| Hotline: 0983.970.780

Công tác bảo vệ chất lượng nguồn nước trong hệ thống thủy lợi còn hạn chế

Thứ Sáu 22/11/2019 , 08:33 (GMT+7)

Thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ chất lượng nguồn nước trong hệ thống công trình thủy lợi được triển khai thực hiện, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế.

Chất lượng nước trong công trình thủy lợi hiện đang có xu hướng ô nhiễm cần có đề án tăng cường bảo vệ.

Văn bản quy phạm pháp luật chưa đầy đủ

Theo Tổng cục Thủy lợi, chất lượng nước trong nhiều hệ thống công trình thủy lợi vẫn có xu hướng suy giảm ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, sinh hoạt của nhân dân, kết quả xử lý vi phạm còn thấp, hiệu quả chưa cao.Hệ thống văn bản vẫn chưa đầy đủ, chưa được thực thi triệt để.

Cho đến nay, mặc dù Luật Thủy lợi đã nêu rõ việc quan trắc, dự báo, cảnh báo số lượng, chất lượng nước là một nội dung trong công tác quản lý, khai thác công trình thủy lợi, nhưng vẫn còn thiếu các văn bản quy phạm pháp luật quy định một cách hệ thống và chi tiết về trách nhiệm quan trắc, giám sát số lượng, chất lượng nước trong các hệ thống công trình thủy lợi.

Việc thực thi pháp luật về khai thác, bảo vệ công trình thủy lợi của chính quyền địa phương, các cấp, các ngành, các công ty khai thác công trình thủy lợi còn nhiều hạn chế. Sự phối hợp giữa các ngành, các cấp chính quyền địa phương và các đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi chưa kịp thời, thống nhất, đặc biệt là trong việc xử lý vi phạm.

Chưa quản lý được nguồn xả thải vào công trình thủy lợi khi hiện tồn tại rất nhiều điểm xả thải vào hệ thống công trình thủy lợi nhưng chỉ có một số ít doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đăng ký xin cấp giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi. Nhiều giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi được cấp trước ngày 01/7/2018 đã hết hạn, nhưng chưa hoàn thành việc gia hạn giấy phép.

Việc thu gom, xử lý nước thải, rác thải tại các địa phương chưa đáp ứng yêu cầu, tỷ lệ nước thải sinh hoạt được thu gom và xử lý ở mức thấp, nước thải từ các làng nghề chưa được xử lý một cách hiệu quả. Công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về bảo vệ chất lượng nước trong công trình thủy lợi chưa được các địa phương quan tâm đúng mức. 

Công tác thanh tra, kiểm tra tại các địa phương, vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp trong kiểm tra, xử lý vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi thuộc địa bàn phụ trách còn yếu. Kết quả xử lý vi phạm xả nước thải vào công trình thủy lợi còn thấp, hiệu quả chưa cao.

Hầu hết hệ thống công trình thủy lợi chưa được trang bị các thiết bị quan trắc, giám sát chất lượng nước. Công tác quan trắc, giám sát chất lượng nước của các đơn vị trực tiếp quản lý, khai thác công trình chỉ được thực hiện thủ công và không thường xuyên. Thiếu sự chính sách hỗ trợ, bảo vệ những người tố cáo các hành vi gây ô nhiễm nguồn nước, khen thưởng kịp thời đối với những người có thành tích bảo vệ chất lượng nước trong công trình thủy lợi.

Nạo vét kênh mương thủy lợi.

Nguyên nhân khách quan

Theo Tổng cục Thủy lợi, quá trình phát triển kinh tế xã hội, công nghiệp hóa, đô thị hóa đang diễn ra với tốc độ nhanh trên phạm vi cả nước đã và đang gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến công tác thủy lợi, dẫn đến lượng chất thải, nước thải xả vào các hệ thống công trình thủy lợi ngày càng gia tăng. Điển hình là rác thải, nước thải của các cơ quan, trường học, bệnh viện, cơ sở sản xuất, cá nhân, hộ gia đình chưa qua xử lý xả trực tiếp vào hệ thống công trình thủy lợi xảy ra phổ biến, dẫn đến tình trạng ô nhiễm nguồn nước trầm trọng.

Các hệ thống công trình thủy lợi phần lớn được hình thành, phát triển qua thời gian dài, nằm trong vùng canh tác nông nghiệp, xen lẫn trong đó là các khu dân cư tập trung, các khu công nghiệp và vùng nông thôn. Trong các vùng dân cư tập trung ngoài ruộng canh tác còn có các làng nghề truyền thống. Vì thế khó có thể khoanh vùng, xác định rõ phạm vi chất lượng nước trên các sông, kênh dẫn nước của hệ thống, các nguồn gây ô nhiễm do chất thải của sinh hoạt đô thị, của hoạt động công nghiệp cũng như sản xuất của làng nghề truyền thống.

Việc lạm dụng hóa chất, thuốc trừ sâu trong sản xuất nông nghiệp là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước. Bên cạnh đó, do tập quán sống ven kênh rạch của dân cư, đặc biệt là người dân ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, các chất thải từ hoạt động sản xuất, sinh hoạt không được xử lý mà xả trực tiếp vào hệ thống công trình thủy lợi.

Có sự không rõ ràng, chồng lấn về chức năng nhiệm vụ giữa các cơ quan quản lý nhà nước về cấp phép xả nước thải vào công trình thủy lợi. Thời gian trước khi Luật Thủy lợi có hiệu lực (từ ngày 01/7/2018), việc cấp phép xả nước thải vào môi trường tại hầu hết các địa phương, kể cả xả nước thải vào công trình thủy lợi, được UBND tỉnh giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì thực hiện, vai trò của các Sở NN-PTNT, các đơn vị trực tiếp quản lý, khai thác công trình thủy lợi chưa được phát huy đúng mức.

Bên cạnh đó, tình trạng thiếu hụt nguồn nước, mực nước mùa kiệt trên nhiều hệ thống sông có xu hướng giảm rõ rệt trong những năm gần đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cho ô nhiễm thêm trầm trọng.

Xây dựng hệ thống kênh mương thủy lợi.

Nguyên nhân chủ quan

Về nguyên nhân chủ quan, Tổng cục Thủy lợi tổng kết và cho rằng, công tác quản lý khai thác gắn với bảo vệ chất lượng nước chưa được quan tâm đúng mức. Chưa hoàn thành nhiệm vụ của công tác bảo vệ chất lượng nước trong hệ thống công trình thủy lợi, mới dừng lại ở mức độ quản lý khai thác công trình.

Hệ thống chế tài chưa đủ mạnh. Hình thức xử lý vi phạm trong thời qua chủ yếu là lập biên bản, nhắc nhở và phạt cảnh cáo, xử phạt, thiếu biện pháp xử lý mạnh như cưỡng chế, thu hồi, xử lý hình sự.

Thiếu sự phối hợp thống nhất, đồng bộ giữa các ngành, chính quyền địa phương và đơn vị quản lý trong kiểm tra, cấp giấy phép xả nước thải. Công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật, đặc biệt là việc bảo vệ chất lượng nước chưa được các địa phương quan tâm đúng mức.

Ngoài những nguyên nhân trên còn có những nguyên nhân khác khiến chất lượng nước trong công trình thủy lợi suy giảm như: Chưa có qui trình vận hành các cống xả thải để giảm thiểu ô nhiễm nước. Quy trình vận hành hệ thống chủ yếu phục vụ tưới tiêu và thường được xây dựng cho các công trình đầu mối và hệ thống sông trục chính, chưa tính đến vận hành các công trình tiêu nước thải để giảm thiểu ô nhiễm.

Nhiều công trình được xây dựng đã lâu, qua thời gian dài sử dụng đã bị xuống cấp do thiếu kinh phí duy tu, bảo dưỡng, nhiều đoạn kênh, sông bị bồi lắng làm hạn chế khả năng dẫn nước, hệ thống thủy lợi chung đường cấp và thoát nước, thiếu dòng chảy môi trường...

Từ thực trạng trên, theo tinh thần của Luật Thủy lợi, việc Tổng cục Thủy lợi xây dựng “Đề án tăng cường bảo vệ chất lượng nước trong công trình thủy lợi do Bộ NN-PTNT quản lý” là rất cần thiết và cấp bách.

Xem thêm
Ông Trịnh Văn Bình làm Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hà Giang

Ngày 4/11, UBND tỉnh Hà Giang đã công bố quyết định bổ nhiệm ông Trịnh Văn Bình, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản làm Phó Giám đốc Sở NN-PTNT.

Hà Lan tiếp tục hỗ trợ quản lý nước, rủi ro về nước vùng ĐBSCL

Chiều 4/11, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp tiếp và làm việc với bà Meike van Ginneken, Đặc phái viên về nước của Hà Lan. 

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.