứ kết giải U23 Châu Á 2024 sẽ diễn ra vào lúc 00h30 ngày 27/4/2024 trận sân vận động Al Janoub.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm