Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 12/3, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp làm trưởng đoàn công tác của Bộ NN-PTNT kiểm tra công tác ứng phó với hạn mặn mùa khô năm 2023 - 2024 tại tỉnh Bến Tre và Tiền Giang.
Hiệu quả điều tiết mặn - ngọt từ những công trình
Tại Bến Tre, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đã đến kiểm tra công trình cống ngăn mặn Tân Phú tại thượng nguồn sông Ba Lai (thuộc xã Tân Phú, huyện Châu Thành). Đây là 1/8 công trình cống ngăn mặn thuộc dự án quản lý nước Bến Tre sử dụng vốn vay Chính phủ Nhật Bản (JICA-3).
Công trình vừa được xây dựng hoàn thành đi vào vận hành cùng với cống Bến Rớ (thượng nguồn sông Ba Lai, thuộc xã Tiên Long) giúp ngăn nước mặn từ sông Tiền và sông Hàm Luông vào sông Ba Lai, cung cấp nước ngọt cho hàng chục nghìn ha diện tích trồng cây ăn trái sầu riêng, chôm chôm… của các xã thượng nguồn sông Ba Lai của huyện Châu Thành.
Tại Tiền Giang, Thứ trưởng đã đến kiểm tra tiến độ thi công công trình cống âu Nguyễn Tấn Thành. Đến nay, công trình này đã thi công được hơn 80% khối lượng hợp đồng. Nhà thầu đã hoàn thành tháp van, dầm van, buồng âu 3 và lắp đặt hệ thống cửa van cống để bắt đầu ngăn mặn từ ngày 1/3/2024. Các công việc còn lại đang được đẩy nhanh tiến độ và phấn đấu hoàn thành trong tháng 8 năm nay.
Đây là hai trong số nhiều công trình thủy lợi mà Bộ NN-PTNT đầu tư cho các tỉnh ĐBSCL. Qua đó, phát huy hiệu quả điều tiết nguồn nước bảo vệ sản xuất, ổn định đời sống nhân dân.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, năm nay, tình hình hạn mặn tại ĐBSCL được các cơ quan chuyên môn của Bộ dự báo cao hơn trung bình nhiều năm. Nước mặn xâm nhập sâu hơn trung bình chung nhiều năm từ 5 - 15km tuy nhiên vẫn thấp hơn đợt hạn mặn mùa khô 2019 - 2020 khoảng 10 - 15km.
Qua kiểm tra và làm việc với lãnh đạo các địa phương, Thứ trưởng đánh giá các tỉnh ĐBSCL đã có kinh nghiệm trong ứng phó với hạn mặn, chỉ đạo rất sát với dự báo và chuẩn bị kế hoạch ứng phó từ rất sớm, không để bị động bất ngờ.
Toàn bộ diện tích lúa đông xuân của vùng khoảng 1,5 triệu ha đã được xuống giống trước một tháng, đến nay đã thu hoạch hơn 600.000ha, số còn lại cơ bản không bị hạn mặn ảnh hưởng. Tuy nhiên, qua rà soát vẫn còn có khoảng 20.000ha bị ảnh hưởng, chủ yếu tại hai tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng. Diện tích này nằm ngoài vùng khuyến cáo và do bà con xuống giống muộn.
Đối với các vùng chuyên canh cây ăn trái, được người dân và chính quyền chủ động các giải pháp đề phòng, đang được bảo đảm tuyệt đối. Ngoài ra, sản xuất thủy sản, công nghiệp đang được diễn ra bình thường, chưa bị ảnh hưởng.
Tuy vậy, đối với vấn đề nước sinh hoạt cho người dân vẫn còn có một số vùng chưa đảm bảo, có khả năng bị ảnh hưởng. Qua rà soát, toàn vùng có khoảng 30.000 hộ dân bị ảnh hưởng nước sinh hoạt, chủ yếu đến từ các nhà máy nước tập trung. Ngoài ra, còn khoảng 10.000 hộ nhỏ lẻ, phân tán cũng đang bị ảnh hưởng về nước sinh hoạt.
Cũng theo Thứ trưởng, đây là thời điểm hạn mặn cao nhất của năm nay. Và ĐBSCL sẽ còn đối mặt với hai đợt hạn mặn nữa, vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng được dự báo sẽ thấp hơn đợt cao điểm từ ngày 10 - 13/3 này khá nhiều.
Trên bình diện chung, Thứ trưởng nhận xét: “Đến thời điểm này, đối với các giải pháp công trình, phi công trình trong phòng chống hạn mặn Bộ NN-PTNT cũng như các bộ, ngành địa phương đang thực hiện rất đúng các chỉ đạo trong công điện của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Trong đó, giải pháp phi công trình, với vụ đông xuân, Bộ đã chỉ đạo đẩy lịch xuống giống sớm hơn một tháng. Để đảm bảo cho ứng phó tốt với hạn mặn như ngày hôm nay, các địa phương đã rà soát đánh giá khả năng thiếu nước đến từng hộ gia đình, từng mảnh vườn”.
Chính vì thế, giải pháp trữ nước không tập trung năm nay được Thứ trưởng đánh giá rất cao. Đến giờ này, ứng phó hạn mặn thành công được là nhờ giải pháp trữ nước không tập trung đối với nước sinh hoạt lẫn sản xuất.
Bên cạnh đó, vấn đề công trình hiện nay đã phát huy hiệu quả. Thứ trưởng lấy ví dụ là công trình cống ngăn mặn trữ ngọt Cái Lớn - Cái Bé, ngoài ra, còn có một loạt cống điều hòa mặn ngọt tại ĐBSCL do Bộ NN-PTNT đầu tư cũng phát huy hiệu quả cao.
“Điển hình như tại tỉnh Bến Tre, các công trình đã hỗ trợ ngăn mặn đảm bảo nước sản xuất cho tỉnh so với hạn mặn 2019 - 2020 là hơn 30.000ha, chiếm đáng kể trong diện tích sản xuất nông nghiệp của tỉnh”, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá.
Ổn định nguồn nước cho tỉnh Bến Tre vào năm 2027
Cùng với Cà Mau, Bến Tre là địa phương bị ảnh hưởng bởi hạn mặn khốc liệt nhất vùng ĐBSCL. Ông Bùi Văn Thắm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre cho biết, từ ngày 8 - 11/3, độ mặn 4‰ xâm nhập cách các cửa sông chính của tỉnh khoảng 52 - 64km, độ mặn 1‰ xâm nhập cách các cửa sông chính khoảng 70 - 79km. Xâm nhập mặn đến sớm, sâu và kéo dài hơn so với trung bình nhiều năm và xấp xỉ mùa khô năm 2015 - 2016.
Cũng theo ông Bùi Văn Thắm, chủ động ứng phó với hạn mặn, các ngành, các cấp trong tỉnh đã có phương án cụ thể. Nhất là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, doanh nghiệp tích cực trữ nước mưa, nước ngọt bằng nhiều hình thức như ngăn chứa nước trong ao hồ, mương vườn và đắp đập cục bộ từng khu vực…
Bên cạnh đó, được sự đầu tư của trung ương, đến nay tại tỉnh Bến Tre có nhiều dự án, công trình thủy lợi sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả tốt. Đối với sản xuất nông nghiệp, Bến Tre đã có hơn 7.700ha lúa đông xuân thoát hạn mặn cho năng suất khá (6 tấn/ha), hơn 79.000ha cây dừa, gần 24.000ha cây ăn trái khác đang phát triển tốt chưa bị thiệt hại do hạn mặn.
Tuy nhiên, vấn đề nước sinh hoạt mùa khô ở tỉnh Bến Tre hiện gặp khó do nguồn nước thô của nhiều nhà máy nước đã bị nhiễm mặn. Hiện, tỉnh Bến Tre có 67 nhà máy cấp nước sạch đang hoạt động, với tổng công suất khoảng 250.000 m³/ngày đêm, chủ yếu khai thác từ nguồn nước mặt tại chỗ để xử lý. Số liệu đo đạc cho thấy, độ mặn nước sau xử lý tại khu vực huyện Ba Tri dao động từ 0,1 – 2,4‰, khu vực huyện Mỏ Cày Nam dao động từ 0,2 – 4,0‰, khu vực huyện Châu Thành dao động từ 0,1 – 1,3‰…
Ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết thêm, hiện nay, hệ thống thủy lợi bắc và nam Bến Tre đầu tư còn dở dang và Dự án quản lý nước (JICA3) đang trong giai đoạn triển khai… Do đó, tỉnh chưa thể chủ động kiểm soát hoàn toàn được nguồn nước ngọt trong tình huống xâm nhập mặn diễn biến gay gắt.
Về lâu dài, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre kiến nghị Bộ NN-PTNT sớm triển khai các cống còn lại thuộc dự án Quản lý nước Bến Tre (JICA-3) gồm: Cống âu thuyền An Hóa, cống Bến Tre, cống Thủ Cửu, cống Cái Quao… và các cống còn lại của dự án thủy lợi nam và bắc Bến Tre.
Đồng thời, ông cũng đề nghị Bộ NN-PTNT nghiên cứu xây dựng cống ngăn mặn tại cửa sông Hàm Luông kết hợp với cầu Hàm Luông trên tuyến đường bộ ven biển ngăn nước mặn xâm nhập vào cửa sông này vào nội đồng.
Tại buổi làm việc với các đại biểu của tỉnh Bến Tre, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp chia sẻ những khó khăn mà tỉnh Bến Tre đang đối mặt, nhất là vấn đề nguồn nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất đang khan hiếm. Ông đánh giá những giải pháp phi công trình được tỉnh thực hiện khá tốt.
Đối với các công trình đang triển khai tại địa phương, Thứ trưởng cũng cho biết, Bộ NN-PTNT sẽ đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình biến đổi khí hậu do Bộ đầu tư, ngoài ra, nghiên cứu dự án tiền khả thi cống âu ngăn mặn tại sông Hàm Luông.
“Hiện nay, đang có một loạt các dự án mà chúng tôi đang làm với Bến Tre. Dự án JICA 3 đang chậm mất 2 năm so với dự kiến ban đầu. Và chúng tôi cam kết cùng với Bến Tre năm 2026 cơ bản hoàn thành JICA3, như vậy toàn bộ bắc Bến Tre có thể ổn.
Đối với nam Bến Tre thì sẽ dùng vốn đầu tư công trung hạn và xin ý kiến của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để đầu tư cho nam Bến Tre khoảng hơn 2.000 tỷ nữa. Dự kiến đến năm 2027 cơ bản toàn bộ tỉnh Bến Tre đảm bảo được ổn định nguồn nước cho sản xuất và sinh hoạt”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết thêm.
Cùng với các giải pháp công trình lẫn phi công trình, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị các địa phương ĐBSCL bám sát công điện chỉ đạo của Chính phủ về nguyên tắc: “Không được để hộ dân thiếu nước sinh hoạt, không được để không có nước cho sản xuất công nghiệp, không được để ảnh hưởng đến vùng sản xuất cây ăn trái trọng điểm, diện tích nuôi trồng thủy sản. Những công trình đang làm phải đẩy nhanh tiến độ”.