| Hotline: 0983.970.780

Bưởi Thái Nguyên bội thu

Thứ Ba 28/01/2025 , 16:26 (GMT+7)

Tay cắt tay hái thoăn thoắt để cho quả bưởi vàng óng, tươi rói vào những thùng carton, người dân nở nụ cười phấn khởi do có một vụ bưởi Tết bội thu.

Người dân phấn khởi khi vườn bưởi có chất lượng tốt, sản lượng nhiều hơn so với mọi năm, cho thu hoạch vào đúng dịp Tết. Ảnh: Hoàng Nguyên.

Người dân phấn khởi khi vườn bưởi có chất lượng tốt, sản lượng nhiều hơn so với mọi năm, cho thu hoạch vào đúng dịp Tết. Ảnh: Hoàng Nguyên.

Phấn khởi vụ bưởi Tết

Những ngày cuối cùng của năm Giáp Thìn, người dân tại các vùng chuyên canh bưởi tại tỉnh Thái Nguyên đang tất bật thu hoạch thành quả sau nhiều ngày tháng chăm sóc vất vả.

Chia sẻ trong niềm phấn khởi khi những quả bưởi Diễn trong vườn đã chuyển màu vàng tươi, nặng từ 0,8 đến 1,2kg, đủ điều kiện xuất bán, ông Nông Ngọc Dương (xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai) cho biết, cây bưởi rất phù hợp với đất đai và khí hậu địa phương nên sinh trưởng phát triển tốt, ít bị sâu bệnh gây hại, quả có mẫu mã đẹp, vị ngọt đậm, đặc biệt quả chín đúng vào dịp Tết nên có giá bán cao. Quả có thể bảo quản trong điều kiện bình thường đến 2 tháng sau khi thu hoạch, người tiêu dùng có thể mua về dùng cho cả dịp Rằm Tháng Giêng nên được thị trường ưa chuộng.

“Với 200 gốc bưởi Diễn, mỗi năm gia đình tôi thu hoạch khoảng từ 9.000-10.000 quả. Năm nay, nhìn chung các nhà trồng bưởi tại xã đã nắm vững quy trình, kỹ thuật chăm sóc nên các vườn bưởi có chất lượng tốt, sản lượng nhiều hơn so với mọi năm, lại cho thu hoạch vào đúng dịp Tết nên ai cũng phấn khởi”, ông Dương cho biết.

Người trồng bưởi nâng niu thành quả sau nhiều tháng ngày dày công chăm sóc. Ảnh: Hoàng Nguyên.

Người trồng bưởi nâng niu thành quả sau nhiều tháng ngày dày công chăm sóc. Ảnh: Hoàng Nguyên.

Theo kinh nghiệm của người dân, để trồng bưởi Diễn có hiệu quả, khâu chăm sóc là quan trọng nhất. Sau khi thu hái, người trồng phải làm cỏ, bón phân chuồng và các phân vô cơ. Thời kỳ cây đậu quả phải bón một đợt phân nữa. Ngoài ra, trong thời kỳ chăm sóc phải chú ý đến các loại sâu bệnh như bệnh nấm gỉ sắt, ruồi vàng và bọ xít nhỏ...

“Khâu tưới nước cho cây sẽ tác động trực tiếp đến việc tạo ra một quả bưởi Diễn ngon. Do độ ẩm ở các vườn khác nhau nên khi chăm sóc phải làm sao để quả bưởi đến tháng 11, 12 âm lịch là bắt đầu cho thu hoạch. Để bảo quản bưởi được lâu, giữ nguyên hương vị thơm ngon, tinh khiết, khi quả vào độ chín nên thu hoạch vào lúc trời nắng đẹp”, người trồng bưởi chia sẻ. 

Xác định cây ăn quả là cây mũi nhọn của địa phương, hiện nay, xã Tràng Xá có 285ha diện tích trồng bưởi, bình quân cho thu nhập từ 100-150 triệu đồng/ha. Do điều kiện thời tiết thuận lợi, không có dịch bệnh hại nên việc chăm sóc cây bưởi khá thuận lợi. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ cũng không gặp nhiều khó khăn như các năm trước nên người dân đang rất kỳ vọng một vụ bưởi Tết khấm khá trong dịp lễ Tết năm nay.

Vườn bưởi VietGAP sai quả, ít sâu bệnh

Là một trong những hộ gia đình tiên phong trồng bưởi tại xã Tiên Hội, huyện Đại Từ, gia đình ông Lương An Hưng bắt tay vào trồng bưởi đến nay đã được 18 năm. Trước đây, nguồn thu nhập chính của gia đình ông đến từ trồng chè kết hợp trồng vải nhưng năng suất chưa cao.

Trồng bưởi mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân. Ảnh: Hoàng Nguyên.

Trồng bưởi mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân. Ảnh: Hoàng Nguyên.

“Nhận thấy giống bưởi Diễn và bưởi Phúc Trạch cho quả thơm ngọt, được thị trường ưa chuộng nên từ năm 2006, gia đình tôi đã quyết định chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng bưởi. Trên diện tích đất 1ha, tôi đã trồng 300 cây bưởi Phúc Trạch và bưởi Diễn”, ông Hưng cho hay.

Năm 2013, gia đình ông Hưng tham gia vào HTX Tiên Trường 3 và bắt đầu trồng bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP. Do quy trình chăm sóc cây bưởi thường ngày không sử dụng quá nhiều phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học nên khi chuyển sang quy trình mới, người dân không gặp nhiều khó khăn.

Loại phân hữu cơ chủ yếu là đạm cá kết hợp đỗ tương. Sau thời gian trồng thử nghiệm theo phương thức mới, bưởi vẫn sai quả, ít sâu bệnh. Từ đó, toàn bộ diện tích trồng bưởi của người dân đã được chăm sóc theo hướng hữu cơ.

“So với cây chè, là thế mạnh của Thái Nguyên, trồng bưởi lại mang đến cho gia đình tôi giá trị kinh tế cao hơn, công chăm sóc cũng ít hơn. Thời gian từ lúc trồng đến khi thu hoạch là khoảng 3 năm. Ngoài ưu điểm là thơm ngon không kém bưởi Diễn nguyên gốc, quả bưởi Tiên Hội còn có thể bảo quản được khá lâu mà không ảnh hưởng đến chất lượng. Với giá bán 15.000-20.000 đồng/quả, mỗi năm gia đình tôi có nguồn thu nhập trung bình khoảng 200-300 triệu đồng”, ông Hưng chia sẻ.

Những quả bưởi vàng ươm sẵn sàng phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ. Ảnh: Hoàng Nguyên.

Những quả bưởi vàng ươm sẵn sàng phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ. Ảnh: Hoàng Nguyên.

Hiện nay, toàn tỉnh Thái Nguyên có tổng diện tích cây ăn quả ước đạt hơn 13.500ha, trong đó cây bưởi có diện tích gần 2.000ha, năng suất hơn 130 tạ/ha. Các giống bưởi được trồng ở Thái Nguyên chủ yếu là bưởi Diễn, bưởi da xanh, Phúc Trạch, bưởi đỏ Tân Lạc…

Cây bưởi đặc biệt thích hợp với thổ nhưỡng, khí hậu tại các xã Tiên Hội (Đại Từ), Tràng Xá (Võ Nhai) Bảo Lý, Tân Khánh (Phú Bình) Văn Hán (Đồng Hỷ), Linh Sơn (TP. Thái Nguyên), Minh Đức, Phúc Thuận (Phổ Yên).…

Tỉnh Thái Nguyên xác định bưởi là một trong những cây trồng chủ lực, là loại cây ăn quả tiềm năng và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Để giúp bà con tiếp tục duy trì diện tích và nâng cao chất lượng sản phẩm, thời gian qua, tỉnh đã tăng cường công tác hướng dẫn về kỹ thuật chăm sóc, sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, chứng nhận vùng trồng, thành lập HTX; đồng thời đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, đưa các sản phẩm nông sản lên sàn thương mại điện tử, góp phần nâng cao giá trị và thu nhập từ cây trồng cho người dân.

Xem thêm
Lạng Sơn đảm bảo an toàn dịch bệnh khi tái đàn vật nuôi

Lạng Sơn - Khi tái đàn vật nuôi, tỉnh Lạng Sơn đã tập trung triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Long An có 16 ổ dịch tả lợn Châu Phi

Từ đầu năm 2025 đến nay, trên địa bàn tỉnh Long An xảy ra 16 ổ dịch tả lợn châu Phi, dịch bệnh xảy ra trên địa bàn 12 xã, tiêu hủy 509 con lợn.

Không để hết tiền là hết dự án

Nhìn từ dự án tăng cường chuỗi cây trồng an toàn phối hợp cùng JICA, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia gợi mở một số điểm khi xây dựng mô hình sắp tới.

Doanh nghiệp là hạt nhân phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Ninh Thuận Những năm qua, với nhiều chính sách ưu đãi cùng khí hậu rất thích hợp phát triển nông nghiệp công nghệ cao nên hàng loạt doanh nghiệp đã đầu tư vào tỉnh Ninh Thuận.

Công nghệ và chuyển đổi số nông nghiệp chưa bùng nổ

Để ứng dụng nhanh công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp cần nâng cao nhận thức, kỹ năng sử dụng cho nông dân, hợp tác xã.

Tương lai cho nghề cá bền vững: [Bài 3] Quảng Ninh sẵn sàng đón đoàn thanh tra EC

Quảng Ninh đang nỗ lực cùng cả nước chung tay gỡ 'thẻ vàng' IUU, quyết tâm đưa ngành thủy sản của tỉnh nhà phát triển bền vững.

Bàn giao hơn 15.000 cây giống phục hồi rừng

TP. HUẾ Hơn 15.000 cây giống sẽ được trồng để làm giàu rừng bản địa và rừng ngập mặn, qua đó nâng cao nhận thức của người dân trong việc vệ môi trường, bảo vệ rừng.