Tại TP Bắc Kạn, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (KNQG) vừa phối hợp với Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Kạn tổ chức chương trình Tọa đàm với chủ đề “Ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp”.
Hỗ trợ đắc lực cho sản xuất, tiêu thụ nông sản trong dịch bệnh Covid-19
Tại chương trình tọa đàm, ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm KNQG cho biết: Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) giúp người nông dân, người sản xuất nâng cao giá trị của sản phẩm. Việc ứng dụng CNTT góp phần xây dựng nền nông nghiệp hoàn toàn minh bạch, từ quy trình sản xuất đến yếu tố công nghệ và truy xuất nguồn gốc. Như vậy mới có thể mang được giá trị tốt nhất của sản phẩm ấy đến thị trường.
Ông Thanh nhấn mạnh, trong thời gian qua, do dịch Covid-19, đã ảnh hưởng tới các hoạt động sản xuất và kinh doanh của ngành nông nghiệp cả nước. Bộ NN-PTNT đã có một loạt chính sách, giải pháp nhằm thúc đẩy ứng dụng CNTT, ứng dụng công nghệ số để vẫn duy trì được sản xuất, đặc biệt là liên kết tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân. Điều này đúng với tinh thần của Chính phủ "biến nguy thành cơ," thực hiện được mục tiêu kép vừa phòng dịch, vừa phát triển kinh tế nhờ những giải pháp CNTT.
Để làm tốt vấn đề này, Trung tâm KNQG đã triển khai nhiều kế hoạch. Trong đó, các mô hình được triển khai từ tất cả các vùng miền, từ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, yêu cầu các sản phẩm của mô hình khuyến nông phải có truy xuất nguồn gốc, mã vùng sản xuất...
Cùng với đó, Trung tâm KNQG cũng liên tục tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn cho nông dân, thông qua hoạt động này giúp nông dân nhận biết và hiểu rõ đâu là vùng truy xuất, đâu là vùng sản xuất, đâu là VietGAP, đâu là hữu cơ... Nhờ công nghệ số, nông dân có thể bán sản phẩm từ khi bắt đầu sản xuất chứ không phải lúc thu hoạch xong mới đi tìm kiếm thị trường…
Vì vậy, chương trình tọa đàm là hoạt động triển khai hoạt động thông tin tuyên truyền khuyến nông, với mục đích đẩy mạnh hoạt động ứng dụng CNTT trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; tăng cường công tác truyền thông, phổ biến thông tin, từ đó tạo động lực cho nông dân khai thác và sử dụng CNTT vào thực tiễn sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu, nông dân đã được nghe các chuyên gia chia sẻ về: Tăng cường ứng dụng CNTT trong chuỗi sản xuất nông nghiệp; kinh nghiệm thực tiễn việc đưa CNTT vào phục vụ sản xuất, kinh doanh nông sản cho các HTX/tổ hợp tác vùng cao; giải pháp 4.0 để quản lý tổng thể nông nghiệp...
Trong chương trình thảo luận, các đại biểu đánh giá cao việc ứng dụng CNTT trong tiêu thụ sản phẩm nông sản thời gian qua cũng như các kiến thức về ứng dụng CNTT mà chuyên gia chia sẻ. Một số đại biểu cho rằng, để việc ứng dụng CNTT trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đạt hiệu quả cao hơn, cần sớm xây dựng, hoàn thiện cơ chế pháp lý; các quy chế, quy định, quy trình vận hành hệ thống thu thập thông tin, phân tích và dự báo tình hình thị trường nông sản; thống nhất từ Trung ương đến địa phương, tổ chức doanh nghiệp...
Bên cạnh đó, cần nâng cấp hạ tầng số, thiết bị cho hệ thống thu thập, xử lý, chuyển đổi và lưu trữ; phân tích và dự báo tình hình thị trường nông sản.
Trong giai đoạn hiện nay, CNTT được coi là “chìa khoá” đem đến thành công cho sản xuất nông nghiệp thời kỳ 4.0. Đó là việc áp dụng CNTT trong việc điều tiết nước tưới, cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng với phương pháp điều khiển từ xa bằng điện thoại thông minh hay máy tính.
Người sản xuất có thể vận hành hệ thống tưới mọi lúc, mọi nơi, có thể kết hợp tưới nước với bón phân. Đối với mô hình chăm sóc công nghệ cao, có thể thực hiện giám sát và điều khiển được các thông số như nhiệt độ, độ ẩm tương đối của không khí, ánh sáng, dinh dưỡng...
Qua đó, giúp kiểm soát được lượng phân bón thích hợp theo đúng tỷ lệ, giúp cây trồng sinh trưởng nhanh và tăng năng suất… Với mỗi địa phương, với mỗi cây trồng, vật nuôi có đặc tính khác nhau cần áp dụng quy trình khác nhau nhưng cần dựa trên quy trình gốc.
Bắc Kạn lan tỏa nông nghiệp thông minh
Chương trình tọa đàm do Trung tâm KNQG chủ trì tổ chức tại Bắc Kạn cũng nhằm triển khai hoạt động thông tin tuyên truyền khuyến nông tại tỉnh miền núi này.
Hiện trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có một số mô hình ứng dụng hiệu quả công nghệ cao trong nông nghiệp, điển hình có như HTX Nông nghiệp thanh niên Như Cố, HTX Phúc Ba, HTX Dương Quang, HTX An Thinh, HTX Đại Hà…
Qua buổi toạ đàm, đoàn viên thanh niên là chủ các cơ sở sản xuất kinh doanh, HTX, tổ hợp tác trên địa bàn đã hiểu được tầm quan trọng việc ứng dụng CNTT trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Việc ứng dụng CNTT trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đòi hỏi người vận hành cần chủ động tìm tỏi, học hỏi, nghiên cứu để áp dụng vào thực tiễn có hiệu quả.
Trong giai đoạn 2015 - 2020, ngành nông, lâm nghiệp của tỉnh Bắc Kạn tăng trưởng bình quân 2,4%/năm, bước đầu hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chế biến nông sản, tổ chức sản xuất đã dần chuyển đổi, tạo liên kết trong sản xuất kinh doanh, xây dựng vùng nguyên liệu, đưa sản phẩm nông nghiệp của tỉnh vào các thị trường lớn như Hà Nội và một số mặt hàng đã được xuất khẩu ra thị trường nước ngoài như gỗ, miến dong, mơ, ngô ngọt...
Trong giai đoạn hiện nay, CNTT được coi là “chìa khóa” đem đến thành công cho sản xuất nông nghiệp thời kỳ 4.0. Trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn hiện đã có 22 HTX ứng dụng công nghệ cao theo Quyết định số 738/QĐ-BNN-KHCN của liên Bộ KH-CN, NN-PTNT vào tổ chức sản xuất, quản lý trang trại, góp phần ổn định chất lượng, giảm chi phí, gia tăng giá trị sản phẩm.
Một số đơn vị đã áp dụng được công nghệ cao vào sản xuất rau, quả các loại, với các ứng dụng thiết bị cảm biến và thiết bị thông minh được kết nối, điều khiển bán tự động trong quá trình tưới nước và bón phân trong nhà lưới, nhà màng, hệ thống camera giám sát hoạt động sản xuất... Điển hình như HTX Nông nghiệp Thanh niên Như Cố, HTX Phúc Ba, HTX Dương Quang, HTX An Thịnh, HTX Đại Hà, HTX Nông lâm nghiệp Hoài Anh...
Ngoài ra, còn có HTX trồng cây ăn quả Khuổi Nằn II với hệ thống tưới phun, tưới nhỏ giọt có hệ thống điều khiển tự động và bán tự động.... hay như HTX Nông nghiệp sạch Tân Sơn ứng dụng nhà màng phơi sấy dược liệu bằng năng lượng mặt trời...
Hoạt động KH-CN ứng dụng công nghệ cao cũng được tỉnh Bắc Kạn quan tâm đầu tư đúng mức. Một số dự án đã được thực hiện từ nguồn sự nghiệp khoa học của tỉnh như Dự án “Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau tại TP Bắc Kạn” (2016-2018); Dự án Ứng dụng Công nghệ thông tin trong công tác quản lý và cung cấp thông tin trực tuyến về thời tiết và thiên tai trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn” (2019-2020); Dự án “Xây dựng hệ thống thông tin ngành nông nghiệp, phục vụ công tác quản lý và phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn” (2021-2022). Tổng kết các dự án cơ bản được đánh giá thực hiện đạt từ khá trở lên.
Việc ứng dụng CNTT trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn còn gặp một số khó khăn, do sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún. Việc xây dựng các liên kết sản xuất mới được hình thành, việc đầu tư ứng dụng KH-CN vào sản xuất chưa được các doanh nghiệp, HTX đầu tư đúng mức, do thiếu vốn và hạ tầng công nghệ.
Năng lực, trình độ quản lý trong nội tại HTX nông nghiệp còn hạn chế, chủ yếu hoạt động theo kinh nghiệm, chưa qua đào tạo nên gặp khó khăn trong việc tiếp cận và thực hiện quá trình chuyển đổi số. Năng lực khai thác thông tin, mức độ sẵn sàng ứng dụng và tiếp nhận đổi mới khoa học, kỹ thuật còn rất hạn chế.