| Hotline: 0983.970.780

Công trình thuỷ lợi bị xâm hại: Cần giải pháp đồng bộ

Thứ Sáu 29/07/2022 , 06:12 (GMT+7)

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận tình trạng lấn chiếm hàng lang bảo vệ an toàn công trình thủy lợi vẫn thường xuyên xảy ra và có xu hướng ngày càng gia tăng.

Việc này đã gây rất nhiều khó khăn cho cho đơn vị quản lý công trình thuỷ lợi điều tiết nước, quản lý, khai thác các công trình thủy lợi, gây mất an toàn công trình... Báo Nông nghiệp Việt Nam đã trao đổi với ông Nguyễn Công Xưng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Khai thác công trình Thủy Lợi Ninh Thuận (Công ty Thuỷ nông).

Ông Nguyễn Công Xưng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Thuỷ nông Ninh Thuận. Ảnh: Mai Phương.

Ông Nguyễn Công Xưng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Thuỷ nông Ninh Thuận. Ảnh: Mai Phương.

Ông Nguyễn Công Xưng cho biết, hiện nay Công ty Thuỷ nông Ninh Thuậnđang quản lý, vận hành khai thác 21 hồ chứa với tổng dung tích thiết kế 194,49 triệu m3; 4 hệ thống đập dâng lấy nước trên sông Ông, sông Cái, Sông Lu và một số đập thời vụ với tổng chiều dài kênh mương quản lý khoảng 967,79km, phục vụ cấp nước tưới tiêu cho khoảng hơn 73.000ha diện tích sản xuất nông nghiệp. Cấp nước cho sinh hoạt, chăn nuôi, dịch vụ và các ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh với tổng sản lượng mỗi năm khoảng trên 22 triệu m3 nước. Qua công tác kiểm tra, theo dõi hàng ngày các công trình do Công ty quản lý đều hoạt động bình thường, an toàn trong quá trình quản lý vận hành.

Thưa ông, những năm qua, tại nhiều địa phương đã xảy ra nhiều vụ xâm phạm đến hành lang an toàn công trình thuỷ lợi. Tại Ninh Thuận tình trạng này ra sao?

Cũng như các địa phương khác, tại Ninh Thuận, tình trạng lấn chiếm hàng lang bảo vệ an toàn công trình thủy lợi của một số người dân vẫn thường xuyên xảy ra và có xu hướng ngày càng gia tăng trong những năm gần đây. Qua kiểm tra, rà soát phạm vi bảo vệ các công trình thủy lợi do Công ty quản lý, trong năm 2021 chúng tôi đã phát hiện trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra 98 vụ vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi. Riêng trong 4 tháng đầu năm 2022 đã có 69 vụ vi phạm bảo vệ kênh mương công trình thủy lợi.

Các loại hành vi vi phạm phổ biến các công trình thuỷ lợi đó là, xây dựng công trình trên kênh và lấn chiếm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi như lấn chiếm kênh xây hàng rào, sân, nhà tạm, trồng cây, làm cầu qua kênh; gác đan kích thước lớn qua kênh; trồng trụ điện, trồng cây trong phạm vi hành lang kênh, tự ý đấu nối lấy nước từ kênh, chạy xe quá tải qua công trình.

Tình trạng người dân lấn chiếm hành lang bảo vệ kênh mương ở Ninh Thuận ngày càng phức tạp. Ảnh: Minh Hậu.

Tình trạng người dân lấn chiếm hành lang bảo vệ kênh mương ở Ninh Thuận ngày càng phức tạp. Ảnh: Minh Hậu.

Đặc biệt, từ khi hệ thống kênh ống thuộc công trình thủy lợi Tân Mỹ được đưa vào vận hành khai thác từ đầu năm 2020 cho đến nay, chúng tôi đã phát hiện rất nhiều vụ vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi xảy ra trên địa bàn hai huyện Ninh Sơn và Bác Ái. Do đặc điểm các kênh dẫn nước có kết cấu bằng đường ống chôn ngầm dưới mặt đất nên người dân sản xuất, sinh sống dọc theo các tuyến kênh đã lấn chiếm phạm vi bảo vệ kênh để sản xuất ngay trên đường ống, một số khác đã xây dựng nhà, cổng, hàng rào trong phạm vi bảo vệ kênh.

Các hành vi vi phạm bảo vệ công trình kênh mương đã gây rất nhiều khó khăn cho Công ty trong công tác điều tiết nước, trong việc quản lý, khai thác các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh; nhiều công trình bị hư hỏng cần phải tu sửa, nâng cấp ngay nhưng vướng mặt bằng nên chậm được thực hiện. Đồng thời giảm khả năng cấp, thoát nước của công trình do bị lấn chiếm kênh mương làm thu hẹp dòng chảy, gây mất an toàn công trình.

Trước thực trạng này, công tác thanh kiểm tra được tiến hành ra sao? Việc kiểm tra, xử lý gặp khó khăn gì, thưa ông?

Trước việc tình trạng vi phạm các công trình thuỷ lợi ngày càng phức tạp, chúng tôi thường xuyên chỉ các bộ thuộc tập trung chỉ đạo người lao động thường xuyên kiểm tra công trình, nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi, vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi. Mặc dù, Công ty là đơn vị quản lý trực tiếp các công trình thủy lợi do UBND tỉnh giao nhưng lại không có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi.

Hiện nay, chúng tôi chỉ tập trung kiểm tra, kịp thời phát hiện vi phạm, nhắc nhở, lập biên bản vi phạm, yêu cầu đối tượng vi phạm khắc phục, hoàn trả hiện trạng công trình và thông báo tình hình đến địa phương, phối hợp cùng địa phương trong công tác xử lý vi phạm.

Việc xử lý vi phạm hành lang bảo vệ công trình thuỷ lợi đang gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Mai Phương.

Việc xử lý vi phạm hành lang bảo vệ công trình thuỷ lợi đang gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Mai Phương.

Về khó khăn trong kiểm tra, xử lý, đó là các công trình thủy lợi chủ yếu do Công ty quản lý, khai thác và bảo vệ nhưng các công trình này nằm trên địa bàn rộng lớn, trải dài trên các địa bàn các huyện, thành phố. Tuy nhiên các hành vi vi phạm trong lĩnh vực thủy lợi theo quy định tại Nghị định 03/2022/NĐ-CP ngày 6/01/2022  của Chính phủ vẫn chưa xác định rõ cấp nào chịu trách nhiệm chính trong công tác xử lý vi phạm, việc này đã gây lúng túng nhiều trong công tác xử lý vi phạm hành vi lấn chiếm hàng lang bảo vệ an toàn công trình thủy lợi.

Cùng với đó là việc nhận thức trách nhiệm bảo vệ công trình thủy lợi của một bộ phận người dân ở một số địa phương còn hạn chế. Sự phối hợp giữa các tổ chức khai thác công trình thủy lợi với chính quyền cấp huyện, cấp xã thiếu chặt chẽ. Nhiều địa phương chưa thật sự quan tâm, quyết liệt chỉ đạo các biện pháp ngăn chặn, xử lý giải tỏa vi phạm dẫn đến vụ việc vi phạm, tái vi phạm vẫn tồn đọng, phát sinh trên địa bàn. Ngoài ra, công tác cắm mốc chỉ giới vi phạm bảo vệ công trình thủy lợi chưa được thực hiện đầy đủ theo quy định vì thiếu kinh phí.

Hiện nay một số công trình thủy lợi do chúng tôi quản lý đã có từ lâu đời như các tuyến kênh đất, tuyến kênh tiêu....không có hồ sơ thu hồi, đền bù, không xác định rõ phạm vi công trình kênh mương nên gặp rất nhiều khó khăn trong công tác phối hợp xử lý vi phạm lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình. Do đó, đến nay vẫn còn rất nhiều vụ vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi còn tồn đọng, chưa được xử lý dứt điểm và ngày càng có nhiều vụ vi phạm mới phát sinh.

Vậy để xử lý dứt điểm tình trạng vi phạm các công trình thuỷ lợi, theo ông phải có những biện pháp gì?

Đề xử lý dứt điểm tình trạng vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi nêu trên, theo tôi cần nhiều giải pháp đồng bộ. Hiện Công ty đã kiến nghị UBND tỉnh xem xét, có ý kiến chỉ đạo Sở NN-PTNT chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố, địa phương liên quan, và lực lượng chức năng phối hợp với Công ty thuỷ nông Ninh Thuận triển khai thực hiện một số nội dung sau:

Thứ nhất, Sở NN-PTNT sớm ban hành hướng dẫn trình tự, thủ tục về quy trình kiểm tra, phối hợp xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thủy lợi trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Đồng thời thường xuyên kiểm tra, phối hợp với chính quyền địa phương xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi theo quy định của pháp luật. Đồng thời chủ trì tổ chức các hội nghị, đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông phổ biến các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi phải được UBND tỉnh cấp phép và thủ tục cấp phép các hoạt động đó được quy định cụ thể tại Luật Thủy lợi và Nghị định 67/2018/NĐ-CP ngày 14/5/2018 của Chính Phủ về Quy định chi tiết một số điều Luật Thủy lợi; Nghị định 03/2022/NĐ-CP ngày 6/01/2022 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai, thủy lợi.

Để xử lý vi phạm các công trình thuỷ lợi cần cả hệ thống chính trị vào cuộc. Ảnh: Minh Hậu.

Để xử lý vi phạm các công trình thuỷ lợi cần cả hệ thống chính trị vào cuộc. Ảnh: Minh Hậu.

Thứ hai, Sở NN-PTNT sớm tham mưu UBND tỉnh Quyết định ban hành Quy chế phối hợp trong công tác phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật về thủy lợi, đê điều trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Nghị định 03/2022/NĐ-CP ngày 6/01/2022 của Chính phủ. Trong quy định phải phân định rõ trách nhiệm của các tổ chức thủy lợi, cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền các cấp trong quản lý, ngăn ngừa, xử lý vi phạm pháp luật về thủy lợi để tránh đùn đẩy trách nhiệm và góp phần bảo đảm an toàn cho các công trình thủy lợi.

Thứ ba, đề nghị UBND các huyện, thành phố thường xuyên tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến các quy định của pháp luật về thủy lợi, kiên quyết chỉ đạo xử lý dứt điểm các vi phạm công trình thủy lợi và xả nước thải, chất thải trái phép vào công trình thủy lợi. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm của các cấp chính quyền cơ sở trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm ngày từ khi mới phát sinh, tránh đùn đẩy trách nhiệm, góp phần bảo đảm an toàn cho các công trình thủy lợi.

Thứ tư, Công ty chịu trách nhiệm phân công cán bộ, công nhân, người lao động thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra, ngăn ngừa không để phát sinh vi phạm công trình thủy lợi trên địa bàn do Công ty quản lý. Cùng với đó, yêu cầu các tổ chức, cá nhân có hành vi lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi khẩn trương khôi phục lại nguyên trạng và bàn giao lại cho đơn vị quản lý sử dụng, đồng thời có chế tài xử lý với các trường hợp vi phạm nêu trên. Xử lý dứt điểm các nội dung còn tồn tại trong công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của các dự án trước khi bàn giao cho đơn vị quản lý sử dụng...

Xem thêm
Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Tình nguyện hiến đất làm kè chống sạt lở bờ sông

Hà Tĩnh Hơn 30 hộ dân ở huyện Hương Khê đã tình nguyện hiến hàng nghìn m2 đất làm dự án kè chống sạt lở bờ sông Ngàn Sâu, góp phần phòng chống thiên tai hiệu quả.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.