Dự báo đợt nắng kỷ lục
Mặc dù đã lường trước được những biến đổi bất thường của thời tiết, song các bậc cao niên tại Hà Tĩnh nhìn nhận, chưa có năm nào thời tiết lạnh muộn, nắng sớm như năm nay. Bất thường, cực đoan còn nằm ở chỗ biên độ nhiệt độ thời điểm giao mùa, giữa ngày – đêm chênh lệch lớn khiến hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân đảo lộn, ảnh hưởng.
Chiều 26/4, ông Trần Đức Bá, Giám đốc Đài KTTV Hà Tĩnh cho biết, trong suốt dịp nghỉ lễ 30/4, Hà Tĩnh sẽ trải qua đợt nắng nóng kỷ lục, chưa từng có với nhiệt độ có thể lên đến 43,4 độ C.
“Do ảnh hưởng của vùng áp thấp nóng phía Tây hoạt động mạnh, gió tây nam gây hiệu ứng phơn nên trong các ngày từ 27 – 30/4 toàn tỉnh Hà Tĩnh xảy ra nắng nóng đặc biệt gay gắt. Dự báo nhiệt độ không khí cao nhất trong những ngày này luôn duy trì ở mức 40 – 41 độ C, có nơi có thể còn cao trên 42 độ C.
Riêng ngày hôm nay (26/4) nhiệt độ đo được tại huyện Hương Sơn đã lên con số 41,7 độ C; huyện Hương Khê 41,6 độ C, người dân quay cuồng trong nắng nóng”, ông Bá thông tin.
Ghi nhận tại “chảo lửa” Hương Sơn, từ khoảng 11h đến 16h, hầu hết các tuyến đường vắng như “chùa Bà Đanh”, phương tiện lưu thông trên đường chủ yếu xe tải và xe khách, lượng xe máy và xe đạp rất ít.
“Bây giờ bước chân ra khỏi nhà phải mang thêm 2-3 chiếc áo khoác, bịt kín từ đầu đến chân mới trụ được nắng ”, chị Trần Thị Loan, xã Quang Diệm nói.
Chị Loan là lao động tự do, thường xuyên phải làm việc ngoài trời nên những ngày nắng nóng như dịp này ảnh hưởng rất lớn đến công việc, thu nhập của chị. Rất nhiều hôm, chị phải tranh thủ “ngủ ngày, cày đêm”, với khung làm việc tránh nắng từ 21-23h hoặc 3-4h sáng.
Nhiều người dân khác “giải nhiệt” bằng cách lên rừng tắm suối hoặc đến các bể bơi dịch vụ tại thị trấn Phố Châu.
Một hộ dân kinh doanh dịch vụ ăn uống lại suối Rào Àn, xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn cho biết, khoảng một tuần nay lượng du khách đến Rào Àn tăng nhanh. Bình quân mỗi ngày có khoảng trên dưới 1.000 lượt người đến tắm suối, trải nghiệm du lịch sinh thái. Dự kiến, những ngày tới nắng nóng đúng dịp lễ 30/4, lượng khách sẽ tăng gấp đôi, gấp ba lần ngày thường, nguy cơ quá tải.
“Để đáp ứng nhu cầu “giải nhiệt” của du khách trong dịp lễ và cả mùa hè năm nay, chúng tôi đã xây dựng thêm nhiều lều lợp bằng lá cọ, mua sắm quạt điện, quạt nước. Đồng thời, chỉnh trang vườn hộ đảm bảo vệ sinh môi trường”, chủ hộ kinh doanh nói.
Lo ngại hạn nặng
Theo Đài KTTV Hà Tĩnh, cao điểm của mùa nóng năm nay sẽ kéo dài khoảng 3 tháng, từ tháng 5 đến tháng 7, đặc biệt tháng 6 và tháng 7 dự báo sẽ có nhiều ngày nắng nóng gay gắt, đặc biệt gay gắt. Cũng do tác động của hiện tượng El-Nino nên lượng mưa các tháng mùa hè thấp hơn so với trung bình nhiều năm. Điều này gây ảnh hưởng lớn đến lượng nước cung cấp cho các hồ đập, nguồn nước phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân nói chung, ngành nông nghiệp nói riêng. Đến khoảng tháng 8, trạng thái El-Nino chuyển sang La-Nina, do đó, mưa có khả năng nhiều. Dự báo, lượng mưa của mùa mưa bão năm nay cao hơn so với trung bình nhiều năm.
Ông Trần Đức Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh cho biết, hiện mực nước trên các sông, suối đều đang ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm; mực nước hầu hết các hồ chứa trên địa bàn đang khá cao, đảm bảo nước tưới cho sản xuất và đời sống nên cơ bản chưa xảy ra khô hạn.
Tuy nhiên, mùa hè năm nay, căn cứ vào dự báo của Đài KTTV Hà Tĩnh và diễn biết thời tiết thực tế, nguy cơ thiếu nước cục bộ phục vụ sản xuất lúa hè thu tại các huyện như: Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Kỳ Anh là khó tránh khỏi, nhất là những diện tích đất sản xuất nằm cuối nguồn.
“Để hạn chế thiệt hại do thiếu nước, hạn hán, chính quyền các địa phương cần cập nhật tình hình thời tiết; rà soát, hướng dẫn cụ thể lịch thời vụ, cơ cấu giống, quy trình kỹ thuật chăm sóc đối với cây trồng, vật nuôi phù hợp từng khu vực. Trên cơ sở dự báo về nguồn nước, nguy cơ nắng nóng, hạn hán đưa ra khuyến cáo, hướng dẫn, phổ biến các phương pháp tưới tiên tiến cho người dân áp dụng nhằm đảm bảo sử dụng nước hiệu quả, tiết kiệm”, ông Thịnh nhấn mạnh.
Ngoài ra, các địa phương cần rà soát, xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý để giảm thiểu diện tích sử dụng nước, quan điểm là ưu tiên nguồn nước cho sinh hoạt, chăn nuôi, các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn.