| Hotline: 0983.970.780

Cánh đồng đổi vận quanh con đê ngăn mặn

Thứ Sáu 14/04/2023 , 11:54 (GMT+7)

Khi đê ngăn mặn được bàn giao đưa vào sử dụng, nhiều hộ dân xã Triệu Vân được hưởng lợi nhưng không ít hộ bị ảnh hưởng do xâm nhập mặn nghiêm trọng hơn.

Cầu được, ước thấy

Từ bao đời nay, người dân xã Triệu Vân (huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) luôn phải đối mặt với tình trạng xâm nhập mặn. Gần 140ha lúa và nhiều diện tích hoa màu của địa phương này chỉ cách bờ biển chưa đến 1km. Chính vì thế, ngay từ đầu vụ xuân, nhiều diện tích lúa đã phải gieo trồng lại do nhiễm mặn.

Empty

Đê ngăn mặn được xây dựng đã giúp nhiều hộ dân yên tâm sản xuất trong điều kiện biến đổi khí hậu. Ảnh: Võ Dũng.

Đất bị nhiễm mặn khiến lúa đầu vụ bị chết. Nhiều hộ gieo lại nhưng vẫn kém phát triển. Đã thế, khi thủy triều dâng cao, lúa đã đứng cái làm đòng cũng chết hàng loạt. Năm 2019, thôn 9 có 8ha lúa xuân mất trắng, nhiều diện tích bị ảnh hưởng nặng nề, năng suất giảm thê thảm.

Triệu Vân không có hệ thống thủy lợi, toàn bộ diện tích lúa và hoa màu phụ thuộc vào trời và nước tự chảy. Vì thế, 100% diện tích đất lúa vụ hè thu phải chuyển sang trồng hoa màu nhưng năng suất và hiệu quả kinh tế thấp do không có nước tưới.

Bài liên quan

Sống phụ thuộc gần như hoàn toàn vào sản xuất nông nghiệp nhưng thường xuyên đối mặt với hạn hán, xâm nhập mặn, hàng nghìn hộ dân thuộc 4 thôn của xã Triệu Vân quanh năm đối diện với đói nghèo, túng thiếu.

“Những năm trước, đất nhiễm mặn, lúa, hoa màu mất mùa là chuyện thường tình. Lúa đứng cái làm đòng rồi cũng gặp xâm nhập mặn. Khi đó, gần như toàn bộ cánh đồng thôn 9 chỉ còn rạ. Năng suất lúa bình quân những năm được mùa ở đây chỉ đạt 43 - 44 tạ/ha. Năm mất mùa có khi chỉ còn 20 - 25 tạ/ha”, ông Đinh Minh Tiến, trưởng thôn 9, xã Triệu Vân chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Lâm, Chủ tịch UBND xã Triệu Vân cho biết thêm, toàn xã có 140ha lúa thì có tới 100ha bị xâm nhập mặn ở các mức độ khác nhau, khốc liệt nhất là vào tháng 12 âm lịch hàng năm, trùng với thời điểm người dân gieo cấy lúa đông xuân. Đến đầu năm mới, xâm nhập mặn lại tiếp tục xuất hiện. Chỉ trong 1 vụ lúa, có những năm xâm nhập mặn diễn ra 3 - 4 lần khiến năng suất lúa không thể nào tăng nổi.

“Xâm nhập mặn ngày càng khốc liệt và diễn biến bất thường. Một vùng quê sống thuần nông như Triệu Vân tất nhiên bị ảnh hưởng rất nặng nề. Mọi nỗ lực chống xâm nhập mặn của người dân và chính quyền địa phương gần như không đem lại hiệu quả”, ông Lâm cho hay.

Nhưng đó là câu chuyện của 2 năm về trước.

Trước tình trạng xâm nhập mặn ngày càng khốc liệt, năm 2021, một dự án đê ngăn mặn đi qua cánh đồng các đội 1, 2 của thôn 9, xã Triệu Vân được xây dựng với tổng mức đầu tư 2,8 tỷ đồng. Đê dài 300m, gồm 3 cống đóng mở có chức năng ngăn mặn và giữ ngọt. Đê được xây dựng đã giúp trên 40ha lúa và nhiều diện tích hoa màu của người dân đội 1,2 phát triển xanh tốt, năng suất tăng lên rõ rệt.

Empty

Năng suất cánh đồng lúa đội 1,2 thôn 9, xã Triệu Vân đã tăng lên đáng kể sau khi có đê ngăn mặn. Ảnh: Tâm Phùng.

Ngay sau kè được bàn giao và đưa vào sử dụng, vụ xuân 2022, năng suất lúa đội 1, 2 của thôn 9 tăng lên 50 tạ/ha. Vụ hè thu, do giữ được nước ngọt trên cánh đồng, ngăn chặn xâm nhập mặn nên năng suất hoa màu tăng lên đáng kể.

“Nhà tôi có 4 sào lúa ở đội 2. Do không còn bị xâm nhập mặn như trước nữa nên năng suất đã đạt 2,5 tạ/sào (50 tạ/ha – PV). Toàn bộ diện tích trên, vụ hè thu tôi chuyển sang trồng màu năng suất và hiệu quả cũng cao hơn hẳn”, ông Hoàng Văn Đô, một người dân thôn 9 phấn khởi.

Kẻ cười, người khóc

Nhưng niềm vui của người này có khi lại là nỗi lo của người khác. Ấy là nỗi buồn của người dân đội 3,4 thôn 9.

Cánh đồng của người dân đội 3 và đội 4 nằm sát cánh đồng của đội 1, 2. Trước đây, mỗi khi thủy triều lên, dòng nước mặn từ dưới biển được chia đều cho các cánh đồng của thôn 9 thì nay bị ngăn lại trước cánh đồng đội 1,2.

Nước mặn bị ép, dồn sang cánh đồng đội 3, 4. Vì thế, dù người dân ở đây đã nỗ lực dùng cách truyền thống là đóng bao tải đất để ngăn mặn ở các cửa cống ra vào thì nước mặn vẫn xâm nhập với mức độ nghiêm trọng hơn khi chưa có đê ngăn mặn. Tình trạng này khiến các hộ dân đội 3, 4 của thôn 9 hết sức lo lắng.

Empty

Tình trạng xâm nhập mặn trên cánh đồng thuộc đội 3, 4 xã Triệu Vân ngày càng khốc liệt hơn. Ảnh: Võ Dũng.

Mới đầu tháng 4 nhưng cánh đồng lúa của người dân đội 3, 4 đã bị xâm nhập mặn. Ông Hồ Hồng Hạnh, một nông dân đội 3 đang tư lự trước 5 sào lúa vừa bị mặn xâm nhập. Nhiều khoảnh lúa đã chết khô. Số còn lại còi cọc, lá vàng úa, kém phát triển. Những thửa ruộng đang thì con gái, trông còn có màu xanh nhưng rễ đã thâm đen. Nhiều chân ruộng chỉ còn xâm xấp nước. Càng nắng, lúa chết càng nhiều. Nắng càng gay gắt, lòng người nông dân đội 3, 4 càng héo hắt. Nhiều thửa ruộng đã chỉ còn lại cỏ dại.

Nhìn sang phía cánh đồng đội 1,2 xanh tốt, ông Hạnh lại ao ước.

“Những năm trước, cánh đồng này năng suất cũng không đến nỗi tệ. Nhưng từ năm 2022 đến nay, không hiểu sao mặn xâm nhập nhiều hơn, lúa chết nhiều hơn, nhiều sâu bệnh hơn, năng suất thấp không tưởng. Đến vụ hè thu, trồng hoa màu cũng không còn năng suất như những năm trước. Toàn đội 3 có 15ha lúa ở cánh đồng này thì hầu hết thửa ruộng nào cũng có lúa bị chết. Có thửa chết cháy gần sạch. Tôi nghĩ, đê ngăn mặn đem lại hiệu quả cho cánh đồng đội 1,2 nhưng nó cũng vô tình khiến dòng nước nghiêng về các cánh đồng của đội 3, 4. Đó là điều chúng tôi đang rất lo lắng ” – ông Hạnh buồn rũ rượi.

Đồng tình với quan điểm của ông Hạnh, ông Đinh Minh Tiến, Trưởng thôn 9, xã Triệu Vân cho rằng, việc xây dựng đê ngăn mặn cần nghiên cứu để đầu tư đồng bộ. Nếu không đồng bộ, nước bị chặn ở chỗ này sẽ bị dồn sang chỗ khác và kết quả là cánh đồng đội 3, 4 bị xâm nhập mặn nặng hơn. Khi đó, nước có thể theo cánh đồng đội 3, 4 xâm nhập sâu hơn vào các cánh đồng khác và tiến sát khu dân cư.

Empty

Người dân sử dụng bao tải đất để ngăn mặn nhưng không ngăn được xâm nhập mặn. Ảnh: Tâm Phùng.

Theo thống kê của UBND xã Triệu Vân, khi chưa có đê ngăn mặn, vào thời điểm đầu tháng 4, toàn xã Triệu Vân có khoảng 100ha lúa xuân bị xâm nhập mặn. Còn tại thời điểm này, toàn xã hiện có 40ha xâm nhập mặn. Rõ ràng, đê ngăn mặn đã mang lại hiệu quả thiết thực cho một phần đất sản xuất nông nghiệp của xã Triệu Vân. Tuy nhiên, nó vô tình khiến diện tích ngập mặn còn lại trở nên nặng nề hơn.

“Dù biết ngân sách Nhà nước đầu tư là hữu hạn nhưng chúng tôi cũng kiến nghị đầu tư tiếp hệ thống đê ngăn mặn bao quanh các cánh đồng sản xuất để đồng bộ hơn, ngăn mặn hiệu quả hơn. Người dân không lấy đâu ra kinh phí để xây dựng đê ngăn mặn. Khi thủy triều lên cao, người dân dùng bao tải đất ngăn mặn nhưng nhiều thời điểm thủy triều vượt qua hoặc xô đổ trước sự bất lực của chính quyền và người dân. Hiện nay, tình trạng xâm nhập mặn thu hẹp diện tích nhưng có thể mức độ sẽ nặng nề hơn. Đó là điều chúng tôi rất lo lắng”, ông Nguyễn Văn Lâm, Chủ tịch UBND xã Triệu Vân phân tích.

Đê chống xâm nhập mặn có dấu hiệu xuống cấp

“Được bàn giao, đưa vào sử dụng vào đầu năm 2022 nhưng kè ngăn mặn tại xã Triệu Vân đã có một đoạn sụt lún; cửa đóng mở bị lệch, khó vận hành. Trước thực trạng này, UBND xã Triệu Vân đã đề nghị cơ quan chức năng về kiểm tra tình hình. Hiện đê đang trong thời gian bảo hành nên đơn vị thi công sẽ về sửa chữa trong nay mai”, ông Nguyễn Văn Lâm, Chủ tịch UBND xã Triệu Vân.

Xem thêm
Trưởng ban Nội chính Trung ương làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre

Bến Tre Đến nay, có 8/17 chỉ tiêu đạt trên 80% so với mục tiêu Nghị quyết, tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 4,97%, thu nhập bình quân đầu người đạt 56,8 triệu người/năm.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Giá vé máy bay Tết Ất Tỵ tăng trung bình 20%

Cục Hàng không Việt Nam ghi nhận giá vé máy bay dịp Tết Ất Tỵ tăng trung bình 20%, vé phổ thông chặng TP.HCM - Hà Nội khoảng 2,9 triệu đồng.

Về xứ Tuyên ở nhà trên núi

Nông thôn xứ Tuyên đang dần tìm lại bóng dáng làng xưa với niềm tự hào kiêu hãnh, cũng bởi lẽ đó nhiều khách phương xa muốn tìm về!