| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 27/09/2018 , 06:25 (GMT+7)

06:25 - 27/09/2018

Công sở có cần đồng phục không?

Dù chỉ mới trình bày để tham khảo ý kiến, nhưng đề án thiết kế mẫu trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND xã, phường, thị trấn trên địa bàn TP.Hà Nội đã khiến dư luận xôn xao.

Một mẫu thiết kế kiến trúc trụ sở UBND xã phường được đưa ra lấy ý kiến. Nguồn: HRAP.

Bởi lẽ hai đơn vị trực tiếp tham gia vào đề án này là Sở Xây dựng Hà Nội và Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội đã tính toán trong giai đoạn 2016-2020 có tổng số 483 trụ sở có thể áp dụng thiết kế mẫu khi đầu tư xây dựng mới. Nghĩa là, nếu không cẩn thận, ngân sách lại phải tiêu tốn một khoản tiền lớn cho ham muốn không bình thường.

Mục tiêu của đề án này đưa ra mẫu kiến trúc chung theo đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn của nhà nước nhằm đảm bảo tính thống nhất về diện mạo các công sở. 483 công sở khi xây dựng mới, dĩ nhiên không thể có diện tích giống nhau, áp dụng một mẫu thiết kế thì khác gì đồng phục cưỡng ép. Nhiều người trong giới kiến trúc sư đã phản đối việc đồng phục cho công sở, cũng là điều dễ hiểu. Bởi lẽ, một sản phẩm kiến trúc không chỉ bảo đảm khoa học về kết cấu mà còn mang nhiều yếu tố thẩm mỹ về tạo hình và màu sắc. Dùng một thiết kế mẫu cho hàng trăm công sở là một hành vi phản kiến trúc. Hơn nữa, mỗi công sở phải gắn bó hài hoà và thân thuộc với môi trường xung quanh. Công sở của một xã nằm giữa ruộng đồng cấy lúa trồng hoa, không thể giống công sở của một phường nằm ngay trong phố cổ trầm tích trăm năm.

Hà Nội có quyền có những đặc thù của một thủ đô, nhưng quá trình tôn tạo hoặc cải tiến hình ảnh đô thị không thể đi ngược lại xu hướng chung của xã hội. Cách đây 2 năm, Hà Nội từng đưa ra đề án quy hoạch các biển hiệu quảng cáo phải đồng bộ theo khuôn mẫu. Kết quả, chỉ mới thực hiện tuyến phố Lê Trọng Tấn đã phải chấp nhận thất bại. Bây giờ, nếu tiếp tục triển khai thiết kế mẫu cho công sở, thì ngoài hệ luỵ lãng phí, cũng có thể dự liệu về những rắc rối phức tạp tiếp theo.

Công sở không giống nhà ở của cư dân. Công sở đôi khi còn gánh vác giá trị biểu tượng cho văn hóa và văn minh của cộng đồng. Thế nhưng, vấn đề xây dựng công sở cũng đang tồn tại nhiều bất cập ở nhiều địa phương. Thành phố lớn thì có công sở to đã đành, mà huyện nghèo vùng sâu vùng xa cũng có công sở rất hoành tráng. Tại một số tỉnh, công sở có chiều dọc chiều ngang lẫn chiều cao như một khối bê tông khổng lồ, mà không ai hiểu công năng của nó để đóng góp gì cho lợi ích quốc kế dân sinh!

Một Chính phủ kiến tạo có cần công sở kiểu đồng phục không? Chắc chắn không! Công sở có thể khác nhau về kiến trúc, nhưng phải giống nhau về phương pháp phục vụ người dân một cách tận tuỵ và hiệu quả, tránh tình trạng “trên nóng dưới lạnh” hoặc “một cửa nhiều khóa”. Hơn nữa, kế hoạch quan trọng nhất hiện nay là hoàn thiện Chính phủ điện tử để thúc đẩy nhanh tốc độ hội nhập quốc tế thời đại công nghiệp 4.0, chứ không phải chuyện công sở có hình thức diêm dúa hay mộc mạc, đẹp hay xấu, vuông hay tròn, xanh hay đỏ…

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm