| Hotline: 0983.970.780

Công nghiệp hóa nông nghiệp còn xa vời

Thứ Sáu 29/11/2013 , 09:38 (GMT+7)

Mức độ cơ giới hóa nông nghiệp có 4 giai đoạn, Việt Nam hiện ở đoạn đầu của giai đoạn hai, mới chế tạo được một ít máy móc đơn giản. Các cơ sở chế tạo máy nông nghiệp của Việt Nam chủ yếu là xưởng cơ khí địa phương nhỏ lẻ, còn rất yếu về kỹ thuật thiết kế và công nghệ chế tạo.

* Tổn thất sau thu hoạch lúa ở ĐBSCL tương đương 20 triệu tấn, mỗi năm mất 13.700 tỷ đồng

Như Báo NNVN thông tin, sáng 27/11, tại tỉnh Đồng Tháp, Bộ KH-CN và Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức hội thảo “Đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp” cho biết, cơ khí nông nghiệp nhiều năm nay mai một nên mục tiêu công nghiệp hóa nông nghiệp còn xa vời.

Đầu tư thấp

Cơ khí nông nghiệp có nhiệm vụ sản xuất ra máy móc thiết bị để cơ giới hóa trong canh tác và hiện đại hóa trong công nghiệp chế biến nông sản. TS Phạm Văn Tấn, PGĐ Phân viện Nông nghiệp & Công nghệ sau thu hoạch tại TP.HCM, cho rằng: “So với thế giới thì trình độ cơ giới hóa nông nghiệp ở Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng còn thấp, chỉ mới ở giai đoạn đầu của sự phát triển”.

Theo đó, mức độ cơ giới hóa nông nghiệp có 4 giai đoạn, Việt Nam hiện ở đoạn đầu của giai đoạn hai, mới chế tạo được một ít máy móc đơn giản.

Các cơ sở chế tạo máy nông nghiệp của Việt Nam chủ yếu là xưởng cơ khí địa phương nhỏ lẻ, còn rất yếu về kỹ thuật thiết kế và công nghệ chế tạo. Do đó, các chi tiết máy chưa được tiêu chuẩn hóa và có chất lượng thấp. Hệ quả là làm tăng chi phí bảo trì, sửa chữa và làm giảm khả năng cạnh tranh của máy móc thiết bị Việt Nam trên thị trường.


Lúa ở ĐBSCL sau khi thu hoạch được chở bằng xe tự chế của nông dân, bị tổn thất lớn

Chỉ xem xét trong sản xuất lúa đã thấy, ở tất cả các khâu từ lúc thu hoạch cho đến khi hoàn thành công đoạn chế biến đều thiếu công nghệ và thiết bị hợp lý, gây ra tổn thất lớn.

Theo TS Tấn, nhiều khâu còn bị đảo lộn trật tự công nghệ trong chuỗi cung ứng sau thu hoạch. Ví dụ, xát ra gạo lứt, đem tồn trữ và vận chuyển mất 1-7 ngày (tùy vụ) đến nơi xát từ gạo lứt ra gạo trắng, đánh bóng, phân loại rồi mới sấy ra gạo trắng. Tình trạng ấy, có lý do ở sự thiếu khả năng quản lý công nghệ, kỹ năng vận hành thiết bị.

Nguyên nhân là khâu đào tạo mà theo PGS.TS Trần Đức Viên, Hiệu trưởng Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội, thì Khoa cơ khí nông nghiệp trong hầu hết các trường ĐH đã bị “dẹp tiệm”, vì ít người theo học. TS Viên chua chát: “Bây giờ muốn tìm sự lạc hậu về cơ khí nông nghiệp thì đến các trường ĐH”.

TS Dương Thái Công băn khoăn, với thực trạng hiện nay, nông nghiệp khó công nghiệp hóa vào năm 2020, vậy làm sao nước ta có thể thành nước công nghiệp vào năm 2020 như mục tiêu đặt ra?

TS Dương Thái Công ở Trường ĐH Công nghệ - Kỹ thuật Cần Thơ, cũng than thở, cơ khí nông nghiệp đang mai một trong các trường ĐH. “Máy móc nông nghiệp chủ yếu nhập ngoại. Ngành cơ khí nông nghiệp thực sự cần nhưng không có người học nên bây giờ không chỉ thiếu nghiên cứu mà còn thiếu cả nhân lực cho cơ giới hóa nông nghiệp”, TS Công nói.

Nhưng nguyên nhân sâu xa, theo TS Phạm Văn Tấn, do đầu tư từ ngân sách cho nông nghiệp quá thấp. Năm 2010, đầu tư cho nông nghiệp chỉ chiếm 6,9% tổng đầu tư từ ngân sách, tương đương 11% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp. Trong khi nông nghiệp đóng góp 21% cho GDP thì đầu tư toàn xã hội cho nông nghiệp chỉ chiếm 2,9% GDP.

Đầu tư từ ngân sách cho nông nghiệp chỉ tương đương 1,4% GDP, tính theo tỷ lệ bằng khoảng 1/10 các nước khác trong khu vực. Bên cạnh, sản xuất nông hộ nhỏ lẻ, manh mún cũng không khuyến khích nghiên cứu, ứng dụng máy móc nông nghiệp.

Tổn thất lớn

TS Phạm Văn Tấn phân tích chuỗi cung ứng lúa gạo ở ĐBSCL, cho biết, vì thiếu cơ khí hóa hợp lý nên hàng năm đang bị tổn thất rất lớn. Có hai “nút thắt” trong chuỗi cung ứng lúa gạo là khâu sấy khô và tồn trữ.

Mỗi năm ĐBSCL sản xuất 23 triệu tấn lúa, nhưng mới chỉ có 38,7% được sấy khô đạt yêu cầu và hệ thống kho tồn trữ cũng mới chứa được khoảng 3,5 triệu tấn, hơn 15% tổng sản lượng. Hệ thống kho lại chủ yếu chứa gạo dạng bao với các nhà kho hai mái (kho hở), còn các bin thép (kho kín) để có thể bảo quản gạo từ 6 đến 12 tháng chỉ chiếm khoảng 15% tổng lượng kho, nên tổn thất trong tồn trữ khá lớn.

Đây là hai khâu then chốt trong chuỗi cung ứng lúa gạo, không đảm bảo kỹ thuật còn gây ra tổn thất lớn cả về số lượng lẫn chất lượng gạo ở các khâu khác.

Về sản lượng, ở khâu sấy khô đang gây ra tổn thất 4,2%, tồn trữ tổn thất 2,6%; còn về chất lượng, lúa gạo ẩm mốc, mối mọt, ố vàng, hư hỏng gây tổn thất cho toàn bộ chuỗi cung ứng. Tính toán của TS Tấn, chỉ riêng về sản lượng, tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch lúa ở ĐBSCL là 13,7%, nếu giá lúa 5.000 đ/kg, và chỉ tính với 20 triệu tấn, một năm mất 13.700 tỷ đồng. Tương đương 652 triệu USD. Còn tổn thất về chất lượng, giá trị hạt gạo thì chưa tính được.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

ABIC Kiên Giang chi trả gần 700 triệu đồng cho khách hàng

Cà Mau Ngày 25/4, ABIC Kiên Giang phối hợp với Agribank Cà Mau chi trả bảo hiểm Bảo an tín dụng cho gia đình 3 khách hàng không may gặp rủi ro khi lao động sản xuất.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm