Công chúng Đà Nẵng lần đầu tiên được chứng kiến cuộc hội ngộ 14 danh họa đại diện cho thầy trò trường Mỹ thuật Đông Dương (1924-1945) với triển lãm có tên gọi “Trong ngọc trắng ngà” tại nhà hàng Madame Lân (số 4 Bạch Đằng, phường Thạch Thang, quận Hải Châu).
Vận chuyển 35 tác phẩm của 14 danh họa từ Hà Nội đến với công chúng Đà Nẵng, bà Lê Hoàng Nam Phương, Giám đốc sáng lập Phù Sa Art Foundation, chia sẻ: “Đây là sự kiện chính thức ra mắt Phù Sa Art Foundation, giới thiệu một phần trong bộ sưu tập gia đình tôi. Sau gần hai thập kỷ song hành với nghệ thuật, chúng tôi muốn góp phần tiếp nối và lan tỏa đam mê này với cộng đồng”.
Với sứ mệnh sưu tập, lưu trữ, nghiên cứu và trưng bày những tác phẩm có giá trị trong dòng chảy mỹ thuật hiện đại Việt Nam, Phù Sa Art Foundation hy vọng triển lãm “Trong ngọc trắng ngà” đem đến một góc nhìn mới cho công chúng Đà Nẵng về giai đoạn văn hóa nghệ thuật Đông Dương, được kể qua lăng kính của những học giả Việt”.
Lâu nay đã có nhiều cuộc triển lãm tác phẩm của các danh họa trường Mỹ thuật Đông Dương được diễn ra tại Hà Nội và TP.HCM. Lần này, “Trong ngọc trắng ngà” đến với công chúng Đà Nẵng cho thấy thị trường mỹ thuật Việt Nam đang dần dần rộng mở.
Qua triển lãm “Trong ngọc trắng ngà”, công chúng Đà Nẵng có thể cảm nhận phong cách sáng tạo của các danh họa, từ Nguyễn Nam Sơn, Lê Phổ đến Nguyễn Tường Lân, Trần Văn Cẩn. Đó là kỹ thuật hàn lâm Tây phương kết hợp với chất liệu và đề tài mang đậm hồn cốt Việt. Sự hội ngộ ấy đã kết tinh nên ngôn ngữ giao thoa Á-Âu độc đáo, là điểm khởi nguồn cho mỹ thuật hiện đại Việt Nam.
Nhằm thực hiện một triển lãm đạt chuẩn trưng bày quốc tế bên bờ sông Hàn, ban tổ chức “Trong ngọc trắng ngà” đã dành ra 3 tháng để chuẩn bị cho các các công tác nghiên cứu, phục chế, hậu kỳ, kho vận với sự đóng góp của những chuyên gia hàng đầu Việt Nam.
Đảm nhận vai trò giám tuyển cho triển lãm “Trong ngọc trắng ngà” là nhà nghiên cứu nghệ thuật Ace Le. Từng làm Giám đốc Điều hành đầu tiên của Sotheby’s cho thị trường Việt Nam, và giám tuyển chuỗi triển lãm tiên phong “Hồn Xưa Bến Lạ” và “Mộng Viễn Đông”, giám tuyển Ace Le chia sẻ: “Một thế kỷ trước khi trường Mỹ thuật Đông Dương ra đời, Nguyễn Du đã “vẽ” nên bức tranh mỹ nữ khỏa thân đầu tiên và duy nhất của nền văn học cổ điển Việt Nam: “Rõ ràng trong ngọc trắng ngà/ Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên”. Giữa phông nền Nho giáo vốn kìm nén cả thể xác và tâm hồn người phụ nữ, câu chữ táo bạo của Nguyễn Du là một hành động tự giải thoát quan trọng trong tự do biểu đạt.
Một thế kỷ sau, nhóm nghệ sỹ thầy trò của trường Mỹ thuật Đông Dương cũng đi tìm cho mình sự tự do biểu đạt ấy trong ngôn ngữ hội hoạ. Lần đầu tiên, họ được nghiêm túc nghiên cứu giải phẫu cơ thể con người qua những bài phác thảo, dessin. Và khi pha trộn kỹ thuật hàn lâm phương Tây với mỹ cảm Đông Phương học, họ đã kiến tạo ra những ngôn ngữ cá nhân độc đáo khi khai thác những chủ đề trước đó còn bị cấm cản.
Các tác phẩm tiêu biểu như “Tắm tiên” của Lê Phổ hay “Gội đầu” của Trần Văn Cẩn có thể được coi như những ứng đáp dũng cảm, tiếp nối tinh thần tự do chủ nghĩa của Nguyễn Du”.