"Chúng tôi không còn khí tài quân sự có thể gửi được cho Ukraine. Mặt khác, chúng tôi sẽ bù đắp cho Ukraine bằng cách cấp giấy phép xuất khẩu vũ khí cho các công ty tư nhân. Chúng tôi không muốn năng lực quốc phòng của Cộng hòa Séc bị ảnh hưởng", Bộ trưởng Cernochova nói với Vaclav Moravec, người dẫn chương trình Otazky trên truyền hình quốc gia CT.
Theo bà Cernochova, ngành công nghiệp quân sự Séc có khả năng cung cấp đạn dược và vũ khí cho Ukraine nếu hai bên đạt được một thỏa thuận mua bán. Bà Cernochova cho biết Prague đã gửi cho Kiev gần 50 xe thiết giáp và xe tăng, 2.500 khẩu súng lục, 7.000 khẩu súng trường, 500 súng máy hạng nhẹ và 500 súng bắn tỉa, tất cả đều do Đan Mạch chi trả.
Hồi đầu tháng 11/2023, Bộ Quốc phòng Séc đã công bố một báo cáo liệt kê tất cả các khí tài quân sự viện trợ cho Ukraine, với giá trị ước tính khoảng 1,2 tỷ crown (54,1 triệu USD).
Séc cũng tham gia Sứ mệnh Huấn luyện của Liên minh châu Âu (EUMAM) giúp đào tạo gần 4.000 binh sĩ Ukraine và triển khai các nhóm huấn luyện ở Ba Lan, bà Cernochova cho biết.
Prague đưa ra thông báo trên ngay sau khi chính phủ mới của Slovakia, một đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), ngăn chặn kế hoạch viện trợ 40,3 triệu euro (43 triệu USD) vũ khí và đạn dược của chính phủ tiền nhiệm cho Kiev.
Trong 18 tháng qua, Mỹ và các đồng minh NATO đã liên tục “móc hầu bao” để viện trợ cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga. Tuy nhiên, đến tháng 10/2023, nhiều đồng minh của Ukraine bắt đầu thừa nhận rằng kho vũ khí của họ đang dần cạn kiệt. Đầu tiên là Anh, sau đó Pháp đã tuyên bố ngừng viện trợ quân sự cho Ukraine. Trong số hàng triệu quả đạn pháo 155mm mà EU đã cam kết gửi cho Kiev, khối này chỉ có thể cung cấp 300.000 quả.
Cũng trong chương trình phỏng vấn hôm 26/11, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Séc Lubomir Metnar cho rằng ngành công nghiệp quân sự của Nga dường như đang bỏ xa phương Tây. Bộ trưởng Quốc phòng Cernochova đồng ý với phát biểu trên, song lập luận rằng Moscow cũng đang nhận được sự giúp đỡ từ nước ngoài.