| Hotline: 0983.970.780

Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm với một mệnh đề đứng riêng

Thứ Tư 04/10/2023 , 16:02 (GMT+7)

Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm thêm một lần xôn xao trong giới mộ điệu, với triển lãm 199 bức tranh do nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn tổ chức trưng bày.

Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm (1922-2016).

Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm (1922-2016).

Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm (1922-2016) sống thọ nhất trong nhóm tứ trụ được làng mỹ thuật xưng tụng Sáng – Liên – Nghiêm – Phái, gồm Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên, Nguyễn Tư Nghiêm và Bùi Xuân Phái. Cuộc đời danh họa Nguyễn Tư Nghiêm cũng có nhiều khoảng lặng, nhưng di sản của ông vẫn có sức thu hút công chúng.

Lần đầu tiên, những người yêu thích danh họa Nguyễn Tư Nghiêm được thưởng thức một số lượng tác phẩm đồ sộ mà ông để lại, do nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn vừa tổ chức trưng bày tại TP.HCM. Tổng cộng có 199 bức tranh của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm, với 150 tranh bột màu, 38 tranh phác thảo được vẽ pastel, mực và khắc gỗ, 2 tranh sơn dầu, 8 tranh sơn mài và 1 sơn mài vẽ trên thớt gỗ.

Nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn là người có bộ sưu tập tranh Bùi Xuân Phái nhiều nhất Việt Nam. Bây giờ, nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn lại chứng minh ông cũng sở hữu một lượng tranh Nguyễn Tư Nghiêm hàng đầu Việt Nam. Theo nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn, điều quan trọng nhất đối với nhà sưu tập là phải biết mua tranh từ các hoạ sĩ chưa nổi tiếng, biết nhìn ra tài năng của họ, từ khi họ chưa có “giá” trên thị trường. Ngoài những yếu tố quan trọng là một nhà sưu tập giỏi phải là người có tiền, có tâm, và có tình cảm với nghệ thuật Việt Nam.

Nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn đã có những bức tranh của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm từ những năm 1956 tới khi danh họa Nguyễn Tư Nghiêm qua đời, cho thấy ông có cả một quá trình sưu tập lâu dài và bền bỉ.

Trong cuốn sách về danh họa Nguyễn Tư Nghiêm phát hành cùng đợt triển lãm, nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn chia sẻ: “Hội họa Nguyễn Tư Nghiêm là những cuộc trải nghiệm siêu hình, mà mỗi lần thưởng ngoạn, nó kéo chúng ta đến gần với cuộc sống, dẫu các mã văn hóa lại khiến chúng ta tìm kiếm một khoảng lùi xa hơn, để suy tư và chiêm nghiệm. Như thể một hành trình ngược thời gian, nhưng không ở lại với quá khứ, mà để vượt qua hiện tại, thăm dò tương lai”. 

'Trung thu' của Nguyễn Tư Nghiêm.

"Trung thu" của Nguyễn Tư Nghiêm.

Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm có nhiều ảnh hưởng đến dòng chảy mỹ thuật Việt Nam. Năm 1944, khi chưa tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, Nguyễn Tư Nghiêm đã đoạt giải nhất tại Triển lãm Mỹ thuật Đông Dương Salon Unique, với bức tranh sơn dầu “Người gác Văn Miếu”

Bảo tàng nghệ thuật Việt Nam đã chọn ba bức tranh để lưu giữ như bảo vật quốc là “Con Nghé quả thực”, “Xuân Hồ Gươm” và “Gióng”. Cái đẹp của tranh Nguyễn Tư Nghiêm là cái động trong cái tĩnh, màu sắc dù ở sắc độ nào, đa sắc hay đơn sắc, rực rỡ hay trầm buồn cũng vẫn thấy ánh sáng. Ánh sáng từ tâm hồn của một danh họa, luôn tìm tòi để sáng tạo và luôn tận tuỵ với nghệ thuật.

Nhà phê bình mỹ thuật Thái Bá Vân từng nhận định: “Nguyễn Tư Nghiêm ước định, tổng hợp và tích hợp, tất cả vào trực cảm mạnh mẽ và sâu lắng của cá nhân, không biện luận. Còn có thể nói là phi hệ thống, cũng được. Nó bác bỏ cái bề ngoài nguyên vẹn, nhưng hời hợt, của sự vật mà hướng về cái hỗn độn, phức tạp bên trong.

Nếu theo cách nhặt riêng từng chi tiết, bằng kiến thức, thì tranh Nguyễn Tư Nghiêm chứa đựng không cứ gì những yếu tố ban sơ của nghệ thuật Đông Sơn, Tây Nguyên hoặc lão luyện của thời Lê, Nguyễn mà cả tận châu Đại Dương, phi rồi lập thể, biểu hiện cho tới tận pop-art.

Nhưng nhìn bằng cái chung tối hậu của thẩm mỹ thì tranh ông không gây cái cảm giác bâng quơ, tự ngộ, rất thú vị trong cử chỉ hội họa chậm chạp, có khi ngớ ngẩn, dở dang. Nó không hề vội vã, thông minh như làm cho bằng được tới một giới hạn gọi là kết thúc, của cái máy”.

'Điệu múa cổ' của Nguyễn Tư Nghiêm.

"Điệu múa cổ" của Nguyễn Tư Nghiêm.

Sinh thời, danh họa Nguyễn Tư Nghiêm bộc bạch: “Tôi không gắn bó với một nghệ thuật nước ngoài nào cả, tôi chỉ tìm nơi dân tộc và thấy trong dân tộc có nhân loại và hiện đại”. Tranh Nguyễn Tư Nghiêm đến hôm nay vẫn đang chinh phục công chúng mới ở thế hệ trẻ.

Hoạ sĩ Lê Đại Chức cho rằng danh họa Nguyễn Tư Nghiêm nghiên cứu văn hóa cổ truyền suốt nhiều năm, ông vẽ từ tâm thức người Việt. Cho nên hình hoạ trong tranh Nguyễn Tư Nghiêm vượt lên trên các ký hiệu dân tộc Việt nam, đâu đó còn thấy hình vẽ trên hang động thời nguyên thủy. Khi vẽ, ông thấm ướt giấy rồi vò nhăn, rồi trải phẳng lại, như vậy bức tranh bột màu có thêm matche rất thú vị.

Hoạ sĩ Vũ Hoà phân tích, điều quan trọng để có Nguyễn Tư Nghiêm một mệnh đề đứng riêng, là những xúc cảm dành cho nghệ thuật chỉ Nguyễn Tư Nghiêm mới có, từ màu sắc, hình khối, và tư duy hình và cấu trúc. 199 bức tranh được triển lãm tại TP.HCM là 199 cách sử dụng màu và hình khác nhau. Cũng như Nguyễn Tư Nghiêm đã vẽ gần 300 bức tranh về múa cổ nhưng không bức nào giống bức nào.

Xem thêm
Đàm Vĩnh Hưng xác lập kỷ lục

Đàm Vĩnh Hưng nhận bằng kỷ lục 'Ca sĩ trình diễn nhiều tiết mục mashup nhất trong một chương trình ca nhạc' tại liveshow 'Ngày em thắp sao trời'.

Real Madrid vô địch La Liga sớm 4 vòng đấu

Real Madrid đã chính thức giành chức vô địch La Liga mùa giải 2023-24 sau khi chứng kiến đối thủ cạnh tranh Barcelona gục ngã trước Girona.

Cơ thủ Dương Quốc Hoàng vô địch Billiards châu Âu: Kỳ tích lịch sử

Cơ thủ Dương Quốc Hoàng xuất sắc giành chức vô địch giải pool 9 bi quốc tế Jacoby Scottish Open 2024, làm nên lịch sử cho bi-a Việt Nam.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.