| Hotline: 0983.970.780

Công trình chống xâm nhập mặn thiếu đồng bộ, lúa đông xuân không chết cũng ngắc ngoải

Thứ Năm 14/03/2024 , 10:42 (GMT+7)

Quảng Trị Công trình chống xâm nhập mặn đầu tư thiếu đồng bộ khiến trên 100ha lúa của người dân xã Triệu Vân bị ảnh hưởng, trong đó có 50ha lúa đã chết.

Hạn mặn đến hẹn lại lên

Vụ đông xuân năm nay, bà Lê Thị Hiền tại đội 3, thôn 9, xã Triệu Vân, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị gieo 3 sào lúa (1.500m2). Tuy nhiên, lúa nảy mầm được 10 - 15 ngày thì thủy triều lên cao, xâm nhập vào cánh đồng khiến 2 sào bị chết trắng.

Sau vài lần gieo đi gieo lại nhưng không hiệu quả, bà Hiền phải đi mua mạ về cấy. Thế nhưng, không phải ai cũng may mắn như bà Hiền, có thể mua được mạ. Nhiều thửa ruộng đã phải bỏ hoang, cỏ cũng không mọc nổi.

Nhiều thửa ruộng đã gieo đi gieo lại nhưng cây lúa không phát triển được, phải bỏ hoang. Ảnh: Võ Dũng.

Nhiều thửa ruộng đã gieo đi gieo lại nhưng cây lúa không phát triển được, phải bỏ hoang. Ảnh: Võ Dũng.

“Tôi mua mạ về cấy gần đủ 2 sào rồi nhưng không biết có phát triển được không! Nhiều hộ phải bỏ hoang vì gieo và cấy dặm đều không được. Năm nay, mặn xâm nhập sớm và khốc liệt hơn những năm trước khiến người dân đứng ngồi không yên, không biết lấy gì ăn trong những ngày tới vì ở đây chỉ sản xuất được 1 vụ lúa”, bà Hiền than thở.

Bài liên quan

Theo quan sát của phóng viên, không chỉ cánh đồng đội 3 mà cánh đồng đội 4 thuộc thôn 9 và các thôn 7, 8 cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Nhiều thửa ruộng bị chết trắng, không còn một cây lúa. Những thửa ruộng vàn cao, ít ảnh hưởng của nước mặn hơn nhưng cây lúa cũng ngắc ngoải, lá úa và khô dần, rễ không thể phát triển.

Bà Đặng Thị Thai, thôn 8, xã Triệu Vân vừa phá bỏ một phần diện tích lúa bị chết để chuyển sang trồng khoai lang. Theo bà Thai, gần như năm nào xâm nhập mặn cũng ghé thăm cánh đồng thôn 8 và thường xuất hiện vào dịp cuối năm kéo đến tháng 3, tháng 4 năm sau. Đây cũng là thời điểm lúa đông xuân vừa được gieo cấy, chuyển sang thời kỳ đẻ nhánh, làm đòng. Tuy nhiên, thời điểm này những năm trước, mức độ xâm nhập mặn không khốc liệt như năm nay.

Gia đình bà Lê Thị Hiền đã phải đi mua mạ về cấy lại 2 sào lúa bị chết trắng. Ảnh: Võ Dũng.

Gia đình bà Lê Thị Hiền đã phải đi mua mạ về cấy lại 2 sào lúa bị chết trắng. Ảnh: Võ Dũng.

Năm nay, bà gieo 5 sào lúa thì hiện đã có 4 sào bị chết, một phần diện tích chuyển sang trồng khoai lang. Tuy nhiên, cây khoai lang cũng không chịu nổi mặn nên dù đã trồng gần nửa tháng nay vẫn chưa bén rễ.

Những năm trước, vào thời điểm này, diện tích lúa bị ảnh hưởng vì nhiễm mặn tại xã Triệu Vân chỉ khoảng 80ha. Tỷ lệ lúa chết những năm trước không cao. Tuy nhiên, vụ đông xuân 2023 - 2024, toàn xã đã có trên 100ha lúa bị ảnh hưởng, trong đó có 50ha bị chết với tỷ lệ cao. Chính quyền địa phương dù lo lắng nhưng lực bất tòng tâm.

Gia đình bà Bà Đặng Thị Thai cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Ảnh: Võ Dũng.

Gia đình bà Bà Đặng Thị Thai cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Ảnh: Võ Dũng.

“Toàn xã có hơn 100ha lúa bị ảnh hưởng, trong đó có 50ha bị chết và gần như sẽ mất trắng. Chúng tôi khuyến cáo bà con, nếu lúa chết với tỷ lệ thấp thì cấy dặm lại, tăng cường chăm bón để kích thích cây lúa phát triển. Những diện tích bị chết trắng thì cần chuyển sang các loại cây trồng khác như khoai lang, dưa gang và các loại hoa màu khác”, ông Hồ Thiện Thành, công chức địa chính – nông nghiệp xã Triệu Vân cho hay.

Ngóng chờ công trình chống xâm nhập mặn

Nông dân phải chuyển sang trồng khoai lang nhưng cũng không mấy khả quan. Ảnh: Võ Dũng.

Nông dân phải chuyển sang trồng khoai lang nhưng cũng không mấy khả quan. Ảnh: Võ Dũng.

Cũng theo ông Hồ Thiện Thành, Xu hướng thủy triều ngày càng dâng cao. Triệu Vân hiện chưa có hệ thống thủy lợi tưới tiêu chủ động. Địa hình thấp lại gần biển, hệ thống van ngăn mặn, giữ ngọt chưa được đầu tư đồng bộ nên ngăn được chỗ này thì nước mặn tràn qua chỗ khác, xâm nhập ngày càng sâu vào đất canh tác của người dân.

Người dân Triệu Vân dùng bao tải chứa cát để ngăn mặn nhưng không mấy hiệu quả. Ảnh: Võ Dũng.

Người dân Triệu Vân dùng bao tải chứa cát để ngăn mặn nhưng không mấy hiệu quả. Ảnh: Võ Dũng.

Ông Thành dẫn chúng tôi đi xem tuyến đê ngăn mặn được xây dựng cách đây vài năm và cho biết thêm, công trình này có van đóng mở và hoạt động hiệu quả. Từ khi công trình vận hành, đội 1, 2 thuộc thôn 9 đã giảm được tình trạng xâm nhập mặn nên năng suất lúa nâng lên đáng kể. Tuy nhiên, đội 1, 2 của thôn 9 được hưởng lợi thì các thôn khác trong xã lại đối mặt với tình hình xâm nhập mặn ngày càng khốc liệt hơn.

Theo quan sát của phóng viên, tuyến đê đi qua các cánh đồng của đội 3, 4 thôn 9 và các thôn 7, 8 vừa thấp, cống ngăn mặn lại không có van đóng mở. Vì vậy, mỗi khi mặn xâm nhập, người dân ở đây lại phải đóng bao tải cát để ngăn. Tuy nhiên, nước vẫn thẩm thấu qua các bao tải cát; nhiều thời điểm, nước vượt các bao tải cát này và xâm nhập vào các cánh đồng.

Đại diện phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Triệu Phong cho biết, địa phương này có một số xã bãi ngang hàng năm đều chịu ảnh hưởng của hạn mặn như Triệu Vân, Triệu An, Triệu Giang, Triệu Thượng, Triệu Độ, Triệu Phước… với tổng tiện tích từ 150 - 200ha. Tuy nhiên, đến thời điểm này, xã Triệu Vân là địa phương đầu tiên trong toàn huyện chịu ảnh hưởng của hạn mặn.

Cống ngăn mặn duy nhất tại xã Triệu Giang chỉ giúp cho khoảng 40ha lúa giảm nguy cơ xâm nhập mặn. Ảnh: Võ Dũng.

Cống ngăn mặn duy nhất tại xã Triệu Giang chỉ giúp cho khoảng 40ha lúa giảm nguy cơ xâm nhập mặn. Ảnh: Võ Dũng.

Xã Triệu Vân không có hệ thống thủy lợi tưới tiêu chủ động; hệ thống đê ngăn mặn, giữ ngọt đầu tư không đồng bộ. Gần 150ha lúa sản xuất 1 vụ và toàn bộ diện tích hoa màu phụ thuộc vào trời và nước tự chảy. Vì thế, 100% diện tích đất lúa vụ hè thu phải chuyển sang trồng hoa màu nhưng năng suất và hiệu quả kinh tế thấp. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến đời sống kinh tế của hàng nghìn hộ dân.

Xem thêm
Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn, Vĩnh Long có vi phạm, khuyết điểm

Đó là kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, sau Kỳ họp thứ 52, tổ chức từ ngày 9 đến 11/12, do ông Trần Cẩm Tú chủ trì tại Hà Nội

Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Cá 'quý tộc' sống khỏe trên rẻo cao

Các hộ nuôi các nước lạnh tại Sa Pa không quản khó khăn, vẫn miệt mài tìm hướng đi mới cho dòng sản phẩm không phải nơi nào cũng có.